Văn bản ngữ văn 8

TN

Câu 1: a, em hiểu gì về nhan đề thuế máu trong văn bản thuế máu của nguyễn ái quốc

b, nêu nội dung lòng yêu nước của trần quốc tuấn qua bài hịch tướng sĩ

Câu 2: Nêu nội dung chính của bài thơ Tức Cảnh Pác Bó của HCM?

Câu 3: Qua văn bản ' Thuế máu' hãy vt đoạn văn nghị luận về số phận của người dân thuộc địa dưới ách thống trị của bọn thực dân

VN
28 tháng 3 2017 lúc 22:27

Câu 1. a, Người dân thuộc địa phải gánh chịu nhiều thứ thuế bất công vô lí. Song có lẽ một trong các thứ thuế tàn nhẫn, phũ phàng nhất là bị bóc lộ xương máu, mạng sống. ‘Thuế Máu’ là cách gọi của Nguyễn Ái Quốc. Cái tên ‘thuế máu’ gợi lên số phận thảm thương của người dân thuộc địa, bao hàm lòng căm phẫn, thái độ mỉa mai đối với tội ác ghê tớm của chính quyền thực dân.

b,Trần Quốc Tuấn (1231 - 1300) - người đã được vua Trần giao cho thống lĩnh quân đội, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thắng lợi vẻ vang. Người nổi tiếng là biết trọng kẻ sĩ thu phục nhân tài. Trần Quốc Tuấn là một người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài, lòng yêu nước của ông nước thể hiện rõ qua văn bản "Hịch tướng sĩ", văn bản khích lệ tướng sĩ học tập cuốn "Binh thư yếu lược" do ông biên soạn.

Trước sự lâm nguy của đất nước, lòng yêu nước thiết tha của vị chủ soái Trần Quốc Tuấn được thể hiện ở lòng căm thù sục sôi quân cướp nước. Ta hãy nghe ông kể tội ác của giặc: "Ngó thấy sự giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, vét của kho có hạn, thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai hoạ về sau!". Tác giả gọi giặc là "cú diều, dê chó, hổ đói" không chỉ vạch trần sự tham lam, độc ác mà còn vạch rõ dã tâm xâm lược của giặc; thể hiện sự khinh bỉ, căm ghét tột độ. Không chỉ kể tội ác của giặc mà Trần Quốc Tuấn còn bày tỏ nỗi đau xót trước nỗi nhục của quốc thể, nỗi đau đớn xót xa. Đó là biểu hiện của sự sẵn sàng xả thân để rửa nhục cho nước, để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, khát vọng nước xả thân cho nước: "Chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng".

Qua bài hịch, Trần Quốc Tuấn không chỉ thể hiện lòng căm thù sục sôi quân cướp nước mà còn thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết xả thân cho độc lập dân tộc. Ông vạch ra hai con đường chính - tà cũng là một con đường sống chết để thuyết phục tướng sĩ. Trần Quốc Tuấn biểu lộ một thái độ dứt khoát: hoặc là địch hoặc là ta, không có vị trí chông chênh cho những kẻ bàng quan trước thời cuộc. "Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay mà không chịu thua giặc. Nếu vậy rồi đây sau khi giặc đã dẹp yên, muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?", đó là lời động viên tới mức cao nhất ý chí và quyết tâm chiến đấu của mọi người.

