Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 4
Số lượng câu trả lời 1667
Điểm GP 304
Điểm SP 1310

Người theo dõi (228)

TC
NV
VS
TK

Đang theo dõi (8)

NV
NH
KS

Câu trả lời:

Trong cuộc sống của mình, tôi có những kỉ niệm thật ý nghĩa và rất khó phai. Ngày đầu tiên đi học là một ngày như thế.

Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác hồi hộp, lo âu của đêm trước ngày đến lớp. Mẹ đã cẩn thận sắp sẵn sách vở vào cặp cho tôi vậy mà tôi vẫn băn khoăn lấy ra đếm lại. Một cuốn vở, hai cuốn vở... sách tập đọc, sách toán... bút chì, bút mực... "ơ mẹ ơi! Thước ê-ke của con đâu mẹ?". Tim tôi thót lên! Trời ơi, nếu tôi không kiểm tra lại thì ngày mai đến lớp có phải sẽ bị thiếu không! Nhưng mẹ lại mỉm cười nhìn tôi rất ngộ: "Các con đâu đã dùng đến thước ê-ke!". Rồi như sợ tôi lo lắng quá, mẹ nói thêm: "Hôm trước cô không dặn đâu. Cặp con đã nặng lắm rồi, không nên cho thêm con ạ”. Rồi mẹ ôm tôi vào lòng đưa tôi đi ngủ. Nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ, tôi vẫn không nén được những trằn trọc, tôi gỡ tay mẹ rồi xoay ngang xoay dọc hồi lâu mới ngủ được...

Sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa thu trong xanh và dịu mát. Mẹ đèo tôi trên chiếc xe đạp người vẫn dùng đi làm hàng ngày. Khác với mọi hôm, sớm nay, mẹ đi rất chậm và ít nói. Dường như mẹ đang đợi tôi hỏi điều gì. Xung quanh tôi thì ồn ào đến lạ. Từng nhóm học sinh lớn nắm tay nhau cười nói vui vẻ. Dọc đường đến trường, có hàng chục nhóm.học sinh như vậy. Duy chỉ bầu trời vẫn mênh mang lặng im. Gió thổi rất nhẹ, mơn man trên những sợi tóc tơ của tôi. Hàng cây hai bên đường lao xao, chúng dường như xanh hơn mọi ngày thì phải. Chiếc xe càng đến gần trường, tim tôi càng đập mạnh. Sự im lặng của mẹ khiến tôi phải rụt rè hỏi rất ngây ngô: "Mẹ, vậy đến trưa con có được về không?". Mẹ đáp: "Có chứ con. Con học với cô giáo và các bạn một lát buổi sáng thôi, đến trưa, mẹ lại đón con về với bố mẹ". "Vậy... vậy... có giáo con có ghê không mẹ? Lại toàn các bạn mới, các bạn ấy có bắt nạt con không...?". Tôi gần như suýt khóc khi bật lên câu hỏi ấy: Tôi đã nghĩ về nó suốt đêm qua. Mẹ lại dịu dàng đáp: "Không đâu con. Cô giáo con rất hiền và xinh nữa. Cô sẽ dạy con những điều mà mẹ không thể dạy được. Các bạn con cũng đáng yêu như con vậy. Các bạn ấy sẽ trở thành những người bạn tốt của con, giống như cô Thuỷ với mẹ hay chú Đức và bố ấy". Tôi đã an tâm hơn và vòng tay ôm lấy người mẹ...

Cổng trường tiểu học hiện ra trước mắt tôi lộng lẫy và trang nghiêm quá. Cánh cổng to rộng đã được mở ra; phía trên cổng là những lá cờ rực rỡ sắc màu gió thổi tung bay vô cùng đẹp mắt. Trong sân trường, đông đảo học sinh, giáo viên đang trò chuyện sôi nổi. Chậm rãi theo bước chân mẹ vào sân trường, tôi thấy mình bé nhỏ và đơn độc quá. Nhưng mọi người chẳng ai để ý đến tôi, và gương mặt ai cũng hớn hở. Bất chợt, giọng mẹ vang lên rất nhẹ:

Em chào cô giáo ạ!

Tôi giật mình nhìn lên: Cô giáo chủ nhiệm của tôi mặc áo dài trắng đang tươi cười nhìn mẹ và tôi. Cô đáp:

Tôi chào chị và cháu. Chị cho tôi đón cháu vào lớp.

Mẹ đẩy nhẹ tôi về phía cô rồi nói:

Gia đình rất mong cô giúp đỡ cháu, cháu nhút nhát lắm!

Rồi quay sang tôi, mẹ mỉm cười:

Con phải nghe lời cô giáo và học hành chăm chỉ nhé!

Nói rồi mẹ chào cô giáo quay về. Trong khoảnh khắc, tôi như thấy thời gian ngưng đọng lại, mẹ cứ xa tôi dần... Nhưng giọng cô giáo ấm áp, dịu dàng vang lên khiến tôi bình tĩnh lại: "Cô đưa Trung vào lớp nhé!". Theo chân cô, tôi bước vào lớp học, lớp đã gần như kín hết chỗ ngồi, những gương mặt ngơ ngác, ngại ngùng, lo lắng... cùng quay về phía tôi. Cô đưa tôi vào một bàn gần bục giảng, ở đó đã có một cô bé xinh xắn, lém lỉnh ngồi sẵn.

