Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác- Thể loại: Truyện cổ tích.
- Tóm tắt:
+ Sự mang thai và ra đời kì lạ của Sọ Dừa.
+ Sọ Dừa kết duyên cùng cô út nhà phú ông.
+ Sọ Dừa dặn dò vợ trước khi đi xa.
+ Vợ của Sọ Dừa gặp biến cố.
+ Vợ chồng Sọ Dừa trở về và sống hạnh phúc.
- Bố cục: 3 phần.
+ Phần 1 (Từ đầu đến đặt tên cho nó là Sọ Dừa): Sự ra đời kì lạ của Sọ Dừa.
+ Phần 2 (Tiếp đến phòng khi dùng đến): Sọ Dừa cưới cô út, trở về hình dáng tuấn tú và thi đỗ trạng nguyên.
+ Phần 3 (Còn lại): Biến cố bị hãm hại và sự đoàn tụ vợ chồng.
1. Nhân vật Sọ Dừa
a) Sự ra đời kì lạ
- Hai vợ chồng nghèo ngoài 50 tuổi vẫn chưa có con.
- Người vợ uống nước trong sọ dừa và mang thai.
- Sinh ra đứa bé không tay chân, tròn như quả dừa, "cứ lăn lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì". → Tên nhân vật gắn với sự dị hình, dị dạng ấy.
➩ Dụng ý của nhân dân:
+ Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật mang lốt xấu xí.
+ Quan tâm đến loại người đau khổ nhất, số phận thấp hèn, gợi sự thương cảm với nhân vật.
+ Mở ra tình huống khác thường để cốt truyện tiếp tục phát triển.
b) Tài năng của Sọ Dừa
- Chăn bò giỏi "Ngày nắng cũng như... no căng.".
- Tài thổi sáo.
- Tự biết khả năng của mình "gì chứ chăn bò thì con chăn được", "giục mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ".
- Kiếm đủ sính lễ theo yêu cầu của phú ông.
- Thông minh khác thường, đỗ trạng nguyên.
- Tài dự đoán, lo xa chính xác: "khi chia tay quan trạng... phòng khi dùng đến.".
➩ Sự đối lập giữa hình dáng xấu xí và tài năng phi thường.
+ Sự khẳng định, đề cao giá trị chân chính của con người.
+ Thể hiện ước mơ về sự đổi đời của nhân dân lao động.
2. Nhân vật cô Út
- Cô Út hiền lành, thương người ngay cả khi chưa biết gì về Sọ Dừa. Cô đối xử tử tế với chàng, có lòng nhân hậu, thông minh, giàu nghị lực.
- Cô Út nhận biết được vẻ đẹp tâm hồn của Sọ Dừa mà đồng ý lấy chàng.
→ Cô có được phần thưởng xứng đáng: Trở thành bà Trạng.
- Cô Út khi gặp nạn:
+ Bị hai chị ghen ghét đẩy xuống biển. Một con cá kình nuốt chửng cô vào bụng.
+ Nhờ có con dao, cô em đâm chết cá, rồi dạt vào một bờ biển. Cô lấy dao khoét bụng cá chui ra, lấy hai hòn đá cọ mạnh vào nhau, bật lửa lên, rồi xẻo thịt cá nướng ăn sống qua ngày, chờ có thuyền đi qua thì gọi vào cứu. → Hai vợ chồng gặp lại nhau.
- Sự đối lập giữa cô Út và cha cũng như hai cô chị:
+ Phú ông: giàu, tham nhưng không ác.
+ Hai cô chị: ích kỉ, độc ác, trơ trẽn, tham lam, thích giàu sang,... → Bị trừng trị: xấu hổ bỏ đi biệt xứ.
3. Ý nghĩa của câu chuyện
- Đề cao giá trị đích thực, vẻ đẹp bên trong con người.
- Đề cao lòng nhân ái đối với người bất hạnh.
- Khẳng định sức sống mạnh mẽ, tinh thần lạc quan của nhân dân lao động.
- Thể hiện ước mơ của người lao động: ước mơ đổi đời và ước mơ công bằng.
1. Nội dung
Sọ Dừa đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với người bất hạnh.
2. Nghệ thuật
Truyện cổ tích về người mang lốt vật với những chi tiết hoang đường, kì ảo.
1. Truyện cổ tích thường kể về nhân vật bất hạnh (người mồ côi, người mang lốt vật...), nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh. Theo em, Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật nào?
Truyên cổ tích Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật bất hạnh - người có hình dạng xấu xí.
