Hướng dẫn soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh - Lê Anh Trà

TN

việc tiếp thu văn hóa của Hồ Chí Minh có j đặc biệt ?
mong mọi ng giúp đỡ hehe

NN
21 tháng 8 2017 lúc 14:59

1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên qua đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội .

4. Xây dựng chính trị: dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế"2.

6.Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hòa mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng ham muốn về vật chất.

Bí mật.

7.Đối với người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hay xem xét người.

8.Làm việc phải:

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.

Quyết đoán. Dũng cảm.

Phục tùng đoàn thể

Tham khảo nhé

P/s:Mk ko chắc đâu

Bình luận (0)
EJ
21 tháng 8 2017 lúc 18:52

Bạn tham khảo bài này nha :

Một là, nhân dân là người sáng tạo văn hoá.

Khác với quan điểm của giai cấp thống trị, Hồ Chí Minh nhìn thấy vai trò to lớn của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động trong việc sáng tạo văn hoá. Văn hoá không phải là sự sáng tạo riêng của các vĩ nhân, các nghệ sĩ, nghệ nhân, của giai cấp thống trị..., mà văn hoá trước hết là của nhân dân và do nhân dân sáng tạo ra, Người khẳng định: Quần chúng không chỉ là người sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội mà còn là người sáng tác, kiểm nghiệm và có quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ văn hóa “cần phải giúp những sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Muốn làm như thế thì cố nhiên là phải có chính trị, có kỹ thuật, thì mới mài cho viên ngọc ấy thành tốt, khéo và đẹp” (Sđd, t.9, tr.250). Do đó, theo Hồ Chí Minh, động lực của sự phát triển văn hoá nằm chính trong nhân dân. Công tác xây dựng văn hoá phải quán triệt và thực hiện tốt quan điểm quần chúng, sáng tạo văn hoá là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.

Hai là, xây dựng và nhân điển hình văn hoá (người tốt - việc tốt).

Hồ Chí Minh cho rằng, việc nêu gương và cổ vũ người tốt việc tốt không những có ý nghĩa động viên mọi người hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trước mắt, mà còn là một trong những biện pháp cơ bản để xây dựng Đảng và các lực lượng nòng cốt của cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới, đồng thời để động viên người người thi đua, ngành ngành thi đua, làm cho phần tốt ở trong mỗi con người được giữ gìn và phát triển. Đó là những tấm gương có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên. Gương người tốt - việc tốt là “nét đẹp của đạo đức mới, của con người mới Việt Nam đang hình thành. Họ đều là những người bình thường làm những việc bình thường cho xã hội. Những việc bình thường ấy, ai cũng có thể làm được nếu cố gắng một chút. Và nếu ai cũng làm theo người tốt việc tốt thì cái tốt sẽ thành phổ biến, và xã hội ta sẽ tốt lên”(1).

Ba là, giữ gìn, kế thừa và phát triển văn hoá dân tộc.

Trên tinh thần biện chứng, Hồ Chí Minh chỉ ra: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm” (Sđd, t.5, tr.94-95). Phải coi trọng những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông, giữ gìn, khôi phục những yếu tố tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Bảo tồn, phát huy truyền thống gắn liền với phát triển, nâng nó lên một trình độ và chất lượng mới nhằm đáp ứng trình độ văn hóa ngày càng tăng của nhân dân, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá là: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng” (Sđd, t.6, tr.173).

Đề cao bản sắc văn hoá dân tộc, Hồ Chí Minh phê phán những thói lai căng văn hoá, quá đề cao văn hoá ngoại, coi nhẹ văn hoá dân tộc trong giới trí thức, văn nghệ sĩ và cảnh báo về nguy cơ “mất gốc” văn hoá trong giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta. Người viết: “có những trí thức Việt Nam rất thông thuộc lịch sử, địa lý và các chuyện thần thoại của nước Pháp, của Hy Lạp và La Mã. Nhưng khi hỏi đến các vị anh hùng là tổ tiên, ông cha mình, hỏi đến địa lý nước mình thì mù tịt... Coi chừng có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài” (Sđd, t.12, tr.556-557). Đồng thời, Người khuyên phải giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc dân tộc, phát huy cốt cách dân tộc, tinh thần dân tộc... để cổ vũ đồng bào ta, để giáo dục con cháu ta.

