Hướng dẫn soạn bài Nước Đại Việt ta - trích

MN

Suy nghĩ của em về 2 câu

" Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

giúp với ạ, mai phải kiểm tra rồi

TT
11 tháng 4 2017 lúc 10:51

Mỗi khi nhắc đến Nguyễn Trãi, chúng ta lại nhớ đến Bình Ngô đại cáo. Đó là áng thiên cổ hùng văn đời đời bất diệt. Qua tác phẩm bất hủ ấy, độc giả ta đã tìm ra được ở vị quân sư tài ba Nguyễn Trãi một tư tưởng nhân nghĩa cao cả. Điều đó thể hiện rõ nét qua phần mở đầu của bài cáo:

Việc nhân nghĩa cốt ờ yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Những tư tưởng, quan niệm cao đẹp đó có ý nghĩa và có tác dụng gì đến chúng ta hôm nay?

Chỉ vỏn vẹn là hai câu thơ, nhưng lời nói của Nguyễn Trãi có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Là một người quân tử, là đấng trượng phu trong xã hội phải biết thương người, trọng người, lo việc yên dân.

Con người ấy phải làm tất cả để người dân được sống yên ổn, ấm no và hạnh phúc. Đó là lòng nhân nghĩa từ xưa đến nay. Vì thương xót dân mà Nguyễn Trãi hết lòng giúp thống soái của mình diệt trừ kẻ bạo tàn, quân xâm lược, những kẻ đã gây đau thương lầm than cho nhân dân ta. Đó chính là điếu phạt, trừ bạo.

Hai câu thơ đã thể hiện một tư tưởng tiến bộ, tích cực, phù hợp với đạo lí chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Bởi vì xưa kia sách thánh hiền có dạy năm điều: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín để người quân tử học tập và rèn luyện. Trong đó nhân, nghĩa là hai việc đứng đầu làm gốc, làm nền tảng để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Nhưng ở đây, Nguyễn Trãi không phải chỉ ảnh hưởng của Nho giáo mà ông còn biết tiếp thu truyền thống của dân tộc và cải tiến theo yêu cầu của xã hội. Đây quả là một tư tưởng mới, tư tưởng nhân nghĩa gắn chặt với lòng yêu nước thương dân như Phạm Văn Đồng đã nói: Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân. Con người quân tử ấy đã luôn luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Nguyễn Trãi đã hiểu rõ rằng: sức mạnh của toàn dân là sức mạnh vô biên, sự đoàn kết của toàn dân là động lực thúc đẩy mọi việc nhanh chóng thành công tốt đẹp, dễ dàng. Ông từng quan niệm: Làm lật thuyền mới thấy sức mạnh của dân như nước. Thật là chí tình, chí nghĩa! Trong thư trả lời cho Phương Chính, một tên giặc tàn bạo độc ác, Nguyễn Trãi cũng đã viết: Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành. Rõ ràng Nguyễn Trãi rất coi trọng việc nghĩa nhân. Ngoài ra, đó còn là một sức mạnh để thắng hung tàn, cường bạo đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong bản tuyên ngôn Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi cũng đã nói:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chỉ nhân để thay cường bạo

Quan niệm ấy vô cùng đẹp đẽ. Đối với những kẻ hung tàn, ta đem đại nghĩa mà đôi phó và lấy chí nhân để đương đầu với cường bạo ác nhân. Phải chăng, cái nhân, cái nghĩa là động lực mạnh mẽ để đánh bại quân cướp nước xâm lăng? Chính tư tưởng, quan niệm cao đẹp ấy đã ăn sâu vào tim, nên suốt cuộc đời mình Nguyễn Trãi đã hi sinh tất cả vì dân vì nước, trở thành một quân sư tài giỏi giúp Lê Lợi mang chiến thắng vẻ vang trong từng cuộc chiến và cùng nhau Kinh bang hoa quốc đúng như Nguyễn Mộng Tuân đã từng ca ngợi :
Kinh bang hoa quốc cổ vô tiền

Lời nhận xét trên thật là đúng đắn. Từ xưa đến nay, đã mấy ai được như ông? Nguyễn Trãi quả là một vị anh hùng suốt đời sáng chói vẻ vang: ức Trai tâm thượng quang khuê tảo. Đó là lời của Lê Thánh Tông đã đáng giá về Nguyễn Trãi: lòng dạ ức Trai sáng tựa sao khuê. Sáng đến đường nào? Và sáng ra sao? Phải chăng cái đẹp, cái sáng chói ấy xuất phát từ con tim, từ suy nghĩ hành động của ức Trai?

