Môn học
Chủ đề / Chương
Bài học
Chủ đề
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácThơ thuộc loại tác phẩm trữ tình, thiên về diễn tả tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Thơ có hình thức cấu tạo đặc biệt. Thơ cách luật có quy tắc nhất định về số câu, số chữ, gieo vần,... Thơ tự do không có quy tắc nhất định về số câu, số chữ, gieo vần,... như thơ cách luật. Bài thơ tự do có thể liền mạch hoặc chia thành các khổ thơ. Số dòng trong một khổ thơ và số chữ trong một dòng cũng không theo quy tắc.
Yếu tố miêu tả và tự sự trong thơ làm cho bài thơ thêm gợi tả, hấp dẫn. Yếu tố miêu tả góp phần làm rõ đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng. Yếu tố tự sự được dùng để thuật lại sự việc, câu chuyện khi cần. Cả hai yếu tố đều làm cho việc thể hiện tình cảm, cảm xúc trong thơ thêm sâu sắc, độc đáo.
Ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu nhạc điệu, hình ảnh, thể hiện những rung động, suy tư của người viết. Vì vậy, tìm hiểu một bài thơ cũng chính là khám phá những tình cảm, cảm xúc mà tác giả gửi gắm qua ngôn ngữ thơ.
Từ đa nghĩa và từ đồng âm
Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện trước, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác. Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
Ví dụ từ "đi" trong hai ví dụ sau là từ đa nghĩa:
- Hai cha con bước đi trên cát.
"Đi" là nghĩa gốc chỉ hành động của người hay động vật tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân.
- Xe đi chậm rì.
"Đi" là nghĩa chuyển chỉ hoạt động di chuyển của phương tiện vận tải trên một bề mặt.
Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác nhau, không liên quan gì với nhau.
Ví dụ từ "tiếng" trong hai ví dụ sau là từ đồng âm khác nghĩa:
- Lời của con hay tiếng sóng thầm thì.
"Tiếng" là từ chỉ âm thanh phát ra từ một sự vật, đối tượng.
- Một tiếng nữa con sẽ về đến nhà.
"Tiếng" là từ chỉ thời gian một giờ đồng hồ.
Từ đồng âm đôi khi được sử dụng để tạo ra những cách nói độc đáo.
Ví dụ: Con ngựa đá con ngựa đá.