Bài 2: Châu Âu và nước Mỹ từ năm 1918 đến năm 1945

H24

Ngày 9-11-1918, hàng trăm nghìn công nhân và binh lính thủ đô Béc-lin đình công, biểu tình lật đổ Hoàng đế Đức. Sự kiện này bắt đầu cuộc Cách mạng tháng Mười một, dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc Đức. Cũng trong thời gian này, những cuộc đấu tranh của nhân dân diễn ra ở hầu khắp các nước châu Âu, tạo nên phong trào cách mạng 1918 - 1923.

Vậy những nét chính về phong trào cách mạng ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là gì? Quốc tế Cộng sản được thành lập ra sao? Đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933 và quá trình hình thành chủ nghĩa phát xít ở châu Âu diễn ra như thế nào? Tình hình chính trị và kinh tế của nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới có điểm gì nổi bật?

H24
18 tháng 4 2024 lúc 2:11

* Những nét chính về phong trào cách mạng ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất:

- Các phong trào cách mạng ở Châu Âu chịu sự tác động mạnh mẽ của: Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự thành lập của chính quyền Xô viết; chịu những hậu quả nặng nề của Chiến tranh thế giới thứ nhất

- Phong trào diễn ra ở hầu hết các nước châu Âu, tiêu biểu là Đức và Hung-ga-ri.

- Công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động tiến hành đấu tranh dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tổng bãi công và khởi nghĩa, với mục tiêu ban đầu chống chế độ quân chủ, chống chính quyền tư sản, sau đó là xây dựng mô hình nhà nước mới theo kiểu Xô viết Nga. Từ phong trào này, đảng cộng sản được thành lập ở một số quốc gia như Đức (1918), Pháp (1920), Anh (1920), I-ta-li-a (1921). Đỉnh cao của phong trào là việc thành lập các nhà nước Cộng hoà Xô viết Hung-ga-ri (3-1919), Cộng hoà Xô viết Ba-vi-e (Đức, 4-1919).

- Từ cuối năm 1923 phong trào tạm lắng khi các chính quyền của giai cấp tư sản tiếp tục tăng cường đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân.

* Sự thành lập Quốc tế Cộng sản:

- Nguyên nhân thành lập: Sự phát triển của phong trào cách mạng 1918 – 1923, đặc biệt là sự ra đời của một số đảng cộng sản, đã đặt ra yêu cầu cần phải thành lập một tổ chức quốc tế để lãnh đạo cách mạng thế giới. 

- Tháng 3-1919, Đại hội thành lập Quốc tế thứ 3 (Quốc tế Cộng sản) được tổ chức tại Mát-xcơ-va. Tham dự Đại hội có 52 đại biểu, đại diện cho 35 đảng và nhóm cộng sản từ 21 nước châu Âu.

- Sự thành lập của Quốc tế Cộng sản đã đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân lúc bấy giờ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân ở các nước châu Âu.

* Nét chính đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933:

- Trong giai đoạn 1924 – 1929, kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng, gây ra tình trạng sản xuất ồ ạt, hàng hoá ế thừa, cung vượt quá cầu. Trong khi đó, đời sống nhân dân không được cải thiện, sức mua giảm, dẫn đến suy thoái kinh tế.

- Ngày 24-10-1929, thị trường chứng khoán Niu Y-oóc sụp đổ, cuộc đại suy thoái kinh tế bùng nổ ở Mỹ và lan rộng sang các nước tư bản chủ nghĩa khác. Từ lĩnh vực tài chính, đại suy thoải ảnh hưởng đến toàn bộ các ngành kinh tế. Tình trạng suy thoái kéo dài 4 năm (1929 – 1933), trầm trọng nhất vào năm 1932.

- Hàng ngàn nhà máy, xi nghiệp, ngân hàng phải đóng cửa. Tổng thu nhập quốc dân của các nước tư bản sụt giảm nghiêm trọng. Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, trong đó số công nhân thất nghiệp lúc cao nhất lên tới 50 triệu người.

