Đây là phiên bản do Nguyễn Trần Thành Đạt
đóng góp và sửa đổi vào 16 tháng 7 2021 lúc 12:30. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácTÀI LIỆU TỔNG HỢP VÀ TỰ CẢI BIÊN
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ – NGUYỄN TUÂN
HÌNH TƯỢNG ÔNG LÁI ĐÒ QUA MỘT ĐOẠN VĂN CỤ THỂ
ĐỀ 1:
“ Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò[...] Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đòn âm vào chỗ hiểm . [...]Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này.[...] Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà , phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.[..]Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả.Cái luồng sống ở chặng thứ ba này lại ở giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong... như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn dược. Thế là hết thác.”
Anh / chị hãy phân tích hình tượng người lái đò Sông Đà trong cảnh vượt thác được miêu tả ở đoạn văn trên. Từ đó nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện trong tác phẩm “ Người lái đò sông Đà”.
I. MỞ BÀI
* CÁCH 1 : MB trực tiếp
- Tác giả : Nguyễn Tuân là nhà văn lớn với sức sáng tạo dồi dào, có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác và độc đáo.
Tác phẩm : Nét nổi bật trong sáng tác của ông là cách nhìn nhận ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ và nhìn con người ở chất nghệ sĩ tài hoa, tiêu biểu là“ Người lái đò Sông Đà”.Tác phẩm là thành qủa nghệ thuật đẹp đẽ mà nhà văn đã thu hoạch trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miến Tây Bắc xa xôi rộng lớn nhằm tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên và chất vàng mười trong tâm hồn của những con người lao động .
Nêu vấn đề : Nhà văn đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người đọc là hình tượng người lái đò trong cuộc chiến với con Sông Đà qua hai lần miêu tả ở đoạn văn trên.
* CÁCH 2: MB gián tiếp
Tây Bắc ư ? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiêng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu.
( Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Những câu thơ trên là khúc hát say mê, rạo rực của những ngày tháng cả nước rộn ràng lên đường theo tiếng gọi để xây dựng miền Tây Bắc của Tổ quốc. Đã có biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn tìm đến với mảnh đất này bằng tình yêu quê hương, đất nước và mong muốn sự đổi thay trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong số những người nghệ sĩ yêu nước ấy chính là nhà văn Nguyễn Tuân – “cây độc huyền cầm” của nền văn học Việt Nam hiện đại đã đem đến cho văn học những trang viết đẹp mang phong cách nghệ thuật tài hoa, độc đáo. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là tùy bút “ Người lái đò Sông Đà”. Tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động. Hình ảnh người lái đò Sông Đà được miêu tả ở đoạn văn trên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
II. THÂN BÀI
* Giới thiệu , dẫn dắt vào đề bài :
Bằng tài năng độc đáo và tình yêu thiên nhiên say đắm của Nguyễn Tuân đã tạo nên con sông Đà như một sinh thể có hồn có cá tính thì dưới con mắt tinh tế, tài hoa của nhà văn thì người lái đò đã trở thành một người nghệ sĩ trên sông nước mà “ tay lái ra hoa”. Hình tượng ông lái đò thể hiện một cái nhìn, một sự khám phá mới của Nguyễn Tuân về con người lao động bình thường nhưng rất tài hoa – nghệ sĩ.
1. Lai lịch và ngoại hình ông lái đò sông Đà
- Lai lịch :ông không có tên chỉ biết là người ở Lai Châu, sinh ra và lớn lên ngay bên bờ Sông Đà, phần lớn cuộc đời của ông dành cho nghề lái đò, một nghề gian khổ và nguy hiểm.
- Ngoại hình : đó là một ông già 70 tuổi,cái đầu quắc thước đặt trên một thân hình cao to gọn quánh như chất sừng, chất mun ; tay lêu ngheu như cái sào; giọng nói ào ào như tiếng nước... Bằng hệ thống ngôn ngữ đầy cá tính và giàu chất tạo hình, câu văn so sánh độc đáo, gợi cảm nhà văn đã khắc họa hình tượng ông lái đò như một người anh hùng trên sông nước , người nghệ sĩ thành thục, lão luyện trên lĩnh vực chèo đò, vượt thác. Cuộc đời của ông lái đò là một thiên hùng ca, ca ngợi con người lao động vinh quang.
