Cuộc thi viết "20/11"

H24
Tên thí sinh: Nguyễn Duy Hải Bằng Link tài khoản hoc24 của thí sinh: Nguyễn Duy Hải Bằng Gmail hoặc Facebook liên hệ: Bằng Hải | Facebook Thể loại đăng kí dự thi: Truyện ngắn *Truyện được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật mà mình đã được nghe các anh chị khóa trước kể lại ** Tên các nhân vật trong truyện đã được sửa lại BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "20/11":

Xuyên suốt dòng chảy của thời gian, những năm tháng tuổi trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn là cột mốc để lại cho người ta những kỉ niệm không phai. Có cái vui, cũng có những dòng kí ức đẫm nước mắt mà có lẽ cả cuộc đời cũng không thể nào mà quên đi được.

Hôm nay là Thứ bảy, tiết cuối cùng kết thúc một tuần học mệt mỏi lại là môn học khiến hàng loạt thế hệ học sinh ngao ngán, Ngữ Văn. Lớp chúng tôi phải học tận ba tiết liên tục, bởi vì thầy chủ nhiệm lớp tôi dạy Văn. Thầy năm nay đã gần bốn mươi, những năm tháng đã ôm chặt lấy từng sợi tóc bạc trắng phảng phất lên một nét gì đó của người từng trải. Hương vị của thời gian lướt qua cuộc đời thầy luôn để lại những dấu ấn mà những đứa trẻ mới lớn như chúng tôi không bao giờ trải nghiệm qua được. Thầy Khang rất hiền, thứ đó hiện rõ trên gương mặt của người đàn ông đã sống một mình gần bốn mươi năm, ân cần lèo lái từng chuyến đò thanh xuân cập bến an toàn và câu chuyện hôm ấy thầy kể cho chúng tôi có lẽ cả đời này cũng không quên được.

Lớp tôi là một lớp nhiều nữ, các bạn nam chỉ hơn mười đứa nhưng chúng nó luôn là tâm điểm ồn ào của lớp.

“IM LẶNG ĐI, SAO TAO NÓI QUÀI MÀ CHÚNG MÀY LÌ QUÁ VẬY ?” Tiếng hét của con Vy, nó được bầu là Phó Trật Tự của lớp bởi chất giọng lớn đặc trưng của mình. Một ngày nó phải hét đâu tầm ba bốn lần và lần nào cũng có hiệu quả. Bọn con trai im bặt không dám hó hé. Phía trên bục giảng, thầy Khang vẫn im lặng cầm viên phấn trắng viết chậm rãi từng dòng, hôm nay lớp học bài "Tây Tiến" của Quang Dũng

Con Vy hét xong, bỗng dưng thầy dừng lại, quay xuống nhìn chúng tôi, nở một nụ cười hiền từ.

“Để thầy kể cho tụi con nghe một câu chuyện nhé.” Đôi mắt thầy nheo lại, hiện lên chút gì đó buồn bã mà đầy tiếc nuối lẫn theo hối hận.

“Vào buổi chiều tháng ba của mười ba năm về trước, trường mình ngày xưa vẫn là một trường cấp ba nhỏ trong huyện, chỉ có được ba dãy phòng học. Thầy năm đó học mười hai, tại lớp 12A6. Ngày thứ tư ấy có lẽ sẽ không bao giờ thầy quên được, lớp thầy đang học tiết Văn của thầy Dũng…

Lớp thầy là một lớp cũng nhiều nữ như lớp mình, các bạn đều rất thích học môn Văn, thầy Dũng lại là một người nghiêm khắc nhất trong trường. Ở phía trên bục giảng, thầy đang viết những câu thơ trên sách ra để phân tích, lúc này từ phía cuối lớp lại vọng lên những tiếng xì xào cười nói. Đám con trai dưới kia lại ồn ào, kiểu gì lát cũng sẽ bị đuổi ra khỏi lớp, chúng nó vốn không thích môn Văn vì nó nhàm chán, trong đó có cả thầy.”

Nói tới đây, chúng tôi thấy thầy lắc đầu cười nhẹ, dường như bạn nào cũng biết rằng ẩn sau nụ cười đó, thầy hình như đang trách bản thân mình.

“KHOA, MINH, KHANG, HỮU, ĐI RA NGOÀI NGAY CHO TÔI!”

Thầy Dũng ở phía trên bục hét lớn, chắc phải cả dãy phòng đều nghe thấy, nhưng mà cũng như thường lệ, không ai bất ngờ cả, chúng nó tiết nào cũng bị đuổi ra.

“Thôi đi thầy ơi, tiết nào thầy cũng đuổi tụi em ra vậy không thấy chán hay sao.” Thằng Khoa đứng lên, nó nhìn thầy không chút sợ sệt.