Cô trở về bàn giáo viên rồi nói với cả lớp:

Hôm nay là buổi học đầu tiên của các em. Cô hi vọng các em sẽ chăm chỉ học tập đế bố mẹ và cô vui lòng. Các em có đồng ý không?

Tiếng "có" vang lên yếu ớt và lẻ tẻ. Cô mỉm cười rất dịu dàng. Tôi còn nhớ, hôm ấy chúng tôi học bài Tập đọc "ò ó o". Tiếng cô giáo thật dịu dàng, tóc cô thật dài và áo cô thật đẹp. Tiếng "ò ó o" thỉnh thoảng lại vang lên từ một bạn nào đó rất ngộ. Suốt giờ ra chơi, đám học sinh chúng tôi làm quen với nhau bằng tiếng gà gáy nhộn nhịp ấy. Cô bạn ngồi cạnh tôi rất bạo dạn, bạn ấy luôn miệng bình luận "tiếng gáy” của các bạn trong lớp rồi kết luận:

Người gáy hay nhất là ấy đấy!

Sau giờ Tập đọc là giờ học Toán. Tôi đã được mẹ dạy đếm từ trước nên tiết học đầu tiên khá dễ dàng. Tôi còn dạy cô bạn cùng bàn cách dùng que tính nữa, bạn ấy không có que tính mà.

Buổi học đầu tiên không đáng sợ như tôi tưởng tượng. Lúc mẹ đến đón tôi vẫn ngỡ ngàng vì phải chào cô giáo và các bạn. Nhìn gương mặt tôi hớn hở, mẹ rất vui. Suốt dọc đường về và cả ngày hôm đó, tôi ríu rít kể cho mẹ nghe về tiếng "ò ó o" của lớp và cô bạn cùng bàn...

Buổi học đầu tiên trong đời tôi đã qua đi nhưng vẫn còn đó những dư âm trong trẻo, tươi vui và xúc động. Tôi không thể quên được hình ảnh của mẹ, hình ảnh của cô, của những người bạn học đầu tiên trong đời và bài học đầu đời đáng yêu của mình.



Câu trả lời:

Đề 3 :

Thời gian trôi đi nuôi dưỡng tâm hồn con người, giúp ta trưởng thành hơn cả về thể chất, tinh thần và chắp cánh cho ta những ước mơ, những hi vọng vào tương lai. Giống như mọi người, dòng xoáy của thời gian cho tôi sự trưởng thành để một ngày tôi chợt nhận ra: “Tôi đã lớn khôn”.

Con người tôi đang ngày càng lớn lên theo năm tháng. Nhớ ngày nào, tôi còn là con bé con nhút nhát chỉ biết tò tò theo sau chân mẹ, thế mà bây giờ, cô nhóc ấy đã trở thành một học sinh Trung học cơ sở, cao hơn cả mẹ. Tôi không chỉ lớn hơn mà tầm tay cũng xa hơn trước. Tôi có thế dễ dàng lấy những cuốn từ điển trên giá cao nhất xuống, có thể giúp mẹ treo quần áo lên mắc tủ mà không cần bắc ghế, có thế giúp bố khiêng thang lên gác thượng để sửa ăng-ten, có thể đi hết một đoạn đường núi dài không cần có ai dắt hay cõng… Những việc ấy hồi nhỏ tôi chưa đủ sức thì bây giờ đều trở nên đơn giản, dễ dàng. Tôi cũng không còn cảm thấy tự hào khi giúp bố mẹ làm những công việc nhà nữa, tất cả đều đã trở thành những việc làm thường ngày của tôi, không có gì khó khăn hay quá sức cả. Cái cảm nhận mình đang lớn lên ban đầu đối với tôi còn rất mơ hồ nhưng càng lúc tôi càng nhận thức được rõ ràng hơn.

Tôi không chỉ lớn lên ở con người mà còn lớn lên trong suy nghĩ của mình. Trước đây, tôi chỉ biết đến trường và học theo các bạn mà chẳng cần lo nghĩ xa xôi gì hết. Ngay cả việc vào học trường cấp hai, tôi cũng để cho bố mẹ quyết định. Hồi đó, tôi hầu như dựa dẫm hết vào bố mẹ nhưng dần dần, tôi cũng biết tự lo cho mình. Sau mỗi học kì, tôi biết tự xem lại kết quả học tập của mình, so sánh với các bạn khác và kết quả năm học trước đế rút kinh nghiệm cho mình tiến bộ hơn. Trong một tập thế mà ý thức thi đua luôn được đề cao, tôi cũng đã học tập được rất nhiều tò các bạn mình. Tôi biết rằng không ai có thế hiểu mình cần gì hơn chính bản thân mình. Tôi đã có suy nghĩ và ý kiến riêng, tôi có thế tự lo cho mình. Không giống như lúc còn nhỏ (luôn hành động theo bản năng và ý muốn của riêng mình), tôi hiểu rằng không thể không chú ý tới mọi người xung quanh. Tôi đang học cách sống để không phải tranh giành, học cách nhường nhịn và chấp nhận suy nghĩ của người khác. Mỗi người nhìn nhận suy nghĩ theo một chiều hướng khác nhau, điều cần thiết là tôi biết lúc nào cần hiểu và khi nào cần thuyết phục cho người khác hiểu mình.