2. Phân tích nội dung trong tâm ở đoạn văn đã cho ở đề bài
- Luận điểm 1: Vẻ đẹp trí dũng, tài nghệ cao cường và lòng quả cảm
Bẳng nghệ thuật đối lập, nhà văn khắc họa hình ảnh ông lái đò trong mối tương quan với con sông Đà hung bạo nhẳm làm nổi bật cuộc chiến đấu không cân sức giữa thiên nhiên với sức mạnh nâng lên hàng thần thánh còn là một bên là con người nhỏ bé, vũ khí trên tay là một cán chèo trên con thuyền đơn độc.
+ Trong cuộc giao tranh với trùng vi thạch trận, ở vòng thứ nhất sông Đà hiện lên như một kẻ thù nham hiểm ,xảo quyệt, bày thạch trận đá nổi, đá chìm. sóng nước reo hò vang dậy như quân liều mạng, sẳn sàng ăn chết con thuyền. Dù bị “ Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất”. Trước sự hung hãn của nó, ông lái đò bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm “ cố nén vết thương, hai chân kẹp cuống lái”, ngay cả khi bị trúng đòn hiểm, mặt méo bệch đi nhưng ông vẫn tỉnh táo, vượt qua nhiều vòng vây thạch trận, tránh cửa tử, tìm hướng cửa sinh như một vị tướng chỉ huy dày dạn kinh nghiệm phá tan trùng vi thạch trận thứ nhất.
+ Ở vòng thứ hai : Dưới ngòi bút tài hoa, nhà văn coi sông Đà như một kẻ thù số một của con người với một tâm địa độc ác và xảo quyệt hơn . Con sông đã thay đổi sơ đồ phục kích và cả chiến thuật của mình, nó tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền. vào. Cửa sinh lại bố trí lệnh qua phía bờ hữu ngạn . Lúc này, ông đò tỉnh táo không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, thay đổi chiến thuật “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này.”.Ông lái đò hiểu rõ dòng sông, thuộc quy luật phục kích của lũ đá, quy luật biến đổi phức tạp của nó. Trước dòng thác mạnh dữ dội như hùm beo, ranh giới của sự sống và cái chết, ông đò không hề nao núng. Và khi đã thuần phục sự hung hãn của dòng sông, ông lái đò “ Cưỡi lên thác Sông Đà , phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”.. Bằng sự tài hoa điêu luyện, kinh nghiệm sông nước giúp ông đò khuất phục được dòng thác dữ dội, lao thuyền đúng luồng lạch, tránh cửa tử vào đúng cửa sinh.
+ Vòng thứ ba : Dòng thác mạnh dữ dội giữa ranh giới của sự sống và cái chết ,thạch trận ít cửa hơn nhưng “ bên trái bên phải đều là luồng chết cả”. Thế nhưng, ông đò không hề nao núng, hoang mang mà tiếp tục chỉ huy con thuyền vượt qua trùng vi thạch trận thứ ba bằng tài nghệ cao cường. Ông đò hiểu rõ quy luật biến đổi phức tạp của dòng sông, lúc này ông giống như một “ đô vật” lão luyện, một chiến binh quả cảm với sức mạnh phi thường vượt qua cửa tử một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng “ Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó và như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước” với một chiến thắng vinh quang bỏ lại những thác ghềnh phía sau lưng mình.
* Liên hệ: Ông lái đò như một vị chỉ huy tài giỏi, một kị sĩ thuần thục được con tuấn mã bất kham. Hình ảnh ông lái đò vượt thác sông Đà giống như hành trình vượt biền trở về quê hương của nhân vật Uy –lít – xơ trong tác phẩm “ Ô – đi xê”.
- Luận điểm 2: Vẻ đẹp tài hoa mang phong cách của người nghệ sĩ
+ Ông đò ung dung, bình tĩnh, tự tin trong cuộc chiến đấu với con sông hung bạo đầy cam go, thử thách mang tư thế của một người anh hùng dũng mãnh cưỡi lên thác sông Đà như cưỡi hổ”. Ông đối đầu với thác ghềnh như một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác “Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong... như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”. Nếu như sông Đà giống như một bản anh hùng ca sông nước thì ông lái đò giống như một người “nhạc trưởng” nắm vững bản nhạc của mình từng câu, từng chữ đến dấu chấm, xuống dòng và cả những nốt thăng.
