Văn bản ngữ văn 10

DH

Thuyết mình về món mì quảng của quảng nam

TP
20 tháng 4 2020 lúc 20:05

1. Mở bài
- Giới thiệu ẩm thực phong phú, đặc trưng của miền Trung đầy nắng và gió: Cơm Hến, bánh tráng cuốn thịt heo, cao lầu,...
- Giới thiệu món ăn để lại ấn tượng sâu sắc nhất: Món mỳ Quảng, món ăn trứ danh của vùng đất Quảng Nam.
2. Thân bài
* Nguồn gốc: Mỳ Quảng vốn là món ăn của vùng đất Quảng Nam, thuộc miền Trung nước ta
* Các loại mỳ Quảng: Mỳ gà, mỳ tôm thịt, mỳ bò, mỳ sứa, mỳ Quảng ếch, mỳ Quảng chay
* Cách làm mỳ Quảng:
- Công đoạn làm sợi mỳ:
+ Yêu cầu thành phẩm: Sợi mỳ vừa trắng vừa mềm mượt lại không bị chua hay nồng mùi bột; khi gắp sợi mỳ soi dưới ánh nắng mặt trời, ta còn có thể thấy sợi mỳ hơi trong, sáng lấp lánh, hấp dẫn
+ Cách làm: Chuẩn bị ít bột gạo; quấy tan bột; hấp từng lớp bột mỏng cho chín; cắt từng phên bánh bột thành từng sợi, mỗi sợi rộng 1 phân
- Công đoạn làm nước dùng:
+ Chọn thịt theo sở thích rồi sơ chế, đảo ướp trong 15 phút, xào thịt cùng với hành phi cho thơm
+ Khi thịt chín tới, thêm nước xăm xắp; nêm nếm gia vị cho vừa miệng; thêm rau mùi, hành hoa cho thơm.
* Cách thưởng thức:
- Soạn một chút mì vào bát, thêm rau thơm ăn kèm, bỏ thêm ít lạc rang
- Chan nước dùng, kèm thịt
- Khi ăn: Cảm nhận được vị thanh đạm của bột gạo, vị tươi mát của các loại rau sống; vị thơm bùi của lạc rang; vị ngọt thơm, đậm đà của thịt
=> Món ăn giản dị nhưng chứa đựng nhiều tinh tế như tấm lòng của người dân xứ Quảng.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của món mì Quảng trong nền văn hóa ẩm thực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung
- Nêu suy nghĩ, cảm xúc riêng của bản thân đối với món ăn.

Bình luận (0)
AD
20 tháng 4 2020 lúc 22:13

Miền Trung nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn, đậm đà hương vị, từ cơm Hến của xứ Huế mộng mơ, đến Đà Nẵng thì phải nếm thử Bánh tráng cuốn thịt heo, tạt qua Hội An cổ kính cũng phải nếm thử bát Cao lầu cho biết. Ấy vậy mà cho dù đã đi khá nhiều nơi ăn nhiều món ngon tuyệt, nhưng có lẽ để lại trong tôi nhiều dấu ấn nhất vẫn là Mì Quảng, món ăn trứ danh vùng đất Quảng Nam yêu dấu.

Sống và làm việc tại Đà Nẵng đã lâu, tôi đã quen với những món ăn của miền Trung đầy nắng và gió. Mì Quảng vốn là món ăn của Quảng Nam, và thành phố Đà Nẵng lại chính là một phần của tỉnh Quảng Nam cũ, chính vì thế đến Đà Nẵng mà ăn mỳ Quảng đã trở thành một điều hiển nhiên. Và ngay chính bản thân tôi, cũng đã gắn bó với mỳ Quảng được gần 4 năm trời, có lúc là bữa sáng, có lúc là bữa tối, cứ luân phiên như vậy, chẳng biết họ có bỏ thêm thứ gia vị gì gây nghiện không mà tôi cứ ăn chẳng biết chán. Mỳ Quảng cũng có nhiều loại, không đơn thuần là một kiểu nhàm chán, nếu ăn chán mỳ gà ta có thể đổi sang các loại mỳ khác như mì tôm thịt, mì bò, mì sứa, mì quảng ếch, người ăn chay thì lại có mỳ Quảng chay, ăn cũng rất ngon, quả là đa dạng phong phú, khiến du khách phải trầm trồ thích thú.