Từ sự khôn lớn ấy, tôi cũng tự đặt cho mình những ước mơ. So với khi còn nhỏ thì những mong muốn ấy đã không còn chỉ là những ý muốn bộc phát, mơ mộng, viển vông nữa. Thời gian đã cho tôi sự chín chắn trong những quyết định cho tương lai. Trước kia, ước muốn của tôi có nhiều vô số mà bây giờ tôi cũng không còn nhớ hết nữa. Khi ấy, tôi chỉ biết nhìn mọi thứ một cách đơn giản, thấy ai làm gì hay hay thì cũng mong muốn mình có thế làm được như vậy. Thế nhưng bây giờ thì tôi hiểu rằng chẳng có mục tiêu nào có thể đạt được một cách đơn giản mà không cần có cố gắng của chính mình. Tôi chẳng mấy khi nghĩ tới những điều con nít như khi còn nhỏ mà suy nghĩ rất kĩ để tự đánh giá khả năng của mình và đặt ra một mục tiêu chắc chắn. Tôi không muốn phải thay đổi mơ ước của mình cho dù tôi có lớn hơn nữa. Hiện nay, tôi vẫn chưa biết ước mơ lớn nhất trong tương lai của mình là gì nhưng khi đã có thể quyết định được, tôi sẽ luôn hi vọng và cố gắng hết sức để đạt được.

Nhưng ước mơ ấy càng lớn bao nhiêu, tôi càng nhận thức được trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trước hết, tôi cần có bổn phận đối với những người xung quanh. Là một người con, tôi phải nỗ lực phấn đấu trưởng thành để không phụ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà. Là một người trò, tôi phải cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức xứng đáng với sự dạy dỗ của các thầy cô giáo. Là một người bạn, tôi cần học tập và giúp đỡ các bạn của mình để cùng tiến bộ hơn… Tôi hiểu rằng bất cứ ai cũng có trách nhiệm riêng. Khi tôi đã là một học sinh khoác trên người bộ đồng phục của trường Chu Văn An thì đi đâu tôi cũng là đại diện cho ngôi trường của mình. Tôi hiểu rằng mọi người có thể nhìn nhận và đánh giá ngôi trường thân yêu theo những hành vi ứng xử của tôi. Khi tôi là một người Hà Nội thì tôi là đại diện cho con người thủ đô và khi tôi là người Việt Nam thì tôi cũng là đại diện cho cả dân tộc mình. Càng suy nghĩ về những trách nhiệm ấy tôi cũng cảm nhận được sức nặng đặt trên vai mình.

Sự trưởng thành của tôi không chỉ bản thân tôi biết mà mọi người xung quanh cũng đều công nhận. Hè vừa rồi, nhà nội tôi có một niềm vui rất lớn: Người bác của tôi đã sống bên Mĩ gần hai mươi năm cùng với hai cô con gái đã trở về thăm quê hương. Suốt thời gian ấy, bác và hai chị sống ở nhà tôi, bà tôi cũng dọn từ quê ra. Ở nhà nhộn nhịp, đông vui hơn nên công việc cũng nhiều hơn trước. Trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, còn chị Thu thì đang thi học kì, chỉ có tôi ở nhà cùng bác tiếp khách và dọn dẹp nhà cửa. Tôi đã cố gắng làm được nhiều việc nhà để bác và bà được nghỉ ngơi. Một hôm, trong bữa cơm bác đã khen tôi làm bố tôi rất vui và hài lòng. Tối hôm đó, trước khi tôi đi ngủ, mẹ nói với tôi:

– Con gái mẹ đã lớn nhiều rồi đấy!

Tôi sung sướng đi vào giấc ngủ không chỉ vì lời khen của mẹ hay của bác mà vì niềm vui khi thấy bố mẹ tự hào về mình – có nghĩa là tôi đã lớn khôn. Cho dù trách nhiệm có to lớn tới đâu, cho dù ước mơ còn là một khoảng cách rất xa và khó khăn, tôi vẫn sẽ không ngừng cố gắng, bởi tôi biết rằng xung quanh mình vẫn còn những người thân yêu luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ lúc nào.


Câu trả lời:

Đề 2 :

Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!

Mẹ ốm, nằm trong bệnh viện được mấy ngày mà cả nhà như đảo lộn hết lên. Tôi khóc râm rứt từng đêm rồi thiếp ngủ trong nỗi lo về mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy nhớ, thấy thương mẹ như lúc này, và chưa bao giờ tôi nhận ra trong lòng mình, mẹ lại quan trọng đến thế!

Mẹ ơi, đã bao lần con không học bài, làm bài, bị điểm kém; mẹ đã mắng con nhưng rồi con lại mắc lỗi, lại bị điểm kém. Mẹ thở dài. Trên trán mẹ lại có thêm những nếp nhặn.

Rồi nhiều lần con cư xử thiếu lễ độ với mẹ, với mọi người trong gia đình, mẹ đã ôn tồn nhắc nhở con chú ý đến lời ăn tiếng nói, nhưng con bướng bỉnh, không nghe theo, vẫn chứng nào tật ấy. Mẹ chẳng biết nói gì thêm, chỉ lặng buồn.

