Bài tập: Chọn một trong ba đề sau để thảo luận:Đề 1: Từ truyện Chí Phèo (Nam Cao), em hãy bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.Đề 2: Từ truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), em hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái đẹp và cái thiện.Đề 3: Từ đoạn trích Tấm lòng người mẹ (trích Những người khốn khổ- Huy-gô), em hãy nêu suy nghĩ của mình về sức mạnh của tình mẫu tử.
Đọc tiếp
Bài tập: Chọn một trong ba đề sau để thảo luận:
Đề 1: Từ truyện "Chí Phèo" (Nam Cao), em hãy bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
Đề 2: Từ truyện "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân), em hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện".
Đề 3: Từ đoạn trích "Tấm lòng người mẹ" (trích "Những người khốn khổ- Huy-gô), em hãy nêu suy nghĩ của mình về sức mạnh của tình mẫu tử.
Hướng dẫn giải
Thảo luận (1)
Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em xin trình bày bài thảo thảo luận hôm nay về vấn đề sau: Từ truyện Chí Phèo (Nam Cao), em hãy bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
Chúng ta vẫn nhắc đến Chí Phèo như một truyện ngắn xuất sắc nhất của tài năng nghệ thuật Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống - sức mạnh của tình yêu thương con người.
Chí Phèo từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Vốn là người thật thà, tốt tính đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Thế nhưng vì sự ghen tuông vô lí của mình, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù. Bảy, tám năm sau Chí Phèo ra tù nhưng giờ đây hắn không còn là con người như trước. Hắn tìm đến nhà Bá Kiến để trả thù. Hắn trở thành một tên lưu manh, biến chất. Từ cái dáng hình đáng sợ: “trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những vết chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết...”. Đến cách ăn vạ thật đáng sợ: lấy mảnh chai vỡ mà cào vào mặt, vừa cào vừa lăn lộn. Từ một thằng lưu manh, chế độ phong kiến mà đại diện là Bá Kiến đã hoàn thành nốt quá trình tha hoá để biến Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Cùng với những chuỗi ngày dài chìm trong men say là những ngày hẳn đã phá đi biết bao ngôi nhà, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người lương thiện. Hắn làm tất cả những việc đó trong khi say, hắn không nhận thức được rằng mình đang trượt dài xuống vực thẳm và người ta đang lảng tránh hắn như lảng tránh một con vật đáng sợ nào đó.
Đọc những trang đầu của Chí Phèo, khó có thể hình dung được sẽ có lúc nhân vật chính của truyện - một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, con qủy dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần xác và linh hồn. Khó hình dung hơn nữa khi Chí được đánh thức bởi một mụ đàn bà xấu ma chê quỷ hờn. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí ấy lại mang trong mình lòng tốt bình thường mà cả làng Vũ Đại không ai khác có được. Bát cháo hành nóng hổi với những cử chỉ, lời nói thô vụng của thị Nở đã đánh thức trong Chí phần “Người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay. Không thể ngờ con người mới hôm qua còn đi đốt nhà, bắt vật, rạch mặt ăn vạ lại có thể tỉnh táo nhận ra nhịp sống thường ngày, có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khao khát được trở lại cuộc sống lương thiện. Điều đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người Thị.
Thực ra không phải đến Nam Cao, sức mạnh của tình yêu thương con người mới được khai phá. Trước ông, văn học thế giới đã có V. Hugo - nhà văn lãng mạn bậc nhất của Pháp thế kỉ XIX viết hàng loạt các tiểu thuyết ngợi ca lòng thương yêu giữa con người với con người. Tuy nhiên, phải thấy rằng Nam Cao đã nhìn nhận vấn đề đó bằng nhãn quan hiện thực sắc bén và chính điều đó khiến chúng ta tin tưởng rằng sức mạnh của tình yêu thương con người là sức mạnh hiện hữu giữa cuộc đời thực.
Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người là sức mạnh có khả năng cảm hoá, giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò ngỗ ngược, ở người cảnh sát trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xoá mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Có thể làm được điều đó lắm chứ!
Nhà thơ Tố Hữu từng viết rằng: Có gì đẹp trên đời hơn thế?Người yêu người, sống để yêu nhau.
Tồn tại và ngày càng phát triển - đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phổi đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Dìm con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này. Chừng nào con người còn tồn tại, chừng đó tình yêu thương còn nồng nàn.
Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý để bài thảo luận được hoàn thiện hơn.
Trả lời bởi Hà Quang Minh