Thế nhưng trong lịch sử nước nhà, đâu hẳn người lãnh đạo nào cũng có được những hành động như thế? Nhà Hồ cũng như nhà Nguyễn đã không biết sử dụng tư tưởng nhân nghĩa, không biết dựa vào dân, đoàn kết toàn dân để rồi phải chuốc lấy những thất bại ê chề nhục nhã. Những điều ấy là bài học xương máu, là sự thật đau lòng mà các thế hệ sau cần tránh khỏi. Và càng lúc ta càng thấy Nguyễn Trãi như sáng chói hơn, cao đẹp hơn. Là một người vốn căm ghét bạo tàn, song Nguyễn Trãi luôn thể hiện ý chí hòa bình, thông cảm với nỗi khổ của nhân dân hai nước Việt Nam cũng như Trung Quốc. Bởi vì ông hiểu rằng, những con người sang xâm lược Việt Nam cũng chỉ là nạn nhân thôi. Vì vậy, Nguyễn Trãi đã mở lượng bao dung với kẻ thù khi chúng đầu hàng:

Thần vũ chẳng giết hại
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh…

Điều này đã làm cho quân giặc vừa hàng vừa run sợ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nguyễn Trãi vẫn thể hiện tình đồng loại, tình người một cách cao cả, anh hùng. Với tư tưởng ấy Nguyễn Trãi đã giúp Lê Lợi lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, đem lại cuộc sống thái bình cho muôn dân. Đó là tư tưởng rất tiến bộ, thể hiện cái nhìn sâu rộng tấm lòng nhân ái của vị anh hùng Nguyễn Trãi.

Phát huy truyền thống tốt dẹp của dân tộc, Đảng và Bác của chúng ta đã xây dựng nên những quan niệm mới giống như cha ông ngày xưa. Bác Hồ thường nói: Quân với dân như cả với nước. Thế đấy! Thế hệ sau đã kế thừa và tiếp tục phát triển những điều mà cha anh đã tạo dựng nên. Đảng và Bác đã lãnh đạo nhân dân, yêu thương nhân dân, đoàn kết nhân dân, cùng nhau siết chặt vòng tay thân ái. Phải chăng tất cả những điều ấy là thứ vũ khí lợi hại, là những sức mạnh vô biên giúp quân và dân ta tạo nên những chiến công vang dội. Những chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng mùa Xuân 1975 là kết quả tốt đẹp của tình đoàn kết, lòng nghĩa nhân. Rõ ràng tư tưởng ấy của Nguyễn Trãi đã lưu truyền và được kế thừa đến muôn đời.

Nói tóm lại, hai câu thơ của Nguyễn Trãi thật tuyệt vời và sống mãi trong trí nhớ, tình cảm của người Việt Nam ta. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, tư tưởng nhân nghĩa, lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi vẫn có giá trị, tác dụng mạnh mẽ và vô cùng cần thiết. Chính vì thế, Nguyễn Trãi vẫn luôn tồn tại trong lòng mọi người với tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời ấy!

Bình luận (0)
TT
11 tháng 4 2017 lúc 10:52

Năm 1428. đất nước ta sạch bóng quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi thay lời nhà vua để viết nên Bình Ngô đại cáo đọc trong lễ tuyên bố kết thúc chiến tranh, nước Đại Việt từ nay bước sang giai đoạn bốn phương biển cả thái bình.

Điều làm nên giá trị nội dung bất hủ của tác phẩm chính là tư tưởng nhân nghĩa truyền thống đã được Nguyễn Trãi đúc kết như một chân lí ngay trong hai câu mở đầu.

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Tư tưởng ẩy, chân lí ấy là nền tảng của mọi suy nghĩ, hành động, chiến lược, chiến thuật và quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược phương Bắc. Hơn ai hết, Nguyễn Trãi thấm nhuần quan điểm tiến bộ của Nho giáo, coi dân là gốc (dân vi bản), ý dân là ý Trời. Ông cho rằng, bất cứ triều đại nào muôn tồn tại dài lâu và vững mạnh đều phải dựa vào dân, đặt mục đích yên dân lên hàng đầu bởi dân có yên thì nước mới thịnh.

