Đây là phiên bản do nthv_.
đóng góp và sửa đổi vào 14 tháng 12 2021 lúc 23:09. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác- Chính Hữu, sinh năm 1926.
- Là nhà thơ quân đội.
- Quê Cam Lộc - Hà Tĩnh.
- 20 tuổi tòng quân, là chiến sĩ trung đoàn thủ đô.
- Đề tài viết chủ yếu về người chiến sĩ.
- Bài thơ ra đời năm 1948, trong tập “Đầu sung trăng treo” (1968).
- Chiến dịch Việt Bắc Thu - đông năm 1947, Chính Hữu cùng đơn vị tham gia chiến đấu, hoàn cảnh chiến đấu thiếu thốn, khó khăn, nhờ có tình đồng chí giúp họ vượt qua những khó khăn ấy.
- Lúc đầu đăng trên tờ báo của đại đội, sau đó đăng trên báo Sự thật (Báo Nhân dân ngày nay)
- Bài thơ được đồng chí Minh Quốc phổ nhạc. Tác giả viết bài thơ Đồng chí vào đầu năm 1948, tại nơi ông phải nằm điều trị bệnh.
* Hoàn cảnh sáng tác:
Chính Hữu cùng đơn vị tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - đông năm 1947). Trong chiên dịch ấy, cũng như những năm đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội ta còn hết sức thiếu thốn. Nhưng nhờ tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu và tình đồng chí, đồng đội họ đã vượt qua tất cả để làm nên chiến thắng. Sau chiến dịch Việt Bắc, Chính Hữu viết bài thơ Đồng chí vào đầu năm 1948, tại nơi ông phải nằm điều trị bệnh. Bài thơ là sự thể hiện những tình cảm tha thiết, sâu sắc của tác giả với những đồng đội, đồng chí của mình.
Bài thơ có thể chia thành 3 phần:
- 7 câu thơ đầu: Cơ sở hình thành tình đồng chí đồng đội.
- 10 câu tiếp: Biểu hiện sức mạnh của tình đồng chí đồng đội.
- 3 câu cuối: biểu tượng của tình đồng chí.
- Bài thơ theo thể tự do, có 20 dòng, chia làm hai đoạn. Cả bài thơ tập trung thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội, nhưng ở mỗi đoạn, sức nặng của tư tưởng và cảm xúc được dẫn dắt để dồn tụ vào những dòng thơ gây ấn tượng sâu đậm.
- Sáu dòng đồng có thể được xem là sự lí giải về cơ sở của tình đồng chí. Dòng 7 có cấu trúc đặc biệt (chỉ một từ với dấu chấm than) như một phát hiện, một lời khẳng định sự kết tinh tình cảm giữa những người lính. Mười dòng tiếp theo, mạch cảm xúc lại dồn tụ ở dòng 7 lại tiếp tục khơi mở trong những hình ảnh, chi tiết biểu hiện cụ thể, thấm thía tình đồng chí và sức mạnh của nó. Ba dòng thơ cuối được tác giả tách ra thành một đoạn kết, đọng lại và ngân rung với hình ảnh đặc sắc "đầu súng trăng treo" như một biểu tượng giàu chất thơ về người lính.
- Tình đồng chí , đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
- Đó chính là cơ sở cùng chung giai cấp xuất thân của những người lính cách mạng. Chính điều đó cùng với mục đích, lí tưởng chung đã khiến họ từ mọi phương trời xa lạ tập hợp lại trong hàng ngũ quân đội cách mạng và trở nên thân quen nhau.
- Tình đồng chí được nảy sinh từ sự cùng chung nhiệm vụ sát cánh bên nhau trong chiến đấu: "Súng bên súng, đầu sát bên đầu".
- Tình đồng chí, đồng đội nảy nở và bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui, đó là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt, mà tác giả biểu hiện bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm: "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ".
