Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Hà Tĩnh , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 5
Số lượng câu trả lời 711
Điểm GP 13
Điểm SP 527

Người theo dõi (118)

NN
GN
H24
NH
TT

Đang theo dõi (74)

DH
VT
NT
PP
NJ

Câu trả lời:

Hai đứa trẻ được ví như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Chất thơ ấy được bay lên từ một cuộc sống còn lầm than cơ cực của những kiếp người bé nhỏ vô danh trong xã hội cũ (họ sống lầm lũi giống như những cái bóng vật vờ trong không gian phủ đầy bóng tối nơi phố huyện ). Đặc biệt chất thơ ấy còn được toát lên từ chính những câu văn, giọng điệu văn mà tác giả sử dụng. Không chỉ dừng lại ở đó, có thể nhận thấy chính cái cấu tứ của truyện cũng làm nó giống với một bài thơ giàu chất trữ tình. Truyện có kết cấu vòng tròn xoay quanh hình ảnh bóng tối được lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt toàn bộ văn bản và được miêu tả từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau với những cách diễn đạt khác nhau: buổi chiều hòn than sắp tàn”, “mặt đen lại”, “chiều, chiều rồi”, “bóng tối ngập đầy”, “bước của buổi chiều”, “ngày tàn”.

"Hai đứa trẻ" có bao chi tiết nghệ thuật giàu sức gợi sâu xa. Thạch Lam tả cảnh, tả người hay kể chuyện đều chọn lọc, tạo nên ấn tượng, nhiều xao xác và bâng khuâng. Cảnh phố huyện tối dần, ngoài đồng thì ếch nhái kêu ran; trong nhà thì tiếng muỗi vo ve. Liên ngồi yên lặng, đôi mắt bóng tối ngập đầy dần, tâm hồn ngây thơ thấm thía cái buồn của buổi chiều quê. Bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu, tiếng cười "khanh khách". Tiếng đàn bầu của bác xẩm thì "bần bật". Mẹ con chị Tí bán nước chè. Thằng cu "khiêng hai cái ghế trên lưng"; mẹ nó "đội cái chõng trên đầu"... Thật là vất vả, cực nhọc và nghèo khổ. Những chi tiết ấy rất sống, rất hiện thực. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thuộc khuynh hướng lãng mạn. Nhưng truyện của Thạch Lam, đặc biệt truyện "Hai đứa trẻ" thì nội dung hiện thực - nhân đạo hòa quyện đầy ám ảnh và lay động.

Một nét đặc sắc nghệ thuật của Thạch Lam là tinh tế và sâu sắc trong phân tích thế giới nội tâm nhân vật, gợi tả xúc động những biến thái mơ hồ, mong manh trong lòng người. Những dòng viết về tâm trạng của nhân vật Liên với bao buồn vui lẫn lộn, nhiều xao xác bâng khuâng. Trời tối dần, Liên ngồi nhìn phố huyện, không hiểu sao "chị thấy lòng buồn man mác". Ngồi đợi tàu trong màn đêm, dưới ngàn sao lấp lánh, và ánh sáng của những con đom đóm nhấp nháy, tâm hồn Liên "yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu".Tàu đến, Liên vội đánh thức em dậy, hai chị em nhìn đoàn xe vút qua, nhìn theo cái chấm nhỏ đèn xanh, xa mãi dần khuất sau rặng tre. Liên cầm tay em, "lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo". Liên nhớ lại kí ức tuổi thơ và ước vọng. Rồi Liên chìm dần trong giác ngủ yên tĩnh của phố huyện về khuya "tịch mịch và đầy bóng tối".

