Bài tập 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi
Mạng xã hội và sức khỏe trong thời đại số
Hiện nay, hơn 3 tỷ người đăng nhập mạng xã hội và một số người có nhiều hơn một tài khoản. Chúng ta đang dành trung bình khoảng 2 tiếng mỗi ngày để “chia sẻ”, “thích”, viết status và cập nhật thông tin trên các trang mạng, theo một nghiên cứu gần đây. Xu hướng này đang dẫn đến một số tác động đáng lo ngại và các nhà nghiên cứu đang quan tâm đến ảnh hưởng của nó tới các khía cạnh của sức khỏe.
Stress và tâm trạng lo âu
Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Áo phát hiện ra rằng những người tham gia nghiên cứu có tâm trạng kém hơn sau khi dùng Facebook khoảng 20 phút so với những người chỉ vừa lướt mạng Internet. Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng mọi người cảm thấy tâm trạng kém đi vì họ cho rằng họ vừa làm một công việc vô bổ. Tâm trạng tốt hay xấu có thể cũng lan tỏa trên mạng xã hội, theo các nhà nghiên cứu từ Đại học California, những người phân tích nội dung cảm xúc của hơn một tỷ trạng thái được đăng bởi hơn 100 triệu người dùng Facebook từ năm 2009 và 2012. Thời tiết xấu làm tăng lượng post tiêu cực khoảng 1% và các nhà nghiên cứu phát hiện rằng một post tiêu cực cập nhật bởi một người ở một thành phố đang mưa tác động tới 1,3 post tiêu cực của bạn bè họ ở một thành phố khô ráo.
Điều đáng mừng là các post tích cực có tác động mạnh mẽ hơn, mỗi post tác động tới 1,75 post tích cực khác. Tuy nhiên, việc các post tích cực thực sự có thể khuếch đại tâm trạng vẫn chưa được xác thực. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu trạng thái lo âu nói chung cũng như sự bất an và lo lắng, vấn đề về giấc ngủ và sự tập trung gây ra do mạng xã hội.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Computers and Human Behaviour phát hiện rằng, những người sử dụng từ 7 mạng xã hội trở lên dễ có nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu cao gấp 3 lần so với những người chỉ dùng từ 0–2 mạng xã hội.
Trầm cảm
Trong khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm và việc sử dụng mạng xã hội, có một nhánh nghiên cứu đang đào sâu về tác động tích cực của mạng xã hội. Hai nghiên cứu với sự tham gia của hơn 700 học sinh phát hiện ra, các dấu hiệu của trầm cảm - ví dụ như tâm trạng đi xuống, cảm thấy vô giá trị, mất hy vọng - có mối quan hệ với sự tương tác trên mạng.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng các triệu chứng trầm cảm có nhiều hơn ở những người có nhiều tương tác tiêu cực. Một nghiên cứu tương tự với sự tham gia của 1.700 người cho biết nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng tăng lên gấp 3 lần với những người sử dụng mạng xã hội.
Các lý do đưa ra là: Bị bắt nạt trên mạng, có cái nhìn sai lệch về cuộc sống của mọi người và cảm thấy thời gian cho mạng xã hội là vô bổ. Các nhà nghiên cứu của Microsoft đã tiến hành khảo sát 476 người và phân tích thông tin trên Twitter của họ về ngôn ngữ trầm cảm, cách dùng ngôn ngữ, cách tương tác và cảm xúc. Từ đó, họ phát triển một bộ phân loại có thể dự đoán chính xác 7 trên 10 người trầm cảm trước khi họ có dấu hiệu thực sự. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Havard và Vermont đã phân tích ảnh Instagram của 166 người và tạo ra công cụ tương tự với tỷ lệ thành công tương đương.
Từ khi mạng xã hội phát triển nhanh chóng, Brian Primack - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về truyền thông, công nghệ và sức khỏe Đại học Pittsburgh - bắt đầu quan tâm đến ảnh hưởng của nó tới xã hội. Cùng với giáo sư Jessica Levenson Đại học Pittsburgh, Primack xem xét mối quan hệ giữa công nghệ và sức khỏe tinh thần, phân tích mặt tốt và xấu. Khi phân tích mối liên hệ giữa mạng xã hội và trầm cảm, họ kỳ vọng sẽ có mối quan hệ hai chiều - mạng xã hội có lúc làm giảm trầm cảm, có lúc làm tăng trầm cảm.
Kết quả này được biểu diễn dưới dạng đồ thị chữ U. Rằng việc tăng sử dụng mạng xã hội sẽ làm tăng khả năng trầm cảm, tuyệt vọng và cô độc. Điều chưa rõ là quan hệ nhân quả: trầm cảm làm tăng việc sử dụng mạng xã hội hay mạng xã hội làm tăng trầm cảm? Ông cho rằng có thể là cả hai và điều này khiến vấn đề phức tạp hơn. Một người càng trầm cảm thì càng sử dụng nhiều mạng xã hội, điều này làm sức khỏe tinh thần của họ tồi tệ hơn.
