Tập làm văn lớp 8

HN

Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về tình yêu thương của chú bé Hồng trong cuộc gặp gỡ người mẹ

TB
6 tháng 10 2017 lúc 20:40

Trong mỗi chúng ta có lẽ "tình mẫu tử" vẫn là thứ tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng nhất. Bởi hình ảnh người mẹ đã in sâu trong tâm trí mỗi đứa con. Ta bắt gặp tình cảm thiêng liêng ấy trong đoạn trích Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng. Đọc đoạn trích người đọc không khỏi xúc động trước tình yêu thương của chú bé Hồng dành cho người mẹ đáng thương của mình. Hồng đã trải qua những thử thách không kém phần đau đớn để giữ trọn vẹn tình cảm yêu thương mẹ trong sự khinh bỉ, xoi mói độc địa của những người họ hàng giàu có. Cuối cùng, bao tháng ngày chờ mong, khát khao cũng được dền đáp, Hồng đã ở "trong lòng mẹ".

Chú bé Hồng - nhân vật chính của truyện lớn lên trong một gia đình sa sút. Người cha sống u uất, trầm lặng, rồi chết trong nghèo túng, nghiện ngập. Người mẹ có trái tim khao khát yêu đương đành chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không có hạnh phúc. Sau khi chồng chết, người phụ nữ đáng thương ấy vì quá cùng quẫn phải bỏ con đi tha hương cầu thực và bị người đời gán cho cái tội "chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác". Hồng phải sống cuộc sống mồ côi cha, thiếu vắng tình thương của người mẹ, sống nhờ người họ hàng giàu có nhưng cay nghiệt. Hồng chịu cảnh cô đơn, bị hắt hủi.

Trái lại với thái độ căm thù và trách móc, Hồng thương mẹ và nhớ mẹ vô cùng. Em nuốt những giọt nước mắt đau đớn vào lòng khi luôn phải nghe những lời mỉa mai, bêu rếu xấu xa về mẹ của bà cô độc địa.

Đoạn trò truyện của Hồng với bà cô là một màn đối thoại đầy kịch tính đẩy tâm trạng em đến những diễn biến phức tạp, căng thẳng đến cao độ.

- Hồng, mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?

Câu hỏi đầy ác ý ấy xoáy sâu vào tâm can của Hồng. Hồng hình dung vẻ mật rầu rầu và sự hiền lành của mẹ, lại nghĩ tới những đêm thiếu thốn tình mẹ khiến Hồng phải khóc thầm thì Hồng muốn trả lời cô là: “có”. Nhưng cậu bé đã nhận ra ý nghĩ cay độc qua cách cười "rất kịch" của cô, cô chỉ cố ý gieo rắc vào đầu óc Hồng những mối hoài nghi về mẹ cậu.

Hồng đã cúi mặt không đáp, sau đó Hồng nở nụ cười thật chua xót.

Hồng hiểu mẹ, hiểu được vì hoàn cảnh mà mẹ Hồng phải ra đi. Em đã khóc vì thương mẹ bị lăng nhục, bị đối xử bất công. Em khóc vì thân trẻ yếu đuối, cô đơn không sao bênh vực được mẹ. Càng thương mẹ, em càng căm ghét những hù tục phong kiến vô lí, tàn nhẫn đã đầy đoạ, trói buộc mẹ em: "Giá như những cổ tục đã đầy đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi".

Chính tình thương mẹ đã khiến cho Hồng nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là những con người, những tập tục đáng phê phán.

Tình thương ấy còn được biểu hiện rất sinh động, rất cụ thể trong lần gặp mẹ.

Thoáng thấy bóng một người trên xe rất giống mẹ, Hổng liền chạy, đuổi theo bối rối gọi: ''Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ... ơi!”.

Những tiếng gọi ấy bật ra từ lòng khát khao được gặp mẹ của chú bé bấy lây nay bị dồn nén. Sự thổn thức của trái tim thơ trẻ bật thành tiếng gọi. Khi đuổi theo được chiếc xe đó, Hồng được lòng bàn tay dịu hiền của người mẹ xoa lên đầu. Hồng oà khóc. Trong tiếng khóc ấy có cả niềm hạnh phúc được gặp mẹ, cả nỗi tủi thân bởi lâu quá không được gặp mẹ, bởi bao niềm cay đắng bị lăng nhục tàn nhẫn cùng những uất ức dồn nén được giải toả.

Mải mê ngắm nhìn và suy nghĩ về mẹ, mải mê say sưa tận hưởng những cảm giác êm dịu khi được ngồi trong lòng mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve.