Truyện "Hai đứa trẻ" có một giọng điệu rất riêng, giọng điệu tâm tình thủ thỉ. Đó là tiếng nói của một con người, như Nguyễn Tuân nhận xét là "tính tình nhẹ nhàng tinh tế", "vừa sống vừa lắng nghe chung quanh..." với bao chuyện buồn vui đang xẩy ra. Cái dây xà tích bằng bạc của Liên, Thạch Lam đã phát hiện ra thứ vật dụng mà "chị quý mến và hãnh diện" vì nó tỏ ra chị là người con gái"lớn và đảm đang". Phở bác Siêu là một thứ quà "xa xỉ, nhiều tiền" mà hai chị em Liên không bao giờ mua được, vì thế hai chị em chỉ biết "ngửi thấy mùi phở thơm". Liên nhớ về Hà Nội là nhớ những kỉ niệm tuổi thơ, ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền, hai chị em được đi chơi bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Phải chăng đó cũng là kí ức tuổi thơ êm đềm của Thạch Lam?

Thạch Lam sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập để làm nổi bật những cảnh đời lầm than nơi phố huyện. Phố huyện ngập đầy bóng tối. Chỉ có vài ngọn đèn le lói. Riêng ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Càng về khuya, phố huyện càng im lìm, tịch mịch. Đêm nào cũng có một chuyến tàu chạy qua phố huyện. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng con tàu đã mang đến một thế giới đầy ánh sáng và náo động. Làn khói bừng sáng. Các toa đèn sáng trưng. Đồng và kền lấp lánh. Các cửa kính sáng. Đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Tiếng xe rít. Tiếng hành khách ồn ào, khe khẽ. Tiếng còi tàu rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi tới và vút qua... ánh sáng và bóng tối, ồn ào náo động và tịch mịch, tương phản ấy, đối lập ấy đã làm nổi bật những cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời đi sâu vào những tâm tình, tâm trạng, những cảm xúc, cảm giác đầy ám ảnh.

Một nét đặc sắc nữa về nghệ thuật của Thạch Lam là câu văn dưới ngòi bút của ông thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. Ví dụ, cảnh phố huyện lúc chiều tàn: "Phương tây đỏ rực như lửa cháy (...). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào...". Đây là cảnh đầu đêm nơi phố huyện: "Trời đã bắt đầu đêm, một mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối...". Nói về câu văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, nhận xét: "Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn".

Thạch Lam được đánh giá là một trong những ngôi sao tỏa sáng nhất trên bầu trời văn học Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám, mỗi tác phẩm của ông là sự kết tinh toàn vẹn giữa tài năng nghệ thuật và bút pháp trữ tình. Truyện của Thạch Lam không có cốt truyện đặc biệt, giọng điệu và ngôn ngữ nhiều chất trữ tình: Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam có cấu tứ và giọng điệu như một bài thơ trữ tình, gợi sự thương xót trước số phận của những con người nhỏ bé bất hạnh. Một giọng văn bình dị mà tinh tế, mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc điệu. Truyện ngắn Hai đứa trẻcũng là một trường hợp như thế.

Thay lời kết luận, Văn học là một dòng sông, nhà văn là con thuyền trên dòng sông ấy. Nước chảy thuyền trôi. Con thuyền đi qua mọi bến bờ của thời gian, không gian và ở một nơi xa nào đó trên một bờ vắng đầy cỏ dại, nó đã cập bến mang theo những khuông hàng chất nặng suy tư. Để rồi mỗi khuông hàng ấy được trao đến tay độc giả những bài học, những cảm thức và những suy nghiệm mà nhà văn lưu giữ nó suốt chặng đường lênh đênh sóng nước. Thạch Lam đã đem sản phẩm tinh thần của mình vượt quá khứ xa xăm, băng qua mọi rào cản xã hội để đến với con người mới thế kỷ XXI, hòa điệu trong những khoảnh khắc đồng hiện của cảm xúc .Và rồi bước ra khỏi thế giới ấy, con người không khỏi ngỡ ngàng ngoái nhìn lại bản thân và hô to lên một tiếng như để tán thưởng cho giây phút thăng hoa .

