Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác1. Tìm hiểu công cụ, nguyên liệu của một số nghề truyền thống
- Nhận diện một số công cụ, nguyên liệu lao động của nghề truyền thống qua tranh ảnh sau:
Ảnh 1 | Ảnh 2 | Ảnh 3 | Ảnh 4 |
Gỗ, khuôn gỗ. | Khung cửi, tơ. | Lá, khung nón. | Trai, ốc. |
- Chia sẻ cách sử dụng công cụ, nguyên liệu lao động của các nghề truyền thống đó.
+ Điêu khắc tranh gỗ
Quá trình làm tranh điêu khắc gỗ thường trải qua nhiều bước: Chọn gỗ, nghiên cứu mẫu, tạo dáng, đục vỡ, đục hạ, đục chi tiết, gọt, nạo, đánh giấy ráp… Gỗ để khắc tranh là các loại gỗ gụ, gỗ hương bởi có độ bền cao lại không quá giòn nên dễ chạm khắc. Dụng cụ để các nghệ nhân điêu khắc là các loại đục, thân đục làm bằng thép “chuẩn”, bởi nếu nước thép già thì đục dễ gãy, nếu quá “non” đục lại cùn. Mỗi người thợ có khoảng 3-4 loại đục như: Đục bằng, đục lòng máng, đục tách…; người làm tranh điêu khắc căn cứ vào chiều ngang của lưỡi đục để điều khiển cổ tay đục chính xác từng chi tiết. Với những mẫu tranh thông thường, ít chi tiết chỉ cần từ 5-10 ngày là hoàn thành, nhưng có mẫu cầu kỳ phải mất 15-20 ngày mới xong. Nhiều mẫu vẽ có hàng nghìn chi tiết, hoa văn, hình khối không chỉ đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao mà quan trọng là người vẽ phải có óc thẩm mỹ, tài hoa kết hợp với kinh nghiệm tích luỹ của người thợ lành nghề.
+ Làm lụa
Ngay từ việc khâu tơ, người thợ quấn sợi vào ống không chỉ đơn thuần mà còn phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo các sợi tơ có màu trắng, nhẵn bóng, không sù lông, tơ phải đều, sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng ra sợi dọc, sợi ngang. Sợi sau khi tơ đều phải đem hồ. Việc hồ sợi chỉ được thực hiện với loại sợi dọc và đòi hỏi phải có kỹ thuật rất cao. Người thợ dệt phải pha thêm sáp ong vào hồ để hồ sợi, bên cạnh đó sử dụng bí quyết riêng làm cho các sợi sau khi hồ vừa dẻo dai, vừa bóng rồi tiếp tục dùng khung cửi để dệt. Nếu dệt lụa trơn thì dùng 2 loại là: go thẳng và go vòng. Go thẳng để dệt loại lụa mỏng, mịn và go vòng dệt lụa có chấm thủng. Thao tác dệt hoa như dệt trơn nhưng khác chỗ trước khi dệt cần phải vẽ trước kiểu hoa lên giấy. Thợ dệt đặt các mẫu lên bàn khâu hoa và rồi một người dệt, một người cài hoa. Người dệt giữ vai trò chính còn người cài hoa chỉ cần kéo go xà lên. Dệt hoa được dân gian gọi là dệt kép để phân biệt với cách dệt đơn khi làm hàng lụa trơn. Ở công đoạn nhuộm thì không phải loại lụa nào cũng đem ra nhuộm mà có loại để trắng tinh khiết, ngả vàng như lụa nõn. Có loại lụa được nhuộm màu ngay từ khâu sợi như gấm, vóc nhưng cũng có loại như lĩnh, the chỉ nhuộm khi đã dệt xong.
+ Làm Nón
Muốn làm ra một chiếc nón thì cần phải qua nhiều công đoạn lớn nhỏ khác nhau. như: phơi lá, rẽ lá, là lá, vức vòng, dán nón, khâu nón, cạp nón, lồng nhôi… Và khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của mỗi người thợ.
Khâu đầu tiên là chọn mua lá và sau đó phải đem phơi vài ngày để lá chuyển từ màu xanh sang trắng mới có thể sử dụng được.
Lá khi đã phơi khô sẽ được vò trong cát và tước nhỏ hay còn gọi là rẽ lá. Tiếp đến là công đoạn đem lá đi là phẳng. Nếu chỉ nhìn thôi, ta tưởng rằng rất đơn giản nhưng thực ra khâu này quyết định rất nhiều đến chất lượng nón. Dụng cụ là lá một chiếc lưỡi cày được nung nóng để miết lá. Miết làm sao cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị giòn, bị rách và quan trọng là phải canh được độ nóng sao cho lá không bị cháy và không bị non.
+ Làm khảm trai
Bước 1: Vẽ bản thảo, bản mẫu khảm trai.
Để tạo nên vẻ đẹp tổng quan, cân xứng cũng như sự cân đối giữa các đồ vật, con vật … bên trong bức khảm thì đây là công việc cực kỳ quan trọng mà bất kỳ người nghệ nhân nào cũng phải thực hiện.
Bước 2: Chọn nguyên liệu cho sản phẩm.