- Sáu câu thơ này, nhà thơ hạ một dòng thơ đặc biệt với hai tiếng "Đồng chí!". Câu thơ chỉ có một từ với hai tiếng và dấu chấm than tạo một nốt nhấn, nó vang lên một sự phát hiện, một lời khẳng định, đồng thời lại như một cái bản lề gắn kết đạon đầu và đoạn thứ hai của bài thơ. Sáu câu ở trước hai tiếng ấy là cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí keo sơn giữa những người đồng đội. Mười câu thơ tiếp theo là những biểu hiện cụ thể và cảm động của tình đồng chí giữa những người lính.
- Từ dòng 8 đến dòng 17 của bài thơ là sự triển khai tiếp tục chủ đề "tình đồng chí". Ở đây tác giả đưa ra thêm những biểu hiện cụ thể của tình đồng chí, đồng đội của những người lính.
- Đồng chí, đó là sự cảm thông sâu xa những tâm tư, nỗi lòng của nhau.
- Đồng chí, đó là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
- Và nhất là cùng trải qua những cơn "sốt run người vừng trán ướt mồ hôi" (những cơn sốt rét hành hạ người lính sống ở rừng).
- Để diễn tả được sự gắn bó, chia sẻ, sự giống nhau của mọi cảnh ngộ của người lính, tác giả xây dựng những câu thơ sóng đôi, đối ứng nhau (từng cặp hoặc từng câu):
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
- "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay" vừa nói lên tình cảm gắn bó sâu nặng giữa những người lính vừa gián tiếp thể hiện sức mạnh của tình cảm ấy. Dường như chỉ bằng một cử chỉ "tay nắm lấy bàn tay" mà những người lính như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ.
- Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh rất đặc sắc:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
- Trong bức tranh trên, nổi lên trên nền cảnh rừng bên giá rét là ba hình ảnh gắn kết với nhau: người lính, khẩu súng, vầng trăng.trong cảnh rừng hoang sương muối, những người lình phục kích, chờ giặc, đứng bên nhau. sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ giữa cảnh rừng hoang mùa đông, suơng muối giá rét.
- Người lính trong cảnh phục kích giữa rừng khuya còn có một người bạn nữa, đó là vầng trăng. Đầu súng trăng treo là hình ảnh được nhận ra từ những đêm hành quân, phục kích của chính tác giả. Những hình ảnh ấy còn mang ý nghĩa biểu tượng, được gợi ra bởi những liên tưởng phong phú. Súng và trăng là gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ...Đó là các mặt bổ sung cho nhau, hài hòa với nhau của cuộc đời người lính cách mạng.Xa hơn, đó cũng có thể xem là biểu tượng cho thơ ca kháng chiến - nền thơ kết hợp chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn.
- Về hình ảnh đầu súng trăng treo, Chính Hữu đã nói ra những suy nghĩ và ấn tượng của mình: " Đầu súng trăng treo", ngoài hình ảnh bốn chữ này còn có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh, trong sự bát ngát.Nó nói lên một cách gì đó lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn; rừng hoang sương muối là một khung cảnh thật.
1. Nghệ thuật
Từ ngữ, hình ảnh chân thực, gợi tả, cô đọng, hàm xúc, giàu sức khái quát, có ý nghĩa sâu sắc.
2. Nội dung
- Bài thơ ca ngợi tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó, ấm áp của các anh Bộ đội Cụ Hồ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
ĐỀ ÔN LUYỆN:
ĐỀ: Hóa thân vào vai người lính trong bài Đồng chí của Chính Hữu để kể lại bài thơ.
Bài làm:
+ MỞ BÀI:
“Đoàn giải phóng quân một lần ra đi
Dù có gian nguy nhưng lòng không nề
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chớ chết lui…..”