Câu trả lời:

Cuộc sống là một chuỗi những biến hóa mà không một ai có thể lường trước được mọi điều, chính vì vậy mà khi những biến cố ấy ập đến thì con người thường bị bất ngờ, tùy vào năng lực và khả năng giải quyết của mỗi người mà những biến cố ấy được giải quyết theo những cách thức khác nhau, nếu là người có nghị lực, bản lĩnh không chịu đầu hàng trước số phận thì ta sẽ tìm được cách để vượt qua nó, chinh phục nó. Nhưng cũng có không ít người lựa chọn dừng lại, đầu hàng trước số phận. Tuy cách thức lựa chọn có thể khác nhau nhưng điều mà chúng ta nhận được sau những biến cố bất ngờ đó chính là những bài học vô cùng sâu sắc, là những bài học kinh nghiệm mà ta sẽ mang đến cuối cuộc đời. Tôi cũng đã từng biết đến một câu chuyện sâu sắc như vậy, nó bắt đầu từ những lầm lỗi, nhưng kết thúc nhân vật chính nhận được một bài học cho mình, hối hận vì những gì mình gây ra cho những người thương yêu.

Câu chuyện mà tôi được nghe thực ra là một bộ phim ngắn do Thái Lan sản xuất, câu chuyện kể về cuộc đời của một người mẹ lam lũ và một anh con trai bướng bỉnh, ngỗ ngược. Vì một bất đồng nhỏ mà anh ta bỏ nhà đi biền biệt, cùng vì hành động vô tình đó mà cuối cùng anh ta đã nhận được một bài học sâu sắc, phải hối hận khôn nguôi vì hành động bồng bột, vô tâm của mình. Câu chuyện tuy đề cập đến hình ảnh của một anh con trai nhưng khi xem xong ta sẽ thấy được hình ảnh của chính mình trong đó, bởi trong chúng ta ai cũng đã từng một lần làm cho bố mẹ buồn phiền, cũng từng vì giận dữ mà nói ra những lời không hay với người mà ta yêu thương nhất.

Đến cuối cùng, điều làm ta đau đớn nhất chính là sự hối hận, ăn năn muộn màng bởi trong một phút nào đó ta vô tình lãng quên đi cha mẹ, nhưng đối với cha mẹ thì không như vậy, tình yêu dành cho con cái luôn là vô bờ bến, dẫu con cái có mắc phải những sai lầm không thể tha thứ thì quay đầu ngoảnh lại vẫn có hình bóng của cha mẹ phía sau. Nội dung của bộ phim này kể về một người mẹ già yếu, sống cùng anh con trai trong ngôi nhà nhỏ, nghề nghiệp mà hai mẹ con dùng để mưu sinh hàng ngày là thu mua những đồ đạc cũ mà người ta không cần đến. Trong một lần nóng giận, người mẹ đá mắng anh con trai, nhưng vì tự ái mà anh con trai đã nói những lời không hay với mẹ và từ đó bỏ đi biền biệt, để lại người mẹ đau khổ, cô đơn trong ngôi nhà nhỏ.

Anh con trai đi liền mấy tháng mà không có một chút tung tích, cũng không hồi âm gì cho mẹ già. Nhưng người mẹ thì đâu có thể bỏ mặc mà không quan tâm gì đến đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra được. Dù anh con trai có thái độ hỗn hào với mình nhưng người mẹ vẫn vô cùng đau buồn về sự ra đi của đứa con, mà trên tất cả là lo lắng, lo cho con có đủ cơm ăn, có bị ai bắt nạt hay không. Những ngày mòn mỏi chờ con chở về là những ngày đau đớn nhất đối với bà mẹ, ngày nào bà cũng ra cửa trông ngóng đứa con nhưng đều thất vọng trở vào. Thậm chí người mẹ ấy còn tự trách bản thân lúc ấy đã nặng lời khiến cho con tức giận mà bỏ đi.