Nhớ lại bao lần mẹ nhắc con sắp xếp lại bàn học, phòng ngủ hay đơn giản chỉ là gấp lại cái chăn nhưng con cũng không làm. Mẹ cặm cụi làm hết hộ con. Mẹ lại
buồn. Và hình như mẹ đã khóc, dù chỉ một chút và dù mẹ đã vội lau ngay. Mẹ ơi, dù con có mắc lỗi bao nhiêu lần nhưng mẹ cũng đều tha thứ. Trong kí ức non nớt, bồng bột, con cứ tưởng lỗi lầm ấy rồi cũng sẽ phai mờ. Nhưng với mẹ, mẹ vẫn nhớ tất cả những lần ấy như nhớ những vết thương lòng còn in sâu lại mãi. Nó có thể chữa lành bởi thời gian và tình mẹ thương con nhưng không thể biến mất hoàn toàn vết sẹo như dấu ấn còn khắc tạc. Con thấy rõ điều ấy trong tiếng thở dài của mẹ, trên vầng trán có đầy những nếp nhăn và qua những giọt nước mắt mặn chát mà con không bao giờ đếm nổi là bao nhiêu.

Có phải con đã vô tâm quá, ngỗ ngược quá không hả mẹ?

Mẹ muốn con gái của mẹ có quần áo đẹp mỗi sáng đi đến lớp đến trường. Mẹ muốn con được ăn no, có áo ấm, có giày đi học khi trên ti vi báo trời trở rét. Mẹ muốn con ngoan ngoãn, học giỏi, biết vươn lên cùng bạn bè. Mẹ đã thức suốt đêm, đôi mắt trũng uống lo âu khi con bị ốm phải nghỉ học. Mẹ đã khóc, ôm chặt con vào lòng... bởi mẹ thương con không ăn uống được gì, thương con đau ốm, thương con hổn hển từng cơn. Mẹ chỉ cầu mong được gánh hết bệnh tật của con, mẹ nhường con sức sống.

Lên học lớp Tám, con mới biết quét nhà, nấu cơm, tự dọn dẹp và sắp xếp bàn học, phòng ngủ của mình. Thấy con làm, mẹ ngắm nhìn rồi bất giác nước mắt rơi không kìm lại được. Cuối học kì I, con đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lúc con khoe mẹ tờ giấy khen, tay mẹ run lên vì xúc động, vì sung sướng. Mẹ lại ôm con vào lòng như ngày con còn thơ bé. Mẹ không nói gì, nhưng con ướt đôi bờ vai.

Mẹ ơi, đã bao lần mẹ mong chờ ở con một tiếng lòng “con thương mẹ.... Chỉ một tiếng ấy thôi cũng đủ làm mẹ hạnh phúc; làm mẹ quên đi những lo toan, mệt mỏi trong cuộc sống. Nhưng con đã vô tâm, vô tình không làm được. Buồn thay, con lại cho rằng đó là điều giả tạo, chẳng hợp với con. Làm sao đôi môi khô khan lại có thể vang lên những tiếng ngọt ngào? Bao giờ con mới biết ôm lấy mẹ và cất lên tiếng gọi thiết tha: “Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm! Mẹ chỉ dám thầm mong trong tâm khảm, chưa khi nào mẹ nói thành lời.

Mẹ ơi, mẹ đã cho con tất cả; tất cả nhưng chẳng nhận lại cho bản thân mình bất cứ thứ gì. Cả cuộc đời mẹ dành cả cho con. Tất cả chỉ xuất phát từ một điều giản dị luôn thường trực trong tâm hồn của mẹ: tình yêu thương mẹ dành cho con. Ánh mắt, nụ cười, bàn tay ấm áp của mẹ sẽ mãi theo con suốt cuộc đời. Có lúc con vô tâm quá, hờ hững quá. Có lúc, bỗng nhiên con thờ ơ với những người luôn đi bên cạnh con, ủng hộ con, giúp con đứng dậy. Rồi con chợt ngoảnh lại... và con đã nhìn thấy mẹ. Mẹ vẫn chờ con. Mẹ thật cao cả, vĩ đại làm sao! Con chỉ là một đứa trẻ nhỏ bé, yếu đuối được mẹ ôm ấp chở che. Với con, mẹ là ngọn đèn rọi sáng ngày mai tươi đẹp. Mẹ, mẹ sống mãi trong lòng con.

Giờ đây, ngọn đèn nồng ấm kia đang dần lụi tàn trước cơn gió cuộc đời, mẹ ốm nặng đến không gượng dậy được. Con hối hận, tiếc nuối. Con tự trách mình, nhưng đã quá muộn. Con chỉ còn biết thương mẹ đến lặng người dù tình cảm ấy chẳng thấm gì với tình thương mênh mông mẹ đã dành cho con. Tất cả những gì con có thể làm bây giờ là luôn luôn bên mẹ, chăm sóc mẹ để bù đắp lại những lỗi lầm của con một thời thơ dại, nông nổi, bồng bột. Con chỉ mong mẹ thấu hiểu được tấm lòng con.

Mẹ đã hi sinh vì con quá nhiều. Bây giờ con khóc nghẹn ngào vì con đã biết nói câu: Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!”. Cho dù con có nói thêm bao nhiêu lần nữa thì con vẫn cảm thấy là không đủ. Con không biết rằng con sẽ phải làm gì để cho mẹ có thể hiểu được nỗi lòng của con. Nhưng con biết một điều sẽ mãi mãi tồn tại, sẽ không bao giờ phai nhạt là mẹ sống mãi trong lòng con. Và con biết rằng dù con chưa ngoan, thì con vẫn mãi mãi là con gái cưng của mẹ, và lòng mẹ sẽ không bao giờ hết yêu con.