Từ triết lí nhân nghĩa thủy chung, Nguyễn Trãi đã cụ thế hóa nó một cách rõ ràng và dễ hiểu. Yên dân là mọi đường chính sách của triều đình phải phù hợp với ý nguyện của dân, không ngoài việc làm cho dân được sống trong cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc: để cho chốn hang cùng ngõ vắng không còn tiếng hờn khóc, oán sầu.

Muốn cho nhân dân có được cuộc sống tốt đẹp như vậy thì điều đương nhiên là phải lo trừ bạo, có nghĩa là diệt trừ tất cả các thế lực tham lam, bạo ngược làm tổn hại đến quyền lợi của dân lành. Yên dân, trừ bạo là hai vế có liên quan chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau để tạo nên tính hoàn chỉnh của tư tưởng nhân nghĩa bao trùm và xuyên suốt cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại lúc bấy giờ.

Khi Lê Lợi phất cao cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh thì tư tưởng nhân nghĩa đã được biến thành hành động cụ thể và thiết thực là đánh đuổi giặc thù ra khỏi bờ cõi để cứu dân khỏi cơn binh đao, tang tóc. Ông viện dẫn chứng cứ lịch sử để khẳng định rằng những kẻ cố tình đi ngược lại đạo lí nhân nghĩa cuối cùng đều chuốc lấy tai họa:

Lưu Cung tham công nên thất bại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.

Gần mười năm qua, quân cuồng Minh đáng khinh bỉ và ghê tởm đã gây ra biết bao tội ác trời không dung, đất không tha trên đất nước này:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Dối trời, lừa dân đủ muôn nghìn kế,

Gây binh, kết oán, trải hai mươi năm.

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi...

Có nghĩa là chúng đã ngạo ngược xúc phạm đến đạo lí nhân nghĩa của đất trời và lòng người. Tội ác của chúng tất sẽ bị trừng trị đích đáng và đương nhiên là chúng tự chuốc lấy thảm họa vào thân.

Trước những tội ác chồng chất của giặc như vậy, chúng ta chỉ có một con đường là đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi để trừ bạo, yên dân. Xót xa cho cảnh nước mất nhà tan, Lê Lợi - người anh hùng áo vải đất Lam Sơn đã phất cờ khởi nghĩa:

Trời thử lòng trao cho mệnh lớn,

Ta gắng chí khắc phục gian nan.

Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.

Sức manh của cuộc kháng chiến chống quân Minh được nhân lên gấp bội bởi tính chất chính nghĩa và mục đích cao cả của nó: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhăn để thay cường bạo. Tinh thần đoàn kêt son sắt tạo ra những chiến lược, chiến thuật thần kì: lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động tiến công như vũ bão, giáng trả quân thù những đòn sấm vang chớp giật, trúc chẻ tro bay, lập nên chiến công hiển hách:

Sĩ khí đã hăng, Quân thanh càng mạnh

Thừa thẳng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về...

Quân thù bị đẩy vào tình thế khôn đốn, cùng đường:

Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm

Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm...

Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt...

Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp...

Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giúp ra hàng

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng.

Liệt kê những chiến công vang dội liên tiếp của quân dân ta cũng như tô đậm tư thế đê hèn của quân xâm lược lúc thảm bại bằng giọng văn hào hùng sảng khoái, Nguyễn Trãi vẫn nhằm mục đích khẳng định hùng hồn sức mạnh vô địch của tư tưởng nhân nghĩa và truyền thống nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc Việt. Thực tế đã chứng minh điều đó bằng thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Kết thúc bài cáo là khúc khải hoàn ca của tư tưởng Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo. Một lần nữa, dân tộc Việt :.ngẩng cao đầu chiến thắng, rộng lòng tha chết cho những kẻ bạo nghịch đã : quỳ gối đầu hàng: Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu linh. Lại chu cấp cho chúng nào thuyền, nào ngựa để trở về cố quốc. Cái uy, cái dũng, cái nhân trong đạo lí truyền thống nhân nghĩa Việt Nam một lần nữa khiến kẻ thù khiếp sợ, ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Lời tuyên cáo của vua Lê vẫn vang mãi ngàn năm trên đất nước này:

Xã tắc từ đây vững bền,

Giang sơn từ đây đổi mới.

Kiều khôn bĩ rồi lại thái.

Nhật nguyệt hối rồi lại minh.

Muôn thuở nền thái bình vững chắc,

Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.

Âu cũng nhờ trời đẩt tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đã mới được như vậy

Than ôi.

Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm,

Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn.

Xa gần bá cáo,

Ai nấy đều hay.