Thế rồi không thể yên tâm ở nhà chờ đợi nữa, người mẹ già đã qua tuổi lục tuần ấy đã gom góp tất cả tiền bạc mà mình có, khăn gói lên đường tìm kiếm con trai. Bà mẹ không biết anh con trai đi đâu về đâu nhưng vẫn mang theo bức ảnh đã bạc màu khắp nơi dò hỏi tin tức của người con. Đất nước rộng lớn như vậy, không có một địa điểm cụ thể, người mẹ ấy cứ mải miết đi hết thành phố này qua thành phố khác, đến đâu bà cũng hỏi nhưng một chút tin tức cũng không có. Tiền bạc mang trên người cũng hết, ban ngày bà tìm con, ban đêm lại ngủ ở gầm cầu, ven đường vô cùng đáng thương. Ngay cả những bữa ăn qua ngày cũng là những người qua đường cho.

Cầm lấy thức ăn được người ta cho, bà mẹ ứa nước mắt nghĩ về đứa con, và rồi quá đau khổ, bế tắc người mẹ ấy đã hóa điên. Dù đã không còn ý thức minh mẫn nhưng người mẹ ấy vẫn lang thang trên đường gọi con, người mẹ ấy già xọm đi, quần áo rách rưới, người ta thường nhìn thấy bà tìm kiếm đồ ăn ở những thùng rác công cộng. Hình ảnh đáng thương của bà mẹ khiến ta không cầm được nước mắt và thêm trách người con đã quá vô tâm, tàn nhẫn với mẹ của mình. Và trong một lần tìm kiếm thức ăn, bà mẹ nhìn thấy một chú chó nhỏ bị bỏ rơi, bà ôm ***** vào lòng và tưởng tượng đến hình ảnh đứa con lúc còn nhỏ.

Bà vừa khóc vừa ôm lấy ***** nhỏ như vừa tìm thấy đứa con của mình, đi đâu bà cũng gánh theo chú chó với tâm trạng đầy hồ hởi, những người xung quanh nhìn bà với con mắt cảm thông có, chê cười có. Và rồi đến một ngày định mệnh, ***** nhỏ chạy mất, bà mẹ hốt hoảng chạy đi gọi con, bà nhớ lại khoảnh khắc lúc con trai bỏ mình mà đi, bà mải miết chạy và tìm thấy chó nhỏ, bà ôm vào lòng mà không nhận ra người vừa đưa chú chó cho mình lại chính là anh con trai. Bất ngờ đau đớn hơn cả là anh con trai, bởi anh ta vẫn nghĩ mẹ mình đang sống yên ổn ở quê.

Tình trạng đáng thương của bà mẹ khiến cho anh ta ngỡ ngàng, đau đớn, muốn nói mà không nói ra được lời nào, chỉ biết câm lặng nhìn bà mẹ bế ***** mà rời xa mình. Sự đau khổ, hối hận đan xen, anh ta không cho phép mình bỏ rơi mẹ một lần nữa nên anh ta mặc kệ những ánh mắt tò mò xung quanh mà chạy lại, quỳ xuống dưới chân bà mẹ xin tha thứ. Kết thúc bộ phim, người mẹ vẫn chưa thể nhận ra được đứa con nhưng với sự hối lỗi chân thành của người con thì ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng anh ta sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm xưa một lần nữa, người con bằng tình yêu, sự hối hận của mình rất có thể làm cho người mẹ trở nên tỉnh táo hơn chăng? Ta hoàn toàn có thể tin vào điều đó.

Câu chuyện về người mẹ điên khiến cho ta trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, cảm thông, thương cảm đến sự xót xa đau đớn và cuối cùng là niềm vui nhen nhóm khi người con cuối cùng cũng nhận ra lỗi lầm và trở về. Hơn hết, câu chuyện còn nhắc nhở ta trong cách ứng xử với mẹ của mình, trong cuộc sống đã có rất nhiều lần chúng ta có những xung đột, mâu thuẫn mà lớn tiếng với mẹ. Những lúc ấy chúng ta không ý thức được chúng ta đã nói những gì nhưng đó đều là những mũi dao đâm vào trái tim của những người mẹ. Mẹ có thể không biểu hiện sự đau đớn, mất mát ấy ra bên ngoài nên ta thường vô tâm bỏ qua và không mấy để ý.

