Đề bài : Bình luận câu tục ngữ "Đất tốt trồng cây rườm rà Những người thanh lịch nói ra dịu dàng" và " Đất xấu trồng cây khẳng khiu Những người thô tục nói điều phàm phu"

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài : Bình luận câu tục ngữ

"Đất tốt trồng cây rườm rà

 Những người thanh lịch nói ra dịu dàng"

" Đất xấu trồng cây khẳng khiu

Những người thô tục nói điều phàm phu"

Bài làm

       Sống đẹp là mục tiêu phấn đấu của mỗi chúng ta. Nghệ thuật ứng xử, giao tiếp là một trong những biểu hiện của nếp sống đẹp. Tục ngữ là kho tàng  quý báu của nhân dân, cho ta nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học về ứng xử, giao tiếp, nhất là về mặt lời ăn tiếng nói. Mỗi điều khen, chê mà tục ngũ nêu ra thật vô cùng chí lí. Để giáo dục cách ăn nói cho mọi người, ông cha ta đã đúc kết thành câu tục ngữ :

"Đất tốt trồng cây rườm rà

 Những người thanh lịch nói ra dịu dàng"

và còn có câu : 

" Đất xấu trồng cây khẳng khiu

Những người thô tục nói điều phàm phu"

 

       Hai câu tục ngữ trên đều nêu lên một nhận xét rất sâu sắc về cách ăn nói của hai loại người trong xã hội : Người thanh lịch và người thô tục.

       Câu thứ nhất : Đất có tốt tươi, màu mỡ thì mới có thể trồng được " cây rườm rà", cành lá sum suê, tươi tốt. Trong xã hội cũng vậy, chỉ có những người thanh lịch, văn minh, có văn hóa, có nhân cách mới biết ăn nói " dịu dàng", êm ái, nhẹ nhàng, dễ nghe.

      Câu thứ hai : Đất xấu, chỉ có thể mọc lên " cây khẳng khiu", lá cành xơ xác. Người cũng thế, kẻ thô tục, vô học, kém đạo đức luôn luôn nói ra những " điều phàm phu", thô lỗ, xằng bậy, tục tằn.

      Hai câu tục ngữ trên, bằng cách so sánh cụ thể, lấy đất và cây trồng để so sánh với hai loại người có hai cách ăn nói, hai lối sống đối lập, từ đó nêu lên nhân xét, biểu thị thái độ khen, chê, đưa ra một lời khuyên về cách ăn nói sao cho văn minh, lịch sự, không được thô lỗ, tục tằn, biết nói lời hăn, ý đẹp trong giao tiếp, ứng xử.

     Hai câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng. 

     Trong xã hội, kẻ thô tục tất nói đều phàm phu, thô lỗ. Kẻ thô tục  vì đạo đức kém, thiếu nhân cách, không được giáo dục, lại vô học nên nói năng bừa bãi, thiếu suy nghĩ. Họ bị mọi người coi khinh. Đáng buồn thay, kẻ thô tục ăn nói thô lỗ lại không biết tự xấu hổ.

     Trái lại, người thanh lịch là người có nhân cách, có đạo đức, có văn hóa, biết kính trên nhường dưới, ăn nói có suy nghĩ chín chăn. Họ hiểu rõ mục đích mình nói và làm. Họ biết học tập cách lời ăn tiếng nói của nhân dân để diễn đạt tư tưởng tình cảm một cách sâu sắc, ý nhị. Nói với ai, nói điều gì, nói như thế nào là ba câu tự hỏi mình trước lúc nói.

     Ngôn ngữ là tài sản quý báu lâu đời của nhân dân. Ngôn ngữ phát triển theo hướng đi lên của lịch sử. Nó là công cụ giao tiếp, diễn đạt tư tưởng, biểu lộ tình ảm giữa con người với con người. Nhờ học tập và tự rèn luyện, chúng ta mới có ngôn ngữ phong phú, uyển chuyến. Người ăn nói tục tằn, thô lỗ vì vô học, vô đạo đức. Qua lời ăn tiến nói, ta dễ dàng đánh giá được nhân cách của người nói.

     Tóm lại hai câu tục ngữ trên cho ta bài học quý báu về cách ứng xử, giao tiếp. Nói năng cần nhẹ nhàng, khiêm tốn, lịch sự; phải biết xấu hổ về cách ăn nói thô lỗ, tục tằn.

     Ngôn ngữ, cách ăn nói còn phản ảnh tâm hồn, trình độ người tham gia giao tiếp. Quan hệ xã hội có thân, sơ, khinh, trọng, trên, dưới. Giao tiếp, ứng xử, nói năng phải dựa trên mối quan hệ và hoàn cảnh giao tiếp cụ thể ấy.

     Ông bà ta rất coi trọng, dạy dỗ con cháu cách ăn nói. Tục ngữ, lời ca được các cụ thường xuyên nhắc đến làm bài học đạo lí thấm thía :

- "Học ăn, học nói, học gói, học mở"

- "Gọi dạ bảo vâng"

- " Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

- "Người khôn đón trước rào sau

Để cho người dại biết đâu mà dò"

     Muốn nói lời hay ý đẹp thì trước hết phải tu dưỡng đạo đức, biết "Tiên học lễ hậu học văn", khiêm tốn học hỏi cách ăn nói của mọi người. Đọc sách, học tập thơ văn kết hợp lời ăn tiếng nói của nhân dân để trau dồi ngôn ngữ. Thi hào dân tộc Nguyễn Du, tác giả " Truyện Kiều" từng tâm sự : " Nghe khúc hát thôn quê học được lời nói trong nghề trồng dâu gai".

    Xã hội đang đổi mới. Văn hóa, kinh tế, khoa học nước nhà phát triển mạnh mẽ. Ở bất cứ cương vị nào, đứa con trong gia đình, người học sinh dưới mái trường, người côn dân ngoài xã hội, đều phải có ý thức học tập giao tiếp, thể hiện một nhân cách văn hóa mang bản sắc dân tộc.

    Ăn nói "dịu dàng" không có nghĩa là " hoa hòe, hoa sói" vô lối, ăn nói bợ đỡ, xu nịnh, tự làm giảm nhân cách của mình trong giao tiếp. Chúng ta phê phán cách ăn nói thô tục, xu nịnh; luôn luôn đề cao thái độ chân thật, trung thực, tự tin trong ứng xử.

    Đạo đức là cái gốc của con người. Ngôn ngữ, lời ăn tiếng, cách ứng xử được nhân dân ta coi trọng nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách. Hai câu tục ngữ trên cho chúng ta bài học sâu sắc trong giao tiếp. Sự khôn ngoan, lịch thiệp được thể hiện rất rõ qua cử chỉ và lời ăn tiếng nói của mỗi người. Giáo dục ngôn ngữ chính là giáo dục đức hạnh, hướng về văn minh, tiến bộ để sống đẹp, lịch sự hơn. Thanh thiếu nhi chúng ta, thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, bước sang thế kỉ XXI, cần học thêm ngoại ngữ, nhưng không được coi nhẹ cách nói, cách viết của dân tộc để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Con người Việt Nam thanh lịch phải là con người giỏi tiếng Việt và rất yêu tiếng Việt.