“Em nói gì ? Em dám ăn nói với tôi như vậy à.” Thầy đang giận lại càng giận hơn, cả cái trường này không học sinh nào dám cãi lại lời của thầy cả.

“Thầy cũng chỉ là một giáo viên quèn thôi, em không thích học môn của thầy, thầy dạy chán lắm.”

Cả lớp ai cũng bất ngờ trước câu nói đó của thằng Khoa, lần đầu tiên có người dám bật lại thầy Dũng. Cả lớp lại quay lên nhìn, thầy đưa bàn tay run run lên chỉ về phía thằng Khoa, nó vẫn đứng đó ung dung nhìn.

“Em…em…em dám…” Mặt thầy ngày càng đỏ hơn, chắc hẳn đang rất tức giận. Khung cảnh ngày hôm đó có lẽ cả đời này những đứa học trò năm đấy vẫn không thể nào quên đi, thầy Dũng lên cơn đau tim, tay đưa lên nắm lấy ngực, chiếc áo sơ mi bị bóp tới nhăn nhúm, cả người thầy ngã quỵ xuống. Cặp mặt kính rơi ra, thầy ngất ngay trên bục giảng, trên tay còn cầm viên phấn trắng, tay kia vẫn nắm chặt quyển sách giáo khoa.

“Thầy ơi thầy, thầy sao vậy thầy ?”

“Thầy tỉnh lại nhìn tụi em đi thầy.”

Hai bạn nam to con trong lớp chạy lên khiêng thầy đến phòng hiệu trưởng, năm đó trường vẫn chưa có phòng y tế. Thầy hiệu trưởng cùng một người khác kè thầy Dũng lên xe máy.

“Thầy ơi ơi, cứu thầy con với.” Con My mếu máo chạy theo.

Tiếng xe máy cứ nhỏ dần nhỏ dần chạy mất hút về phía xa cổng trường. Cả đám vẫn đứng đó nhìn theo, hai tay con My vẫn nắm chặt cặp kính.

Trước khi đi, thầy hiệu trưởng bảo chúng thầy vào trong lớp ngồi đợi, tới hết giờ thì về. Không khí trong lớp lúc này u ám hơn bao giờ hết, riêng con My cứ đứng ở phía cửa lớp nhìn ra phía cổng. Ai cũng biết rằng nó đang đợi người ta chở thầy Dũng về.

“Tất cả là tại tụi mày, nếu mày im miệng lại thì chuyện ngày hôm này đã không như thế.” Ngọc nấc lên, trên má nó chảy xuống một dòng nước mắt. Nó là lớp trưởng, cũng là người học giỏi Văn nhất lớp, thầy Dũng như người cha thứ hai của nó.

“Thôi đi mày, chuyện cũng đâu ai muốn đâu.” Tụi con gái xung quanh nó lên tiếng an ủi.

“Tụi mày là lũ mất dạy, cả cái trường này không đứa nào dám chọc tức thầy Dũng, không lo ăn học, chúng mày sau này sẽ không có tương lai.” Con Ngọc dường như rất kích động, nó không thể chịu nổi cú sốc này.

“Nè, mày ăn nói cho cẩn thận.” Thằng Khoa cảm thấy khó chịu, tuy rằng nó thật sự là người có lỗi, nhưng bị những lời khó nghe của con Ngọc làm cho hơi tự ái.

“Cẩn thận cái gì, mày là người sai còn gì nữa.” Con Ngọc nhào lên định đánh thằng Khoa, nhưng đã được những đứa xung quanh cản nó lại.

“THÔI ĐI.” Tiếng hét của con My làm mọi người sững lại, tất cả ánh nhìn đều dời về phía nó. Trên tay vẫn giữ chặt cặp kính của thầy, hai bờ má đỏ ửng cả lên, đôi mắt long lanh ánh nước.

“Mọi người đang làm cái gì vậy ? Thầy Dũng hôm nay thành ra như vậy còn chưa đủ mệt mỏi hay sao?”

Câu nói đó đã làm dịu đi phần nào sự căng thẳng, con Ngọc lại khóc lớn hơn, nó ôm mặt ngồi bệt xuống đất mặc cho việc dơ đi bộ áo dài là thứ mà nó ghét nhất.

Chốc sau nó chỉ thẳng vào mặt thằng Khoa, nói: “Tao nói cho mày biết, nếu thầy Dũng mà có chuyện gì thì cả đời này mày sẽ phải hối hận.” Dứt câu liền đứng lên chạy vụt ra ngoài, một vài đứa thấy vậy cũng chạy theo.

