Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácĐặc điểm
- Nhật Bản là một quốc đảo, có diện tích khoảng 378,0 nghìn km2, nằm ở phía đông châu Á, kéo dài từ khoảng vĩ độ 20°25′B đến khoảng vĩ độ 45°33′B và từ khoảng kinh độ 123°Đ đến khoảng kinh độ 154°Đ.
- Lãnh thổ Nhật Bản gồm bốn đảo lớn là: Hô-cai-đô, Hôn-su, Xi-cô-cư, Kiu-xiu và hàng nghìn đảo nhỏ, trải theo một vòng cung dài khoảng 3800 km.
- Nhật Bản nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động, gần với Liên bang Nga và Trung Quốc, là những nền kinh tế lớn trên thế giới.
Ảnh hưởng
- Vị trí địa lí đã tạo thuận lợi cho Nhật Bản giao thương, mở rộng các mối liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển mạnh các ngành kinh tế biển.
- Tuy nhiên, Nhật Bản nằm trong “vành đai lửa Thái Bình Dương” nên thường xuyên xảy ra động đất, núi lửa và sóng thần,... gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng tới đời sống người dân.
- Địa hình đồi núi chiếm khoảng 3/4 diện tích lãnh thổ, trong đó có nhiều núi lửa. Phần lớn núi có độ cao trung bình, một số đỉnh núi cao trên 2000 m, cao nhất là núi Phú Sĩ. Khu vực này có nhiều đất đỏ.
- Các đồng bằng nằm ven biển, nhỏ và hẹp, trong đó lớn nhất là đồng bằng Can-tô ở đảo Hôn-su. Đất phổ biến là đất pốt-dôn, đất phù sa thích hợp để trồng cây lương thực.
- Nhật Bản có khí hậu ôn đới gió mùa và cận nhiệt đới gió mùa, có sự thay đổi rõ rệt từ bắc xuống nam.
+ Phía bắc có khí hậu ôn đới gió mùa; mùa đông kéo dài, lạnh và có nhiều tuyết, mùa hạ ấm áp.
+ Phía nam có khí hậu cận nhiệt đới; mùa đông không lạnh; mùa hạ nóng, thường có mưa to và bão.
- Nhật Bản có mưa nhiều, lượng mưa trung bình năm khoảng 1800 mm, cá biệt có nơi mưa đến 4000 mm.
=> Khí hậu phân hóa tạo điều kiện cho Nhật Bản phát triển cây trồng, vật nuôi đa dạng, thuận lợi cho du lịch.
- Mạng lưới sông khá dày, đa số đều ngắn, dốc, sông lớn nhất là Si-na-nô. Sông ít có giá trị giao thông nhưng có giá trị về thuỷ điện và cung cấp nước.
- Nhật Bản có nhiều hồ, nhiều thác nước và suối khoáng nóng… có giá trị cao đối với du lịch.
- Nhật Bản có đường bờ biển dài, khúc khuỷu, ăn sâu vào đất liền tạo nên nhiều vũng, vịnh rộng, kín gió là nơi lí tưởng để xây dựng các cảng biển.
- Vùng biển giàu hải sản, chiếm khoảng 25 % số loài cá biển trên toàn thế giới. Các dòng biển nóng và lạnh gặp nhau tạo nên ngư trường lớn với nhiều loài cá, là điều kiện thuận lợi để Nhật Bản phát triển ngành đánh cá.
- Nhật Bản có tỉ lệ che phủ rừng lớn (2/3 diện tích lãnh thổ, năm 2020) với nhiều loại rừng như: rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng nhiệt đới ẩm,...
- Nhiều vườn quốc gia đã được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới vì có giá trị nổi bật về thiên nhiên như: Phu-gi Ha-cô Ni-giu, Nic-cô,... Đây là các tài nguyên có giá trị cao để phát triển ngành lâm nghiệp và du lịch.
- Nhật Bản là nước nghèo khoáng sản.
- Các khoáng sản như: than đá, đồng, vàng, sắt, chì - kẽm,... có trữ lượng nhỏ.
=> Đây là khó khăn cho Nhật Bản trong phát triển kinh tế.
- Quy mô dân số: Nhật Bản là nước đông dân, số dân năm 2020 là 126,2 triệu người.
- Tỉ lệ gia tăng dân số thấp và có xu hướng giảm.
- Cơ cấu dân số: Nhật Bản có cơ cấu dân số già:
+ Số dân ở nhóm 0 - 14 tuổi chiếm 12,0 % và số dân ở nhóm từ 65 tuổi trở lên chiếm 29,0 % tổng dân số (năm 2020);
+ Tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (84 tuổi, năm 2020).
- Mật độ dân số:
+ Mật độ dân số trung bình là khoảng 338 người/km2 (năm 2020).
+ Phân bố dân cư không đều, tập trung ở ven bờ Thái Bình Dương của hai đảo Hôn-su
và Xi-cô-cư.
- Đô thị hóa:
+ Tỉ lệ dân thành thị cao và tăng nhanh, năm 1990 là 77,3 %, đến năm 2020 đạt 91,8 %.
+ Nhiều đô thị nối với nhau tạo thành dải đô thị như: Ô-xa-ca, Kô-bê, Ky-ô-tô hay Tô-ky-ô, I-ô-kô-ha-ma.
- Thành phần dân cư: Nhật Bản có các dân tộc: Ya-ma-tô (còn gọi là dân tộc Nhật) chiếm 98 % số dân và hai dân tộc ít người hơn là Riu-kiu và Ai-nu.
- Nhật Bản có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc dân tộc như: trà đạo, su-shi, lễ hội, trang phục,... => Các giá trị văn hóa góp phần tạo nên sự ổn định của xã hội và tạo sức hấp dẫn của Nhật Bản trong quá trình hội nhập toàn cầu.
- Người dân có tính tập thể, tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi,...
- Người Nhật rất chú trọng đầu tư cho giáo dục; tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt gần 100 %. Hệ thống giáo dục được xem như là chìa khóa giúp cho nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng, góp phần đưa đất nước tiến tới hiện đại hoá.
- Hệ thống y tế phát triển, bảo hiểm sức khỏe được áp dụng bắt buộc đối với mọi người dân. Từ đó góp phần làm cho tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp, tuổi thọ trung bình cao hàng đầu thế giới, độ tuổi lao động của dân số tăng.
- HDI của Nhật Bản thuộc vào nhóm rất cao, năm 2020 là 0,923.