Bài 18: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Có diện tích khoảng 40,9 nghìn km(chiếm 12,3% diện tích cả nước).

- Bao gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Nằm ở phía tây nam của Tổ quốc, liền kể vùng Đông Nam Bộ, giáp với Cam-pu-chia; phía tây và phía đông nam có một vùng biển rộng, với nhiều đảo và quần đảo như đảo Phú Quốc, quần đảo Thổ Chu, Nam Du,...

=> Tạo điều kiện thuận lợi để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế trên đất liền cũng như trên biển, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước trong lưu vực sông Mê Công.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

1. Thế mạnh

a. Địa hình và đất

- Có địa hình thấp và bằng phẳng => Thuận lợi cho cư trú và sản xuất.

- Đất chủ yếu là nhóm đất phù sa, được chia thành ba loại chính.

+ Đất phù sa sông phân bố thành một dải dọc sông Tiền và sông Hậu, đây là loại đất tốt, độ phì cao => Thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.

+ Đất phèn tập trung ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và vùng trũng ở bán đảo Cà Mau. Đất mặn phân bố ở ven biển. Hai loại đất này có thể cải tạo để trồng lúa, cây ăn quả, cây thực phẩm hoặc nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng.

b. Khí hậu

- Có tính chất cận xích đạo phân hóa thành hai mùa mưa - khô rõ rệt.

- Nền nhiệt cao và ổn định, nhiệt độ trung bình năm trên 25°C, lượng mưa dồi dào.

=> Thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

c. Nguồn nước

Mạng lưới sông ngôi, kênh rạch dày đặc => Tạo thuận lợi chủ giao thông đường thuỷ, sản xuất và sinh hoạt; là nơi đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản quan trọng của vùng.

d. Tài nguyên sinh vật 

Phong phú và đa dạng: 

- Thảm thực vật điển hình là rừng ngập mặn ở ven biển như trên bán đảo Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh,.

- Rừng tràm ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười,.. 

e. Tài nguyên biển 

- Có ngư trường trọng điểm Cà Mau - Kiên Giang với nhiều cá tôm.

- Nhiều đảo và quần đảo với các bãi tắm đẹp.

- Vùng thềm lục địa có tiềm năng về khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên.

- Ven biển có tiềm năng xây dựng cảng biển và phát triển điện gió,...

2. Hạn chế

- Có diện tích đất nhiễm phèn và nhiễm mặn lớn.

- Mùa khô kéo dài khoảng 5 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau => Thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

- Tác động của biến đổi khí hậu => Gia tăng tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Trên đất liền nghèo khoáng sản.

III. Đặc điểm dân cư và xã hội

1. Dân cư

a. Quy mô, cơ cấu và gia tăng dân số

- Quy mô dân số là 17,4 triệu người, chiếm 17,7% dân số cả nước.

- Cơ cấu dân số: năm 2021, nhóm người từ 15 dến 64 tuổi chiếm khoảng 69,4% dẫn số của cả vùng, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, nhóm người dưới 15 tuổi chiếm 21,6%, nhóm từ 65 tuổi trở lên chiếm 9%.

- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên thấp, khoảng 0,55% (năm 2021).

b. Thành phần dân tộc

Trong vùng có người Kinh, Khơ-me, Hoa, Chăm,... cùng chung sống.

c. Phân bố dân cư

- Mật độ dân số là 426 người/km2, cao hơn mức trung bình cả nước.

- Dân cư phân bố tập trung khá đông ở ven sông Tiền, sông Hậu; vùng bán đảo Cà Mau dân cư thưa hơn.

- Tỉ lệ dân thành thị còn thấp, mới đạt 26,4% (năm 2021).

2. Xã hội

- Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc. Sự giao thoa của các cộng đồng dân tộc tạo nên nét đặc sắc về văn hóa Nam Bộ như văn hóa sông nước, lễ hội truyền thống, đờn ca tài tử,...

- Trong những năm qua, đời sống của dân cư trong vùng ngày càng được nâng lên.

IV. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế

1. Tình hình chung

Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển.

- Tổng sản phẩm của vùng chiếm 11,8% GDP cả nước (năm 2021).

- Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tuy nhiên còn chậm. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu ngành kinh tế của vùng.

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi để phát triển một số ngành kinh tế thế mạnh như nông nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất điện; dịch vụ.