Câu trả lời:

Đề 1 :

Ai đã từng trải qua thời học sinh thì chắc hẳn sẽ có rất nhiều kỉ niệm buồn vui của tuổi học trò. Đối với tôi, kỉ niệm về ngày khai trường đầu tiên khi bước vào lớp 1 là ấn tượng và sâu sắc nhất.

Những ngày trước khi lễ khai giảng diễn ra, mẹ tôi đã chuẩn bị cho tôi đầy đủ tất cả mọi thứ. Tôi rất háo hức và mong chờ đến ngày khai trường để được đeo cặp sách, được mặc bộ quần áo mới trắng tinh vì ở lớp mẫu giáo ngày đó, chúng tôi không đeo cặp sách hay có đồng phục như các bạnnhỏ bây giờ.

Đêm hôm trước ngày khai trường, tôi trằn trọc không ngủ được. Mường tượng ra không biết bao nhiêu sự việc vào ngày mai. Thấy vậy, mẹ ôm tôi vào lòng và nói: “Con hãy ngủ sớm đi, để ngày mai dậy sớm. Có rất nhiều điều bí mật và cực kì thú vị ở trường đang chờ đợi còn đấy!”. Tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ và nhắm mắt hồi hộp chờ đến ngày mai.

Sáng hôm sau, điều đầu tiên mà sau khi tôi thức dậy đó là mặc ngay bộ quần áo mới vào. Cả nhà thấy vậy liền phì cười. Bố nói tôi hãy đi đánh răng rửa mặt và ăn sáng, rồi sau mẹ sẽ đèo tôi đến trường.

7 giờ kém 15, mẹ dắt xe ra cổng đèo tôi tới trường. Con đường này tôi đã đi qua rất nhiều lần nhưng hôm nay sao tôi thấy nó thật mới lạ. Bầu trời như trong xanh hơn. Ông mặt trời ban phát những tia nắng xuống mọi vật làm những hạt sương sớm hãy còn long lanh. Từng cơn gió thổi nhè nhẹ khiến cho hai hàng cây bên đường như đang vẫy tay chào. Trên đường, các cô, các bác cũng vui mừng gặp khi hai mẹ con.

Kể lại kỉ niệm ngày đầu tiên đi học – Văn lớp 8

Từ xa lại gần, cổng trường đã dần dần hiện ra trước mắt tôi. Trước cổng trường là tấm băng-rôn đỏ nổi bật dòng chữ chào mừng năm học mới. Phía trên là tấm bảng to màu xanh, đề tên trường. Có rất nhiều bạn học sinh cũng được cha mẹ đưa đến trường như tôi. Mẹ dắt tay tôi đi vào trong trường. Khung cảnh trước mắt khiến tôi không khỏi hồi hộp và lo lắng.

Ngôi trường tiểu học của tôi có ba dày nhà 2 tầng rất khang trang, xếp thành hình chữ U. Sân trường rất rộng với rất nhiều cây bàng, bằng lắng đã lớn tuổi. Từng tốp, từng tốp học sinh ngày một đông hơn khiến cho tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ. Tôi nắm chặt tay mẹ và trong lòng có chút lo lắng.

Mẹ dắt tôi đến trước cửa lớp 1A, chào cô giáo của chúng tôi và quay bước ra phía cổng trường. Khi mẹ vừa đi được một đoạn, tôi bỗng òa khóc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết mình khóc là vì sao. Vì sợ hãi hay vì lo lắng, vì vui và xúc động.

Cô giáo thấy vậy liền dịu dàng hỏi tôi:

– Con tên là gì vậy?

Tôi vừa nói vừa mếu máo:

– Thưa cô! Con tên là Ánh Hoa ạ.

– Tại sao con lại khóc?

Tôi không biết trả lời sao. Cô lại dỗ dành:

– Thôi nào. Ánh Hoa hãy nín khóc đi. Bây giờ chúng mình sẽ xếp hàng vào lớp. Lát nữa, khi buổi khai trường kết thúc, bố mẹ sẽ đón đợi chúng mình ở ngoài cổng trường kia nhé.

Cả lớp chúng tôi đều đồng thanh đáp: “Vâng ạ”.

Sau khi đọc xong lần lượt ten các bạn trong lớp và cô giới thiệu tên của mình là Hồng Anh, cô giáo cho phép chúng tôi vào lớp và tự tìm chỗ ngồi cho mình.

Tôi nhìn chỗ ngồi của mình một cách cẩn thận rồi lây thước bút ra vạch phân chia “ranh giới”. Nhìn sang bạn ngồi kế mình, một người bạn hoàn toàn xa lạ mà tôi chẳng hề quen biết. Thế nhưng bạn ấy lại mỉm cười với tôi và nói: “Chào cậu! Mình là Tiến Dương”. Tôi cũng mỉm cười và đáp lại: “Còn mình là Ánh Hoa. Rất vui khi được ngồi chung bàn với cậu”. Và thế là chỉ một lát sau, vạch phân chia “ranh giới” đã được xóa bỏ hoàn toàn. Tôi và Tiến Dương cùng khoanh tay lên bàn và bắt đầu buổi học đầu tiên như thế đấy.

Mới ngày nào khai trường mà giờ đã hơn 8 năm rồi. Đã 8 năm trôi qua với 8 lần tựu trường nhưng có lẽ buổi khai trường đầu tiên ấy đã để lại trong tôi những kỉ niệm sâu sắc nhất.