Giấc ngủ
Loài người đã từng sống trong bóng tối vào buổi tối nhưng bây giờ chúng ta sống trong môi trường có ánh sáng nhân tạo cả ngày và đêm. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng điều này có thể cản trở cơ thể sản xuất hormone gọi là melatonin giúp hỗ trợ giấc ngủ. Ngoài ra, ánh sáng xanh - phát ra bởi điện thoại thông minh và màn hình máy tính - được cho là tác nhân nguy hiểm nhất. Nói theo cách khác, nếu bạn ở trên giường và sử dụng Facebook hay Twitter vào ban đêm, bạn sẽ rất khó để đi vào giấc ngủ.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pittsburgh hỏi 1.700 người trong độ tuổi 18–30 về mạng xã hội và thói quen đi ngủ; kết luận được đưa ra, ánh sáng xanh chính là một trong những tác nhân cản trở giấc ngủ. Tần suất họ đăng nhập chứ không phải thời gian dùng mạng xã hội, được dùng như một thước đo độ “nghiện”, các nhà nghiên cứu nói. Họ cho rằng điều này là do ánh sáng của thiết bị điện tử làm cản trở chu kỳ sinh học của cơ thể xảy ra trước lúc ngủ. Nhưng, họ không làm rõ được liệu mạng xã hội có làm gián đoạn giấc ngủ không, hay liệu những người bị gián đoạn giấc ngủ có dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội không. Nếu việc sử dụng mạng xã hội làm tăng lo âu và trầm cảm, có thể nó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bạn đi ngủ nhưng trong tâm trí lại đang so sánh chính mình với những người đăng những hashtag như #mãn nguyện, #cuộc sống hoàn hảo tới những bức ảnh du lịch, bạn có thể tin là cuộc đời mình thật ảm đạm, điều này khiến bạn thấy tồi tệ và khó ngủ hơn.
Thiếu ngủ có những ảnh hưởng phụ khác: nó có quan hệ với tăng khả năng bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, năng lực học tập, phản ứng chậm khi lái xe, hành động liều lĩnh... Điều tồi tệ hơn là, mất ngủ ảnh hưởng tới người trẻ nhiều nhất, trong lúc vị thành niên thành là độ tuổi thay đổi sinh lý và xã hội có vai trò quan trọng tới sự phát triển.
Nghiện
Dẫu cho có một số nhà khoa học tranh luận rằng thói quen sử dụng Twitter là việc còn khó cưỡng hơn cả thuốc lá và rượu nhưng tình trạng nghiện mạng xã hội vẫn không thuộc danh sách các dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần. Điều này cho thấy mạng xã hội đang thay đổi nhanh hơn khả năng bắt kịp của các nhà khoa học. Bởi vậy, nhiều nhóm nghiên đang cố gắng quan sát các hành vi không kiểm soát được liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, ví dụ các nhà khoa học từ Hà Lan đã tạo ra thước đo riêng để nhận ra các loại nghiện có thể xảy ra. Nếu bệnh nghiện mạng xã hội là có tồn tại, thì nó sẽ nằm trong nhóm các loại nghiện liên quan đến Internet - vốn là một chứng rối loạn.
Năm 2011, Daria Kuss và Mark Griffiths Đại học Nottingham Trent ở Anh đã phân tích 43 nghiên cứu trước đó về vấn đề này và kết luận rằng nghiện mạng xã hội là một vấn đề tinh thần “có thể” cần phải được điều trị chuyên nghiệp. Họ chỉ ra rằng việc sử dụng quá mức mạng xã hội có liên quan đến tình trạng gặp trắc trở trong các mối quan hệ, đạt kết quả học tập không tốt và việc ít tham gia các hoạt động cộng đồng trong đời thật.
Thêm nữa, những người dễ bị nghiện mạng xã hội bao gồm những người phụ thuộc vào rượu, quá hướng ngoại và những người dùng mạng xã hội để bù đắp cho việc họ có ít các mối quan hệ ngoài đời thực.
Một nghiên cứu công bố năm 2018 đăng trên tạp chí Mỹ Preventive Medicine dựa trên khảo sát 7.000 người trong độ tuổi 19-32 phát hiện rằng, những người dành phần lớn thời gian trên Facebook cảm thấy bị tách khỏi xã hội cao gấp đôi những người khác. Những người dành nhiều thời gian vào mạng xã hội thường tránh các cuộc gặp mặt trực tiếp và khiến họ cảm thấy bị cho ra rìa, các nhà nghiên cứu nói.
Tiếp xúc với những hình ảnh lý tưởng về cuộc sống có thể tạo cảm giác ganh tị; bên cạnh đó, niềm tin của chúng ta cũng bị bóp méo rằng người khác sống hạnh phúc và thành công hơn, điều này có thể làm tăng sự cô độc xã hội.
(https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/
Mang-xa-hoi-va-suc-khoe-trong-thoi-dai-so-i576275/)
Câu 1. Văn bản trên chuyển tải thông tin về lĩnh vực nào? Thuộc kiểu văn bản nào, xác định dấu hiệu nổi bật nhất ở văn bản này?
