Người khoan dung bao giờ cũng là người hiểu biết. Vì nếu không hiểu biết, người ta không thể khoan dung cho nhau.Và khi chúng ta khoan dung cho nhau có nghĩa là tự mình dẹp đi bao chướng ngại trong tâm hồn của mình và trước mắt mình. Ðấy là một trong những điểm quan trọng, cần thiết làm cho cuộc sống không căng thẳng. Ðồng thời, nó giúp chúng ta xóa bỏ những hận thù, những điều ganh tị không đáng kể trong lòng.Đằng sau sự khoan dung bao giờ cũng là sự thông cảm sâu sắc, một sự thông cảm cho chính mình và cho cả những người chung quanh mình. Bất kỳ lúc nào, ở đâu, hễ có sự khoan dung là có "nụ cười". Do đó, khoan dung cho kẻ khác cũng có nghiã là khoan dung cho chính mình,đấy là một đức tính cao thượng, không cố chấp và sẵn sàng tha thứ. Thực tế cho chúng ta thấy rằng, sự bức bách khó chịu của một tâm lý thường không những do tâm lý chính nó, mà còn do một đối tượng từ bên ngoài tác động vào trong quá trình giao tiếp. Và chính những điều khó quên nhất hay gây ấn tượng mạnh nhất là những gì được tác động vào từ bên ngoài và được gìn giữ ở bên trong. Như một lời chê bai, thời gian hiện hành của nó có thể chỉ thoáng qua trong chốc lát, nhưng thời gian nó được lưu giữ trong tâm hồn thì có thể kéo dài từ năm này sang năm kia và có khi được lưu giữ suốt cả một đời người. Ðó là biểu hiện của một sự cố chấp, một sự bám víu vào các ảnh tượng không thực của ngôn từ. Mặc dù người ta biết như thế, song chính con người lắm khi cũng chao đảo bởi các ảnh tượng héo hắt, nhưng rất kỳ lạ của ngôn từ. Vì biết rằng nó là không thực, nhưng mỗi khi nhớ lại và nhất là khi hình dung về một ký ức xa xôi, tác động của các ảnh tượng trong ngôn từ đã đem đến cho chúng ta một sự dao động phá tan mọi hiệp ước bình an trong lòng. Và cũng chính sự không thể hỉ xả đó đã biến thành các tì vết in hằn trong tâm thức. Nó sẽ không mất đi, mà một ngày nào đó, vào đoạn kết của cuộc đời, nó sẽ xuất hiện trở lại và cùng ra đi với chúng ta . Mặt khác, khoan dung, là một đức tính vị tha, do đó nó được xem như là một điều kiện cần thiết cho cuộc sống, là một món quà cứu độ cho kẻ tội lỗi, là một động lực bình an và tự tin, thúc đẩy con người vượt qua mọi thử thách gian truân, mọi sự bất lực trước mọi cám dỗ của dục vọng. Sống khoan dung cũng có nghiã là sống lương thiện, sống bố thí những của cải vô hình và kèm theo đó là nụ cười làm mát dịu cho cuộc đời con người, nó sẽ cứu vãn cuộc sống còn lại của chúng ta, như một liều thuốc hồi sinh, có thể lấy lại sức sống cho một sinh mạng đã chết. Nhưng khi khoan dung được xem là một việc thiện, thì người thực hành điều đó đã tự mình xây dựng lâu đài công đức cho chính mình, trong khi mình không phải mua thêm điều già cả, mà chỉ có bỏ bớt đi. F.Voltaire nói rằng : "Sự khoan dung là một vị thuốc duy nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người khắp trong vũ trụ".Lòng khoan dung sinh ra từ nỗi cảm thông, lòng trắc ẩn, sự hiểu biết và tin vào điều tốt đẹp phía trước. Nỗi đau quằn quại trong chính mình cũng không thể xóa đi lý trí tỉnh táo khách quan và trái tim bao dung độ lượng.Xin đừng chỉ nói về khoan dung mà hãy trải nghiệm thực sự lòng khoan dung mỗi khi có cơ hội. Ta sẽ mang hạnh phúc đến được với mọi người và có hạnh phúc cho mình nhờ biết sống khoan dung.