Câu trả lời:

Đề 1 :

“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em tới trường, em vừa đi vừa khóc. Mẹ dỗ dành yêu thương,...” Đó là những cảm xúc đầu tiên của tôi khi chuẩn bị vào lớp một. Khi tôi ngân nga bài hát này thì lòng tôi lại nhớ đến những kỉ niệm đẹp của ngày đầu tiên đi học.

Nhớ lại lúc ấy, cái thuở tôi còn bé xíu cùng mẹ bước chân vào một ngôi trường tiếu học rộng thênh thang. Khi mới vừa bước chân vào trường thì tôi nắm lấy tay mẹ tôi thật chặt chứ không như những lúc ở nhà; đi đâu cùng được và cũng chẳng sợ gi. Có lẽ vì tôi đã quá quen với từng con hèm nhỏ ở nhà tôi nên tôi chẳng sợ gì cả, tôi chạy ***** lại thật xa. Vậy mà lúc ấy tôi lại chẳng dám rời khỏi mẹ dù chỉ một bước. Giờ học bắt đầu, cồng trường đóng lại, tôi bơ vơ trong lớp nhìn ra ngoài cổng xem còn có mẹ không. Tôi như ở một thế giới hoàn toàn khác khi tôi vừa chia tay mẹ. Lúc đó tôi chẳng biết phải làm gì chỉ biết đứng đỏ mà khóc. Và rồi, cô đến bên tôi, cô nắm lấy tay tôi và cô nói ràng: “Đừng sợ, có cô đây” Tôi nghe cô nói, lời nói thật ngọt ngào và dịu dàng biết bao. Tôi cứ ngỡ cô là người mẹ thứ hai của tôi, che chở, quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ tôi. Tôi lúc ấy không còn đi chơi như ngày trước nữa mà tôi đã đi học.

Ngày đầu đi học thật khó, tôi chẳng biết gì cả. Tôi chẳng biết cầm bút, chẳng biết sách vở là gì nhưng điều đó chẳng khó gì khi có cô bên cạnh tôi. Cô đã chỉ tôi cách cầm bút, tập cho tôi viết chữ. Và rồi ba tiếng trống trường vang lên, báo hiệu giờ về đã đến. Những bạn khác thì được ba mẹ đón về nhà. Cô cũng về nhà, chỉ còn lại một mình tôi - cậu học trò lớp một cô đơn trong căn phòng lạnh lẽo. Tôi đã khóc, khóc rất to rồi đột nhiên có ai đó khẽ đặt tay lên vai tôi và nói: “Mình về nhà thôi con”, lúc đó tôi mới nhận ra là mẹ đã ở bên tôi.

Ôi! Sao tôi thương đến thế, sao tôi nhớ đến thế. Cái ngày đầu tiên đi học của tôi. Cái ngày mà tôi có nhiều ki niệm nhất trong tuổi thơ của mình.



Câu trả lời:

MB: GT về người luôn sống mãi trong trái tim bạn: VD: mẹ đi để cho khớp vs cái đường link kia bạn làm cho dễ....

- Có ai đc lớn lên và sinh ra trong vòng tay iu thương mới thẩu hiểu hết đc tình mẹ. Đi qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời có bao giờ bình yên hơn là trong vòng tay iu thương, gầy gò mộc mạc của mẹ.
TB:
- Đầu tiên tập trung tự sự kết hợp vs miêu tả và biểu cảm về đặc điểm nổi bật ngoại hình của mẹ khiến em nhờ mãi:VD:

+ Dáng mẹ tần tảo toát lên cái vẻ của người nông dân thứ thiệt của đất nước Việt Nam.
+ Khuôn mặt mẹ gầy gò, rám nắng vì mẹ lúc nào cũng dầm mưa dãi nắng để cho con và cả gia đình có miếng cơm ăn, áo mặc.
+ Đôi mắt mẹ màu nâu đen phúc hậu, hiền lành.
+ Đôi bàn tay mẹ nổi lên những đường gân và lác đác những chấm đồi mồi.--> Mẹ đã già rồi.
\Rightarrow Thương mẹ, hình ảnh mẹ 1 nắng 2 sương sẽ mãi in hằng trong tâm trí của con.

- Đặc điểm về tài năng, tính cách của mẹ:VD:

+ Mẹ nấu cơm rất giỏi và khéo làm lụng....Mọi người mà đi đâu chỉ muốn về với bữa cơm hạnh phúc do tay mẹ nấu.
+ Mẹ em ngày xưa là người yêu thơ nên giờ mẹ vẫn còn rất nhớ nhiều bài thơ và mẹ dạy em những bài thơ đó... Nhưng em vẫn iu nhất bài thơ về mẹ:

- Mẹ có nghĩ là tất cả
Cho đi không bao giờ đòi lại.
\Rightarrow Mẹ là người không những tài giỏi mà còn là ng phụ nữ đảm đang

- Những kỉ niệm về mẹ gắn bó với em mà em không bao giờ có thể quên được:VD: (VD này của mình mà giờ mình vẫn còn nhớ..cũng đc:D)