+ Vừa mang phong thái của một người nghệ sĩ tài hoa và vẻ đẹp tâm hồn bình dị của người lao động “ đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, say sưa nói về những loài cá.”mà không bàn đến chuyện vượt thác, coi như đó là công việc mưu sinh hàng ngày
- Nguyễn Tuân cho ta thấy : nguyên nhân làm nên chiến thắng của ông lái đò không hề bí ẩn mà bằng sự ngoan cường, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm và kinh nghiệm đò giang sông nước và sự am hiểu tường tận tính nết của con sông Đà .
=> Nhận xét, đánh giá : Qua hình tượng ông lái đò, nhà văn ngợi ca vẻ đẹp ý chí của con người lao động, đó là yếu tố làm nên chất vàng mười của thiên nhiên Tây Bắc.Từ đó thể hiện thể hiện tình yêu đất nước của tác giả và quan niệm mới về chủ nghĩa anh hùng : người anh hùng ko chỉ có trong chiến đấu mà còn hiện diện trong cuộc sống lao động thường ngày, đó là một biểu tượng đẹp của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
3. Nghệ thuật
- Đối lập giữa thiên nhiên và con người.
- Ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình, vận dụng tri thức nhiều bộ môn, ngành nghề trên nhiều lĩnh vực ( quân sự, võ thuật, điện ảnh)
- Miêu tả, so sánh, nhân hóa... -> phong cách tài hoa, uyên bác .
4. Nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện trong tác phẩm “ Người lái đò sông Đà”.
- Khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện văn hoá thẩm mĩ.
- Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ: ông lái đò được miêu tả như một dũng tướng tài năng có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa.
- Tô đậm những nét phi thường, tuyệt vời của cảnh vật, con người : con sông Đà hung bạo, hiểm ác, ông lái đò tài hoa.
- Vận dụng những tri thức của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật nghệ thuật khác nhau ( địa lí, lịch sử, hội họa, quân sự...)
- Ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình, sống động có sức gợi cảm cao; Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu..
III. KẾT BÀI
- Đánh giá vấn đề nghị luận : Khép lại đoạn văn miêu tả hình tượng ông lái đò trong cuộc vượt thác với con sông Đà hung bạo. Nhà văn ngợi ca vẻ đẹp ý chí của con người lao động, người nghệ sĩ tài hoa trên sông nước.
- Mở rộng : Tác phẩm “ Người lái đò Sông Đà” tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân . Viết về người lái đò sông Đà , viết về một vùng đất xa xôi của Tổ quốc, nhà văn đã thể hiện cảm xúc, tình yêu tha thiết với con người lao động và “ chất vàng mười” đã qua thử lửa của thiên nhiên Tây Bắc. Nguyễn Tuân đã làm tròn sứ mệnh của một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, đúng như nhận định “ Những trang văn của Nguyễn Tuân là “ cảm xúc mạnh và hơi thở nồng”( Nguyễn Đăng Mạnh) ./
______________________
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ –NGUYỄN TUÂN
HÌNH TƯỢNG CON SÔNG ĐÀ QUA ĐOẠN VĂN CỤ THỂ
ĐỀ 2:
“ Hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện...”
“ Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa trong làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của sông Gâm sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chin đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về...”
Anh / chị hãy phân tích hình ảnh con sông Đà qua hai góc nhìn trên của nhà văn NguyễnTuân, từ đó làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của dòng sông này.
I. MỞ BÀI
- Tác giả : Nguyễn Tuân là nhà văn lớn với sức sáng tạo dồi dào, có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác và độc đáo.
Tác phẩm : Nét nổi bật trong sáng tác của ông là cách nhìn nhận ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ và nhìn con người ở chất nghệ sĩ tài hoa, tiêu biểu là“ Người lái đò Sông Đà”.Tác phẩm là thành qủa nghệ thuật đẹp đẽ mà nhà văn đã thu hoạch trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miến Tây Bắc xa xôi rộng lớn nhằm tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên và chất vàng mười trong tâm hồn của những con người lao động .