Trong cuộc sống mỗi con người, chắc không có ai là chưa từng mắc lỗi. Điều chúng ta cần làm là biết nhận lỗi và sửa lỗi. Tuy nhiên, chỉ bản thân chúng ta cố gắng là chưa đủ, mà cần có sự cảm thông của những người xung quanh. Hay bản thân chúng ta cũng cần có cái nhìn tích cực hơn đối với những người mắc lỗi mà cố gắng sửa lỗi. Hãy biết khoan dung.
Khoan dung là biết tha thứ, cảm thông với những lỗi lầm của người khác, với những điểm chưa tốt của người khác, và của chính mình.
Khoan dung, là đôi khi không nên quá nghiêm khắc với bản thân mình. Khi bản thân mình mắc lỗi, nhận ra lỗi, đó đã là một sự tiến bộ rất lớn rồi. Sau khi đã rút ra được bài học, hãy cố gắng để sửa sai, để làm tốt hơn, chứ đừng tự dằn vặt mình quá nhiều để rồi suốt ngày chìm đắm trong cảm giác tội lỗi, cuối cùng cũng chẳng đem lại tác dụng gì. Có những bạn trẻ, chỉ vì quá dằn vặt bản thân, mà cuối cùng kết thúc cuộc sống của mình trong sự thương tâm của bạn bè, gia đình, xã hội. Đó là điều không nên, và cũng không ai mong muốn.
Khoan dung, còn là có cái nhìn bao dung hơn với những lỗi lầm của người xung quanh. Cái mỉm cười khi nhận được lời xin lỗi từ một người chẳng may va phải bạn trên đường sẽ làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Trong cuộc sống ngày càng phát triển, con người ta càng ngày càng bận rộn để bắt kịp với guồng quay của xã hội. Và chính vì cuộc sống mưu sinh đã làm cho người ta quên đi mất những giá trị của cuộc sống. Những sai lầm cũng từ đó mà sinh ra. Khi họ đã nhận ra và muốn sửa chữa lỗi lầm, chúng ta cần phải bao dung hơn với những người đã biết hướng thiện, biết sửa sai. Với những người từ trong lao tù trở lại xã hội, có những người nhận được sự cảm thông của những người xung quanh, từ đó làm lại cuộc đời, có một cuộc sống mới tốt đẹp. Nhưng cũng có những người, chính vì xã hội không chấp nhận họ, cộng đồng không chấp nhận mà đẩy họ vào đường cùng, đẩy họ quay lại vòng tội lỗi. Chí Phèo đã phải thốt lên đầy đau đớn trước khi kết thúc cuộc đời của chính mình: “ Ai cho tao làm người lương thiện?” Câu hỏi đầy xót xa, đau đớn của một người được coi là “con quái vật của làng Vũ Đại” – Nếu như xã hội bao dung hơn, biết đâu, tương lai sẽ có một anh Chí hiền lành, tốt bụng với mọi người…
Trong cuộc sống, chúng ta nên khoan dung hơn với những lỗi lầm của người khác, cũng như chính bản thân mình. Khi người ta biết khoan dung, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tâm hồn mỗi người cũng trở nên thanh thản hơn. Cuộc sống ít đi những trách móc, ít đi những cãi vã sẽ trở nên yên bình hơn biết bao nhiêu. Tình cảm con người cũng từ đó mà thắt chặt, người với người đến gần nhau hơn.
Tuy nhiên, khoan dung không đồng nghĩa với bao che. Giúp bạn bè giấu đi lỗi lầm không phải là điều tốt. Làm như thế, có thể khiến bạn mình tránh khỏi phải chịu trách nhiệm lần này, nhưng đâu thể che giấu cho nhau được mãi. Chỉ ra cho bạn điểm sai, để sửa sai, ấy mới là giúp bạn. Có những người giúp bạn làm bài tập, để bạn được điểm cao khi cô kiểm tra vở, nhưng lần sau, nếu cô gọi lên bảng làm bài, thì người ấy làm sao làm hộ bạn mình được nữa. Điều cần làm là phải giúp bạn hiểu bài và tự mình làm được bài, thế mới là giúp bạn.
