Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácCho hàm số \(y=f\left(x\right)\) xác định trên khoảng \(\left(a;b\right)\) và \(x_0\in\left(a;b\right)\). Nếu tồn tại giới hạn (hữu hạn)
\(\lim\limits_{x\rightarrow x_0}\dfrac{f\left(x\right)-f\left(x_0\right)}{x-x_0}\)
thì giới hạn đó được gọi là đạo hàm của hàm số \(y=f\left(x\right)\) tại điểm \(x_0\) và kí hiệu là \(f'\left(x_0\right)\) (hoặc \(y'\left(x_0\right)\)) tức là
\(f'\left(x_0\right)=\lim\limits_{x\rightarrow x_0}\dfrac{f\left(x\right)-f\left(x_0\right)}{x-x_0}\) .
Chú ý: +) Đại lượng \(\Delta x=x-x_0\) được gọi là số gia của đối số tại \(x_0\) ;
+) Đại lượng \(\Delta y=f\left(x\right)-f\left(x_0\right)=f\left(x_0+\Delta x\right)-f\left(x_0\right)\) được gọi là số gia tương ứng của hàm số. Như vậy \(y'\left(x_0\right)=\lim\limits_{\Delta x\rightarrow0}\dfrac{\Delta y}{\Delta x}\).
Để tính đạo hàm của hàm số \(y=f\left(x\right)\) tại điểm \(x_0\) bằng định nghĩa, ta có quy tắc sau:
Bước 1: Giả sử \(\Delta x\) là số gia của đối số tại \(x_0\) , tính
\(\Delta y=f\left(x_0+\Delta x\right)-f\left(x_0\right)\)
Bước 2: Lập tỉ số \(\dfrac{\Delta y}{\Delta x}\)
Bước 3: Tìm \(\lim\limits_{\Delta x\rightarrow0}\dfrac{\Delta y}{\Delta x}\).
Ví dụ 1: Tính đạo hàm của hàm số \(f\left(x\right)=\dfrac{1}{x}\) tại điểm \(x_0=2\).
Giải:
Giả sử \(\Delta x\) là số gia của đối số tại \(x_0=2\). Ta có
\(\Delta y=f\left(2+\Delta x\right)-f\left(2\right)=\dfrac{1}{2+\Delta x}-\dfrac{1}{2}=-\dfrac{\Delta x}{2\left(2+\Delta x\right)}\)
\(\dfrac{\Delta y}{\Delta x}=-\dfrac{1}{2\left(2+\Delta x\right)}\)
\(\lim\limits_{\Delta x\rightarrow0}\dfrac{\Delta y}{\Delta x}=\lim\limits_{\Delta x\rightarrow0}\dfrac{-1}{2\left(2+\Delta x\right)}=-\dfrac{1}{4}\)
Vậy \(f'\left(2\right)=-\dfrac{1}{4}\).
Định lí 1:
Nếu hàm số \(y=f\left(x\right)\) có đạo hàm tại \(x_0\) thì nó liên tục tại điểm đó.
Chú ý:
a) Định lí trên tương đương với khẳng định:
Nếu hàm số \(y=f\left(x\right)\) gián đoạn tại \(x_0\) thì nó không có đạo hàm tại điểm đó.
b) Mệnh đề đảo của Định lí 1 không đúng.
Một hàm số liên tục tại một điểm có thể không có đạo hàm tại điểm đó.
Chẳng hạn: Hàm số \(y=f\left(x\right)=\left\{{}\begin{matrix}-x^2\left(x\ge0\right)\\x\left(x< 0\right)\end{matrix}\right.\) liên tục tại \(x=0\) nhưng không có đạo hàm tại đó. Ta nhận xét rằng đồ thị của hàm số này là một đường liền, nhưng bị "gãy" tại điểm \(O\left(0;0\right)\).
a) Tiếp tuyến của đường cong phẳng
Trên mặt phẳng toạ độ \(Oxy\) cho đường cong \(\left(C\right)\). Giả sử \(\left(C\right)\) là đường đồ thị của hàm số \(y=f\left(x\right)\) và \(M_0\left(x_0;f\left(x_0\right)\right)\in\left(C\right)\). Kí hiệu \(M\left(x;f\left(x\right)\right)\) là một điểm di chuyển trên \(\left(C\right)\). Đường thẳng \(M_0M\) là một cát tuyến của \(\left(C\right)\).