Trong giây phút này, Hồng như sống trong "tình mẫu tử" hạnh phúc ấy Hạnh phúc trong lòng mẹ không chỉ là hạnh phúc, là niềm khao khát của riêng Hồng mà là khao khát, là mong muốn của bất kỳ đứa trẻ nào.

Từ lúc lên xe đến khi về nhà, Hồng không còn nhớ gì nữa. Cả những lời mẹ hỏi, cả những câu trả lời của cậu và những câu nói của người cô bị chìm ngay đi - Hồng không nghĩ đến nó nữa...

Sự xúc động của bé Hồng khi gặp mẹ càng chứng tỏ tình thương mẹ của Hồng là sâu đậm, là nồng thắm, là nguyên vẹn. Bất chấp tất cả sự ngăn cách của rào cản lễ giáo phong kiến hà khắc đối với người phụ nữ nói chung và đối với mẹ Hồng nói riêng.

Tình mẫu tử trong đoạn trích thật đẹp đẽ, thiêng liêng, xúc động. Nguyên Hồng đã mở ra trước mắt chúng ta một thế giới tâm hồn phong phú. Thế giới ấy luôn làm chúng ta ngạc nhiên vì ánh sáng nhân đạo lấp lánh của tình người.

Trong lòng mẹ chính là lời khẳng định chân thành đầy cảm động về sự bất diệt của tình mẫu tử!


Bình luận (0)
DH
27 tháng 8 2019 lúc 19:54

Đọc Trong lòng mẹ, ta bắt gặp một bé Hồng rất đáng thương, đáng yêu, trong đau khổ, trái tim thương yêu của em vẫn dành cho người mẹ một cách đằm thắm, trọn vẹn. Cậu bé sống trong một hoàn cảnh vô cùng bất hạnh. Em sinh ra bởi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, rồi cha qua đời vì nghiện ngập, mẹ em phải tha hương cầu thực, xa quê, xa gia đình, em sống với người họ hàng giàu có nhưng cay nghiệt. Tuy sống trong khổ đau, nhưng trái tim cậu bé vẫn vẹn nguyên tình yêu thương dành cho mẹ. Bà cô luôn nói những lời cay nghiệt, không ngừng gieo giắc vào tâm hồn ngây thơ của cậu những hoài nghi, khinh miệt mẹ. Nhưng em không hề để tâm và luôn nhớ về mẹ với những kí ức đẹp đẽ nhất. Tình yêu thương mẹ khiến cậu có những suy nghĩ mạnh mẽ, dứt khoát, muốn hết lòng bảo vệ mẹ. Cậu ước những cổ tục giống như hòn đá hay cục thủy tinh, cậu sẽ nhai, sẽ nghiến cho vụn nát mới thôi. Chính tình yêu thương trỗi dậy trong lòng khiến cậu muốn vùng lên để bảo vệ người mẹ tội nghiệp, đáng thương. Tình yêu thương còn bộc lộ qua cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con. Sau bao ngày xa cách, cậu xà vào lòng mẹ như thỏa nỗi nhớ mong, khát khao yêu thương, em muốn được mẹ ôm ấp, chở che trong niềm hạnh phúc tột cùng. Đoạn trích đã thể hiện được những cung bậc cảm xúc của cậu bé Hồng, một tâm hồn trẻ thơ đầy những tổn thương nhưng tình yêu dành cho mẹ vẫn dạt dào, mãnh liệt, thể hiện tình mầu thử thiêng liêng và cao đẹp.

Bình luận (0)
TA
27 tháng 8 2019 lúc 20:25

1. Mở bài:

Ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn Việt Nam trước năm 1945, Nguyên Hồng đã được bạn đọc yêu quí. Bởi vì từ những tác phẩm đầu tay, nhà văn đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông rất mực yêu thương. Sáng tác năm 1938, “Những ngày thơ ấu” là cuốn hồi kí ghi lại những rung động cực điểm của chính tuổi thơ tác giả. Nhân vật bé Hồng trong tác phẩm, đặc biệt là qua chương IV “Trong lòng mẹ” để lại cho người đọc bao ấn tượng sâu sắc.

