Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác* VD: Đọc các văn bản sau và trả lời câu hỏi
a) CÂY DỪA BÌNH ĐỊNH
Cây dừa gắn bó với người dân Bình Định như cây tre đối với người dân miền Bắc. Cây dừa cống hiến tất cả của cải của mình cho con người: thân cây làm máng, lá làm tranh, cọng lá chẻ nhỏ làm vách, gốc dừa già làm chõ đồ xôi, nước để uống, để kho cá, kho thịt, làm nước mắm,... Cùi dừa ăn sống với bánh đa, làm mứt, làm bánh kẹo, ép lấy dầu dùng để thắp, để ăn, để chải đầu, nấu xà phòng. Sọ dừa làm khuy áo, làm gáo, làm muôi. Vỏ dừa bện dây rất tốt với người đánh cá vì nó mềm, dẻo dai, chịu mưa, chịu nắng. Cây dừa gắn bó với đời sống hằng ngày là thế đấy.
Dân Bình Định có câu ca dao:
Dừa xanh sừng sững giữa trời
Đem thân mình hiến cho đời thủy chung.
Ở Bình Định, dừa là chủ yếu, dừa là tất cả. Dừa ở đây như rừng, dừa mọc ven sông, men bờ ruộng, leo sườn đồi, dọc theo bờ biển. Trên những chặng đường dài suốt 50, 60 km chúng ta chỉ gặp cây dừa: dừa xiêm thấp lè tè, quả tròn, nước ngọt, dừa nếp lơ lửng giữa trời, quả vàng xanh mơn mởn, dừa lửa lá đỏ, vỏ hồng,...
(Theo Hoàng Văn Huyên, Những mẩu chuyện địa lí)
b) TẠI SAO LÁ CÂY CÓ MÀU XANH LỤC?
Lá cây có màu xanh lục vì các tế bào của lá chứa nhiều lục lạp. Một mi-li-mét lá chứa bốn mươi vạn lục lạp. Trong các lục lạp này có chứa một chất gọi là diệp lục, tức là chất xanh của lá. Ánh sáng trắng của mặt trời gồm bảy màu: tím, chàm, lam, lục, vàng, cam, đỏ. Sở dĩ chất diệp lục có màu xanh lục vì nó hút các tia sáng màu khác, nhất là màu đỏ và màu lam, nhưng không thu nhận màu xanh lục, và lại phản chiếu màu này, do đó mắt ta mới nhìn thấy màu xanh lục. Nếu ta chiếu chất diệp lục của lá cây bằng một nguồn sáng màu đỏ, chất này sẽ thu hận tất cả các tia màu đỏ, nhưng vì không có tia sáng màu xanh lục để phản chiếu lại, nên kết quả ta nhìn vào lá cây chỉ có một màu đen sì... Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục trong lá cây.
(Theo Vũ Văn Chuyên, Hỏi đáp về thực vật)
❔ Câu hỏi:
- Mỗi văn bản trên trình bày, giới thiệu, giải thích điều gì?
- Em thường gặp các loại văn bản đó ở đâu?
- Hãy kể thêm một vài văn bản cùng loại mà em biết.
Trả lời:
- Nội dung trình bày:
+ Văn bản Cây dừa Bình Định thuyết minh, trình bày lợi ích của cây dừa Bình Định gắn bó với người dân Bình Định.
+ Văn bản Tại sao lá cây có màu xanh lục? thuyết minh, giải thích về tác dụng của chất diệp lục làm cho người ta thấy lá cây có màu xanh.
- Em thường gặp các loại văn bản đó ở sách, báo.
- Một số văn bản cùng loại:
+ Nếp Rồng quê tôi của Võ Văn Trực.
+ Khoai lang của Vũ Bằng.
+ Huế.
❔ Câu hỏi:
a) Các văn bản trên có thể xem là văn bản tự sự không? Tại sao? Chúng khác các văn bản ấy ở chỗ nào?
b) Các văn bản trên có đặc điểm chung nào làm chúng trở thành một kiểu riêng?
c) Các văn bản trên đã thuyết minh về đối tượng bằng những phương thức nào?
d) Ngôn ngữ của các văn bản trên có đặc điểm gì?
Trả lời:
a) - Các văn bản trên không phải là văn bản tự sự (hay miêu tả, nghị luận, biếu cảm).
- Vì các văn bản này không trình bày sự việc, diễn biến nhân vật như tự sự, không trình bày chi tiết cụ thế cho người đọc cảm nhận được sự vật, con người như miêu tả và cũng không trình bày ý kiến, luận điểm như nghị luận.
b) Các văn bản trên có chung đặc điểm là trình bày đặc điểm tiêu biểu của sự vật, hiện tượng.
c) Các văn bản trên trình bày đối tượng bằng cách trình bày, giải thích, giới thiệu.
d) Các văn bản trên sử dụng ngôn ngữ khoa học.
1. Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,... của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên,xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
2. Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi khách quan, xác thực, hữu ích cho con người.
3. Văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.