Bài 24. Một số bệnh thủy sản phổ biến và biện pháp phòng, trị

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. BỆNH LỒI MẮT Ở CÁ RÔ PHI

1. Đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh

- Bệnh lồi mắt là một trong những bệnh nguy hiểm đối với cá rô phi.

- Bệnh lưu hành trên toàn thế giới, gây chết với tỉ lệ cao và thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

- Cá rô phi bị bệnh có các triệu chứng như thân cá có màu đen, bơi tách đàn, giảm ăn đến bỏ ăn, xuất huyết trên da.

- Bệnh nặng gây xuất huyết mắt, lồi mắt, xuất hiện dấu hiệu thần kinh như bơi xoay tròn hoặc bơi không có định hướng.

- Khi giải phẫu cá mắc bệnh có thể quan sát thấy các bệnh tích như gan, ruột xuất huyết; thận, lách sưng kèm theo xuất huyết hoặc tụ huyết.

Cá bị lồi mắt.hoc24

- Tác nhân gây bệnh là Streptococcus agalactiae, đây là liên cầu khuẩn Gram dương.

Liên cầu khuẩn gây bệnh lồi mắt ở cá rô phi.hoc24

- Bệnh có tốc độ lây lan nhanh và gây thiệt hại cho các ao nuôi cá rô phi từ cá giống đến cá thương phẩm:

+ Tỉ lệ chết có thể từ 30% đến 70%.

+ Có trường hợp tới 100% nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

- Bệnh thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa hè, trong ao hoặc lồng nuôi có mật độ cao.

2. Biện pháp phòng, trị bệnh

a. Phòng bệnh

Để phòng bệnh lồi mắt ở cá rô phi hiệu quả, cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp:

- Sát khuẩn, khử trùng ao cũng như nguồn nước trước và trong khi nuôi.

- Vào những ngày nắng nóng, cần có chế độ cho cá ăn phù hợp, tăng cường bổ sung chế phẩm vi sinh, vitamin để tăng sức đề kháng cho cá.

b. Trị bệnh

- Khử trùng nước ao nuôi kết hợp trộn thuốc hoặc sản phẩm có tác dụng diệt vi khuẩn vào thức ăn cho cá ăn từ 5 đến 7 ngày.

- Kết hợp bổ sung vitamin C, các chất tăng cường sức đề kháng cho cá.

- Sau khi điều trị, bổ sung chế phẩm vi sinh vào thức ăn và môi trường nước để phục hồi hệ vi sinh có lợi.

II. BỆNH GAN THẬN MỦ TRÊN CÁ TRA

- Bệnh gan thận mủ trên cá tra xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1998 và trở thành bệnh đặc biệt nguy hiểm với nghề nuôi cá da trơn xuất khẩu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Khi cá tra bị bệnh có các triệu chứng kém ăn, bỏ ăn, gầy yếu, bụng chướng to.

- Giải phẫu cơ quan nội tạng như gan, lách, thận bị hoại tử thành những đốm trắng đục đường kính từ 0,5 mm đến 2,5 mm.

loading...
Triệu chứng và bệnh tích thận mủ trên cá tra.hoc24

- Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Edwardsiella ictaluri, đây là trực khuẩn Gram âm, hình que mảnh.

Tác nhân gây bệnh gan thận mủ trên cá tra.hoc24

- Bệnh gây hại nặng ở giai đoạn cá hương đến khoảng 6 tháng tuổi, tỉ lệ chết cao từ 60% đến 70%, có trường hợp lên tới 100%.

- Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân, mùa thu, khi thời tiết mát mẻ, trong những ao nuôi mật độ cao.

2. Biện pháp phòng, trị bệnh

a. Phòng bệnh

Để phòng bệnh gan thận mủ hiệu quả, cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp: sát khuẩn, khử trùng ao, khử trùng nguồn nước ao nuôi trước và trong khi nuôi, đảm bảo môi trường sống thích hợp cho cả, tránh để cá bị sốc trong quá trình nuôi. Định kì kiểm tra cá nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.

b. Trị bệnh

- Khử trùng nước ao nuôi; trộn thuốc hoặc sản phẩm có tác dụng diệt vi khuẩn vào thức ăn cho cá ăn từ 5 đến 7 ngày, kết hợp bổ sung vitamin C, các chất tăng cường sức đề kháng cho cá.

- Sau khi điều trị, bổ sung chế phẩm vi sinh vào thức ăn và môi trường để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi.

III. BỆNH HOẠI TỬ THẦN KINH (VNN)

1. Đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh

- Bệnh hoại tử thần kinh (Viral nervous necrosis - VNN) là một trong những bệnh cấp tính nguy hiểm trên nhiều loài cá biển quan trọng như cá song, cá sủ đất, cá chim vây vàng,...