Câu 2
- Ba câu thơ tả cảnh sinh hoạt, câu thứ nhất nói về việc ăn, câu thứ hai nói về việc ở, câu thứ ba nói về việc làm, tất cả đều toát lên cảm giác thích thú, vui lòng.
- Nơi Bác ở và làm việc là hang Pác Bó. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, "những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người." Câu thơ mở đầu giới thiệu nơi Bác ở nhưng người đọc không tìm thấy dấu vết những nỗi gian khổ ấy mà chỉ thấy bước chân nhẹ nhàng, ung dung của người cách mạng sáng tối vào ra nơi sơn thuỷ: Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
- Giọng thơ sảng khoái, câu thơ ngắt nhịp 4/3 tạo thành hai vế sóng đôi toát lên cảm giác về sự hài hoà, nhịp nhàng, cân đối.
- Vẫn giọng thơ ấy, nhưng câu thơ thứ hai thoáng nét cười vui: "Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng". Cũng theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "có thời gian, cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán trắng, gạo cũng không có, Bác và các đồng chí phải ăn cháo bẹ hàng tháng". Câu thơ tả thực cảnh sinh hoạt gian khổ đó nhưng lại nhẹ bẫng bởi thái độ của người trong cuộc. Đối với Bác, sự vất vả, thiếu thốn đó dường như chẳng có gì đáng nói, đáng để tâm cả. Ba chữ "vẫn sẵn sàng" liền một mạch như sợi dây chắc khoẻ đã kéo hình ảnh ăn cháo bẹ, rau măng vốn là nỗi khổ lên thành niềm vui lấp lánh. Có ý kiến cho rằng, câu thơ này Bác muốn nói: "lương thực, thực phẩm ở đây đầy đủ, dư thừa, cháo bẹ, rau măng luôn có sẵn", rằng đó là câu đùa hóm hỉnh của Bác. Cách hiểu đó khá lí thú, nhưng thiết nghĩ vẫn có cái gì đó khiên cưỡng. Nếu muốn diễn tả ý dư thừa, đầy đủ của cháo bẹ rau măng, Bác có thể thay từ "vẫn" bằng "đã". ở đây, câu thơ vừa tả thực vừa thể hiện đúng ý chí của nhà cách mạng luôn sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ. Điều này liền mạch với câu thứ ba cũng tả thực về điều kiện làm việc đơn sơ nhưng ý nghĩa của công việc thì vô cùng to lớn.
- Câu thơ thứ ba nói về công việc của Bác. Thời kì này, Bác đang dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ và tìm ra đường lối nhằm soi dọi, làm xoay chuyển lịch sử Việt Nam. Bàn làm việc của Người là một phiến đá bên bờ suối cạnh hang. Giống như câu thứ hai, câu thơ thứ ba cũng chỉ là một câu tả thực giản dị. Bác không tả mình mà chỉ tả cái bàn đá nơi Bác làm việc và công việc Bác làm. Nhưng, ấn tượng sâu đậm nhất mà câu thơ đem lại là hình ảnh Bác, nhà cách mạng thiên tài đang làm nên một sự nghiệp vĩ đại từ những gì đơn sơ, chông chênh, nhỏ bé hôm nay.
- Từ láy "chông chênh" gợi cảm giác bất an về sự đổ vỡ, thất bại. Nhưng, sự vững trãi của hình ảnh "bàn đá" và những thanh trắc rắn rỏi trong cụm từ "dịch sử Đảng" như bàn tay rất khoẻ đã làm an lòng người đọc.
- Trong một bài tứ tuyệt, câu thứ ba thường có vị trí nổi bật, là hình ảnh trung tâm của bài thơ. ở đây cũng vậy. Trung tâm của bức tranh Pác Bó là hình tượng người chiến sĩ cách mạng hiện lên vừa chân thực sinh động vừa mang một tầm vóc lớn lao.
Câu 3