2. Thân bài:
* Khái quát ( Dẫn dắt vào bài ):

Là nhân vật chính, nhân vật tự truyện, bé Hồng hiện lên qua tác phẩm như là sự phát ngôn và hóa thân của nhà văn Nguyên Hồng. Ở chương IV “Trong lòng mẹ”, Nguyên Hồng nhớ lại một quãng đời cay đắng thời thơ ấu của mình, trong đó có cảnh ngộ đáng thương của một đứa trẻ xa mẹ, có tình yêu vô bờ đối với mẹ và niềm khao khát cháy bỏng được sống trong tình mẹ.

a. Trước hết, nhần vật bé Hồng trong đoạn trích mang đến cho người đọc cảm nhận về một cậu bé với một tuổi thơ cay đắng, bất hạnh, thiệt thòi:

- Sinh ra từ một cuộc hôn nhân không có tình yêu, cái thiệt thòi đầu tiên là cậu phải phải sớm chứng kiến sự giả dối, lạnh lẽo của một gia đình không hạnh phúc; chứng kiến cuộc sống âm thầm, vô vị của người cha nghiện ngập. Bố chết, Hồng trở thành đứa trẻ mồ côi. Mẹ vì cùng túng mà bỏ đi tha hương cầu thực. Hồng trở thành đứa trẻ bơ vơ. Hơn thế, cậu còn bị “đánh cắp” tuổi thơ khi luôn phải cảnh giác, thức nhọn những giác quan để chống lại sự xúc xỉa của bà cô độc ác đối với người mẹ đáng thương; luôn phải gồng mình để tồn tại trong một gia đình mà cái lễ giáo phong kiến, đồng tiền đã làm khô héo tình máu mủ. Nỗi đau của bé Hồng được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể qua cuộc trò chuyện với bà cô. Mặc dù bà ta đã cố tỏ ra tử tế, vờ quan tâm hỏi han nhưng qua lời lẽ, cử chỉ “rất kịch” đã thể hiện rõ sự giả dối, độc ác, sự châm chọc, nhục mạ đối với người mẹ đáng thương của Hồng, nhằm cố tình “gieo rắc” vào đầu óc cậu, để cậu “hoài nghi, khinh miệt và ruồng rẫy mẹ”. Quả nhiên, điều ấy đã khiến cậu bé vô cùng đau đớn. Nhận ra tâm địa của bà cô, cậu cố gắng kìm nén cảm xúc của bản thân, nhưng trước những câu hỏi, lời nói như châm chích, như dao đâm, như xát muối,lòng cậu như se thắt lại, vừa thương mẹ vừa thương thân. Nỗi xúc động càng tích tụ càng trào dâng và cuối cùng vỡ òa thành những giọt nước mắt: “khóe mắt cay cay”, rồi sau đó “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép, rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ” và xót xa, cay đắng mà “cười dài trong tiếng khóc”. Tất cả đã cho thấy cái nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của một cậu bé, nỗi đau của một tâm hồn trẻ thơ cô đơn, lạc lõng, bị hành hạ bởi cái thói xấu của người thân, thiếu tình thương, phải trải qua một tuổi thơ đầy tủi nhục, đắng cay.

- Thể hiện chân thực những đau khổ mà cậu bé Hồng phải trải qua, tác phẩm tự truyện của Nguyên Hồng đã cất tiếng nói đấu tranh bênh vực trẻ thơ, làm giá trị nhân đạo trong sáng tác của nhà văn của những con người cùng khổ có giá trị đặc biệt độc đáo.

- Chịu đựng bao thiệt thòi, giày vò của cuộc đời, liệu bé Hồng có vì thế mà cằn cỗi méo mó? Câu trả lời đã được thể hiện chân thực trong tình huống bé Hồng xa mẹ và trong lòng mẹ.

b. Nhân vật bé Hồng còn để lại ấn tượng trong lòng người đọc về một cậu bé có tình yêu thương mẹ tha thiết:

- Yêu thương mẹ tha thiết, bé Hồng mang niềm khát khao mãnh liệt được sống gần mẹ, được hưởng trọn tình cảm của mẹ. Tình yêu thương đó trong xa cách đã trở thành nỗi nhớ da diết. Vì thế, cậu đã toan trả lời “có” ngày sau khi bà cô hỏi có muốn vào Thanh Hóa thăm mẹ không? Rồi nhận ra ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười “rất kịch” của bà cô, cậu đã cứng cỏi bảo vệ tình cảm của mình. “Không đời nào tình yêu thương và lòng kính trọng mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Bé Hồng tin tưởng vào người mẹ của mình nên đã cười đáp lại bà cô: “Không, cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về”. Khi bà cô đưa ra hai tiếng “em bé” để lặng nhục mẹ bé Hồng, thì cậu có một cảm giác đau đớn nhưng không phải đau đớn vì mẹ mình chưa đoạn tang chồng mà đã có chửa với người khác, mà đau đớn chỉ vì thương mẹ, chỉ giận là tại sao mẹ phải trốn tránh: “ Tôi thương mẹ tôi và căm tức mẹ tôi sao lại sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi để sinh nở một cách giấu giếm”. Như thế, bé Hồng đã hoàn toàn cảm thông với mẹ. Mặc dù còn rất nhỏ, bé Hồng đã không chịu ảnh hưởng của đạo đức phong kiến. Đó là do có một tình cảm tự nhiên, mạnh mẽ đối với người mẹ mà cậu vô vàn yêu thương, kính trọng.

