Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácLăng kính là một khối chất trong suốt có ba mặt bên hình chữ nhật, hai mặt đáy hình tam giác thường được mài mờ.
Ba cạnh song song nhau của các mặt bên được gọi là ba cạnh của lăng kính.
Thí nghiệm 1: Đặt lăng kính sao cho các cạnh của nó song song với một khe sáng trắng. Đặt mắt sau lăng kính và quan sát ánh sáng sau khi đi qua lăng kính.
Ánh sáng trắng sau khi đi qua lăng kính đã được phân tích thành các chùm sáng màu khác nhau nằm sát cạnh nhau, tạo thành một dải màu biến thiên liên tục từ đỏ đến tím.
Thí nghiệm 2: Chắn trước khe sáng một tấm lọc màu xanh, rồi màu đỏ,...và quan sát.
Ánh sáng có một màu khi đi qua lăng kính thì vẫn giữ nguyên màu đó.
- Khi chiếu một chùm sáng trắng hẹp đi qua một lăng kính thì ta sẽ thu được nhiều chùm sáng màu khác nhau nằm sát cạnh nhau, tạo thành một dải màu biến thiên liên tục từ đỏ đến tím như màu cầu vồng.
- Lăng kính có tác dụng tách riêng các chùm sáng màu có sẵn trong chùm sáng trắng cho mỗi chùm đi theo một phương khác nhau.
Thí nghiệm 3: Quan sát mặt ghi của một đĩa CD dưới ánh sáng Mặt Trời.
Chùm sáng trắng đến mặt đĩa CD phản xạ thành nhiều chùm sáng đơn sắc có màu khác nhau đi theo các phương khác nhau. Tùy theo góc nhìn của mắt đến đĩa, ta thấy mỗi vị trí trên đĩa có màu sắc khác nhau.
Ánh sáng trắng trên mặt đĩa CD đã bị phân tích thành các ánh sáng đơn sắc có màu khác nhau.
Tương tự khi ta nhìn vào các váng dầu trên mặt nước bên đường, dưới ánh nắng Mặt Trời, ta cũng thấy có nhiều màu sắc khác nhau.
Kết luận:
- Có thể phân tích một chùm sáng trắng thành những chùm sáng màu khác nhau bằng cách cho chùm sáng trắng đi qua một lăng kính hoặc phản xạ trên mặt ghi của một đĩa CD.
- Trong chùm sáng trắng có chứa nhiều chùm sáng màu khác nhau.
Nguyễn Trần Vân Anh đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (12 tháng 1 2022 lúc 20:28) | 0 lượt thích |