Đây là phiên bản do Ngọc Hằng
đóng góp và sửa đổi vào 8 tháng 7 2021 lúc 8:01. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácÔNG LÃO ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ VÀNG
(Truyện cổ tích của A. Pu-skin)
Truyện cổ tích là một loại truyện dân gian phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta. Trong truyện có một số kiểu nhân vật chính: nhân vật bất hạnh (người mồ côi, con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí,...), nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật (các con vật biết nói năng, có hoạt động và tính cách như con người,...).
Trong truyện cổ tích thường có những yếu tố hoang đường, kì ảo, đóng vai trò cán cân công lí, thể hiện khát vọng công bằng, mơ ước và niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt với cái xấu(1)...
- Truyện cổ tích về loài vật: nhân vật chính là các con vật. Từ việc giải thích những đặc điểm, thói quen, quan hệ của các con vật, tác giả dân gian đúc kết những kinh nghiệm về thế giới loài vật và các vấn đề đạo đức, kinh nghiệm sống trong xã hội loài người.
- Truyện cổ tích thần kì: có nhiều yếu tố thần kì, kể về các nhân vật như người em út, người mồ côi, người có tài năng kì lạ...
- Truyện cổ tích sinh hoạt kể về sự thông minh, sắc sảo, tài phân xử của các nhân vật gắn với đời thực, ít có hoặc không có các yếu tố thần kì.
Một ông lão đánh cá nghèo ra biển. Lần thứ nhất kéo lưới chỉ thấy có bùn, lần thứ hai kéo lưới được cây rong, lần thứ ba thì bắt được con cá vàng. Cá vàng kêu van, hứa trả ơn và ông đã thả.
Mụ vợ biết chuyện, mắng lão một trận và bắt ông ra biển năm lần, đòi cá vàng đáp ứng những yêu cầu của mụ:
- Lần thứ nhất mụ đòi cá giúp cho một chiếc máng lợn mới.
- Lần thứ hai, mụ vợ lại "quát to hơn" và bắt ông lão ra biển đòi cá vàng một cái nhà rộng.
- Lần thứ ba, mụ vợ lại "mắng như tát nước vào mặt" ông lão và đòi làm một bà nhất phẩm phu nhân.
- Lần thứ tư, mụ vợ lại "mắng lão một thôi" và đòi cá cho làm nữ hoàng.
- Lần thứ năm, mụ muốn làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ.
Cá vàng tức giận, lấy lại tất cả những thứ đã cho. Ông lão trở về lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.
1. Trong truyện, có đến năm lần ông lão ra biển gọi cá vàng. Đây là một biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Năm lần ông ra với năm tâm trạng khác nhau, từ bối rối, ngượng ngùng cho đến hoảng sợ. Thái độ của cá vàng và biểu hiện của biển cả cũng thay đổi, tăng dần theo lòng tham của mụ vợ. Cách kể chuyện như vậy khiến cho câu chuyện không hề đơn điệu mà trái lại, ngày càng khiến cho bạn đọc cảm thấy hấp dẫn, hứng thú. Đặc điểm tính cách của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật mụ vợ ông lão, ngày càng được tô đậm, nổi bật hơn lên.
2. Năm lần ra biển, cảnh biển thay đổi theo những đòi hỏi của mụ vợ ông lão:
- Lần thứ nhất, mụ đòi cái máng mới: Biển gợn sóng êm ả.
- Lần thứ hai, mụ đòi cái nhà rộng: Biển xanh đã nổi sóng.
- Lần thứ ba, mụ đòi làm nhất phẩm phu nhân: Biển xanh nổi sóng dữ dội.
- Lần thứ tư, mụ đòi làm nữ hoàng: Biển nổi sóng mù mịt.
- Lần thứ năm, mụ vợ đòi làm Long Vương: Một cơn dông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm.
Những "phản ứng" của biển tăng dần theo những đòi hỏi ngày càng quá quắt của mụ vợ ông lão. "Nhân vật" biển tuy không trực tiếp tham gia vào cốt truyện nhưng đã thể hiện rất rõ thái độ của tác giả (và cũng là của nhân dân) trước thói tham lam vô hạn độ của con người – cụ thể ở đây là của mụ vợ ông lão.
3. Nhân vật mụ vợ ông lão trước hết là người hết sức tham lam. Mặc dù không có công lao gì với cá vàng nhưng mụ đã liên tục đưa ra đòi hỏi, từ những đòi hỏi về vật chất (cái máng lợn, cái nhà) cho đến đòi hỏi về cả của cải và danh vọng (nhất phẩm phu nhân). Không thoả mãn với của cải và danh vọng, mụ đòi hỏi đến quyền lực tối cao (nữ hoàng). Lòng tham của mụ đi đến tột cùng khi mụ đòi được làm Long Vương, bắt cá vàng hầu hạ bên cạnh. Đó là một đòi hỏi quá đáng, vượt qua mọi giới hạn có thể chấp nhận trong đạo lí làm người.
Không chỉ tham lam, mụ vợ ông lão còn hết sức bội bạc. Với cá vàng như thế đã đành, ngay cả với ông lão – người vừa là chồng vừa là ân nhân, mụ cũng đối xử chẳng ra gì. Cùng với lòng tham vô độ, sự bội bạc của mụ càng ngày càng tăng:
- Lần thứ nhất, mụ mắng chồng là "đồ ngốc".
- Lần thứ hai, mụ quát to, chửi chồng là "đồ ngu".
- Lần thứ ba, mụ "mắng như tát nước vào mặt" chồng.
- Lần thứ tư, mụ "nổi trận lôi đình, tát vào mặt ông lão", sau khi được làm nữ hoàng, mụ đuổi thẳng ông lão ra ngoài.
- Lần thứ năm, mụ "nổi cơn thịnh nộ, sai người đi bắt ông lão đến" để ông đi tìm cá vàng, bắt nó phải chiều theo ý thích ngông cuồng của mụ.
Rõ ràng là, lòng tham của mụ vợ càng tăng thì tình nghĩa vợ chồng càng suy giảm. Khi lòng tham lên đến đỉnh điểm, thậm chí mụ vợ còn muốn gạt hẳn ông lão ra ngoài để cá vàng trực tiếp hầu hạ mụ.
4. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh "trước mặt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ". Cái kết cục ấy là tất yếu nhưng cũng đã để lại cho người đọc người nghe nhiều suy nghĩ. Với ông lão, việc trở về cuộc sống bình thường hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn với mụ vợ, con người không có chút công lao gì với cá vàng mà lại đòi hỏi quá nhiều thì việc mất hết những gì mụ đã có (mà không phải bỏ ra chút công sức nào) là lẽ công bằng, một sự trừng phạt đích đáng cho thói tham lam vô độ và sự bội bạc của mụ đối với ông lão. Đó cũng là sự thể hiện ước mơ công lí của nhân dân.
5. Cá vàng trừng trị mụ vợ vì hai tội: tham lam và bội bạc, trong đó lòng tham đã làm mụ mù quáng, mất hết lương tri. Tuy nhiên, ở đây, tội bội bạc có ý nghĩa quyết định khiến lòng tham trở nên vô hạn độ và dẫn đến sự trừng trị đích đáng của cá vàng với mụ vợ.
Ý nghĩa tượng trưng của hình tượng cá vàng cũng là ý nghĩa chủ đề của truyện: Cá vàng thể hiện niềm biết ơn đối với những tấm lòng nhân hậu; cá vàng thể hiện ước mơ công lí về sự trừng phạt đối với kẻ vong ân bội nghĩa, đối với lòng tham lam, ích kỉ đến độc ác của con người.