- Ngay từ tuổi thơ, bằng những trải nghiệm cay đắng của bản thân, Nguyên Hồng đã thấm thía sự vô lí bất công và lên án những bất công đó của xã hội: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Câu văn với phép so sánh, bằng những hình ảnh cụ thể, nhịp văn gấp gáp dồn dập đã thể hiện sự phản kháng quyết liệt và cũng rất hồn nhiên trẻ con của bé Hồng. Sự căm ghét dữ dội những cổ tục ấy chính là biểu hiện đầy đủ của tình yêu thương dạt dào mà bé Hồng dành cho mẹ mình.

- Có thể nói, trong cảnh ngộ riêng của mình, tình yêu thương của bé Hồng với mẹ thể hiện trong đoạn trích là một tình cảm vừa thiêng liêng vừa đặc biệt. Bởi tình cảm ấy luôn bị đặt trong thử thách của cảnh ngộ éo le. Mặc khác, tình cảm của em với mẹ rất giản dị, chân thành, không mong được đền đáp. Tình cảm đó vô cùng trong trẻo, thuần khiết, sâu sắc, bền chặt, mang đúng nghĩa của tình mẫu tử.

c. Yêu thương mẹ, bé Hồng khao khát được gặp mẹ và sống trong lòng mẹ.

- Tình cảm của bé Hồng dành cho mẹ không chỉ thể hiện ở tình thương, nỗi nhớ mà còn được thể hiện cảm động ở những rung động, sung sướng đến cực điểm khi được nằm trong lòng người mẹ kính yêu mà cậu mong chờ đến mỏi mắt.

- Buổi chiều hôm ấy tan trường, thoáng thấy bòng người ngồi trên xe kéo giống mẹ, cậu đã chạy theo, gọi bối rối: “Mợ ơi...Mợ ơi...Mợ ơi”. Tiếng gọi bật ra từ tình thương nhớ mẹ bao ngày dồn nén là tiếng thổn thức của trái tim con trẻ khao khát được yêu thương. Tiếng gọi bật ra như một phản xạ tất yếu từ trái tim mà lí trí không thể cưỡng lại được, chứng tỏ hình ảnh của mẹ luôn thường trực trong trái tim cậu bé. Nếu giả sử đó là một sự nhầm lẫn thì “khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa xa mạc”. Nỗi khắc khoải mong mẹ đến cháy ruột của chú bé đã được thể hiện thật thấm thía, xúc động bằng hình ảnh so sánh đặc sắc này. Lời văn ấy cũng đã minh chứng cho một phong cách rất Nguyên Hồng. Những câu văn cuồn cuộn từ một trái tim vạm vỡ yêu thương, tự nó lấp lánh ảnh hình, hương sắc nguyên khai của phù sa, của nắng, và gió trời và cả cái mặn mòi của vùng đất cửa biển. Ta gặp không ít những lối hành văn đầy cảm xúc, thấm đẫm chất thơ như thế trong tự truyện của Nguyên Hồng.

- Nhà văn còn tái hiện những cử chỉ, hành động của bé Hồng thể hiệm niềm vui sướng khi gặp mẹ. Đuổi theo xe mẹ, bé Hồng “thở hồng hộc”, “trán đẫm mồ hồi”, và khi trèo lên xe thì “ríu cả chân lại”. Biết bao hồi hộp, sung sướng, đau khổ toát lên từ những cử chỉ cuống quýt ấy. Và khi được mẹ kéo tay và xoa đầu hỏi thì cậu “oà lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Dường như bao nhiêu sầu khổ dồn nén trong suốt thời gian xa mẹ dài đằng đẵng lúc này bỗng vỡ oà.Tiếng khóc của cậu bé là tiếng khóc dỗi hờn và hạnh phúc, tức tưởi và mãn nguyện của xa cách, mong nhớ. Khi vắng mẹ thì bao dung, che chở cho mẹ như một bóng tùng che cho thảm cỏ nắng hạ, vậy mà khi gặp mẹ rồi, lại dỗi hờn như trẻ nhỏ. Thì em từ sâu thẳm là trẻ nhỏ mà! Cái năng lực dỗi hờn một người mẹ là nguồn sống thanh sạch thơ ngây mà cuộc đời đắng cay không thể đánh cắp của em bé. Nguyên Hồng dịu dàng và tin tưởng tấm lòng con trẻ biết bao! Hèn chi mà dù ông như không cố ý mà văn ông, trẻ thơ, người thiệt thòi rất thích, như người ta thích Gorki, Grim, Dicken vậy! Những nhà văn của phụ nữ và trẻ em!