- Nêu vấn đề : Vẻ đẹp hung bạo, dữ dội và trữ tình, thơ mộng qua hai góc nhìn của con sông Đà ở hai đoạn văn trên để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
II. THÂN BÀI
1. Giới thiệu, dẫn dắt vào bài.
Là một nhà văn tài hoa, độc đáo, yêu thiên nhiên tha thiết, có nhiều phát hiện tinh tế về vẻ đẹp của núi sông. Cảm hứng về sông Đà hiện lên trên trang văn của Nguyễn Tuân hiện lên như một sinh thể có hồn với tính cách trái ngược nhau: hung bạo và trữ tình, là biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc trở thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc.
2. Phân tích nội dung về hình tượng con sông Đà qua hai góc nhìn.
2.1/ Sông Đà ở đoạn văn thứ nhất :
Trải dài từ đầu đến cuối tác phẩm, hình ảnh con sông Đà được nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau . Hành trình đến với con sông Đà thể hiện khát vọng “ suốt đời đi tìm cái Đẹp và cái Thật” của của ông. Dưới con mắt tinh tế, giàu trí tưởng tưởng của nhà văn thì những gì thuộc về con sông Đà đều dữ dội, hung bạo, từ đá, cát, gió và nước .
- Nhà văn miêu tả con sông Đà với tính cách hung bạo, dữ dội được nhìn ở diện mạo, đó là những vách đá cao vút, dựng đứng “Cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”. Lòng sông nhỏ hẹp, dòng chảy lớn “Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách”.Bằng bút pháp miêu tả, sự quan sát tinh tế, so sánh liên tưởng mới mẻ, độc đáo nhà văn đem đến một cảnh tượng hùng vĩ của vách đá với độ cao hun hút. Con sông luôn “hung hăng, gây sự”, là mối nguy hiểm đe dọa đối với người lái đò .
- Cảnh tượng hùng vĩ, huyền bí còn được nhà văn miêu tả tổng hợp từ nhiều giác quan : “có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện...”. Những câu văn miêu tả, liên tưởng độc đáo thú vị , Nguyễn Tuân đã cho thấy sự nguy hiểm, bí ẩn của dòng sông. Một nơi lòng sông nhỏ hẹp, dòng chảy lớn với những vách đá cao vút, vững chãi giờ đây đang trở nên nguy hiểm vô cùng. Những con thuyền nào mà kẹt vào cái khe ấy thì cái hút nước sẳn sàng nhấn chìm và những tảng đá đập cho tan xác , nó còn bày chiến thuật hiểm ác ba vòng để tìm mọi cách tiêu diệt con người.
- Ngoài ra, sông Đà còn được ví như một loài thủy quái khôn ngoan, nham hiểm, hung ác trong việc bày thạch trận, phòng tuyến sẳn sàng ăn chết con thuyền và người lái đò.Nhà văn đã nhân hóa con sông với diện mạo, tính cách và tâm địa độc ác , là “ kẻ thù số một”của con người trên sông nước.
è Bằng sự quan sát tỉ mỉ, giác quan nhạy bén, ngôn từ độc đáo,điêu luyện nhà văn đã làm nổi bật con sông Đà như một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc.
2.2 / Con sông Đà ở đoạn văn thứ hai :
Sinh thời, Nguyễn Tuân rất tâm đắc với ý tưởng nghệ thuật của M. Groki “ Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật”. Vì vậy mà khát vọng nghệ thuật của một con người luôn có mong muốn đi tìm cái đẹp , dùng văn chương để thưởng ngoạn thì con sông Đà không chỉ hung bạo mà còn rất đổi trữ tình, thơ mộng. Dưới đôi mắt của nhà văn thì con sông Đà hiện lên mang hình dáng thật đẹp . Vẻ đẹp của dòng sông – thiếu nữ làm xiêu lòng lữ khách. Dòng sông như một bức tranh thủy mặc, giống như một bản nhạcvới âm điệu du dương.