Mỗi loại trai, ốc theo chủng loại và tuổi đời khác nhau sẽ có các lớp màu sắc, độ dày mỏng khác nhau. Vì vậy, công đoạn này không cần đến sự tỉ mỉ nhưng lại đòi hỏi về dày về kinh nghiệm trong nghề để khiến bức tranh toát lên được “cái hồn” của một sản phẩm nghệ thuật.
Bước 3: Cắt nguyên liệu theo mẫu vẽ có sẵn.
Đây là quy trình cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp giá trị và vẻ đẹp của sản phẩm hoàn thiện. Thợ cưa - những người thợ cắt nguyên liệu được người trong nghề gọi theo cách mộc mạc nhất - sẽ vẽ mẫu lên nguyên liệu xà cừ và cắt theo hình dáng của mẫu vẽ. Để có được những đường cắt sắc sảo, tinh tế thì những người thợ cắt này phải có bề dày kinh nghiệm từ 4 - 6 năm.
Bước 4: Ghép các mảnh cắt theo mẫu.
Các miếng xà cừ sau khi cắt sẽ được ghép lại với nhau để tạo nên những hình vẽ hoàn thiện. Tùy theo mỗi cách ghép, mỗi vị trí và màu sắc của xà cừ mà sẽ ra có được những sản phẩm thô mang nét độc đáo riêng. Ở công đoạn này, các nghệ nhân cần phải thật nghiêm túc và luôn sáng tạo tạo nên các hình thù lạ mắt nhưng vẫn chi tiết như bản vẽ.
Bước 5: Đục lỗ trên gỗ
Tùy theo mỗi hình thức khảm là khảm chìm hay khảm nổi cũng như gắn xà cừ hay khảm xà cừ mà sẽ có các kỹ thuật khác nhau. Sau đó, sẽ gắn các miếng trai đã cắt lên gỗ.
Bước 6: Mài nhẵn, đánh bóng.
2. Sử dụng công cụ lao động an toàn trong nghề truyền thống
Thảo luận về việc sử dụng công cụ lao động an toàn trong các nghề truyền thống:
+ Mỗi nhóm tự chọn một công cụ hoặc nguyên liệu của nghề truyền thống ở hoạt động 1 và mô tả tóm tắt cách sử dụng.
VD: Người thợ dệt ngồi ở khung cửi dùng chân đạp bàn dận để vận chuyển bộ go mở khoảng cách giữa sợi mắc trong khi tay giật để đẩy và bắt con thoi luồn sợi mành.
+ Xác định những nguy cơ về an toàn lao động cho người sử dụng công cụ, nguyên liệu đó và cách sử dụng chúng một cách an toàn khi làm nghề.
VD: Vì làm thủ công, chất liệu tơ, gỗ không gây hại, tốc độ được chủ động nên an toàn.
3. Giải ô chữ về an toàn lao động làng nghề
- Thi giải ô chữ để tìm ra ô chữ hàng dọc về chủ đề an toàn khi tham gia lao động:
+ Giải ô chữ theo nhóm, với các gợi ý trả lời ô chữ hàng ngang như dưới đây.
+ Nhóm nào giải được ô chữ hàng dọc đầu tiên sẽ chiến thắng.
- Chia sẻ suy nghĩ của em về ô chữ hàng dọc sau khi tham gia giải ô chữ.
+ Các từ hàng ngang:
STT | Câu hỏi | Câu trả lời |
1 | Tên một huyện ở Kiên Giang, nơi có làng nghề nắn nồi đất. | Hòn Đất. |
2 | Tên một làng nghề dệt ở xã Nội Duệ (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). | Đình Cả. |
3 | Đây là hành động cần thường xuyên đối với mọi công cụ lao động để bảo đảm cho chúng vận hành an toàn. | Kiểm tra. |
4 | Đây là hai yếu tố góp phần gây ra ô nhiễm và nguy cơ sức khỏe người lao động ở các làng nghề, nhất là mắt và hệ hô hấp. | Khói bụi. |
5 | Đây là một hướng sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động. | Cải tạo vườn. |
6 | Tên một làng thuộc quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), nơi có nghề đá mĩ nghệ. | Non Nước. |
7 | Mọi người lao động đều cố gắng tránh để điều này xảy ra trong lúc làm việc. | Tai nạn. |
8 | Tên một loại trang thiết bị bảo hộ lao động để giữ an toàn cho người làm nghề. | Kính mắt. |
9 | Đức tính mỗi người lao động đều cần rèn luyện để bảo đảm an toàn khi sử dụng công cụ lao động. | Cẩn thận. |
10 | Khi tự mình không thể giải quyết sự cố mất an toàn xảy ra trong khi lao động thì người lao động cần.... ngay cho người có trách nhiệm. | Báo cáo. |
11 | Tên một làng nghề truyền thống ở Hà Nội, nơi có nghề làm cốm nổi tiếng. | Làng Vòng. |
12 | Tình trạng này sẽ làm cho môi trường của các làng nghề bị mất an toàn. | Ô nhiễm. |
+ Từ hàng dọc: Đảm bảo an toàn.
Thông điệp
- Mỗi nghề truyền thống đều gắn với những trang thiết bị, công cụ và nguyên liệu đặc trưng, làm nên sự đốc đáo của làng nghề.
- Yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong sử dụng công cụ lao động là cần thiết với mọi ngành nghề, trong đó có nghề truyền thống.