Hướng dẫn soạn bài Bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận

PB

Viết 1 đoạn văn nghị luận c/m luận điểm : Bác Hồ là người có tình thương yêu bao la dành cho tất cả mọi người

TP
24 tháng 1 2018 lúc 19:02

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam...”. Đó là một đoạn trong bài hát rất hay và tràn đầy xúc cảm mà nhạc sĩ Thuận Yến đã viết và kính dâng lên Người.

Có thể nói, trong suốt quãng đời thơ ấu cho đến lúc truởng thành, sự hòa nhập giữa những giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị đạo đức mới, đã đúc kết nên tư tuởng đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho quan niệm và tư tưởng đạo đức của Người luôn gần gũi, dễ hiểu đối với nhân dân. Những người lao động vốn vất vả tìm kế mưu sinh đã đến với Người vì Người đã thấu hiểu được tất cả ước mơ, khát vọng bình dị của họ.

Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của Hồ Chí Minh. Bác yêu thương con người không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim và tấm lòng nhân ái của Người. Nhưng trước hết Bác dành tình yêu cho những người cùng khổ, những người bị áp bức, bóc lột. Bởi lẽ, hơn ai hết, Người đã chịu đựng và chứng kiến những nỗi đau đẫm máu và nước mắt của những người đi phu, những nhà yêu nước bị tàn sát, khủng bố.

Người đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của mọi người nhưng riêng mình thì sống vô cùng giản dị và thanh đạm, bởi vì lẽ sống của Người là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

Người luôn đặt mình trong cùng nỗi đau khổ của nhân loại. Trái tim Người đập cùng nhịp đập với nhân dân. Người mong muốn những gì dân tộc ta mong muốn. Tấm lòng của Người được thể hiện bằng những câu nói chân thành nhất và những hành động cụ thể, thiết thực nhất. Suốt đời Người chỉ có một ham muốn tột bậc, đó là hòa bình, độc lập cho nhân dân, cơm ăn áo mặc cho mọi người.

Năm 1946, khi tham dự cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, Bác đã cởi ngay chiếc áo len đang mặc để gửi cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Bác dành cả tiền lương tháng, tiền nhuận bút, cả quần áo, khăn mặt để tặng cho các chiến sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ.

Khi biết con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã gửi đến ông bức thư. Trong thư có đoạn: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột”. Đọc xong thư Bác, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã bàng hoàng xúc động vì không dám nghĩ rằng, giữa lúc Bác Hồ bận trăm nghìn việc quốc gia đại sự, ngay cả họ hàng thân thuộc cũng không có thì giờ thăm hỏi. Thế mà Bác vẫn nghĩ đến ông - một gia đình bé nhỏ đang có tang đau lòng. Bởi lẽ, Bác đã từng nói: mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng. Gộp cả những nỗi đau khổ ấy lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tấm lòng của Bác thật quảng đại, bao la!

Ngày nay, theo bước chân Người, trên đất nước ta đâu đâu cũng có những tấm lòng, những hành động thiết thực thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Làm được như vậy, Bác cũng thấy vui lòng.

Năm 1961, khi Bác về thăm lại Pắc Bó - chiến khu xưa, mặc dù đã là Chủ Tịch nước nhưng việc gì Bác cũng tự làm, ai cũng thương, cũng giúp. Bác tắm cho trẻ, chữa ghẻ, chốc cho các cháu. Đứa nào cũng được Bác cho quà và trò chuyện thân mật như ông với cháu. Bọn trẻ đứa nào cũng thích dù đó chỉ là những gói kẹo nhỏ. Hầu như tết Trung thu nào Bác cũng gửi quà và viết thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng với những tình cảm yêu mến thiết tha:

Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.

Trong những buổi gặp gỡ với các cháu tại phủ Chủ tịch, Bác luôn muốn bồng bế các cháu nhỏ, ôm hôn tất cả.