Những giai điệu tự hào ấy vẫn mãi đi theo, hòa quyện vào dòng lịch sử thăng trầm của những năm kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta và với chương trình “Bài ca đi cùng năm tháng” – đây là một chương trình được Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phát sóng vào lúc tám giờ mỗi tối thứ năm. Ở cái độ tuổi khi mà con người ta chỉ thích nhàn rỗi hưởng thụ, tìm về lại cội nguồn của cuộc sống thì tôi lại thích xem lại về những ngày kháng chiến gian khổ của mình khi xưa – được tìm lại những cảm xúc thắm thiết giữa tôi cùng những anh em bằng hữu thân thiết. Vẫn như thường lệ, tối hôm ấy, với chén trè nóng và vài miếng cu đơ nhà mới gửi lên, tôi bật tivi. Đập vào trước mắt tôi bấy giờ là một khung cảnh vô cùng quen thuộc. Dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên được – đấy chính là chiến khu Việt Bắc khi xưa. Nơi mà biết bao anh em của tôi đã ngã xuống – bị che phủ dưới lớp bụi của thời gian. Quá khứ như ùa về trong tâm trí tôi – về những ngày được cầm súng chiến đấu với những đồng chí khác – họ chính là những người anh em ruột thịt, thân thiết và gần gũi nhất của tôi.
+ THÂN BÀI:
Chúng tôi đều là những người lính cụ Hồ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến thật sự rất khó khăn và nguy hiểm. Tiết trời đang vào mùa xuân, không khí bắt đầu chuyển lạnh, sương muối lạnh lẽo cộng với việc sống giữa núi rừng, hòa quyện với cây cỏ, không gian xung quang bao giờ cũng một màu xám xịt, u ám. Ôi! Thời ấy sao mà khổ thế! Nhưng với những người lính đã quen với cái nghèo từ trước đó như chúng tôi thì có sá chi cơ chứ.
Trong những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa chiến trường đầy bom đạn, chúng tôi thường tâm sự với nhau vê cảnh ngộ, quê hương và cuộc sống của mình.
- Anh ở mô đến đây rứa? Tôi hỏi.
- Tôi từ vùng đồng bằng ven biển nước mặn đồng chua, nơi chiêm trũng, đất nghèo, nhiễm phèn – mặn rất khó làm ăn. Còn anh thì răng? Anh hỏi tôi.
- Tôi từ nơi đồi núi trung du, đất đá khô cằn, sỏi đá, một nơi mà “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Chúng tôi – những con người xa lạ, đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, lam lũ, sống trong cái nghèo chung bấy giờ của đất nước trong cảnh nô lệ, chiến tranh. Chúng tôi đã tạm biệt người thân, tạm biệt xóm làng, tạm biệt những bãi mía, bờ dâu đã về đây họp thành đội quân – một đội quân nghèo nhưng lại ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Mỗi người một vùng đất, một cuộc sống khác nhau, tưởng chẳng hẹn thế nhưng lại có một cái hẹn, đó chinh là cái hẹn của lòng yêu nước, căm thù giặc, của niềm khao khát muốn diệt giặc để giải phóng cho quê hương đất nước. Đó là một cái hẹn không lời – một cái hẹn không ai báo trước – một cái hẹn đã gắn kết biết bao người lại với nhau và điểm hẹn chính là hàng ngũ quân đội, là thao trường, là chi hướng diệt giặc quân thù, như nhà thơ Nguyễn Hồng – một đàn anh của tôi đã từng viết:
“Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ
Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ thuở “một, hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến…….”
Những con người chúng tôi – đầy xa lạ - nhưng lại trở nên thân thiết với nhau, điều đó không phải tự nhiên mà có. Đó là từ sự đồng cảm về xuất thân giai cấp của chúng tôi – những con người đã mang cái nghèo từ đời sống vào chiến tranh, từ lý tưởng sống và mục đích chúng cao cả là giải phóng đất nước, từ những nhiệm vụ, gian lao mà chúng tôi phải đối mặt đã gắn kết chúng tôi lại với nhau. Trời càng về đêm, tình đồng chí của chúng tôi lại càng thể hiện rõ nét hơn. Những khi đi cạnh thì “súng bên súng”, đến khi chợp mắt thì “đầu sát bên đầu”. Những sự gần gũi cộng với những thứ “chung” và “cùng” đã làm cho sự gắn bó giữa anh em chúng tôi ngày càng sâu sắc, thân thiết hơn. Tình đồng chí, đồng đội ngày càng nảy nở và bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn. Đó là mối tình “tri kỷ” keo sơn – gắn kết khi mà đêm rét chung chăn để rồi thành những người tri kỷ. Chính cái rét đã tạo nên cái ‘tình’ giữa chúng tôi – giữa hai anh lính chung chăn. Để rồi chúng tôi gọi nhau bằng hai từ tuy ngắn nhưng nghe sao mà xúc động và tha thiết thế “Đồng chí!”. Đó là tiếng gọi mộc mạc mà tha thiết, ngân vang như một âm hưởng, như một nốt nhấn trong bản đàn. Là sự kết tinh của mọi cảm xúc trong chúng tôi, khi mà tình đồng chí chính là cao độ của tình bạn, tình người…. Đó cũng là niềm động lực để thúc đẩy anh em chúng tôi cùng vượt qua những ngày gian khó này.