Tôi đã từng thử lần mò học cách làm mỳ Quảng để thỏa lòng ăn uống, thì phát hiện ra món ăn mỹ vị này cũng không khó làm lắm. Có lẽ khó nhất là công đoạn làm sợi mỳ, làm sao cho sợi mỳ vừa trắng, vừa mềm mượt, lại không bị chua hay nồng mùi bột, khi gắp sợi mỳ soi dưới ánh nắng mặt trời ta còn có thể thấy sợi mỳ hơi trong sáng lấp lánh, nhìn càng ngon miệng hơn. Đầu tiên ta chuẩn bị một ít bột gạo mới, thơm dịu, thêm một chút muối cho sợi mỳ thêm đậm đà, rồi đổ nước vào quấy cho tan, có thể cho thêm một ít bột nghệ để sợi mỳ có màu vàng đẹp mắt. Sau khi bột tan hết, để bột nghỉ khoảng 30 phút, trong thời gian ấy ta nấu sẵn một nồi nước sôi, dùng loại nồi hấp 2 tầng là tốt nhất. Dùng một cái khuôn đáy phẳng miệng rộng, có thể bỏ lọt tầng trên của nồi hấp, hấp chín từng lớp bột mỏng, rồi đổ chúng sang một cái đĩa phẳng hết lớp này đến lớp khác, mỗi lần như thế lại phết lên trên từng tấm bánh một chút dầu cho khỏi dính. Sau khi bột chín thành bánh hết, thì ta lấy dao cắt bột thành từng sợi, mỗi sợi có độ rộng khoảng 1 phân là đẹp nhất. Xong công đoạn làm sợi mỳ, chúng ta chuyển sang công đoạn làm nước dùng để trộn mỳ, đây là phần rất quan trọng quyết định độ ngon dở của cả tô mỳ. Tùy sở thích của mỗi người mà chọn loại thịt cho phù hợp, sau khi sơ chế, ta đem ướp với muối, bột ngọt, đường, tiêu, nước mắm, cùng hành củ đập giập, đảo đều rồi ướp trong vòng 15 phút. Dùng chảo nóng, phi hành cho thơm, rồi cho thịt vào đảo cho săn, thêm chút nước màu hoặc đường để tạo màu cho đẹp mắt, sau khi thịt chín tới, thêm nước xăm xắp, rồi nếm lại cho vừa ăn, thêm chút rau mùi và hành hoa để cho thơm.

Lúc ăn, ta soạn mỳ vào bát, thêm một chút rau ăn kèm như các loại xà lách, diếp cá, húng chanh, rau sam, bỏ thêm một ít lạc rang, rồi chan nước dùng, kèm thịt thế là ta có một bát mỳ ngon tuyệt. Mỳ Quảng tuy chế biến vô cùng đơn giản, nhưng hương vị rất tinh tế, ăn vào vừa cảm giác được vị thanh đạm của bột gạo, lại thấy vị tươi mát từ các loại rau sống, nhai từng hạt lạc rang thơm phức, bùi bùi, cắn một miếng thịt được nêm nếm đậm đà, cảm giác như hương vị của trời đất đang quyện vào làm một vậy. Quả là mỹ vị, trong đơn giản chứa đựng nhiều tinh tế, như tấm lòng của người dân xứ Quảng, giản dị, mà thấm đẫm ân tình miền Trung.

Mỳ Quảng là một trong những dấu ấn, kỷ niệm của tôi gắn bó với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Có lẽ dù sau này phải rời xa mảnh đất này, tôi vẫn sẽ nhớ mãi không quên những buổi sáng lang thang, ăn mỳ Quảng ở quán nhỏ trước trường, không quên được những con người hiền hòa, thấm đẫm ân tình mộc mạc, không quên được một Đà Nẵng rực rỡ, một Hội An lung linh, một Quảng Nam ngọt ngào chân quê.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
VK
Xem chi tiết
NN
Xem chi tiết
LT
Xem chi tiết
TK
Xem chi tiết
NN
Xem chi tiết
DT
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
CD
Xem chi tiết
HA
Xem chi tiết