Câu 2. Đoạn văn bản in đậm đầu văn bản chứa những thông tin nào, có tên gọi là gì? Đoạn đó có vai trò như thế nào đối với toàn văn bản?
Câu 3. Văn bản đề cập đến những khía cạnh nào của vấn đề? Căn cứ nào để tiếp cận thông chính nhanh nhất, vì sao?
Câu 4. Em hiểu nội dung câu: “Khi phân tích mối liên hệ giữa mạng xã hội và trầm cảm, họ kỳ vọng sẽ có mối quan hệ hai chiều - mạng xã hội có lúc làm giảm trầm cảm, có lúc làm tăng trầm cảm ”? Xác định cách đánh giá vấn đề này và cho biết chúng có đảm bảo tính khách quan không?
Câu 5. Vấn đề trong văn bản được tác giả đề cập đến ở mức độ nào? Em sẽ làm gì để tránh những tác hại của mạng mà vẫn phát huy được ưu thế của nó
Bài tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi :
Bà Sarah Gilbert - "bộ óc" đằng sau vắc xin Covid-19 AstraZeneca
Thứ Năm, 26/08/2021 - 19:45
(Dân trí) - Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca/Oxford trở thành phao cứu sinh cho hàng triệu người nhờ tính hiệu quả, dễ bảo quản và giá rẻ. Điều này có được là nhờ vào bà Sarah Gilbert - "mẹ đẻ" của vắc xin này.
Bà Gilbert là giáo sư chuyên ngành vắc xin tại Viện Nghiên cứu Jenner của Đại học Oxford, một trong những trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu thế giới. Tại Oxford, bà thiết lập một nhóm nghiên cứu riêng với tham vọng tạo ra một loại vắc xin có thể chống được nhiều chủng loại cúm khác nhau. Năm 2014, bà dẫn đầu việc thử nghiệm vắc xin Ebola. Khi Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) xuất hiện, bà đã sang tận Ả rập Xê út với hy vọng phát triển được một loại vắc xin dành cho chủng virus corona này.
Vắc xin AstraZeneca (Ảnh: The Times).
Nhưng khi vắc xin MERS chỉ mới thử nghiệm lần thứ hai thì đại dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc vào đầu năm 2020. Bà nhanh chóng nhận ra mình có thể phát triển vắc xin Covid-19 tương tự cách đã làm với MERS. Theo BBC, chỉ trong một tuần sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của loại virus mới, nhóm của bà Gilbert đã thiết kế xong vắc xin Covid-19.
Nhưng kinh phí đâu ra để thử nghiệm lâm sàng, một việc vô cùng tốn kém và mất thời gian? Đây là vấn đề hóc búa được đặt ra. Bà Gilbert đã tích cực thuyết phục các đề tài khác trợ giúp kinh phí, kêu gọi chính phủ tài trợ và cả nhóm đã vui mừng trước tin chính phủ Anh hỗ trợ kinh phí 22 triệu bảng Anh thử nghiệm và sản xuất vắc xin.
Bà Gilbert sau đó chạy đua với thời gian trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu tăng nhanh vì Covid-19. Bà làm việc có khi từ 4 giờ sáng đến tận tối muộn. Đầu tháng 4/2020, lô vắc xin đầu tiên được sản xuất để chuẩn bị cho việc thử nghiệm. Bà Gilbert mô tả rằng quá trình này là một loạt những bước nhỏ liên tiếp nhau, chứ không phải là một khoảnh khắc phát hiện bùng nổ nào đó. Tài liệu của Thu Nguyễn( 036821837)
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem đây là một cuộc chạy đua với virus, không phải cuộc chạy đua với các nhà phát triển vắc xin khác… Là người đã phát minh ra loại vắc xin này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vắc xin. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vắc xin", báo The Star dẫn lời bà Gilbert.
Theo mong muốn của bà Gilbert, AstraZeneca cam kết không thu lợi nhuận từ vắc xin Covid-19 trong đại dịch. Và giá vắc xin này vẫn sẽ được giữ nguyên với các nước đang phát triển, kể cả khi đại dịch kết thúc.
Năm 2020, bà Gilbert là một trong số các nữ nhà khoa học được hãng truyền thông BBC vinh danh trong danh sách 100 Phụ nữ Tiêu biểu của năm trên toàn cầu vì những đóng góp không mệt mỏi cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
(Theo dantri.com.vn)
Câu 1. Văn bản cung cấp cho người đọc thông tin chính nào?
Câu 2. Từ "mẹ đẻ" trong sa – pô của văn bản có nghĩa là gì?
Câu 3. Tìm những chi tiết cho thấy bà Gilbert đã chạy đua với thời gian để tạo ra vacxin AstraZeneca.
Câu 4. Câu nói sau của bà Gilbert cho thấy bà là người như thế nào?
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem đây là một cuộc chạy đua với virus, không phải cuộc chạy đua với các nhà phát triển vắc xin khác… Là người đã phát minh ra loại vắc xin này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vắc xin. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vắc xin”.
Câu 5. Nêu thông điệp em rút ra từ việc làm của bà Sarah Gilbert trong văn bản.