- Và đặc biệt hơn, tất cả là niềm sung sướng vô biên, hạnh phúc đến cực điểm khi được đắm mình trong tình mẫu tử. Cậu gần như mê man đi, mở rộng hết tất cả các giác quan để cảm nhận được sự ấm áp, dịu dàng của lòng mẹ. Dường như, trong khoảnh khắc ấy, cậu như bồng bềnh trôi trong không gian, ánh sáng, màu sắc và hương thơm vừa lạ lẫm, vừa gần gũi. Cậu thấy mẹ vẫn đẹp như thuở nào “vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Cậu cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc bên con của người mẹ. Bé Hồng cảm thấy ngây ngất sung sướng khi được sà vào lòng mẹ,cảm giác mà chú đã mất từ lâu: “Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi,đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi,tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”.Bé Hồng còn cảm nhận thấm thía hơi thở vô cùng thân thiết: “Hơi quần áo của mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lại thường”. Kỉ niệm ngọt ngào làm chú sung sướng đến nghẹn ngào: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Lúc ấy, bé Hồng như quên đi tất cả những cay độc, buồn tủi “bên tai tôi ù đi, lời bà cô chìm xuống, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa...”. Nghĩa là hạnh phúc lớn lao, choáng ngập niềm sung sướng được ở bên mẹ tràn ngập trong bé Hồng, không một rắp tâm tanh bẩn nào xâm phạm được, nó cũng như một liều thuốc hữu hiệu đã nhanh chóng chữa lành mọi tổn thương trong em bấy lâu nay, đó chính là hạnh phúc lớn lao của tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả.

=> Qua ngòi bút Nguyên Hồng, nhân vật bé Hồng để lại ấn tượng xúc động trong lòng người đọc về hình ảnh một đứa trẻ mồ côi, bất hạnh nhưng vẫn tỏa sáng trái tim yêu thương sâu sắc. Từ đó thức tỉnh người đọc một chân lí: tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, cao cả nhất bởi nó vượt lên mọi cảnh ngộ, bất chấp sự dập vùi, nó có thể mang đến niềm hạnh phúc, niềm tin cho con người trong cảnh đời khốn khổ, trái ngang. * Nghệ thuật: Viết về nỗi đau và niềm hạnh phúc trẻ thơ, ngòi bút Nguyên Hồng thể hiện rõ chất trữ tình. Điều đó thể hiện ở tình huống truyện cảm động, ở tình cảnh đáng thương của bé Hồng, ở dòng cảm xúc phong phú của nhân vật với nhiều cung bậc: xót xa, tủi nhục, căm giận sâu sắc, quyết liệt, yêu thương nồng nàn, tha thiết. Đặc biệt là ở ngòi bút miêu tả, biểu cảm tinh tế, sinh động qua các từ ngữ thể hiện tâm trạng, các so sánh gợi cảm và lời văn giàu cảm xúc. Một áng văn mà như một áng thơ, đậm đà hơn cả một áng thơ.

3. Kết bài:

- Nhân vật bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã cho thấy tinh thần nhân đạo trong ngòi bút của Nguyên Hồng. Nó thể hiện ở tấm lòng chan chứa yêu thương, thái độ nâng niu trân trọng của ông dành cho phụ nữ, nhi đồng qua việc diễn tả thấm thía nỗi cơ cực, tủi nhục cũng như sự thấu hiểu và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ.

- Bé Hồng là một nhân vật điển hình, có cá tính, được xây dựng bằng trải nghiệm và bằng ngòi bút tự khám phá rất tinh tế, được thể hiện rất thực mà rất thơ. Bé Hồng đã trở thành nhân vật trẻ em tiêu biểu cho văn học hiện thực – nhân đạo trước năm 1945

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
PC
Xem chi tiết
EC
Xem chi tiết
VH
Xem chi tiết
TC
Xem chi tiết
TC
Xem chi tiết
NA
Xem chi tiết
TN
Xem chi tiết
NN
Xem chi tiết
DN
Xem chi tiết