- Tác nhân gây bệnh là Betanodavirus, hình cầu, không có vỏ bọc, có vật chất di truyền là RNA.

- Virus thường kí sinh trong tế bào chất của tế bào thần kinh trong não và trong võng mạc mắt cá.

loading...
Betanodavirus, tác nhân gây bệnh VNN.hoc24

- Bệnh thường xuất hiện nhiều từ tháng 5 đến tháng 10 khi nhiệt độ thích hợp cho virus phát triển mạnh (khoảng 25 - 30 °C), đặc biệt là thời điểm mưa nhiều.

- Bệnh lưu hành rộng, có tốc độ lây lan nhanh, tỉ lệ chết cao ở cá kích cỡ khoảng 2 - 4 cm (từ 70% đến 100%).

- Cá bị bệnh hoại tử thần kinh có các triệu chứng như kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ, da tối màu; khi bệnh chuyển nặng, cả có biểu hiện không bình thường, bơi lội hỗn loạn và không định hướng, đầu chúc xuống dưới.

- Giải phẫu bên trong thấy bóng hơi cá trương phồng và não xuất huyết, ruột không có thức ăn.

Cá biển nhiễm bệnh hoại tử thần kinh.hoc24

2. Biện pháp phòng, trị bệnh

- Bệnh hoại tử thần kinh gây ra trên cá biển chưa có biện pháp điều trị hiệu quả.

- Biện pháp thích hợp nhất là chủ động thực hiện công tác phòng bệnh tổng hợp:

+ Chọn cá giống khoẻ mạnh, không nhiễm mầm bệnh; đảm bảo môi trường sống thích hợp cho cá, tránh để cá bị sốc trong quá trình nuôi.

+ Thức ăn tươi sống cần phải được xử lí để diệt mầm bệnh trước khi cho cá ăn.

+ Bổ sung vitamin C, các chất tăng cường sức đề kháng cho cá, đặc biệt là thời điểm bệnh hay xảy ra.

+ Sử dụng vaccine để phòng bệnh cho cá, đặc biệt là các mô hình nuôi lồng trên biển.

IV. BỆNH ĐỐM TRẮNG TRÊN TÔM

1. Đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh

- Bệnh đốm trắng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở tôm nuôi (tôm sú và tôm thẻ chân trắng).

- Bệnh do Baculovirus có vật chất di truyền là DNA gây ra.

- Virus lây lan nhanh trong ao và có thể lây lan sang ao khác qua nguồn nước, động vật trung gian truyền bệnh hoặc các dụng cụ.

- Khi bị bệnh, tôm hoạt động kém, bỏ ăn, nổi lên tầng mặt và dạt vào bờ, nắp mang phồng lên.

- Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là xuất hiện những đốm trắng kích thước từ 0,5mm đến 2mm trên vỏ tôm ở giai đoạn bệnh nặng, tỉ lệ chết có thể lên tới 100% trong khoảng 3 - 10 ngày.

Tôm bị bệnh đốm trắng do Baculovirus.hoc24

- Bệnh xảy ra vào mùa xuân và đầu mùa hè hoặc những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, biên độ nhiệt độ trong ngày biến động quá lớn (> 5 °C).

2. Biện pháp phòng, trị bệnh

Bệnh đốm trắng do virus trên tôm chưa có thuốc đặc trị, vì vậy phòng bệnh là biện pháp chủ yếu để hạn chế dịch bệnh.

a. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp

- Để phòng bệnh đốm trắng, cần lựa chọn tôm giống ở cơ sở uy tin, tôm khoẻ, không nhiễm bệnh và có chứng nhận kiểm dịch.

- Kiểm soát chặt chẽ an toàn sinh học:

+ Lắng lọc, khử trùng và xử lí nguồn nước trước khi đưa tôm vào ao nuôi.

+ Ngăn chặn không cho vật chủ trung gian bên ngoài vào ao nuôi.

+ Khi sử dụng thức ăn tươi sống cần đảm bảo thức ăn không nhiễm mầm bệnh.

+ Đảm bảo công tác vệ sinh, khử trùng các dụng cụ, phương tiện ra vào khu vực nuôi để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào hệ thống nuôi,...

b. Xử lí khi bệnh xảy ra

Khi bệnh xảy ra, tuyệt đối không tháo nước ao tôm bị bệnh ra bên ngoài khi chưa khử trùng; áp dụng các biện pháp tiêu huỷ đối với tôm chết, không đưa tôm ra khỏi khu vực nuôi để hạn chế dịch bệnh lây lan.