Hình ảnh người lính trong kháng chiến luôn là một đề tài bất tận của thơ ca kháng chiến. Ở mỗi một thời kì, họ lại hiện lên với những vẻ đẹp khác nhau, có lúc thì sôi nổi, trẻ trung, khi thì hào hoa, lãng mạn. Đến với Chính Hữu, chúng ta bắt gặp hình ảnh của người lính nông dân chân chất và mộc mạc trong kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh đấy được thể hiện hết sức sâu sắc và cảm động trong bài thơ “Đồng chí” sáng tác năm 1948.
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
Hình tượng người lính hiện lên trong bài thơ hết sức chân thật, thật đến nỗi chúng ta cảm nhận như vừa thấy bóng dáng của ai đó bước thẳng vào trong những trang thơ. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và “đất cày lên sỏi đá” ám chỉ những vùng đất khô cằn, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn quanh năm, rất khó canh tác. Đấy đều là những vùng quê chiêm trũng và nghèo đói quanh năm. Những người lính trong chiến trường cũng chính là người con của mảnh đất quê hương đấy, họ đều là những người nông dân cần cù, lam lũ, chân lấm tay bùn, vậy nên cách mà họ thổ lộ tâm sự, nói chuyện với nhau đều hết sức dân dã và mộc mạc đúng như cái chất của người nông dân. Những tưởng hai con người ở hai vùng quê nghèo đói đấy sẽ chẳng bao giờ gặp được nhau, ấy vậy mà chiến tranh nổ ra, những người lính phải từ giã vùng quê của mình để lên đường bảo vệ quê hương, đất nước. Họ cùng chung mục đích, lí tưởng chiến đấu, chính những điều đó đã mang họ lại nơi đây, họ trở thành những người bạn, người đồng đội, đồng chí cùng nhau chia sẻ ngọt bùi và gian khổ.
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”.
Hình ảnh người lính còn hiện lên với những vẻ đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm, là sự thấu hiểu những tâm tư, nỗi lòng của nhau, cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn. Các anh đều là những người lính tạm gác tình riêng, để nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, dũng cảm ra đi vì nghĩa lớn để lại sau lưng mảnh trời quê hương với biết bao nhiêu trăn trở.
“Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.
Hình ảnh “gian nhà không” là hình ảnh khá lắng đọng trong tâm trí những người chiến sĩ ấy và cũng hết sức ám ảnh trong tâm trí người đọc. Đấy là cái nghèo xơ xác của những vùng quê hay cũng chính là nỗi trống trải trong lòng của những người ở lại. “Giếng nước, gốc đa” vốn là những vật vô tri, vô giác nay đã được nhân hóa lên để thể hiện nỗi nhớ thương da diết của quê hương yêu dấu với những người lính đã rời đi và rất khó để hẹn ngày trở lại. Ngoài ra giếng nước, gốc đa còn dùng để ám chỉ những người ở lại, những người vợ chờ chồng, mẹ chờ con luôn nhớ thương, mong ngóng tới ngày người lính trở về. Tại sao người lính đang ở trong chiến trường mà lại thấu hiểu hết những tâm sự của quê hương, gia đình, ấy là bởi vì chính người lính cũng đang nhớ về họ da diết, một nỗi nhớ hai chiều, nhớ về quê hương chính là cách để họ vượt qua khó khăn. Đấy chính là vẻ đẹp tâm hồn, những tình cảm chất chứa trong những người chiến sĩ ấy.
Chiến tranh diễn ra ác liệt, những người lính không chỉ phải đối mặt với mưa bom bão đạn của kẻ thù, ở đây Chính Hữu đưa chúng ta đến với cuộc sống thường ngày của những người lính với những gian khổ, bệnh tật hành hạ, thiếu thốn tất cả những vật dụng hằng ngày quần áo, thuốc men, giày dép. Nhưng ở họ vẫn toát lên tinh thần lạc quan, mỉm cười để cùng nhau vượt quan thử thách, khó khăn trùng điệp.
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.
Cái nắm tay ấy không chỉ là cái nắm tay đơn thuần mà nắm tay để truyền cho nhau hơi ấm của tình thương, truyền cho nhau sức mạnh của ý chí để động viên nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Ở đây chúng ta bắt gặp hình ảnh về người lính xiết bao cảm động và ấm áp, đấy là sức mạnh của tình thương, của sự sẻ chia những nhọc nhằn, gian lao, thiếu thốn, hành động nắm tay nhau ấy không khác gì việc “đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi”, có thể nó không đủ sưởi ấm cơ thể họ, nhưng cũng đủ để sưởi ấm trái tim họ.
Hình ảnh người lính còn hiện lên với vẻ đẹp của tinh thần đoàn kết, thương yêu, kề vai sát cánh bên nhau cùng nhau chiến đấu chống lại quân thù. Giữa không gian âm u của rừng hoang, sương muối ấy vẫn sáng lên bức tượng đài bất diệt về người lính đứng cạnh bên nhau trong tư thế chủ động tấn công “chờ giặc tới”, một sự kết hợp hài hòa giữa hình tượng súng và trăng. Súng tượng trưng cho hiện thực cho cuộc chiến tranh khốc liệt và gian khổ, trăng tượng trưng cho hòa bình, cho khát vọng về một ngày mai đất nước thanh bình. “Đầu súng trăng treo” còn tượng trưng cho sự giao hòa về tâm hồn của người lính giữa chiến sĩ và thi sĩ, giữa hiện tại và mộng mơ. Tâm hồn người lính vẫn rất đẹp, luôn yêu đời, tin tưởng về một ngày mai hòa bình.
Bài thơ “Đồng chí” đã xây dựng một bức tượng đài bất diệt về hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh đó đẹp và sống động tới nỗi dù cho hôm nay và mai sau mỗi khi nhắc đến hình tượng người lính trong kháng chiến thì bức tượng đài đó vẫn luôn hiện về trong tâm trí người đọc.