- Hậu quả: Cuộc đại suy thoái không chỉ tàn phá nặng nề nền kinh tế mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình chính trị – xã hội. Đại suy thoái đã dẫn đến sự thắng thế của chủ nghĩa phát xít, đặc biệt ở Đức và góp phần gia tăng mâu thuẫn giữa các nước tư bản.

* Quá trình hình thành chủ nghĩa phát xít ở châu Âu:

- Nguyên nhân hình thành: Sự bất mãn với Trật tự Véc-xai – Oa-sinh-tơn (được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất) cùng với hậu quả nặng nề của cuộc đại suy thoái kinh tế (1929-1933) đã dẫn đến sự hình thành và thắng thế của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu. 

- Để thoát khỏi đại suy thoái, Đức và I-ta-li-a đã phát xít hoá bộ máy chính quyền, chuẩn bị chiến tranh nhằm phân chia lại thế giới.

- Tại I-ta-li-a, chủ nghĩa phát xít hình thành từ sớm. Năm 1919, B. Mút-xô-li-ni thành lập Đảng Quốc gia phát xít. Năm 1922, hàng chục nghìn đội viên phát xít tiến quân chiếm Rô-ma, gây áp lực buộc nhà vua phải đưa Mút-xô-li-ni lên làm Thủ tướng. Năm 1925, chế độ độc tài phát xít được thiết lập, quyền lực tập trung vào B. Mút-xô-li-ni.

- Tại Đức, tháng 1-1933, A. Hít-le, lãnh tụ của Đảng Quốc xã, được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Tháng 8-1934, A. Hít-le trở thành Quốc trưởng, xoá bỏ nền cộng hoà, thiết lập chế độ độc tài, tái vũ trang đất nước, chuẩn bị chiến tranh.

- Năm 1936, trục phát xít Béc-lin - Rô-ma được thiết lập. Sự thắng thế của chủ nghĩa phát xít ở I-ta-li-a và Đức đã dẫn đến hình thành lò lửa chiến tranh ở châu Âu

* Tình hình chính trị và kinh tế của nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới:

- Chính trị:

+ Về đối nội, Đảng Cộng hoà cầm quyền trong những năm 20 của thế kỉ XX, thi hành các chính sách đề cao sự phồn vinh của nền kinh tế, đồng thời đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân. Cuộc đại suy thoái kinh tế tạo điều kiện cho Đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932. Việc thực hiện “Chính sách mới” giúp Tổng thống P. Ru-dơ-ven bước đầu ổn định tình hình chính trị, xã hội Mỹ vào cuối thập niên 30 của thế kỉ XX.

+ Về đối ngoại, nước Mỹ thực hiện và đề cao chủ nghĩa biệt lập truyền thống, không tham gia vào Hội Quốc liên dù Mỹ là nước đề xuất thành lập tổ chức này. Trước sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ bùng nổ chiến tranh, chính quyền P. Ru-dơ-ven ban hành một số đạo luật để giữ nước Mỹ trung lập với các cuộc chiến tranh ngoài nước Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô; thực hiện chính sách “láng giềng thân thiện” với các nước Mỹ La-tinh

- Kinh tế:

+ Năm 1920 – 1921: kinh tế Mỹ phát triển nhanh chóng do thu được nhiều lợi nhuận từ cuộc chiến, nhưng xen kẽ với khủng hoảng nhẹ

+ Từ năm 1924 đến năm 1929: Kinh tế Mỹ thực - sự bước vào giai đoạn phồn vinh, Mỹ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính quốc tế.

+ Năm 1929 đến năm 1933, Mỹ lâm vào đại suy thoái khiến sản lượng công nghiệp suy giảm một nửa, hàng nghìn ngân hàng, công ty công nghiệp và thương mại bị phá sản.

Bình luận (0)