Nguyễn Ái Quốc là một vị lãnh tụ vĩ đại, một con người tiêu biểu cho lòng yêu nước, như chính cái tên của Người. Tác phẩm “bản án chế độ thực dân Pháp” được Người viết trong thời gian hoạt động cách mạng tại Pháp là một đòn chí mạng giáng vào chủ nghĩa thực dân. Trong đó, phần I, “chiến tranh và người bản xứ” ở chương “thuế máu”, đã vạch rõ bộ mặt thật sự của quan cai trị Pháp với người bản xứ
“Thuế Máu” là chương đầu tiên của tác phẩm. Trong chương này, tác giả chủ yếu là nói lên sự tàn bạo bất nhân của các quan cai trị cầm quyền Pháp. Từ khi đặt ách cai trị lên đất nước ta, thực dân Pháp đã đưa ra hàng trăm thứ thuế ngặt nghèo để bóc lột dân Việt Nam. Nhưng thứ thuế mà độc ác nhất, bất cứ quốc gia bị đô hộ nào cũng lên án đó là “Thuế Máu”, là phải trả thuế bằng máu, hay có nghĩa là bắt buộc dân bản xứ phải đi lính, làm tiên phong trong các trận đánh của nước Mẹ, chịu chết thay cho các cấp chỉ huy, cho người Pháp. Vì thế, dùng từ “Thuế Máu” để đặt tên cho nhan đề của chương I, Nguyễn Ái Quốc đã nêu bật lên sự dã man của thực dân Pháp đối với đồng bào ta.
Trong phần “chiến tranh và người bàn xứ”, tác giả đã khái quát lên được bản chất đểu giả của bọn thực dân Pháp. Trước chiến tranh, chúng chỉ xem người bản xứ chúng ta là những tên An-nam-mít bẩn thỉu, chỉ biết làm cu li, kéo xe tay và giỏi ăn đòn của các quan cầm quyền. Ấy vậy mà khi chiến tranh xảy ra, những người bản xứ lại được yêu quí, được xem như những đứa “con yêu”, “bạn hiền”, những người bình thường bỗng dưng trở thành “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”. Nhưng thực chất thì chúng có yêu qu‎í gì dân ta đâu, chúng chỉ tìm mọi thủ đoạn lừa bịp, xảo quyệt để bắt buộc dân ta đi lính. Và chắc hẳn các bạn đã biết số phận của họ ra sao rồi! Để trả giá cho những “vinh dự” ấy họ phải rời bỏ quê hương của mình, đi làm bia đỡ đạn cho lính của nước mẹ, được vào cung cấm của vua Thổ, “lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngày thống chế”. Không những thế, họ còn được xuống bảo vệ các loại thủy quái sau khi được chứng kiến trò bắn ngư lôi. Chịu những cái chết vô nghĩa, tàn khốc, bi thảm. Đó là cái giá của người bản xứ phải trả cho cuộc sống nô lệ, cho những người tự xưng là “khai phá văn minh” đất nước họ. Nguyễn Ái Quốc đã dùng những con số biết nói rất cụ thể, cho ta thấy có rất nhiều người một đi không trở về: “tổng cộng có bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp, và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa.”
Khi viết tác phẩm, Người đã những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, hàng loạt mĩ từ, có tác dụng mỉa mai, châm biếm được sử dụng như: “con yêu”, “bạn hiền”, “chiến tranh vui tươi”, “lập tức”..., nhằm vạch trần bộ mặt xảo trá, lật lọng của bọn thực dân Pháp. Chỉ ra rõ ràng thái độ của bọn cai trị đã thay đổi mau chóng như thế nào khi chiến tranh xảy ra với “Mẫu quốc” và mục đích của chúng chỉ là muốn lợi dụng xương máu của đồng bào ta mà thôi! Không chỉ vậy, Người còn rất linh hoạt trong việc kết hợp các phép đối lập, miêu tả, những giọng văn chua cay, thêm phần bình luận giúp người người đọc thấy rõ sự nham hiểm của chế độ thực dân Pháp đối với người bản xứ.
Đoạn trích trên là lời tố cáo đanh thép nhất đối với chính quyền Pháp thuộc, là đòn tiến công quyết liệt vào chủ nghĩa thực dân. Tác phẩm là một bức tranh ---- cùng, tủi nhục của người dân nô lệ, không chỉ riêng ở nước ta mà còn ở các thuộc địa trên toàn thế giới. Tố cáo chế độ cai trị cũng có nghĩa là vạch ra con đường đấu tranh để giải phóng đất nước, giành quyền độc lập. Nguyễn Ái Quốc đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chỉ ra cho các dân tộc bị nô lệ trên khắp thế giới một chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.”
Theo em, tác phẩm trên vẫn có giá trị cho đến ngày nay, bởi vì nhiều nơi trên thế giới vẫn còn xảy ra chiến tranh. Nhân dân nhiều nước vẫn đang đổ máu để giành lại độc lập cho tổ quốc mình chứ nhất định không cúi đầu làm nô lệ, không chịu mất nước! Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh!

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
DN
Xem chi tiết
PX
Xem chi tiết
TA
Xem chi tiết
XT
Xem chi tiết
HN
Xem chi tiết
DD
Xem chi tiết
NC
Xem chi tiết
HL
Xem chi tiết
NG
Xem chi tiết