Bề ngoài là người cầm súng chiến đấu, không hề sợ hãi, đánh giặc vẫn thản nhiên nhưng thẳm sâu bên trong trái tim của mỗi người lại đang nhói lên những dòng cảm xúc mãnh liệt, đó là nỗi nhớ quê hướng, nhớ gia đình, nhớ vợ con và nhớ cả những khung cảnh quen thuộc nơi xóm làng. Chúng tôi đều là những con người áo nâu chân đất, bao năm gắn bó với cây đa, giếng nước, sân đình với mái tranh nghèo, với những bờ dâu, bãi mía nên khi ra đi chúng tôi cũng nhớ, cũng đứt ruột, cũng đau lắm chứ. Tuy nhớ thì nhớ nhưng chúng tôi vẫn mặc kệ. Bởi nợ nước chưa trả xong thì chưa về được. Dù ra đi nhưng không lúc nào chúng tôi thôi nặng lòng với quê hương. Nhiều đêm đứng canh, lòng tôi lại bỗng chợt nhớ đến những người thân của mình ở quê nhà. Cánh rừng bạt ngàn đen thẳm trước mắt tưởng chừng như bãi cỏ non xanh mượt đầu làng – nơi ngày nào tôi còn cưỡi trên lưng trâu rong ruổi khắp nơi với những người bạn cùng tuổi. Không biết ngôi nhà, con trâu ở nhà thế nào nhỉ? Chẳng biết con mình, vợ mình, mẹ cha ở nhà thế nào? Biết bao câu hỏi ngổn ngang trong tâm trí tôi. Nhiều khi nhớ quá tôi lại hát lên những câu ca vu vơ: “ai ra đi không chút vấn vương/ chiến trường kia tranh đấu/ Là tài trai chí bốn phương/ một lòng quyết lên đường/ Tiến bước lên Chiến đấu cho đất Việt bừng sáng muôn đời…” để cho vơi bớt đi những nỗi nhớ cứ ngày càng nặng thêm trong lòng. Tình yêu về quê hương cũng chính là một nguồn sức mạnh to lớn về mặt tinh thần giúp chúng tôi càng thêm vững lòng để chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Cuộc đời người lính cũng lắm gian khổ và khó khăn. Năm ấy, nhân dân ta vừa mới vượt qua nạn đói năm 1945, cuộc sống nhân dân ta khi ấy “đói nghèo trong rơm rạ”, đi kháng chiến, bọn người chúng tôi mang cả cái nghèo vào quân đội. Quân đội ta lúc ấy cũng nghèo, thiếu quần áo, giày dép, thuốc men quân trang quân dụng. Nhưng những người lính chúng tôi đã chia nhau gian khổ, cảm hiểu lẫn nhau những đau đớn, dày vò của bệnh tật, cùng hiểu rõ về từng cơn ớn lạnh của những cơn sốt rét rừng hành hạ dai dẳng. Thế nhưng chúng tôi vẫn lạc quan nở nụ cười. Cười trong gian lao, cười trong giá rét. Chính tình đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi: thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu, áo rách, quần vá, chân không giày,… nhưng chúng tôi vẫn thản nhiên nở nụ cười và thương nhau nắm lấy bàn tay nhau để truyền cho nhau hơi ấm, niềm tin, động lực và sức mạnh. Bàn tay giao cảm thay cho lời nói. Bàn tay ấm nồng tình đồng chí đậm đà. Bàn tay nói lời im lặng của sự đoàn kết gắn bó, sự đồng cảm và cả niềm hứa hẹn lập công mà chúng tôi dành cho nhau.