Ông cha ta đã có câu, “nhân vô thập toàn”, nghĩa là không ai có thể hoàn hảo cả. Ai cũng từng mắc lỗi, ai cũng từng có sai lầm, hãy bao dung hơn với lỗi lầm của người khác, bao dung hơn với những người đã, đang và sẽ cố gắng sửa chữa lỗi lầm của mình, để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Với tất cả chúng ta, trong cuộc sống có lẽ không ai là hoàn hảo, ai cũng có lúc này lúc khác, lúc tốt lúc xấu, lúc vô tình phạm phải những lỗi lầm không đáng. Những lúc như vậy, chúng ta cần nhất là sự khoan dung của những người xung quanh. Vậy lòng khoan dung là gì?
Lòng khoan dung là một nghĩa cử cao đẹp với mỗi con người. Chúng ta khoan dung cho người khác khi họ mắc lỗi, nghĩa là chúng ta tha thứ, bỏ qua cho một người khi họ phạm phải những lỗi lầm mà chính bản thân họ cũng không muốn, hoặc chưa nhận thức được những sai lầm của mình. Khoan dung, không chỉ là bỏ qua những lỗi lầm của người khác, không chỉ là khoan dung với người khác, mà còn là khoan dung với chính bản thân mình.
Lòng khoan dung từ lâu đã là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam hiền hòa, đôn hậu. Hơn thế nữa, lòng khoan dung còn như một ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho người khác. Chẳng hạn như trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ khoan dung, hiền từ với con cái, sẽ giúp con cái nhận ra cái sai của mình để sửa đổi, để lớn lên hoàn thiện được tính cách của mình hơn. Khi đến trường lớp, một bạn học mắc lỗi, thay vì bị khiển trách, xa lánh, chúng ta khoan dung với bạn, sẽ giúp bạn có thêm niềm tin vào cuộc sống, cố gắng sửa đổi để được mọi người yêu quý….Có thể thấy rằng, khoan dung với lỗi lầm của người khác, chính là thể hiện được giá trị nhân đạo sâu sắc trong cuộc sống, giúp cho người phạm phải lỗi lầm cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không bị gánh nặng tâm lý dẫn đến những hành động tiêu cực.
Nhưng bên cạnh đó, khoan dung không có nghĩa là dung túng, tiếp tay cho những việc làm sai trái. Chúng ta chắc hẳn vẫn thấy rất nhiều trường hợp, những người cha người mẹ, rõ ràng con mình làm sai, nhưng vẫn cố gắng bao che cho con mình, việc làm đó vô tình dẫn đến những hệ lụy không tốt, khiến cho con cái họ không nhận ra được cái sai để sửa đổi, dẫn đến trượt dài trong cách sống…Chúng ta khoan dung cho người phạm lỗi lầm, nhưng cũng phải biết đâu là đúng đâu là sai, để có thể khuyên nhủ đúng lúc, đúng chỗ. Nhưng cũng không nên làm ngơ trước cái sai, phải giúp đỡ những người đang phạm sai lầm, để cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Khoan dung, nhân đạo với người khác cũng chính là nhân đạo với chính mình. Chúng ta khoan dung cho người khác khi họ sai, chúng ta sẽ nhận được sự yêu mến, quý trọng của người xung quanh, để rồi khi chúng ta phạm sai lầm, cũng sẽ nhận được sự khoan dung, tha thứ của người khác.
Có thể nói, xã hội ngày càng phát triển, kéo theo những hệ lụy không tốt. Nên rất cần những nghĩa cử cao đẹp giữa người với người, mà đặc biệt ở đây là lòng khoan dung, để cuộc sống của chúng ta mỗi ngày đều trở nên tốt đẹp hơn, xung quanh chúng ta sẽ không còn những thói hư, tật xấu, mà sẽ là một thế giới cùng nhau trở nên tốt đẹp hơn.