+ Nhớ đến ngày em học lớp 5, đi giữa trời mưa về cảm lạnh và sốt cao. Về nhà mẹ đã mắng em vì cái tội đi học không mang áo mưa. Cũng chỉ vì mẹ thương em quá nên trách lời mắng em. Thế là em ốm suốt 3 ngày liền. Mẹ chăm sóc em suốt cả 3 hôm dường như ko ngày nào mẹ ngủ cả. ( MT cử chỉ, hành động, lời nói của mẹ: Cả đêm mẹ đều đặt bàn tay iu thương của mẹ lên trán em, mẹ thay nước đắp khăn vào trán cho em....) .Bỗng mẹ nói:
- " Mày mà làm sao thì mẹ sống sao được?"
Đôi mắt mẹ, giọng nói của mẹ làm em như tỉnh hẳn trong cơn mơ u muội, đen tối ko thấy đường về. Em như muốn ôm chặt lấy mẹ và nói: " Con xin lỗi vì đã làm cho mẹ lo lắng, làm cho mẹ khổ vì con nhưng mẹ hãy yên tâm con nhất định sẽ khỏi ốm thôi mà, con sẽ đứng dậy kiên cường để mẹ thấy con của mẹ là người mạnh mẽ."
Thế là đúng ngày thứ 4 em đã khỏi ốm. Và đây là 1 kỉ niệm về mẹ mà em nhỡ mãi mãi
\RightarrowYêu mẹ mãi . ( Chú ý: đây là dàn ý cậu chỉ cần viết là kỉ niệm về mẹ khi cậu bị ốm và viết vài cử chỉ, hành động của mẹ ra thôi nhé...tớ thích viết dài nên mí viết zậy thôi:D)

KB:
- Tình mẹ thật thiêng liêng và cao quý lúc nào cũng toát ra 1 thứ tình cảm sâu nặng xoáy vào tim của mỗi con ng mà đời đồ đều nhớ đến và trân trọng nó.
- Liên hệ với bản thân mình....( em cần phải làm thế nào để mẹ luôn nở nụ cười....)
- Mẹ sẽ luôn ở trong trái tim con hỡi mẹ yêu!

Câu trả lời:

Bạn tham khảo nha !

Ngày đầu tiên khai trường, đó là cái ngày mà chắc hẳn không ai trong chúng ta có thể quên được. Cái ngày ấy đã đánh dấu sự kiện mỗi chúng ta bước vào con đường học tập. Năm nay tôi đã lên lớp 8, đã quá quen với không khí học đường, nhưng chợt nhìn thấy những em học sinh lớp một nắm tay bố mẹ dẫn đến trường, làm tôi thêm bồi hồi, xao xuyến và nhớ lại những kỉ niệm ngây thơ, bé bỏng của một cậu bé chập chững bước vào cổng trường trong bàn tay đầy tình thương của mẹ tôi.

Ấy là cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là một buổi sang cuối thu êm đềm, bầu trời cao trong xanh có ánh nắng vàng tươi. Cái mùa thu ở quê tôi thật đặc biệt - mùa thu miền Trung – không se lạnh như ở miền Bắc hay quá nóng nực như ở miền Nam. Nó dịu ngọt và nhẹ nhàng. Quả đúng là thời điểm khiến cho người ta dễ nhớ. Phải chăng đây chính là lí do để mùa thu là mùa tựu trường? Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng ngây thơ với tâm trạng một đứa trẻ sắp đối diện với một sự kiện quan trọng. Thực ra lúc đó còn bé, chưa cảm nhận được mấy về ngày khai trường và cũng chẳng biết đó là ngày gì, nhưng thấy sự quan tâm, bận rộn của người lớn phần nào tôi cũng đã nhận ra có cái gì đó quan trọng. Hôm nay mẹ sẽ là người đưa tôi đến trường. Vùng quê tôi không phải ở thành thị, cũng chẳng phải một nơi nào giàu có, đó là một vùng quê mang đầy nét thôn quê và sự dân dã. Trên đường đi học, tôi thấy có rất nhiều các bạn học sinh cùng các bậc phụ huynh. Tôi để ý thấy từng nét mặt lo lắng trên mặt họ, trong đó có cả mấy đứa thường đi chơi với tôi, cùng với sự chu đáo của người lớn giống như mẹ tôi vậy. Điều đó càng làm tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của ngày này, nhưng cũng chính vì đó mà khiến tôi càng thêm bận tâm. Tâm hồn tôi bấy giờ nặng trĩu nhưng rồi lại nhẹ nhàng như những cánh hoa tươi rực rỡ trong nắng mai cùng làn gió nhè nhẹ thổi qua, xoa dịu đi cái bồi hồi của tâm trạng.

