Bài 15: Vùng Tây Nguyên

H24

Dựa vào thông tin và hình 15.1, hãy trình bày các thể mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng Tây Nguyên.

ND
20 tháng 4 2024 lúc 23:06

- Địa hình, đất: Địa hình chủ yếu là các cao nguyên xếp tầng với mặt bằng rộng lớn; đất ba-dan màu mỡ tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả quy mô lớn

- Khí hậu: mang tính chất cận xích đạo, nhiệt độ trung bình năm trên 25 °C, phân hoá thành mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Khí hậu thích hợp cho việc trồng các cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả. Các cao nguyên cao trên 1000 m có khí hậu mát mẻ, là lợi thế để phát triển du lịch.

- Nguồn nước: Tây Nguyên là nơi đầu nguồn của nhiều hệ thống sông. Các sông Sê San, Srê Pôk,... có thế mạnh phát triển thuỷ điện. Vùng có nhiều thác, hồ tạo cảnh quan để phát triển du lịch, cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

- Sinh vật: Vùng có diện tích rừng lớn, chiếm 17,4% diện tích rừng của cả nước (năm 2021). Rừng có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài sinh vật quý hiếm như: voi, bò tót, hươu, nai, cây pơ mu, cây nghiến,... Các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia như: Yok Đôn, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin,... vừa có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, vừa là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái.

- Khoáng sản nổi bật nhất là bô-xit (có trữ lượng nhiều nhất cả nước), đây là tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhiều ngành công nghiệp.

- Tuy nhiên, Tây Nguyên cũng gặp một số hạn chế về tự nhiên: mùa khô kéo dài gây thiếu nước, nguy cơ cháy rừng cao, thiên tai,... ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Bình luận (0)