Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácMột khối gỗ hình hộp đặt trên mặt bàn nhẵn nằm ngang. Dùng tay đẩy mạnh vào khối gỗ để sau khi rời khỏi tay, khối gỗ tiếp tục chuyển động trên mặt bàn.
Ta thấy, khối gỗ chuyển động trượt chậm dần rồi dừng hẳn, do lực cản của bàn. Lực này được gọi là lực ma sát trượt giữa khối gỗ và mặt bàn.
Lực ma sát trượt sinh ra khi một vật trượt trên bề mặt của vật khác.
Một viên bi đặt trên mặt bàn nằm ngang. Dùng tay búng nhẹ vào viên bi để nó lăn trên mặt bàn.
Ta thấy, viên bi chuyển động lăn chậm dần rồi dừng hẳn, do lực cản của bàn. Lực cản này được gọi là lực ma sát lăn giữa viên bi với mặt bàn.
Lực ma sát lăn sinh ra khi một vật lăn trên bề mặt của vật khác.
Tác dụng một lực kéo vào vật nhưng vật vẫn không dịch chuyển. Ta thấy, khi đó mặt sàn tạo ra một lực cản giữ cho vật nằm yên. Lực cản này được gọi là lực ma sát nghỉ giữa vật với mặt sàn.
Lực ma sát nghỉ giữ cho vật không bị trượt hoặc lăn khi vật chịu tác dụng của lực khác.
Lực ma sát có hại khi làm cản trở chuyển động của vật, ví dụ: khi dùng cưa để cưa gỗ, ma sát trượt giữa mặt gỗ và mặt lưỡi cưa cản trở chuyển động của cưa, hay khi kéo, đẩy vật trên mặt sàn...
Lực ma sát có ích khi ứng dụng để chế tạo phanh, khi bóp phanh, má phanh áp vào vành bánh xe, xuất hiện lực ma sát giữ chặt khiến bánh xe ngừng quay và nhanh chóng dừng lại,...
Chú ý: Trong nhiều trường hợp, một lực ma sát có thể vừa có lợi vừa có hại. Ví dụ khi dùng phấn viết bảng, ma sát giữa bảng và phấn khiến phấn bị mòn là có hại nhưng ma sát này cũng giúp phấn bám trên bảng tạo ra chữ viết.
Thông thường, các bề mặt tiếp xúc mềm, nhám, sần sùi có lực ma sát lớn, các bề mặt cứng, trơn có lực ma sát nhỏ.