Ô kìa, kia có phải là trường học, nơi mà tôi sẽ đến. Tôi lờ mờ nhận ra như vậy vì thấy nó khang trang và to lớn hơn bất cứ cái nhà nào mà tôi từng gặp. Mẹ xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói: “Con yêu, trường học của con đây rồi. Đây sẽ là nơi tu dưỡng đạo đức và kiến thức cho con”. Quả thực tâm trạng tôi mỗi lúc thay đổi. Bây giờ tôi không còn cảm thấy quá sợ nữa nhưng không hiểu sao chân tôi cứ díu lại. Dù vậy nhưng tôi vẫn cố nhảy theo những bước chân của mẹ. Đi được một đoạn thì ngôi trường đã hiện rõ trước mắt. Trước mặt tôi là một cái cổng trường to lớn với những chữ viết lằng nhằng khó hiểu. Xung quanh đó là hàng trăm các bạn học sinh khác cùng với biết bao tâm trạng, suy nghĩ. Bạn thì níu chân mẹ, người thì mếu máo. Chợt có tiếng khóc òa sau lưng tôi, tôi liền chạy lại úp mặt vào mẹ và cũng nghẹn ngào khó tả. Nước mắt tôi đã dưng dưng đến tận cổ họng. Mẹ an ủi tôi cùng những lời nói ngọt ngào, làm tôi lấy lại can đảm lau nhẹ nước mắt và mồ hôi, đứng thẳng người. Cùng lúc đó, có một cô giáo đi lại phía tôi. Tôi ngơ ngác nhìn thì cô nhẹ nhàng cất tiếng nói: “Chị cho cháu vào lớp đi. Đó là lớp của em” Giọng nói ấm ấm, thanh thanh mà ngọt ngào của cô đã khiến tôi không còn cảm giác sợ hãi nữa. Cô nhẹ nhàng nắm tay tôi dắt vào lớp, tôi đi theo sau cô và cảm nhận mùi thơm từ tà áo dài của cô.

Cô bảo: “Lớp mình ở đây. Tý nữa ra tập trung khai giảng xong thì về đây học”. Bỗng có hồi trống cái vang lên làm tôi giật nảy mình ôm chầm lấy cô giáo. Cô giáo cười, xoa đầu tôi bảo: “Đấy là tiếng trống trường. Trống báo đã đến giờ tập trung rồi”. À, thế ra đấy là tiếng trống trường. Từ trước tôi vẫn chỉ nghe tiếng trống cơm bung bung nhỏ bé của những đêm rằm Trung thu nào đã được nghe tiếng trống trường bao giờ. Sáng ấy, lần đầu tiên tiếng trống trường dội vào lòng tôi – tiếng trống rộn ràng, giục giã, nao nức khiến tim tôi cũng muốn nhảy nhót và lòng tôi hồi hộp muốn khóc lên. Tiếng trống đầu đời đi học ấy – ai ngờ sẽ là nguồn cảm xúc đi theo tôi suốt cuộc đời học tập. Rồi chúng tôi xếp hàng trước lá cờ đỏ sao vàng. Một thầy giáo hô chào cờ rất to. Chúng tôi đứng im phăng phắc mà không hát vì lúc đó hầu hết đều chưa biết bài hát Quốc ca. Chỉ sau đấy vào lớp, tiết học đầu tiên cô giáo mới dạy bài hát Quốc ca. Chúng tôi hát rất say sưa, hát hào hùng, thuộc rất nhanh vì cô giáo bảo để sau này mỗi lần chào cờ chúng tôi sẽ hát dưới cờ chứ không đứng im như hôm nay.

Tôi chẳng rõ mình ngồi trong lớp học từ khi nào, tôi ngước nhìn ra ngoài cửa sổ và tìm hình dáng thân thương của mẹ tôi trong lớp người chen chúc cố gắng dặn dò con cái cẩn thận trước khi ra cổng trường. Mẹ cũng nhẹ nhàng nói với tôi: “Con cố gắng ở lại ngoan nhé, trưa mẹ đón về”. Câu nói ấy của mẹ khiến tôi không còn lo sợ gì nữa. Bỗng tôi lại nghe thấy giọng nói ngọt ngào khi nãy vang lên. Thì ra cô giáo đang giới thiệu về mình. Thực sự bây giờ trong lòng tôi không còn một mối bận tâm nào nữa, tôi hoàn toàn bình tĩnh và chúng tôi đang bắt đầu làm quen với cô giáo. Các bạn đã hết bỡ ngỡ, bắt đầu đùa nghịch và làm quen với nhau. Bàn ghế thơm mùi gỗ mới, bảng đen, bục giảng, cô giáo, ảnh Bác Hồ... tất cả đều làm tôi tò mò, háo hức. Người bạn ngồi cạnh tôi béo tròn nhưng trắng trẻo và có nụ cười tươi làm quen với tôi. Bạn khoe đã đọc được mấy chữ cô giáo ghi trên bảng. Chúng tôi líu lo nói chuyện được một lúc thì giờ học đã bắt đầu. Cô dặn dò nhiều, đi kiểm tra sách vở và dạy cách cầm bút cho cả lớp. Giọng nói cô trầm ấm và khỏe khoắn làm tôi tin tưởng. Rất tự nhiên, tôi cảm thấy gắn bó với lớp mới. Tôi tròn mồm đọc những chữ a, b, c bằng cả tấm lòng tôi, bằng tình yêu thương của gia đình, bố mẹ và cô giáo. Nắng ghé qua cửa lớp xem chúng tôi học. Những tia nắng ấm như trong truyện cổ tích bà kể hàng đêm.

Với tôi, nếu không có ngày khai trường đầu tiên đi học chữ – phút đầu tiên được “thưa cô giáo”, lần đầu tiên nghe tiếng trống trường và đứng dưới lá cờ tổ quốc hát quốc ca ấy… tôi sẽ có gì sâu sắc với mái trường và tuổi thơ nhỉ? Tâm hồn tôi sẽ nghèo đi biết chừng nào. Những kỷ niệm đẹp đẽ trong ngày khai trường đầu tiên ấy đã góp phần bồi đắp nên tâm hồn thơ của tôi đấy thơ ơi!