I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Động từ có những đặc điểm gì?
a) Tìm động từ trong các câu dưới đây:
(1) Viên quan ấy đã đi nhiều nơi, đến đâu quan cũng ra câu đố oái oăm để hỏi mọi người.
(Em bé thông minh)
(2) Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. [...] Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
(Bánh chưng, bánh giầy)
(3) Biển vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo:
- Nhà này xưa quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá "tươi"?
(Treo biển)
Gợi ý:
Các động từ: đi, đến, ra, hỏi (1); lấy, làm, lễ (2); treo, có, xem, cười, bảo, bán, phải, đề (3)
b) Các động từ vừa tìm được có gì giống nhau về ý nghĩa?
Các động từ có đặc điểm giống nhau về nghĩa là: chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.
c) Hãy rút ra đặc điểm về khả năng kết hợp của động từ.
Động từ có khả năng kết hợp với các từ sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng ở phía trước để tạo thành cụm động từ.
Nhận xét về chức vụ của các động từ trong các ví dụ (1), (2), (3).
Gợi ý: Phân tích thành phần câu để xác định chức vụ ngữ pháp của động từ. Động từ thường làm vị ngữ trong câu. Khi làm chủ ngữ động từ thường đi kèm với từ "là" và chúng mất khả năng kết hợp với các từ sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng. Ví dụ: Viết là việc học sinh phải luyện tập thường xuyên.
2. Phân loại động từ
a) Hãy xếp những động từ sau vào bảng phân loại: buồn, chạy, cười, dám, đau, đi,định, đọc, đứng, gãy, ghét, hỏi, ngồi, nhức, nứt, toan, vui, yêu.
| Động từ đòi hỏi động từ khác đi kèm phía sau | Động từ không đòi hỏi động từ khác đi kèm phía sau |
Trả lời câu hỏi Làm gì? | | đi, chạy, cười, đọc, hỏi, ngồi, đứng |
Trả lời các câu hỏi Làm sao?, Thế nào? | dám, toan, định | buồn, gãy, ghét, đau, nhức, nứt, vui, yêu |
b) Loại động từ nào không đòi hỏi động từ khác đi kèm phía sau?
Gợi ý: Nhận xét về nghĩa khái quát của các động từ đi, chạy, cười, đọc, hỏi, ngồi, đứng; buồn, gãy, ghét, đau, nhức, nứt, vui, yêu. Đây là những động từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật.
c) Những động từ luôn đòi hỏi có động từ khác đi kèm phía sau có ý nghĩa khái quát như thế nào?
Gợi ý: Nhận xét về nghĩa khái quát của các động từ dám, toan, định. Loại động từ này được gọi là động từ tình thái.
d) Như vậy, động từ có những loại chính nào? (xem lại phần ghi nhớ trong bài học).