2. Sắp xếp lại các sự việc theo đúng trình từ xảy ra trong truyện:
a) Bà mẹ đi hái cửi, uống nước trong sọ dừa rồi có mang, sinh ra Sọ Dừa dị hình dị dạng.
b) Sọ Dừa chăm lo học hành, đỗ trạng và đi sứ.
c) Sọ Dừa đi sứ về, hết sức vui mừng khi gặp lại vợ trên đảo.
d) Ở nhà phú ông, Sọ Dừa gặp được cô út và kết hôn với cô, trút bỏ lốt xấu xí.
đ) Hai người chị hại em, đẩy vợ Sọ Dừa xuống biển.
e) Nhờ làm theo lời dặn của chồng, người vợ thoát nạn và sống trên đảo hoang.
g) Hai người chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ.
h) Sọ Dừa xin đi chăn bò ở nhà phú ông để phụ giúp mẹ già.
Đáp án: a - h - d - b - đ - e - c - g.
3. Phẩm chất của nhân vật trong truyện cổ tích thường được bộc lộ qua chuỗi hành động xuyên suốt tác phẩm. Điều này được thể hiện như thế nào qua nhân vật Sọ Dừa?
Phẩm chất của nhân vật Sọ Dừa được bộc lộ qua chuỗi hành động xuyên suốt tác phẩm, Sọ Dừa rất tài giỏi, thông minh được thể hiện qua các chi tiết:
- Chàng chăn bò rất giỏi: ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng.
- Tài thổi sáo rất hay (tiếng sáo véo von).
- Giục mẹ hỏi con gái phú ông làm vợ và sắm đủ lễ vật theo yêu cầu của phú ông (một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm).
- Đỗ trạng nguyên (Sọ Dừa tỏ ra thông minh khác thường, ngày đêm miẹt mài đèn sách và đỗ trạng nguyên).
- Sọ Dừa có tài dự đoán, lo xa mọi chuyên (khi chia tay vợ, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn dắt theo người phòng khi dùng đến).
4. Hãy chỉ ra các yếu tố kì ảo được sử dụng trong truyện Sọ Dừa. theo em, các yếu tố kì ảo trong truyện này có vai trò gì?
- Các yếu tố kì ảo được sử dụng trong truyện Sọ Dừa:
+ Sự ra đời của Sọ Dừa: bà mẹ uống nước từ cái sọ dừa bên gốc cây to và có mang, sinh ra Sọ Dừa không có tay chân, tròn như quả dừa.
+ Chàng đi chăn bò cho phú ông, không có chân tay nhưng chăn bò rất giỏi.
Chàng đi chăn bò cho phú ông, không có chân tay nhưng chăn bò rất giỏi.
+ Sọ Dừa biến thành chàng trai khôi ngô, thổi sáo chăn bò, có tiếng động chàng trai biến mất, chỉ còn lại Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy.
+ Vợ Sọ Dừa bị hai cô chị hại đẩy xuống biển, cô lấy dao đâm chết cá và mổ bụng chui ra.
- Vai trò của các yếu tố thần kì:
+ Giúp thể hiện bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa ẩn trong vẻ xấu xí bên ngoài, giúp cho cuộc đời của Sọ Dừa tiên lên một trang mới: chăn bò rất giỏi, gặp được con gái phú ông và cưới làm vợ.
+ Thể hiện được ước mơ của nhân dân về những người hiền lành, lương thiện sẽ gặp được những điều tốt đẹp trong cuộc sống (bố mẹ của Sọ Dừa hiếm muộn nhưng hiền lành, chịu khó đã được có con; Sọ Dừa dù hình dạng xấu xí nhưng lấy được người vợ hiền lành, nhân hậu; vợ Sọ Dừa đã thoát khỏi hoạn nạn).
+ Giúp cho truyện trở nên hấp dẫn, gây hứng thú với người đọc.
5. Xác định đề tài của truyện.
Đề tài của truyện: Đề cao giá trị đích thực, vẻ đẹp bên trong của con người. Khẳng định giá trị đích thực của con người là các phẩm chất tinh thần bên trong.
6. Cho biết chủ đề của truyện.
Chủ đề của truyện: Truyện thể hiện ước mơ, nguyện vọng của nhân dân về sự đổi đời cho người thiệt thòi đau khổ, mơ ước cho sự công bằng xã hội. Người tài giỏi đức độ phải được sống hạnh phúc, còn kẻ ác tham lam sẽ bị trừng trị thích đáng.
7. Qua truyện Sọ Dừa, em học gì về cách nhìn nhận, đánh giá con người?
Qua truyện Sọ Dừa, em học được bài học đó là không nên nhìn nhận, đánh giá con người chỉ qua vẻ bề ngoài mà cần coi trọng phẩm chất, tính cách, vẻ đẹp bên trong tâm hồn của họ.