Đọc: Con chào mào (Mai Văn Phấn)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Mai Văn Phấn (1955)

- Quê quán: Ninh Bình.

- Thơ ông rất phong phú về đề tài có những cách tân về nội dung và nghệ thuật; một số bài được dịch ra nhiều thứ tiếng.

2. Tác phẩm

@413411@​

- Xuất xứ:  In trong tập Bầu trời không mái che (2010).

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

- Thể thơ: Tự do.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Con chào mào trong thực tế

- Con chào mào xuất hiện ngay từ đầu bài thơ một cách trực tiếp "Con chào mào".

- Bức tranh đầy màu sắc và âm thanh miêu tả chào mào:

+ Vị trí: trên cây cao chót vót. → Xác lập vị trí cao, mở rộng biên độ không gian.

+ Màu sắc: đốm trắng mũ đỏ. → màu sắc rực rỡ.

+ Âm thanh: hót + trìu... uýt... huýt... tu hìu... → đây không chỉ là âm thanh tiếng chim hót mà còn là âm thanh vang vọng của thiên nhiên. 

➩ Bút pháp tả thực, bức tranhh ngập tràn màu sắc và âm thanh.

2. Con chào mào trong ý nghĩ

@413726@

- Con chào mào đi vào ý nghĩ của tác giả:

+ Xuất hiện "tôi".

+ Đi vào ý nghĩ do tác giả "vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ". → Chiếc lồng biểu hiện cho sự kìm giữ, hạn chế.

+ Hành động vội vàng, lo sợ chim bay đi.

- Con chào mào đồng điệu, nhập thân vào tác giả từ giây phút "Vừa vẽ xong nó cất cánh". → Hành động của tự do (đối lập với chiếc lồng).

- Cuộc rượt đuổi giữa hai nhân vật:

+ Ôm khung nắng, khung gió, nhành cây xanh. →  Thâu trọn không gian thiên nhiên tươi đẹp vào vòng tay mình. Thiên nhiên có thêm màu sắc và ánh sáng, sự sống. → Biểu hiện của chiếc lồng.

+ Hối hả đuổi theo. → Vội vã, nối tiếp sự lo sợ phía trên. Đồng thời là biểu hiện của sự thăng hoa, tự do.

→ Ước muốn tận hưởng, hòa nhập thiên nhiên.

➩ Bút pháp tượng trưng kết hợp sự độc đáo trong từ vựng. Từ vựng trong câu thơ đều mang ý nghĩa ràng buộc, giữ lại, bắt, bó hẹp… nhưng nội hàm câu thơ lại mở ra, trải rộng, bay bổng… Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.

3. Con chào mào trong tâm hồn

- Không gian: vô tăm tích → sự mơ hồ, không xác định.

- Hành động: tôi nghĩ → nhắc lại về chủ thể, hành động nghĩ đi vào tâm tưởng. Có thể tất cả đều là trong suy nghĩ sau khi đã trải nghiệm thực tế.

- Những hoạt động của chào mào:

+ Chào mào mổ những con sâu.

+ Chào mào ăn trái cây chín.

+ Chào mào uống nước.

→ Đi đến hóa thân vào chào mào với "Thanh sạch của tôi".  Khái niệm “của tôi” trong trường hợp này cho thấy hồn vía kẻ sáng tạo đã được chiết ra, gạn lọc lấy những gì tinh túy nhất, đẹp nhất để “nuôi” chú chim bé nhỏ của ông.

- Nghệ thuật lặp lại tiếng chim chào mào, tách riêng thành một dòng thơ độc lập tạo ấn tượng. 

@413489@

- 2 câu cuối dường như đối lập với phần đầu nhưng lại vô cùng hợp lí.

+ Chẳng cần chim bay về vì hình ảnh con chim đã ở trong tâm hồn tác giả.

+ Hạnh phúc khi chim được bay cao, xa nhưng cũng gợi chút tiếc nuối.

➩ Chào mào đã hợp nhất với tác giả.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Bài thơ Con chào mào là tiếng lòng yêu thiên nhiên cùng khao khát tự do của tác giả.

2. Nghệ thuật

Thể thơ tự do kết hợp với bút pháp miêu tả linh hoạt, biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ,... đặc sắc.

IV. Hướng dẫn trả lời câu hỏi cuối bài

1. Em có thể tưởng tượng, hình dung những hình ảnh gì khi đọc ba dòng thơ đầu?

Tưởng tượng, hình dung của em về những hình ảnh khi đọc ba dòng thơ đầu: Hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Tác giả đồng thời đặt định vị trí “Hót trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Ba câu thơ đã mở ra một khung cảnh thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên thanh sạch, mướt xanh. Đến câu thơ thứ ba của khổ thơ này là một bản ký xướng âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. 

Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kỳ vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây cao chót vót” ở trên.

2. Hãy nêu những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật "tôi" khi "vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ".

Những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật "tôi" khi "vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ": Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Vậy “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng tác giả. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến mất, vuột mất. Đây là một câu thơ kỳ lạ. Từ vựng trong câu thơ đều mang ý nghĩa ràng buộc, giữ lại, bắt, bó hẹp… nhưng nội hàm câu thơ lại mở ra, trải rộng, bay bổng,… Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.

3. Vì sao lúc đầu, nhân vật "tôi" "sợ chim bay đi" nhưng kết thúc bài lại khẳng định: Chẳng cần chim lại bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi đã nghe rất rõ?

“Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”, hai câu thơ kết cho thấy “con chào mào” đã bay đi xa, trở về với thiên nhiên rộng lớn, với thế giới tự do và hồn nhiên của nó. Tác giả viết rằng “chẳng cần chim lại bay về” bởi ông đã cảm thấy đủ, thấy trọn vẹn một thiên nhiên tuyệt đẹp trong cõi hồn mình. Câu thơ đa nghĩa cho thấy, nhà thơ đang tràn đầy hạnh phúc, mong cho con chào mào bay xa, bay cao hơn, nhưng cũng gợn một chút tiếc nuối dù rất nhỏ.

4. Dòng thơ nào được lặp lại trong bài thơ? Theo em việc lặp lại như vậy có tác dụng gì?

Dòng thơ  “triu… uýt… huýt… tu hìu…được lặp lại 2 lần trong bài thơ. Tác giả đã cho những thanh âm của thiên nhiên điệp khúc, vang lên lần nữa ở cuối bài thơ. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.

5. Con chim chào mào đã bay đi rồi nhưng nhân vật "tôi" vẫn có thể nghe rất rõ tiếng chim hót. Viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) miêu tả một hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp được em lưu giữ trong ký ức. 

Tôi thích nhất là được cùng mẹ ra thăm đồng vào buổi sớm mai. Khi ấy, mọi vật thật tinh khôi và tươi mới. Những ánh nắng đầu tiên của ngày mới rọi xuống cánh đồng làm bừng sáng cả không gian. Sương lúc này vẫn còn giăng mắc trên từng ngọn cây, lá cỏ, cả cánh đồng chìm trong màn sương sớm làm tôi có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Từng bông lúa nặng trĩu hạt lúc này như đang gượng dậy để đón chào những tia nắng ấm áp. Cánh đồng quê yêu dấu đã nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành bằng hạt gạo trắng ngần, thơm như dòng sữa mẹ. Dù có đi đâu xa, hình ảnh về cánh đồng lúa sẽ mãi nhắc nhở tôi về một miền quê giản dị nhưng xiết bao trìu mến, thân thương.