Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácĐề bài : Phát biểu cảm nghĩ của em về những kỉ niệm sâu sắc buổi tựu trường đầu tiên của nhân vật "tôi" trong truyện ngắn "Tôi đi học" của Thanh Tịnh
Bài làm
Tác phẩm "Tôi đi học" của Thanh Tịnh đã xuất hiện trên văn đàn văn học Việt nam hơn sáu mươi năm rồi ! Thế nhưng nó vẫn luôn là một trong những áng văn gợi cảm trong trẻo đầy chất thơ của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam. Mỗi lần có dịp đọc lại "Tôi đi học", lòng ta không khỏi xúc động, bồi hồi trước những kỉ niệm đáng nhớ; đáng yêu ấy của nhân vật "tôi".
Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta, ai cũng đã từng trải qua ngày tháng đầu tiên của tuổi học trò. Câu chuyện "Tôi đi học" rất đơn giản, bình dị nhưng đã làm xúc động tất cả những ai từng cắp sách tới trường. Ta thật trân trọng, mến yêu và cùng cảm thông biết bao trước những cảm giác ; những nghĩ suy của nhân vật "tôi" trên đường đến trường. Nhà văn đã dẫn dắt ta vào dòng hồi tưởng hết sức tự nhiên; một không gian êm đềm của mùa thu trong khung cảnh " một buổi sớm mai đầy sương thu và gió lạnh", ta bắt gặp một "con đường làng dài và hẹp" với một cậu bé ngây thơ đang nép mình bên mẹ chập chững những bước chân đầu tiên đến trường. Cảm nhận về sự thay đổi không gian đã khắc ghi đậm nét; bởi "Chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học". Đối với em bé mới chỉ biết chơi đùa, qua sông thả diều, ra đồng chạy nhảy với bạn bè... đi học quả là một sự kiện lớn, đánh dấu bước ngoặt của thời thơ ấu. Thật thú vị biết bao khi ta cùng chia sẻ khoảnh khắc được cảm thấy mình "trang trọng và đứng đắn" của cậu bé. Bởi lẽ đi học là được tiếp xúc với cả một thế giới những điều mới lạ : quần áo mới, sách vở mới, thậm chí "oai" hơn nữa là được cầm giấy bút mà không để lộ vẻ khó khăn gì. Ý nghĩ ấy của nhân vật "tôi" muốn nhận thức về một nhiệm vụ trong cuộc sống được mường tượng trong hình ảnh " một làn mây lướt ngang trên ngọn núi" như muốn biểu hiện nét dịu dàng, trong sáng và khát vọng của tâm hồn trẻ thơ. Con đường thân quen mà mọi khi vẫn thường đi lại sao hôm nay chú bé bỗng dưng cảm thấy "xa lạ". Vì sao vậy ? Bởi vì hôm nay là "lần đầu tiên tôi đến trường". Những kỉ niệm đẹp được chúng ta trân trọng, giữ gìn và nâng niu. Nhân vật "tôi" cũng vậy. Đọc những dòng văn này buổi tựu trường đầu tiên của mình; ta cũng đã trải qua và cũng đã từng có những phút giây xúc động khó quên như vậy. Ta thấy mình cũng có sự đồng cảm về tâm hồn và cảm xúc với Thanh Tịnh.
Đi hết con đường làng, cậu học trò nhỏ tới ngôi trường. Trường học quả là một thế giới trang nghiệm khiến cho cậu bé phải lo sợ vẩn vơ khi ngắm nhìn và bước chân vào nơi " vừa xin xắn, vừa oai nghiệm như cái đình làng Hòa Ấp". Chính vì sự oai nghiêm đó đã làm nhân vật "tôi" đâm ra lo sợ "vẩn vơ". Tiếp theo cậu bé thấy cô giáo, thầy giáo, nhiều bạn bè bằng trang lứa mình, thấy bạn cũng đang sợ sệt, lúng túng, e ngại. Hình ảnh so sánh những cô cậu học trò như những chú chim non muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ thật tinh tế. Ta thấy cảm giác này trong sáng quá, chân thực quá và thân quen quá. Bắt gặp trong suy nghĩ của nhân vật "tôi" có sự đồng điều với tâm hồn bạn đọc. Khi nghe gọi đến tên mình, cậu học trò tự nhiên giật mình và lúng túng. Từ láy "lúng túng" được điệp tới bốn lần để diễn tả tâm trạng, miêu tả chân thực, cử chỉ, ánh mắt, suy nghĩ, cảm giác....hồn nhiên, trong sáng của cậu học trò. Đỉnh cao của tâm trạng lúng túng là khi các cậu trò nhỏ rời bàn tay, buông chéo áo của người thân để đứng vào hàng chuẩn bị vào lớp thì "một cậu ôm mặt khóc", "tôi dúi đầu vào lòng mẹ khóc theo" và cả một phản ứng dây chuyền rất tự nhiên, rất ngây thơ và giàu ý nghĩa là "trong đám trò mới vài tiếng thút thít đang ngập ngừng". Thêm một lần nữa, cây bút văn xuôi Thanh Tịnh truyền cảm biết bao, trữ tình biết bao, thấu tỏ lòng người biết bao !
Đọng lại trong suy nghĩ người đọc khiến ta xúc động chẳng thể nào quên đó chính là những giây phút khi nhân vật "tôi" ngồi trong lớp học. Cặp mắt tò mò cảm nhận một thế giới mới mà cậu bé bấy giờ thấy "là lạ và hay hay" từ mùi hương lạ trong lớp, cho đến những tranh ảnh treo trên tường, để rồi sau đó tự nhiên lạm nhận và vật riêng của mình. Cảm giác ấy chính là vì cậu bé lại được hòa nhập vào thế giới của riêng những cậu trò nhỏ, vẫn được có những phút ước ao riêng tư với niềm vui thơ bé. Kết thúc truyện là một hình ảnh đầy ý nghĩa : "Một con chim liệng đến đứng bên cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao". Đó vừa là hình ảnh thiên nhiên cụ thể, vừa gợi tưởng đến tâm trạng rụt rè của chú bé lại vừa mở ra một niềm tin về ngày mai, một chân trời mênh mông bao la.
Truyện "Tôi đi học" là những trang văn xuôi đầy chất thơ, mở ra cho ta những kỉ niệm rất chân thực trong sáng, mơn man sẽ trẻ trung mãi cùng năm tháng. Vì mỗi con ngưởi từ thế hệ này sang thế hệ khác ai cũng sẽ có buổi tựu trường đầu tiên của riêng mình, của đời mình. Kỉ niệm ấy ướp hương tâm hồn chúng ta, khiến mỗi lần nhớ lại thấy mình sống lại một trang đời trong sáng, đẹp đẽ.