Trong truyền thống văn hoá Việt Nam, Hồ Chí Minh đề cao chủ nghĩa yêu nước, coi đó là động lực tinh thần, là nguồn sức mạnh không bao giờ cạn, là triết lý, đạo lý sống của mỗi người dân Việt Nam. Người khẳng định: Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng và có một lòng nồng nàn yêu nước. Đồng thời cũng nêu rõ và đề cao truyền thống nhân ái, cố kết cộng đồng, tinh thần cần cù thông minh sáng tạo... trong lao động sản xuất, tinh thần anh hùng bất khuất, mưu trí, gan góc trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Bốn là, tiếp thu và làm phong phú thêm tinh hoa văn hoá nhân loại.

Việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa cách mạng, vừa là một truyền thống lịch sử, vừa là một nhu cầu tất yếu khách quan. Nền văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển trong lịch sử lâu dài của dân tộc không phải là kết quả vận động chỉ riêng những yếu tố nội sinh, Người nói: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Đông phương hay Tây phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”(2).

Không phủ nhận việc kế thừa các giá trị văn hóa của nhân loại để làm phong phú, đa dạng văn hóa dân tộc, nhưng Người cũng phê phán, chống lại “cách mượn” không phải lối, chối bỏ đi các giá trị vốn có của dân tộc, hay là sự tiếp thu xô bồ mọi thứ của thiên hạ, đồng thời cho rằng cần tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tốt, cái đẹp để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc. Đây thực sự là “Việt Nam hóa” những cái từ ngoài đến, biến chúng thành những cái bên trong, tự nhiên như những yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam. Đứng vững trên cái nền dân tộc để chiếm lĩnh, tiếp thu những giá trị văn hóa bên ngoài, bản lĩnh đó của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm qua.

Người cho rằng không chỉ tiếp thu mà còn phải góp phần làm phong phú thêm văn hóa nhân loại: “Mình có thể học cái hay của bất cứ nước nào ở Âu - Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người khác hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả”(3). Đây chính là sự vận dụng phép biện chứng của “nhận và cho”, “vay và trả” trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa. Trong văn hóa, nếu chỉ muốn “viện trợ không hoàn lại”, thì chính điều đó không chỉ là một thái độ rất không văn hóa mà còn không thể phát huy được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Ngoài ra, trong quá trình tiếp thu, học tập kinh nghiệm, phải chú ý đến đặc điểm của dân tộc mình, nếu không sẽ phạm phải sai lầm, giáo điều.

Năm là, mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, muốn tiến lên CNXH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì phải phát triển kinh tế và văn hoá. Người cho rằng, trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý, coi trọng ngang nhau là: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá - đây là bốn vấn đề chủ yếu của đời sống xã hội và các vấn đề này có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Vì thế, trong cuộc xây dựng đất nước, cả bốn vấn đề này phải được coi trọng như nhau. Kinh tế là nền tảng của việc xây dựng văn hoá, do đó phải chú trọng xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hoá. Phát triển kinh tế để bảo đảm đời sống vật chất cho nhân dân và phải phục vụ cho mục đích phát triển văn hoá của nhân dân. Để thực hiện các mục tiêu của XHCN, chúng ta phải đấu tranh, xây dựng, phát triển, phải tiến hành một cuộc cách mạng thật sự. Trong cuộc cách mạng đó, văn hoá luôn có ý nghĩa trọng yếu, quyết định. Đó vừa là điều kiện, nền móng cho sự xây dựng, phát triển của đời sống xã hội, vừa là mục tiêu hướng tới trong quan hệ hài hoà với đời sống vật chất hay nói cách khác, văn hóa phải ở trong kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.

Văn hoá phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và ở trong chính trị. Chính trị có được giải phóng thì văn hoá mới được giải phóng. Chính trị giải phóng mở đường cho văn hóa phát triển. Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối phải tiến hành cách mạng chính trị trước, cụ thể là cách mạng giải phóng dân tộc để giành chính quyền, từ đó giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển. Chịu sự lãnh đạo của chính trị, văn hóa phải tham gia vào nhiệm vụ chính trị, tham gia cách mạng, kháng chiến và xây dựng CNXH, Người khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận”, “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (Sđd, t.6, tr.368-369). Tính chất mặt trận của văn nghệ không phải chỉ chống giặc ngoại xâm, mà còn phải chống giặc nội xâm. Cho nên, văn nghệ cần phải dũng cảm phê bình rất nghiêm khắc những thói xấu như tham ô, nhũng lạm, lãng phí, lười biếng, quan liêu... Mặt trận văn nghệ không phải chỉ có “chống” mà còn phải “xây”, mà xây là chính và lâu dài. Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Không chỉ thấy vai trò quyết định của kinh tế và chính trị đối với văn hoá, Hồ Chí Minh còn thấy được vai trò to lớn của văn hoá đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hoá là nền tảng, động lực tinh thần cho sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, cho sự tiến bộ của xã hội. Người viết: “Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ... cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(Sđd, t.8, tr.281-282). Văn hoá đứng ở trong chính trị và kinh tế cũng có nghĩa là chính trị và kinh tế phải có tính văn hoá.

