Bài 19: Dân số và sự phát triển dân số thế giới

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. DÂN SỐ THẾ GIỚI

1. Đặc điểm dân số thế giới

- Dân số tăng lên theo thời gian, năm 2020, dân số thế giới khoảng 7,79 tỉ người, gấp khoảng 3 lần so với năm 1950.

- Dân số giữa các nước, các vùng lãnh thổ rất khác nhau.

Cơ cấu dân số thế giới phân theo châu lục, năm 1950 và 2020 (đơn vị %)
Cơ cấu dân số thế giới phân theo châu lục, năm 1950 và 2020 (đơn vị %)

2. Tình hình phát triển dân số thế giới

- Dân số không ngừng tăng, đặc biệt từ khoảng giữa thế kỉ XX

- Hiện tượng “bùng nổ dân số” gây ra những vấn đề về kinh tế - xã hội, môi trường nghiêm trọng, suy thoái tài nguyên.

- Dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thế kỉ XXI với tốc độ chậm hơn so với thời gian trước. Dự báo đạt khoảng 9 tỉ người vào năm 2037.

Tình hình phát triển dân số thế giới

II. GIA TĂNG DÂN SỐ

1. Gia tăng dân số tự nhiên

- Là sự tăng giảm dân số do hai nhân tố sinh đẻ và tử vong quyết định, thể hiện qua tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô.

a. Tỉ suất sinh thô

- Là sự tương quan giữa số trẻ em được sinh ra trong năm còn sống so với số dân trung bình ở cùng thời điểm. Tỉ suất sinh thô thế giới năm 2020 là 19‰, xu hướng giảm. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉ suất sinh thô cao nhất thế giới là châu Phi có 33,6‰, thấp nhất là Châu Âu chỉ 10,4‰.

b. Tỉ suất tử thô

- Là sự tương quan giữa số người chết trong năm so với số dân trung bình ở cùng thời điểm. Tỉ suất tử thô thế giới năm 2020 là 7‰, xu hướng tăng. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉ suất tử thô cao nhất thế giới là châu Âu có 11,0‰, thấp nhất là Châu Đại Dương chỉ 6,8‰.

c. Tỉ suất tăng dân số tự nhiên

- Xác định bằng hiệu số giữa tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô trong một khoảng thời gian xác định trên một đơn vị lãnh thổ. Tỉ suất tăng dân số tự nhiên thế giới năm 2020 là 1,2%, xu hướng giảm. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉ suất tăng dân số tự nhiên cao nhất thế giới là châu Phi (2,5%), thấp nhất là Châu Âu (-0,06%).

2. Gia tăng dân số cơ học

Gồm hai bộ phận: xuất cư và nhập cư.

- Tỉ suất nhập cư: tương quan giữa số người di chuyển đến một vùng lãnh thổ so với số dân trung bình cùng thời điểm.

- Tỉ suất xuất cư: tương quan giữa số người di chuyển ra khỏi một vùng lãnh thổ so với số dân trung bình cùng thời điểm

- Tỉ suất gia tăng dân số cơ học là hiệu số giữa tỉ suất nhập cư và tỉ suất xuất cư.

Gia tăng cơ học không làm thay đổi số dân trên toàn thế giới nhưng đối với từng quốc gia, khu vực thì nó có thể làm thay đổi số dân và tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.

3. Gia tăng dân số thực tế

- Được xác định bằng tổng số giữa tỉ suất tăng dân số tự nhiên và tỉ suất tăng dân số cơ học (tính bằng %). Gia tăng dân số thực tế của thế giới có xu hướng giảm. Giai đoạn 2015 - 2020, gia tăng dân số thực tế cao nhất ở châu Phi với 2,5%, thấp nhất ở châu Âu chỉ 0,1%.

- Quy mô thế giới, gia tăng dân số thực tế phụ thuộc vào gia tăng dân số tự nhiên. Quy mô quốc gia, vùng lãnh thổ gia tăng dân số thực tế phụ thuộc vào cả gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học.

III. CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIA TĂNG DÂN SỐ THẾ GIỚI

1. Kinh tế - xã hội

- Các quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế cao, điều kiện sống tốt, thu nhập của người dân cao, cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ thu hút dân nhập cư và ngược lại. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn, tỉ lệ dân số làm nông nghiệp cao dẫn đến nhu cầu về nguồn lao động nhiều hơn, gia tăng dân số cao.

- Chính sách dân số ở các nước, phong tục, tập quán và tâm lí xã hội, độ tuổi kết hôn,… ở mỗi vùng lãnh thổ trong những thời kì nhất định có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự gia tăng dân số.

2. Tự nhiên - sinh học

- Điều kiện tự nhiên (vị trí địa lí, khí hậu, đất đai, sông ngòi,...); cơ cấu sinh học của dân số (độ tuổi, giới tính),… cũng tác động đến gia tăng dân số.

3. Các nhân tố khác

- Thiên tai, dịch bệnh,… cũng ảnh hưởng đến gia tăng dân số ở các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.