Đề bài : Hãy phân tích bài thơ "Nam quốc sơn hà" để cho thấy đó là bài ca yêu nước hùng tráng chống xâm lăng, mang ý nghĩa lịch sử như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta ?

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài : Hãy phân tích bài thơ "Nam quốc sơn hà" để cho thấy đó là bài ca yêu nước hùng tráng chống xâm lăng, mang ý nghĩa lịch sử như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta ?

Bài làm 

     Để thực hiện cuồng vọng bành trướng, âm mưu biến nước Nam ta thành quận huyện của Thiên triều, năm 1076, vua nhà Tống sai tướng Quách Quỳ mang binh hùng tướng mạnh sang xâm lược nước ta. Sông Cầu và bến Như Nguyệt trở thành bãi chiến trường chôn vùi hàng vạn xác giặc phương Bắc. Trong những giờ phút giao tranh ác liệt, vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt đã viết bài thơ "Nam quốc sơn hà" bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, để động viên tướng sĩ quyết chiến và quyết thắng. Bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc như một huyền thoại, được mệnh danh là bài thơ "Thần".

     Hai câu thơ đầu khẳng định núi sông nước Nam (Nam quốc sơn hà) là chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phậm của nhân dân ta. Cõi sơn hà ấy là nơi vua Nam ở (Nam đế cư). Hai chứ " Nam đế" biểu lộ niềm tự tôn và ý chí tự cường của dân tộc ta. Cõi sơn hà ấy đã được ghi rõ trong sách Trời (Thiên thư). Trời đã thành nhân chứng lịch sử. Đó là sự thật lịch sử và niềm tin thánh thiện, bất biến. Giọng thơ vang lên mạnh mẽ, hùng hồn. Lời tuyên bố biểu lộ một ý chí sắt đá về chủ quyền toàn vẹn và nền độc lập của dân tộc ta :

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

(Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời)

      Câu thơ thứ ba thể hiện một thái độ quyết liệt, căm thù lên án hành động xâm lược đầy tội ác của vua quan nhà Tống :

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ?

(Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm ?)

      Quân giặc vì cớ gì mà kéo đến xâm phạm núi sông nước Nam, nơi vua Nam ở. Hành động ấy là phi nghĩa vì đã chà đạp lên chủ quyền và nền độc lập của vua nước Nam, của dân tộc Việt Nam, đồng thời làm trái với "sách Trời". Câu hỏi tu từ làm cho giọng thơ căm thù bốc cao ngùn ngụt, lời kết tội thêm đanh thép, hùng hồn.

     Câu cuối bài thơ chỉ ra một tất yếu lịch sử. Quân giặc là tham tàn và phi nghĩa nhất định sẽ chuốc lấy bại vong thảm hại. Chúng nhất định sẽ bị tướng sĩ nhà Lỹ, bị nhân dân ta giáng trả mạnh mẹ và bị tiêu diệt :

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !

(Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)

      Câu thơ thể hiện một niềm tin tất thắng, biểu lộ một thái độ đầy khi bỉ bọn vua chúa và lũ tướng của Thiên triều.

       Bài thơ được truyền tụng như tiếng nói của thần linh. Em vẫn tin rằng "Nam quốc Sơn Hà: là bài thơ xuất thần của danh tướng Lý Thường Kiệt. Trong những giờ phút giao tranh dữ dội và ác liệt trên chiến tuyến Sông Cầu - Như Nguyệt, ông đã dùng bài thơ này để động viên tướng sĩ quyết chiến và quyết thắng giặc Tống xâm lược.

       Bài thơ "Nam quốc sơn hà" là bài ca chiến trận, nó trường tồn cùng với chiến công sống Cầu - là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc ta. Nó thể hiện ý chí và sức mạnh tự cường của nhân dân ta, làm sáng ngời thiên niên kỷ Thăng Long.