Có người chiến sĩ từng bảo vệ Bác, kể lại trong niềm xúc động: có cán bộ cứ nghĩ rằng đạo đức cách mạng chỉ để áp dụng trong công tác thôi. Bản thân tôi, được gần Bác, thấy ngay cả lúc ăn cơm, Bác cũng dạy ta thế nào là đạo đức cách mạng. Mỗi khi có món gì ngon là Bác chia sẻ cho người này, người kia cùng ăn. Cầm chén cơm, đôi lúc Bác như tư lự về điều gì đó. Bác yên lòng sao được khi miền Nam phải ăn cơm giữa mưa bom, bão đạn, ở đâu đó, các cụ già, em nhỏ đói rách, lang thang, các chiến sĩ dầm mưa chịu đói rét để kịp giờ hành quân.

Ngay cả lúc bệnh tình của Người ngày một xấu đi, Bác vẫn luôn trăn trở, thăm hỏi tình hình chiến sự ở miền Nam, bởi lẽ, miền Nam ruột thịt luôn ở trong trái tim Người.

Tuy nhiên, ở Bác, chỉ có tình yêu thương con người là chưa đủ mà nó phải gắn liền với thái độ tôn trọng con người, biết cách nâng đỡ, giáo dục con người, rộng lượng, khoan dung, đồng thời phải biết nghiêm khắc với bản thân.

Đối với những cán bộ, đảng viên có lỗi, Bao giờ Người cũng mong muốn và tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm. Người dạy rằng: mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân để đẩy lùi phần ác chứ không phải đập cho tơi bời.

Tấm lòng nhân ái bao la của Bác luôn khoan dung cho tất cả mọi người. Nhờ vậy, Bác đã tập hợp được cả dân tộc, cả những thành phần trước đây đối lập với Người trong cuộc cách mạng giành độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với tinh thần đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, Bác đã cảm hóa được những người ở bên kia chiến tuyến, những phạm nhân trong lao tù. Năm 1946, Bác tới trại giam Hỏa Lò để thăm hỏi, khuyên bảo những phạm nhân ở đây. Bác ân cần ngồi bên họ, khuyên bảo họ, nghe họ phân trần, và Người đã rưng rưng nước mắt. Trong bức thư gửi cho người Pháp, Bác nói: than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau.

Tất cả những điều đó đã thể hiện một nhân cách lớn: nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì con người. Hồ Chí Minh - Người là vầng thái dương rạng ngời, ấm áp!

Ngày nay, trong thời đại kinh tế thị trường, chúng ta đang từng bước hội nhập với thế giới, có nhiều luồng văn hóa độc hại du nhập vào nước ta. Trong đó, thanh thiếu niên là lớp người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước đang trong tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, xa rời quần chúng nhân dân, cơ hội, tham nhũng, thu vén cho bản thân mình mà quên mất mình là “đày tớ phục vụ nhân dân” như lời Bác đã dạy.

Cuộc vận động tìm hiểu và học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang có một tác động sâu rộng với mọi tầng lớp nhân dân. Đó là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi những thực trạng trên. Song song đó, việc rèn luyện, củng cố và phát triển đạo đức cách mạng của mỗi người phải là việc làm thường xuyên và liên tục.

Riêng bản thân tôi, một người làm việc trong ngành văn hóa thông tin, những câu chuyện viết về Người thật sự là những tài liệu vô cùng quý giá. Chúng tôi là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến công chúng. Vì thế, hơn ai hết, chúng tôi phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức mà nhất là phải tăng cường học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có như thế, chúng tôi mới đủ bản lĩnh, năng lực, và cảm thấy mình xứng đáng là những tuyên truyền viên, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
QN
Xem chi tiết
PV
Xem chi tiết
PV
Xem chi tiết
CN
Xem chi tiết
BA
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
NA
Xem chi tiết
LH
Xem chi tiết
TT
Xem chi tiết