Môn học
Chủ đề / Chương
Bài học
Chủ đề
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác- Trong quá trình sống, sinh vật luôn chịu những tác động từ môi trường xung quanh, do đó, chúng luôn có những cơ chế đáp ứng lại với các kích thích để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển.
- Sự thu nhận và trả lời của cơ thể sinh vật đối với các kích thích của môi trường được gọi là cảm ứng.
- Ví dụ: Ở người, khi trời nóng, cơ thể sẽ toát mồ hôi giúp hạ nhiệt độ cơ thể còn khi trời lạnh cơ thể có phản ứng run giúp tăng sinh nhiệt để giữ ấm; ngọn cây hướng về phía có ánh sáng đảm bảo thu nhận được nhiều ánh sáng cho quá trình quang hợp.
- Cơ chế cảm ứng ở sinh vật diễn ra gồm các giai đoạn:
- Những kích thích từ môi trường (trong và ngoài) được phát hiện và tiếp nhận bởi các thụ thể đặc hiệu.
- Sự liên kết giữa tín hiệu và thụ thể sẽ kích hoạt quá trình truyền tin. Thông tin từ bộ phận tiếp nhận được truyền đến bộ phận xử lí thông tin (rễ, thân, lá, hoa ở thực vật; trung ương thần kinh ở động vật có hệ thần kinh) để quyết định hình thức và mức độ phản ứng.
- Sau đó, thông tin trả lời được truyền đến bộ phận thực hiện phản ứng (rễ, thân, lá, hoa ở thực vật; các cơ, tuyến,... ở động vật) để trả lời các kích thích từ môi trường.
- Ví dụ: Ở thực vật, khi thời tiết khô hạn, abscisic acid (ABA) đến liên kết với thụ thể ở màng sinh chất của tế bào khí khổng, kích thích các bơm ion hoạt động và bơm chủ động ion K+ ra khỏi tế bào, làm giảm sức trương của tế bào dẫn đến khí khổng đóng lại, nhờ đó, thực vật tăng khả năng chống chịu trong điều kiện khô hạn; ở người, khi lên cao 1500 - 2000 m so với mực nước biển (như khi leo núi), hàm lượng O2 trong máu giảm sẽ kích thích các thụ thể hoá học gây tăng cường hoạt động của hệ hô hấp và hệ tuần hoàn nhằm đáp ứng nhu cầu O2 để duy trì các hoạt động sống của cơ thể.