Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácMột số yếu tố bên trong ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật như đặc điểm di truyền, hormone, tuổi sinh vật. Ví dụ, ở nữ giới, khi đến tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu sản sinh hormone FSH và LH kích thích trứng chín và rụng báo hiệu cơ thể bắt đầu có khả năng sinh sản.
Ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ và chế độ dinh dưỡng là những yếu tố bên ngoài chủ yếu ảnh hưởng tới quá trình sinh sản ở sinh vật.
Ở thực vật, độ ẩm và nhiệt độ không khí quá cao hay quá thấp đều làm giảm hiệu quả thụ phấn và thụ tinh, làm tăng số lượng hạt lép.
Nhiệt độ môi trường quá cao hoặc quá thấp làm giảm quá trình sinh trứng ở động vật, ví dụ: cá chép chỉ đẻ ở nhiệt độ trên 15oC.
Quá trình sinh sản ở sinh vật diễn ra bình thường là nhờ các cơ chế điều hoà. Cơ chế điều hoà sinh sản ở sinh vật chủ yếu là điều hoà quá trình sinh giao tử.
Ở thực vật, sự ra hoa chịu ảnh hưởng của một số hormone, ví dụ: hormone florigen kích thích sự ra hoa.
Ở động vật, một số hormone do tuyến yên tiết ra có khả năng điều khiển quá trình sinh trứng và tinh trùng.
Dựa vào ảnh hưởng của hormone và các yếu tố môi trường tới sinh sản ở sinh vật, con người đã chủ động điều khiển quá trình sinh sản ở sinh vật cho phù hợp với mục đích chăn nuôi và trồng trọt.
Trong trồng trọt, con người đã chủ động điều khiển sinh sản ở thực vật bằng cách sử dụng các hormone hoặc điều chỉnh nhiệt độ, chế độ chiếu sáng, chế độ dinh dưỡng để kích thích cây ra hoa, tạo quả trái vụ,...
Ví dụ: cây thanh long chỉ ra hoa và tạo quả vào mùa hè, muốn cây ra hoa vào mùa đông, người ta thắp đèn chiếu sáng cho cây vào ban đêm.
Con người còn trực tiếp thụ phấn cho cây, đồng thời chủ động bảo vệ và phát triển các loài côn trùng thụ phấn trong tự nhiên nhằm nâng cao hiệu quả thụ phấn, giúp tăng năng suất quả và hạt. Người ta còn ngắt ngọn bầu, bí trước thời điểm cây ra hoa để phát triển nhiều chồi, nhánh giúp cây ra nhiều quả hơn hoặc dùng khói để hun cho cây dưa chuột kích thích ra nhiều hoa cái.
Ngoài ra, con người đã tạo ra các loại quả không hạt như chanh, nho, dưa hấu, bưởi, cam, táo,... bằng cách ngăn không cho hoa thụ phấn và kích thích để bầu nhụy phát triển thành quả không hạt.
Con người đã tác động vào quá trình sinh sản ở động vật nhằm điều khiển số lượng hay giới tính đàn con.
Các biện pháp giúp tăng số con như sử dụng hormone nhân tạo kích thích trứng chín sớm, thụ tinh nhân tạo giúp tăng hiệu quả thụ tinh, nuôi cấy phôi và điều chỉnh các yếu tố môi trường.
Ví dụ, người ra đã sử dụng các hormone kích thích trứng chín và rụng, cho trứng đó thụ tinh với tinh trùng trong ống nghiệm để phát triển thành phôi, tùy từng đối tượng mà người ta đem cấy ngay phôi đó vào từ cung con cái hoặc tách phôi thành nhiều phần, mỗi phần phát triển thành một phôi mới rồi mới cấy vào tử cung của các con cái để tạo số lượng con lớn.
Tùy từng mục đích sản xuất mà con người cần số lượng lớn con đực hay con cái. Để đáp ứng mục đích nhân giống nhanh thì cần nhiều con cái, còn để đáp ứng nhu cầu cung cấp thịt, lông, tơ,... thì cần nhiều con đực. Con người có thể điều khiển giới tính của đàn con bằng cách sử dụng hormone hoặc lọc, tách tinh trùng và lựa chọn loại tinh trùng đem thụ tinh với trứng để tạo ra đàn lợn, bò, dê đực phục vụ nhu cầu lấy thịt hoặc đàn bò và dê cái phục vụ cho nhu cầu nhân giống và lấy sữa,...
❓Em có biết
Tư tưởng trọng nam khinh nữ ở nhiều nước phương Đông là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cặp vợ chồng tìm cách xác định giới tính thai nhi trước sinh với mục đích chỉ giữ lại các thai nhi mang giới tính nam. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính và gây ra nhiều hệ lụy trong tương lai như nam giới khó kết hôn, phải kết hôn với người nước ngoài dẫn đến sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ trong gia đình; gia tăng nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ, tệ nạn mại dâm kéo theo nguy cơ lây nhiễn HIV và các bệnh xã hội khác cũng như bất ổn về kinh tế.
1. Sinh sản ở sinh vật chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên trong như hormone, đặc điểm di truyền và một số yếu tố bên ngoài như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm.
2. Quá trình sinh sản ở sinh vật được điều hòa chủ yếu bởi các hormone.
3. Con người chủ động điều khiển quá trình sinh sản ở sinh vật bằng cách sử dụng các hormone nhân tạo và điều chỉnh các yếu tố bên ngoài phù hợp với mục đích chăn nuôi và trồng trọt.