Nhưng dù có lúc tức giận mà lớn tiếng với chúng ta đi nữa thì tình cảm của người mẹ đối với con cái của mình lại không hề một chút đổi thay, mẹ trách mẹ mắng bởi mẹ quan tâm và mong muốn chúng ta có thể trở thành những con người có ích, nghĩa là mong chúng ta tiến bộ, trưởng thành hơn. Nhưng bản thân chúng ta lại không vậy, cãi lại mẹ chỉ vì cái “tôi” đầy ích kỉ và thiển cẩn, những lời nói không hay của chúng ta sẽ làm cho mẹ buồn nhưng mẹ lại chẳng bao giờ trách mắng mà chỉ để trong bụng.

Sau tất cả thì người mẹ vẫn dành cho những đứa con tình yêu bao la, rộng lớn nhất, tấm lòng vị tha của người mẹ có thể tha thứ cho mọi lỗi lầm của người con, thậm chí có thể cảm hóa sự bướng bỉnh, làm cho những đứa con thay đổi tích cực hơn. Như trong câu chuyện trên, tuy là kết mở nhưng ta cũng tạm thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng sau bao nhiêu sóng gió của cuộc đời mình thì bà mẹ cũng tìm được anh con trai, dù nhận thức có mơ hồ nhưng giọt nước mắt đau khổ của bà mẹ cuối câu chuyện chính là một dấu hiệu cho một khởi đầu mới tốt đẹp hơn chăng.

Sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành mẹ đã trải qua vô vàn những khó khăn nhưng mẹ không bao giờ nói, những lời nói của mẹ lúc tức giận có thể làm ta buồn nhưng những hành động của mẹ lại chứa chan yêu thương. Vì vậy những ai có mẹ thì đừng làm cho mẹ buồn, bởi có đi khắp thế gian thì cũng không tìm ra được ai tốt bằng mẹ.

Câu trả lời:

Nếu như Bà Huyện Thanh Quan với những lời thơ trang nhã, nhẹ nhàng, mang chút cung đình buồn thương man mác. Thì thơ Hồ Xuân Hương có phong cách hoàn toàn khác. Giọng thơ rắn rỏi, mạnh mẽ, đề tài bình thường dân dã, ý thơ sâu sắc thâm thuý mà chua cay chứa nỗi niềm phẫn uất phản kháng xã hội đương thời. Bánh trôi nước là một bài thơ như vậy:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Bánh trôi nước là bài thơ trữ tình đặc sắc. Tác giả mượn chiếc bánh trôi để thế hiện vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người con gái có thân phận nhỏ nhoi, chìm nổi, phụ thuộc mà vẫn giữ trọn phẩm giá của mình.

Toàn bộ bài thơ là hình ảnh nhân hoá tượng trưng. Với khả năng quan sát và liên tưởng kỳ lạ, chất liệu dân gian là chiếc bánh trôi nước - loại bánh dân gian xưa cho là tinh khiết thường dùng vào việc cúng tế, nhà thơ đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi bình thường với hình ảnh người phụ nữ. Cả hai đều có vẻ bề ngoài rất đẹp (trắng, tròn), có phẩm giá cao quý (tấm lòng son) tương đồng cuộc sống (chìm, nổi), số phận phụ thuộc (rắn nát tuỳ thuộc tay kẻ nặn). Với những từ ngữ đa nghĩa bài thơ tạo nên một trường liên tưởng cho người đọc. Do vậy nhà thơ tả thực mà lại mang ý nghĩa tượng trưng. Nói cái bánh trôi mà thành chuyện con người - người phụ nữ. Người con gái hình thể đẹp, da trắng nõn nà, thân hình căng tràn nhựa sống, tâm hồn nhân hậu hiền hoà.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Với vẻ đẹp hình thể như vậy đáng lẽ phải có cuộc sống sung sướng hạnh phúc nhưng cuộc đời con người, đặc biệt là người phụ nữ thì phải chịu bao đắng cay, vất vả.

