Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácVD1: Trong bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu (Ngữ văn 8, tập một) có câu:
"Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế".
❔ Cho biết từ "kinh tế" trong bài thơ này có nghĩa gì?
❔ Ngày nay chúng ta có hiểu từ này theo ý nghĩa như Phan Bội Châu đã dùng hay không? Qua đó em rút ra nhận xét gì về nghĩa của từ?
Trả lời:
- Từ "kinh tế" trong bài thơ là một hình thức nói tắt của kinh bang tế thế, có nghĩa là trị nước cứu đời (có cách nói khác là kinh thế tế dân, nghĩa là trị đời cứu dân). Cả câu thơ ý nói tác giả ôm ấp hoài bão trong coi việc nước, cứu giúp người đời.
- Ngày nay ta không còn dùng từ kinh tế theo nghĩa như vậy mà theo nghĩa: toàn bộ hoạt động của con người trong lao động sản xuất, trao đổi, phân phối và sử dụng của cải, vật chất làm ra. Qua đó ta nhận thấy, nghĩa của từ không phải bất biến. Nó có thể thay đổi theo thời gian. Có những nghĩa cũ bị mất đi và có những nghĩa mới được hình thành.
VD2: Đọc kĩ các câu sau (trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du), chú ý những từ in đậm:
a) - Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
- Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
b) - Được lời như cởi tấm lòng,
Giả kim thoa với khăn hồng trao tay.
- Cũng nhà hành viện xưa nay,
Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người.
❔ Tra từ điển tiếng Việt để biết nghĩa của từ xuân, từ tay trong các câu trên và cho biết nghĩa nào là nghĩa gốc, nghĩa nào là nghĩa chuyển.
❔Trong trường hợp nghĩa chuyển thì nghĩa chuyển đó được hình thành theo phương thức chuyển nghĩa nào?
Trả lời:
- Xuân thứ (nhất): mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, thời tiết ấm dần lên, thường được coi là mở đầu của năm (nghĩa gốc). Xuân (thứ hai): thuộc về tuổi trẻ (nghĩa chuyển).
-Tay (thứ nhất): bộ phận phía trên của cơ thể, từ vai đến các ngón, dùng để cầm, nắm (nghĩa gốc). Tay (thứ hai): người chuyên hoạt động hay giỏi về một môn, một nghề nào đó (nghĩa chuyển).
- Xuân chuyển theo phương thức ẩn dụ. Tay chuyển theo phương thức hoán dụ (Trong trường hợp này là lấy tên bộ phận để chỉ toàn thể).
1. Cùng với sự phát triển của xã hội, từ vựng của ngôn ngữ cũng không ngừng phát triển. Một trong những cách phát triển từ vựng tiếng Việt là phát triển nghĩa của từ ngữ trên cơ sở nghĩa gốc của chúng.
2. Có hai phương thức chủ yếu phát triển nghĩa của từ ngữ: phương thức ẩn dụ và phương thức hoán dụ.
Bài tập 1: Từ điển tiếng Việt (Sđd) định nghãi từ trà như sau:
Trà: búp hoặc lá cây chè đã sao, đã chế biến, để pha nước uống. Pha trà. Ấm trà ngon. Hết tuần trà.
Dựa vào định nghĩa trên, hãy nêu nhận xét về nghĩa của từ trà trong những cách dùng như: trà a-ti-sô, trà hà thủ ô, trà sâm, trà linh chi, trà tâm sen, trà khổ qua (mướp đắng).
Trả lời:
Trong những cách dùng trà a-ti-sô, trà hà thủ ô, trà sâm, trà linh chi, trà tâm sen, trà khổ qua (mướp đắng), từ trà được dùng với nghĩa chuyển, chứ không phải với nghĩa gốc như được giải thích ở trên. Trà trong những cách dùng này có nghĩa là sản phẩm từ thực vật, được chế biến thành dạng khô, dùng để pha nước uống. Ở đây từ trà chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.
Bài tập 2: Đọc hai câu thơ sau.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trên lăng rất đỏ.
(Viễn Phương, Viếng lăng Bác)
❔ Từ mặt trời trong câu thơ thứ hai được sử dụng theo phép tu từ từ vựng nào?
❔ Có thể coi đây là hiện tượng một nghĩa gốc của từ phát triển thành nhiều nghĩa được không? Vì sao?
Trả lời:
- Từ mặt trời trong câu thơ thứ hai được sử dụng theo phép ẩn dụ tu từ. Tác giả gọi Bác Hồ là mặt trời dựa trên mối quan hệ tương đồng giữa hai đối tượng được hình thành theo cảm nhận của nhà thơ.
- Đây không phải là hiện tượng phát triển nghĩa của từ, bởi vì sự chuyển nghĩa của từ mặt trời trong câu thơ chỉ có tính chất lâm thời, nó không làm cho từ có thêm nghĩa mới và không thể đưa vào để giải thích trong từ điển.