- Sông Đà còn hiện lên với những nét nên thơ, trữ tình, thơ mộng làm say đắm lòng người. Từ trên cao nhìn xuống, tác giả hình dung con sông Đà quyến rũ như một thiếu nữ với mái tóc buông dài hòa vào vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người Tây Bắc. Dòng sông Đà không chỉ có những “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá” mà nó còn là bức tranh thủy mặc vương vấn lòng người. Từ trên tàu bay nhìn xuống “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Những câu văn giàu hình ảnh, gợi cảm cùng với nghệ thuật so sánh, liên tưởng độc đáo, nhà văn cho ta thấy nét thơ mộng, huyền ảo của mây trời, sự tươi tắn, rực rỡ của “ hoa ban, hoa gạo tháng hai” và cái ấm áp của làn khói “núi Mèo đốt nương xuân”. Nhà văn đã lồng cảnh vào tình, vẻ đẹp của dòng sông như một dải lụa mềm khoác lên bờ vai vương vấn trái tim người nghệ sĩ.
- Và con sông ấy luôn biết làm đẹp chính mình, màu nước của dòng sông cũng biến đổi theo mùa, mỗi mùa có những vẻ đẹp riêng, quyến rũ, tình tứ “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của sông Gâm sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chin đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về...”. Những câu văn so sánh giàu hình ảnh chắc nhà văn phải rất kì công quan sát miêu tả màu sắc biến ảo của sông Đà đẹp và tinh tế đến như vậy. Với Nguyễn Tuân thì vẻ đẹp của sông Đà làm say mê trái tim nghệ sĩ trước hết vì nó là vẻ đẹp của Tổ quốc bao la, sau nữa vì nó gắn bó gần gũi, thân thiết với cuộc sống con người. * Liên hệ : Vẻ đẹp màu nước của sông Đà theo mùa ta chợt nhớ đến màu nước của dòng sông Hương “ sáng xanh, trưa vàng, chiều tím “ trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sự cảm quan của các nhà văn khi viết về dòng sông của quê hương, đất nước với một niềm tự hào say đắm .
è Sông Đà là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa vừa hùng vĩ vừa thơ mộng tạo nên chất men say cho sự sống và con người. Qua hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên, đất nước. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa.
3. Nghệ thuật
- Ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình, sống động có sức gợi cảm cao.
- Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu...
- Nghệ thuật miêu tả, so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo thú vị -> phong cách tài hoa , uyên bác .
4.Nhận xét vẻ đẹp độc đáo của con sông Đà:
Qua hai đoạn văn trên ta thấy được dòng sông Đà hiện lên với hai nét vẽ đối lập: ở đoạn một ,sông Đà hung bạo, dữ dội biểu tượng cho vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước. Ở đoạn văn thứ hai, sông Đà thơ mộng, trữ tình mang vẻ đẹp trẻ trung, sinh động và đầy sức sống gắn bó và gần gũi với con người. Hình tượng sông Đà biểu tượng cho chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc . Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu mến tha thiết với thiên nhiên đất nước, là phông nền để nhà văn khắc họa vẻ đẹp người lái đò trong cuộc sống lao động.
III. KẾT BÀI
- Đánh giá vấn đề nghị luận : Tóm lại, hình tượng con sông Đà ở hai góc nhìn trên, nhà văn không chỉ miêu tả sức mạnh hùng vĩ và thơ mộng, trữ tình của con sông mà qua đó còn ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên miền Tây Bắc của Tổ quốc. Đồng thời thể hiện tình yêu mến, sự gắn bó thiết tha của tác giả đối với đất nước và con người Việt Nam.
- Mở rộng : Tác phẩm “ Người lái đò Sông Đà” tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân . Viết về người lái đò sông Đà , viết về một vùng đất xa xôi của Tổ quốc, nhà văn đã thể hiện cảm xúc, tình yêu tha thiết với con người lao động và “ chất vàng mười” đã qua thử lửa của thiên nhiên Tây Bắc. Nguyễn Tuân đã làm tròn sứ mệnh của một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, đúng như nhận định “ Những trang văn của Nguyễn Tuân là “ cảm xúc mạnh và hơi thở nồng”( Nguyễn Đăng Mạnh) ./
Nguyễn Trần Thành Đạt đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (16 tháng 7 2021 lúc 12:30) | 0 lượt thích |