Bẩy nổi ba chìm với nước non

Được cha mẹ sinh ra để làm người, nhưng người phụ nữ không làm chủ được mình, cuộc đời họ do người khác định đoạt. Nàng Vũ Nương thuỳ mị nết na, đức hạnh thuỷ chung, chồng ra trận nàng ở nhà một thân một mình nuôi mẹ già, con thơ. Nàng đã làm tròn bổn phận của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Vậy mà do sự đa nghi ghen tuông quá mức, nàng bị chồng nghi cho là thất tiết. Nàng đã phải lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Câu chuyện mang đến cho chúng ta một thông điệp: trong xã hội ấy người tốt như nàng không được sống hạnh phúc.

Cùng như vậy cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị xã hội nhào nặn xô đẩy:

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Dù cuộc đời có phũ phàng, bất hạnh họ vẫn giữ vẹn phẩm giá, tâm hồn cao đẹp của mình.

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Sự sáng tạo của nữ sĩ khá độc đáo. Bà lựa chọn chi tiết không nhiều nhưng lại nói được nhiều. Hai từ thân em được đặt trước chiếc bánh, chiếc bánh được nhân hoá, đó chính là lời tự sự của người phụ nữ. Nét nghệ thuật này gợi cho trí tưởng tượng của người đọc được chắp cánh và hình ảnh người phụ nữ hiện lên rõ nét hơn.

Từ thoáng chút hài lòng giọng thơ chuyển hẳn sang than oán về số phận hẩm hiu. Hồ Xuân Hương đã đảo lại thành ngữ quen thuộc ba chìm bảy nổi thành bảy nổi ba chìm đối lập với vừa trắng lại vừa tròn tạo sự bất ngờ và tô đậm sự bất hạnh của người phụ nữ.

Đến đây ta không còn thấy giọng thơ than vãn cam chịu: Rắn nát mặc dầu tay kè nặn. Cuộc đời họ, họ không làm chủ được bản thân mà phụ thuộc hoàn toàn vào tay kẻ khác. Thế nhưng: Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Không những sự đối lập giữa thái độ người phụ nữ trong câu ba và bốn là đối lập giữa thái độ cam chịu và thái độ bảo vệ phẩm chất trong sáng trong tâm hồn con người. Từ vẫn thể hiện sự khằng định, quả quyết vượt trên số phận để giữ tấm lòng son. Người phụ nữ đã ý thức rất rõ về cuộc sống và phẩm giá của mình. Dẫu cho cuộc đời cay đắng, nhào nặn, xô đẩy thì giá trị đáng kính của họ luôn luôn là điều sống còn đối với họ.

 

Trong xã hội với ý thức hệ nho giáo hà khắc như vậy, quan niệm tam tòng tứ đức, nam tôn nữ ti đã ăn sâu vào ý thức con người. Nói được như Hồ Xuân Hương thật đáng khâm phục, trân trọng.

Bài thơ chỉ có bốn câu, đề tài bình dị nhưng dưới ngòi bút thần diệu, Hồ Xuân Hương đã tạo cho viên bánh trôi nước mang vẻ đẹp sáng ngời của viên ngọc lấp lánh nhiều màu. Bài thơ chứa đựng một luồng ánh sáng, ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ và giá trị nhân phẩm của mình.

Quả thật bài thơ của Hồ Xuân Hương có giá trị hiện thực và xã hội sâu sắc. Đây là tiếng nói chung của người phụ nữ đối với sự bất công của xă hội xưa và khẳng định phẩm giá của bản thân. Nhà thơ đã đại diện cho những số phận bất hạnh cất lên tiếng nói của chính họ và của thời đại. Bài thơ thể hiện khẩu khí của bà chúa thơ nôm.