Dù thời tiết lạnh buốt đến đâu đi chăng nữa, anh em chúng tôi vẫn phải đứng canh trong tư thế chờ giặc tới, sẵn sàng tấn công.Suốt đêm đứng canh, vầng trăng từ bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đem phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn, một người đồng hành, người bạn tri kỷ, cùng chia sẻ với chúng tôi cái lạnh lẽo, u ám và đơn độc nơi rừng sâu xám xịt. Khiến bức tranh rừng hoang càng đẹp hơn, tráng lệ hơn, lung linh hơn. Chính sự kì lạ đó tạo nên bức tranh đẹp về người lính. Chúng tôi vác súng trên vai, lòng luôn hướng về quê nhà, quyết tâm bảo vệ đất nước. Hình ảnh trăng treo trên đầu mũi súng là một hình ảnh vừa mang ý nghĩa hiện thực, vừa mang ý nghĩa lãng mạn. Nó cho thấy ý chí quyết tâm chiến đấu và khát vọng độc lập cho dân tộc của anh em chúng tôi. Cho thấy hòa bình đang đến gần, đang mỉm cười với chúng tôi, đang treo lơ lửng trên đầu ngọn súng. Súng và trăng như hòa quyện vào nhau, như gắn kết với nhau. Hay nói cách khác súng và trăng cũng chính là một cặp đồng chí như chúng tôi. Cặp đồng chí này nói về cặp đồng chí kia làm gợi lên hững cái vô cùng. Súng và trăng là gần và xa, là cứng rắn và dịu hiền, là chiến sĩ và thi sĩ, là hiện thực và lãng mạn, là chất chiến đấu và chất trữ tình….. Đó cũng chính là biểu tượng cao đẹp về tình đồng chí và thể hiện niềm khao khát muốn đánh đuổi giặc xâm lược để bảo vệ cho ánh trăng hòa bình mãi rạng ngời trên quê hương đất nước của những người lính chúng tôi.
“Đạp quân thù xuống đất đen,
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.”
(Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi)
Trở về với thực tại, về một cuộc sống hòa bình – nơi mà chiến tranh đã trở thành dĩ vãng, chỉ còn đọng lại trong những trang sách, những cuốn nhật ký và trong ký ức của những người lính chúng tôi. Thế nhưng, dù cuộc đời có đổi thay ra sao, dù cho lớp bụi kia có đóng kín những kỷ niệm ấy thì không bao giờ cả chúng tôi – lẫn thế hệ mai sau có thể quên đi được những giọt mồ hơi, nước mắt, xương máu, mà ông cha ta đã phải hi sinh và bỏ ra để gìn giữ nền độc lập như hiện tại. Được xem lại thược phim ấy, tôi cảm thấy thật tự hào vì đã từng đi qua cuộc chiến tranh gian khổ nhưng thật hào hùng. Tình cảm mà chúng tôi vẫn luôn lưu giữ trong tâm hồn đó là tình cảm đồng đội – đồng chí nồng nàn keo sơn, bền chặt. Nhờ có tình cảm ấy mà chúng tôi đã chiến đấu và chiến thắng, giành lại độc lập cho đất nước – dân tộc và cho cả ánh trăng hòa bình vẫn mãi sáng ngời trên bầu trời quê hương. Qua đó, giới trẻ ngày nay – kể cả con cháu tôi sau này, cần phải mang trong mình một niềm tự hào, kiêu hãnh về đất nước, phải làm cho tâm hồn mình ngày càng thêm yêu Tổ quốc, yêu con người Việt Nam “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Lấy tình yêu quê hương – đất nước làm đòn bẩy thúc đẩy bản thân vươn cao và vươn xa hơn nữa trên những đấu trường quốc tế để có thể làm rạng danh đất nước mai sau.
CRE: DZỊT