Chiến công oanh liệt của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại chống quân xâm lược nhà Minh đã tô đậm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc và cũng là dẫn chứng hùng hồn chứng minh cho sức mạnh vô biên của tư tưởng nhân nghĩa Việt Nam.

Với ngòi bút chính luận sắc sảo tuyệt vời cùng tài năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, hình ảnh sinh động, giàu sức biểu cảm. Nguyễn Trãi đã viết nên một áng thiên cổ hùng văn có một không hai trong lịch sử văn học nước nhà. Thông qua bài Bình Ngô đại cáo. Nguyễn Trãi khẳng định chắc chắn rằng tư tưởng nhân nghĩa chính là cội nguồn hiển hách trong lịch sử giữ nước suốt mấy ngàn năm.


Bình luận (0)
TT
11 tháng 4 2017 lúc 10:54

Năm 1407, giặc Minh kéo sang xâm lược nước ta. Chúng đã “gây binh kết oán trải hai mươi năm – Bại nhân nghĩa nát cả đất trời” gây nên bao tội ác, bao thảm họa cho đất nước ta, nhân dân ta:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”

Năm 1814, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại rừng núi Lam Sơn – Thanh Hóa. Sau 10 năm chiến đấu gian lao và anh dũng, quân ta đã quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc.

Đầu xuân năm 1428, Nguyễn Trãi đã thay Lê Lợi viết bài “Bình Ngô đại cáo", tổng kết những chiến công oanh liệt trong 10 năm kháng chiến và tuyên bốĐại Việt bước sang một kỉ nguyên mới “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.

Phần đầu “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, đồng thời ca ngợi nền văn hiến rực rỡ lâu đời của Đại Việt.

Nhân nghĩa là mục tiêu chiến đấu của nhân dân ta:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Yên dân, điếu phạt, trừ bạo là cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa, tất cả đều hướng về con người, về nhân dân đang bị áp bức lầm than. Thương dân, đánh kẻ có tội (điếu phạt), tiêu diệt lũ tham tàn, bạo ngược (trừ bạo), cứu nhân dân thoát khỏi chết chóc đau thương, đem lại cuộc sống yên vui hạnh phúc cho nhân dân (yên dân), đó là việc nhân nghĩa. Nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi nói đến là một tư tưởng vô cùng cao đẹp: đánh giặc để cứu nước, cứu dân, vì độc lập của đất nước, vì tự do, hạnh phúc, hòa bình của nhân dân. Việc nhân nghĩa nên rất chính nghĩa. Nhân nghĩa là sức mạnh vô địch để chiến thắng quân “cuồng Minh”.

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Nhân dân ta giàu nhân nghĩa nên lấy nhân nghĩa để xây dựng và phát triển nền văn hiến lâu đời, rực rỡ của Việt Nam. Nếu ở “Nam quốc sơn hà”, Lí Thường Kiệt chỉ mới nói đến sông núi nước Nam là nơi “Nam đế cư”, lãnh thổ thiêng liêng ấy đã được “định phận rõ ràng ở sách Trời”, thì ở “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đứng trên đỉnh cao thời đại “Bình Ngô” đã có một cái nhìn mới sâu sắc và toàn diện về đất nước, nhân dân Đại Việt:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền vănhiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có”.

Nước Đại Việt đâu phải “man đi mọi rợ” mà rất đáng tự hào.

1. Có nền văn hiến đã lâu.

2. Có lãnh thể, núi sông, bờ cõi.

3. Có thuần phong mĩ tục.

4. Có nền độc lập trải qua nhiều triều đại “xưng đếmột phương”.

5. Có nhân tài hào kiệt.

Năm yếu tốấy hợp thành đã tạo nên tầm vóc Đại Việt, sức mạnh Đại Việt để đánh bại mọi âm mưu xâm lược bành trướng của Thiên Triều, lập nên bao chiến công chói lọi.

“Lưu Cung tham công nên thất bại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã".

Giọng văn đĩnh đạc hào hùng. Lí lẽ sắc bén, đanh thép và lối diễn đạt sóng đôi, cân xứng của những câu văn biền ngẫu đã khẳng định và ngợi ca tầm vóc lịch sử lớn lao của Đại Việt, biểu lộ một ý chí, tự cường dân tộc cao độ.

Phần mở đầu đã góp phần thể hiện tuyệt đẹp giá trị tư tưởng và nghệ thuật của “Bình Ngô đại cáo”, bản Tuyên ngôn Độc lập, áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
AP
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
DT
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
SK
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
VH
Xem chi tiết
VL
Xem chi tiết