Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácTác giả đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay cấn để làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước của ông. Tình huống ấy là cái tin làng ông theo giặc, lập tề mà chính ông nghe được từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên.
- Khi nghe tin quá đột ngột ấy, ông Hai sững sờ: "Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được". Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ "vừa ở dưới ấy lên", làm ông không thể không tin.
- Từ lúc ấy, trong tâm trí ông Hai chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông "cúi gằm mặt xuống mà đi". Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân khi nhìn đàn con, "nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rer rúng, hắt hủi đấy ư?".
- Suốt mấy ngày sau, ông Hai không dám đi đâu. Ông chỉ quẩn quanh ở nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài: "Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng nói cười xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến "cái chuyện ấy". Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông,... là ông lại lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi".
-> Tác giả đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai cùng với nỗi đau xót xa, tủi hổ của ông trước cái tin làng mình theo giặc.
- Khi nghe tin làng theo giặc, tình yêu làng quê và tình yêu nước của ông Hai đã dẫn đến một cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai. Ông đã dứt khoát lựa chọn theo cách của ông: "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù", tình yêu nước của ông đã rồn lớn hơn, bao trùm lên tình cảm làng quê. Nhưng dù đã xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng quê, vì thế mà càng đau xót, tủi hổ.
- Qua những lời tâm sự với đứa con nhỏ, thực chất là lời tự nhủ với mình, tự giãi bày nỗi lòng mình, ta thấy rõ ở ông Hai:
+ Tình yêu sâu nặng với cái làng chợ Dầu của ông (ông muốn đứa con nhỏ ghi nhớ câu "Nhà ta ở làng Chợ Dầu").
+ Tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ ("Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho tấm lòng bố con ông"). Tình cảm ấy là sâu nặng, bền vững và thiêng liêng.
- Tác giả đặt nhân vật vào tình huống thử thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trạng.
- Tác giả miêu tả cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ,... đặc biệt, diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật.
- Ngôn ngữ trong truyện đặc sắc, đặc biệt là ngôn ngữ của nhân vật ông Hai. Những điểm nổi bật trong ngôn ngữ của tác phẩm:
+ Ngôn ngữ mang đậm tính khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân.
+ Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu, do truyện được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn của nhân vật ông Hai.
+ Ngôn ngữ nhân vật ông Hai vừa có nét chung của người nông dân, lại mang đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động.