Nhận xét rằng khi \(x\rightarrow x_0\) thì \(M\left(x;f\left(x\right)\right)\) di chuyển trên \(\left(C\right)\) tới điểm \(M_0\left(x_0;f\left(x_0\right)\right)\) và ngược lại. Giả sử cát tuyến \(M_0M\) có vị trí giới hạn, kí hiệu là \(M_0T\) và \(M_0T\) được gọi là tiếp tuyến tại \(M_0\) của \(\left(C\right)\). Điểm \(M_0\) được gọi là tiếp điểm.
b) Ý nghĩa hình học của đạo hàm
Cho hàm số \(y=f\left(x\right)\) xác định trên khoảng \(\left(a;b\right)\) và có đạo hàm tại \(x_0\in\left(a;b\right)\). Gọi \(\left(C\right)\) là đồ thị của hàm số đó.
Định lí 2:
Đạo hàm của hàm số \(y=f\left(x\right)\) tại điểm \(x_0\) là hệ số góc của tiếp tuyến \(M_0T\) của \(\left(C\right)\) tại điểm \(M_0\left(x_0;f\left(x_0\right)\right)\).
c) Phương trình tiếp tuyến
Định lí 3:
Phương trình tiếp tuyến của đồ thị \(\left(C\right)\) của hàm số \(y=f\left(x\right)\) tại điểm \(M_0\left(x_0;f\left(x_0\right)\right)\) là
\(y-y_0=f'\left(x_0\right)\left(x-x_0\right)\)
trong đó \(y_0=f\left(x_0\right)\).
Ví dụ 2: Cho parabol \(y=-x^2+3x-2\). Viết phương trình tiếp tuyến của parabol tại điểm có hoành độ \(x_0=2\).
Giải:
Bằng định nghĩa ta tính được \(y'\left(2\right)=-1\). Do đó hệ số góc của tiếp tuyến là \(-1\).
Ngoài ra ta có \(y\left(2\right)=0\).
Vậy phương trình tiếp tuyến của parabol tại điểm \(M_0\left(2;0\right)\) là
\(y-0=\left(-1\right).\left(x-2\right)\) hay \(y=-x+2\).
a) Vận tốc tức thời
Xét chuyển động thẳng xác định bởi phương trình \(s=s\left(t\right)\), với \(s=s\left(t\right)\) là một hàm số có đạo hàm. Vận tốc tức thời của chuyển động tại thời điểm \(t_0\) là đạo hàm của hàm số \(s=s\left(t\right)\) tại \(t_0\):
\(v\left(t_0\right)=s'\left(t_0\right)\).
b) Cường độ tức thời
Nếu điện lượng \(Q\) truyền trong dây dẫn là một hàm số của thời gian: \(Q=Q\left(t\right)\) (\(Q=Q\left(t\right)\) là một hàm số có đạo hàm) thì cường độ tức thời của dòng điện tại thời điểm \(t_0\) là đạo hàm của hàm số \(Q=Q\left(t\right)\) tại \(t_0\):
\(I\left(t_0\right)=Q'\left(t_0\right)\).
Định nghĩa:
Hàm số \(y=f\left(x\right)\) được gọi là có đạo hàm trên khoảng \(\left(a;b\right)\) nếu nó có đạo hàm tại mọi điểm \(x\) trên khoảng đó.
Khi đó, ta gọi hàm số \(f'\): \(\left(a;b\right)\rightarrow R\)
\(x\rightarrow f'\left(x\right)\)
là đạo hàm của hàm số \(y=f\left(x\right)\) trên khoảng \(\left(a;b\right)\) , kí hiệu là \(y'\) hay \(f'\left(x\right)\).
Ví dụ 3:
+) Hàm số \(y=x^2\) có đạo hàm \(y'=2x\) trên khoảng \(\left(-\infty;+\infty\right)\) ;
+) Hàm số \(y=\dfrac{1}{x}\) có đạo hàm \(y'=-\dfrac{1}{x^2}\) trên các khoảng \(\left(-\infty;0\right)\) và \(\left(0;+\infty\right)\).