2. Các ngành kinh tế

Ngành kinh tếTình hình phát triển
Nông nghiệp và thuỷ sản

- Nông nghiệp:

+ Trồng trọt: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc biệt là lúa và cây ăn quả.

+ Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, nhất là vịt. Vịt được nuôi nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh. Ngoài ra nhiều nơi còn chăn nuôi lợn, bò,...
- Thuỷ sản là thế mạnh hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Sản lượng thủy sản của vùng tăng liên tục, chiếm trên 55% tổng sản lượng thủy sản của cả nước (năm 2021).
+ Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng lớn hơn và tăng nhanh hơn sản lượng thuỷ sản khai thác. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá da trơn, tôm.

+ Hiện nay, việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu thị trường.
+ Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre,.. là những địa phương có sản lượng thuỷ sản lớn nhất cả nước.

Dịch vụ

- Dịch vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh.

- Một số lĩnh vực dịch vụ có thế mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long là thương mại, tài chính ngân hàng, giao thông đường thuỷ, logistics, du lịch.
- Thương mại:

+ Hoạt động nội thương phát triển đa dạng, chợ nổi trên sông đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các trung tâm thương mại, siêu thị có ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Mỹ Tho,...
+ Hoạt động ngoại thương được đẩy mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đứng đầu cả nước là gạo, thuỷ sản ướp đông và rau quả.
- Tài chính ngân hàng:

+ Phát triển rộng rãi đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn để sản xuất và kinh doanh => Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Cẩn Thơ là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất vùng.
- Giao thông vận tải:

+ Đường thủy phát triển rộng khắp, đảm nhiệm vai trò quan trọng hàng đầu trong việc vận chuyển hàng hóa của vùng.

+ Một số tuyến đường bộ cao tốc đang được đầu tư xây dựng (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau...), giúp Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và cửa khẩu được thuận tiện.

+ Các cảng hàng khôngcảng biểncảng sông cũng được nâng cấp,...
- Dịch vụ logistics:

+ Được chú trọng phát triển, hỗ trợ hiệu quả hoạt động giao thông vận tải, thương mại, nhất là xuất khẩu nông sản và thuỷ sản,...

+ Cần Thơ là trung tâm logistics của vùng.
- Du lịch:

+ Là ngành kinh tế có thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo.

+ Trong đó, Phú Quốc và Cần Thơ là hai trung tâm du lịch của vùng có sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Công nghiệp

- Công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu công nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

- GRDP công nghiệp chiếm 20,5% GRDP của vùng (năm 2021).

- Vùng có khá nhiều ngành công nghiệp, trong đó công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; công nghiệp sản xuất điện là những ngành có thế mạnh.
- Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm là ngành quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Nguồn nguyên liệu dồi dào của ngành nộng nghiệp và thủy sản, nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản lớn đã thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển và phân bố rộng khắp vùng.

+ Các sản phẩm chủ yếu của ngành là gạo xay xát, thuỷ sản ướp đông, rau quả đóng hộp, thức ăn chăn nuôi,... Ngoài việc cung cấp trong nước, một số sản phẩm còn là mặt hàng xuất khấu quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao.
- Công nghiệp sản xuất điện:

+ Sản lượng điện của vùng tăng nhanh do nhiều nhà máy điện được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

+ Bên cạnh các nhà máy nhiệt điện (ở Trà Vinh, Cà Mau, Cần Thơ,...), những năm gần đây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện gió (ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau,...), điện mặt trời (ở Hậu Giang, An Giang....).

+ Việc đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

V. Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 16 nghìn km2 (chiếm hơn 5% diện tích cả nước), số dân khoảng 6,1 triệu người (chiếm 6,2% số dân cả nước), đóng góp khoảng 4% GDP cả nước (năm 2021).

- Bao gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

- Các thế mạnh nổi trội của vùng là sản xuất lương thực, thực phẩm; sản xuất điện; phát triển du lịch; giao thông đường biển, đường sông, đường hàng không,...

- Những năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành:

+ Trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản.

+ Đóng góp quan trọng vào xuất khẩu nông sản và thuỷ sản cả nước

=> Thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

- Định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là:

+ Tập trung vào tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang, trong đó thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phụ cận.

+ Xây dựng vùng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

+ Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, kinh tế biển,...