Sáu là, đánh giá đúng vị trí, đồng thời phát huy tốt vai trò của văn hóa.

Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng: Văn hóa phải phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở cho mọi sáng tác. Với tính cách là phương thức sinh tồn của con người, văn hoá được tạo ra là để phục vụ cho cuộc sống con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hoá. Do vậy, theo Hồ Chí Minh, văn hoá phải hướng vào phục vụ đại đa số nhân dân chứ không phải là độc quyền hưởng thụ của bọn thống trị, bóc lột và tầng lớp trí thức. Người chỉ ra rằng: “Văn hoá phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng - nội dung văn hoá phải có ý nghĩa giáo dục. Ví dụ: Phải giáo dục thế nào là đời sống mới, thế nào là đạo đức cách mạng”(Sđd, t.10, tr.59). Văn hóa, văn nghệ muốn phục vụ quần chúng nhân dân thì phải có chất liệu của cuộc sống, phải nghe đồng bào, chiến sĩ, hỏi nhân dân, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân; phải thấy, xem, ghi chép, chỉ có thực tiễn đời sống của nhân dân mới đem lại nguồn sinh khí vô tận cho văn nghệ, cung cấp những chất liệu không bao giờ cạn cho văn nghệ sĩ. Người nói: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống, còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”(4).

Văn hoá phải phục tùng nhiệm vụ cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” (Sđd, t.10, tr.646), người nghệ sĩ muốn được tự do sáng tác thì trước hết phải là người tự do thực sự trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và phải tích cực tham gia vào công cuộc kháng chiến, xây dựng Tổ quốc. Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, văn hóa, văn nghệ phải có những tác phẩm lớn xứng đáng với thời đại mới, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới để làm gương trong cuộc sống hiện tại và để giáo dục con cháu mai sau; phải đấu tranh chống: Tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu,... để xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Đồng thời, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, không ngừng học tập chính trị, nâng cao chuyên môn, nghề nghiệp... Nói tóm lại, để phục vụ sự nghiệp cách mạng XHCN thì văn hoá phải XHCN về nội dung và dân tộc về hình thức.

Văn hóa có vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn xây dựng CNXH phải xây dựng con người XHCN; muốn có con người XHCN thì phải xây dựng tư tưởng (Xem: Sđd, t.9, tr.323). Con người XHCN phải là con người “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài, trong đó đạo đức phải là gốc rễ. Con người mới ấy không thể sinh ra ngay lập tức mà hình thành từng bước trong quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng CNXH. Đây là một công việc lâu dài và gian khổ, thường xuyên và khẩn trương vì chúng ta phải biến con người trong xã hội cũ thành con người của xã hội mới; xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng là một xã hội hoàn toàn khác về chất và chưa có tiền lệ trong lịch sử dân tộc; những thói quen, nếp sống của xã hội cũ... đã ăn sâu, bám rễ trong tâm hồn con người, làm trở ngại rất lớn cho bước tiến bản thân và của cả xã hội...

Không chỉ khẳng định tính quy luật, vai trò và mối quan hệ của văn hóa với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, mà Hồ Chí Minh còn đưa ra hệ tiêu chí để xây dựng nền văn hoá Việt Nam với chủ trương: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc: 1. Xây dựng tâm lý tính cách: tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”(Sđd, t.3, tr.431).Việc chỉ ra những điểm lớn trên chứng tỏ rằng, khi phân định nội hàm khái niệm văn hoá, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng, xây dựng nền văn hoá dân tộc phải đặt trong mối quan hệ qua lại với các mặt khác của đời sống dân tộc như: Tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế. Xây dựng văn hoá phải gắn liền với từng bình diện ấy, làm cho văn hoá trở thành phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng riêng có và ý nghĩa tích cực của những lĩnh vực đời sống đó.

Trong điều kiện hiện nay, trước những tác động tích cực và tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường cũng như từ chính quá trình xây dựng, sự phát triển văn hóa Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới trong việc “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”(5). Để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được và thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi chúng ta phải phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa văn hoá và các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ... Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc... Coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Điều đó cũng đồng thời càng khẳng định giá trị to lớn và thiết thực của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa./.
P/S : Hơi dài



Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
H24
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
PB
Xem chi tiết
NN
Xem chi tiết
DN
Xem chi tiết
TH
Xem chi tiết
NN
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết
TT
Xem chi tiết