Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácĐề bài : Cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong bài ca dao Khăn thương nhớ ai
Bài làm
Ca dao, dân ca Việt Nam là nơi gửi gắm những khát vọng, ước nguyện của người nông dân, người phụ nữ…Với lời ca da diết, nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm. Bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” là một trong những bài ca nói về tâm sự thầm kín và khát vọng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trong xã hội phong kiến, phụ nữ luôn là tầng lớp thấp cổ bé họng, kêu không ai nghe, than không ai thấu. Bởi vậy họ gửi tâm sự, nỗng lòng nặng nề qua từng lời ca như xé ruột:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Trong xã hội phong kiến, khi tình yêu trai gái chưa “mạnh bạo”, còn e dè thì hình ảnh “chiếc khăn tay’ được xem là vật định tình, trao duyên thiêng liêng, được gìn giữ và nâng niu. Chiếc khăn tay đó gửi gắm biết bao nhiêu yêu thương, bao nỗi nhớ trằn trọc mà không dám bày tỏ. Với một loạt hình ảnh “khăn rơi”,’”khăn thương”,”khăn vắt”, ‘khăn chùi” được điệp đi điệp lại ở mỗi dòng lại khiến cho người đọc nghèn nghẹn vì tâm tình của cô gái trẻ không biết giãi bày cùng ai.
Có lẽ người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi thương, khi yêu cũng chỉ biết lặng lẽ một mình và ôm thương nhớ tự trăn trở với bản thân mình như thế. Khi đã quá nhớ, quá thương chỉ biết mượn nước mắt để làm vơi nỗi sầu.
Hình ảnh chiếc đèn dầu cũng được nhắc đến:
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
“Đèn” là hình ảnh dùng để thắp sáng những lúc đêm đã về khuya. Nó cứ gợi lên hình ảnh một người phụ nữ ngồi cạnh chiếc bàn, có thắp đèn và đợi chờ điều gì đó. Đợi chờ một người con trai, chờ người tình hay chờ người chồng mà nỗi lo cứ dai dẳng. Người phụ nữ đã mượn “khăn”, mượn ‘đèn’ để làm vơi nỗi nhớ nhưng dường như nỗi nhớ cứ chồng chất:
Mắt thương nhớ ai
Mắt không ngủ yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề
Điều còn đọng lại trong tim người phụ nữ chính là nỗi lo không yên, lo muôn chuyện, lo cho những gì dở dang, lo cho tương lai. Từ “bề” ở câu cuối cùng chính là bề gia thất, điều mà phụ nữ trong thời phong kiến ai cũng khát khao có được.
Với lời ca dung dị, mộc mạc, chân thành mà sâu sắc, đã lột tả được nỗi niềm của người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến. Hình ảnh đó khiến người đọc thương cảm và xót xa.