“Ngọc, Ngọc”

Ngày thứ tư đã trải qua như thế. Tối hôm đó, bệnh viện thông báo rằng thầy Dũng đã không qua khỏi, bệnh tim tái phát cùng tuổi tác đã cao, cộng thêm nhà thầy nghèo nên đã không thể nào cứu chữa được. Người xung quanh đó đều nói những năm gần đây thầy ấy đã hay phát bệnh, mỗi lần như vậy đều uống thuốc nam cầm chừng. Thầy hiệu trưởng gọi về nhà con Ngọc, lúc đó trong nguyên xóm chỉ có mỗi nhà nó có điện thoại bàn. Vừa nhận được tin, nó đã chạy vụt ra đường. Nơi đầu tiên nó chạy đến là nhà của thầy, vì nhà hai đứa chỉ cách nhau hơn một thửa ruộng, một mình nó thân con gái, ban đêm ban hôm chỉ bận đúng bộ đồ ngủ cùng đôi dép kẹp mà chạy sang.

“Khang ơi, người ta…người ta gọi điện về thông báo, nói rằng thầy Dũng…mất rồi.”

Hung tin này như sét đánh ngang tai, thầy vừa nghe xong thì như người mất hồn, mãi tới khi con Ngọc nó gọi lớn thì mới tỉnh lại. Trên con Dream cũ của mình, thầy chở nó đi tới nhà từng đứa trong lớp để thông báo. Trong số đó, đứa bất ngờ nhất có lẻ là con My, nhỏ sốc tới mức ngất đi, nhà nó rất nghèo, gia đình không có tiền cho nó đi học tới lớp mười hai, nếu không nhờ thầy Dũng giúp đỡ, có lẽ bây giờ nó chỉ là một đứa con gái chỉ học hết lớp chín.

Những ngày sau đó, các giáo viên trong trường cùng nhau quyên góp tiền để làm đám tang cho thầy Dũng. Vì thầy ấy từ nhỏ đã là trẻ mồ côi, cha mẹ mất khi mới lên bốn, sau đó sống cùng bà ngoại, sau này bà cũng già yếu mà mất, thầy sống một mình như vậy tới bây giờ, cũng không ai biết được người thân nào khác nữa, quanh năm chả thấy ai tới thăm cả.

Đám tang của thầy, con My nó khóc hết nước mắt, nó cứ ôm cặp kính rồi nhìn cái quan tài lạnh lẽo mà nức nở tới mức không còn sức mà đứng lên, mọi người đều ra sức an ủi.

Ngày người ta đem đi chôn, tụi thằng Khoa cũng có đến, trong đó có thầy. Vừa đi vào đã bắt gặp cặp mắt của con Ngọc, đôi mắt ướt đẫm của nó phút chốc nổi lên những đường chỉ đỏ, chất chứa sự tức giận tột cùng.

“Mày còn dám đến đây nữa hả, mày còn mặt mũi mà đứng ở chỗ này hay sao. Mày đi đi, ở đây không chứa chấp tụi mày.” Vừa nói, nó vừa cầm cái tách trà trên bàn ném vào thằng Khoa, cú ném đó trúng ngay trán nó. Nhưng dù vậy, nó vẫn đứng yên ngay đó không phản kháng. Sự tức giận lẫn đau thương của con Ngọc hòa vào nhau, bầu không khí xung quanh trở nên u tối hơn bao giờ hết.

Đột nhiên, miếng vải lót dưới cái lư hương đặt trước quan tài của thầy Dũng bất ngờ bốc cháy dữ dội, mọi người xung quanh xúm lại dập lửa trước sự bàng hoàng của cả lũ tụi thầy.

Con Ngọc chạy đến đẩy tụi thầy ra bên ngoài.
“Mày thấy chưa, mày đi đi, thầy không muốn nhìn thấy tụi mày ở đây.”

Tụi thằng Khoa đành phải rời khỏi đó.

Những ngày sau đó lớp liên tục trống tiết Văn vì chưa tìm được người dạy thay cho thầy Dũng, còn tụi thầy thì bị đình chỉ học một tuần. Thầy Dũng đã không còn nữa, nhưng những chuyện xảy ra sau đó lại là một trải nghiệm mà cả đời này có lẽ thầy cũng không thể quên được.

Một tuần sau, hạn đình chỉ cũng đã kết thúc, thầy và tụi bạn cuối cùng cũng quay lại trường học, còn thằng Khoa thì chuyển trường đi chỗ khác, mọi người đều nói rằng do nó cảm thấy xấu hổ khi đối mặt. Mọi người trong lớp đã không còn thân thiết với nhau như trước nữa, bầu không khí ở tiết Văn luôn thật nặng nề, nhưng mọi người đều bất ngờ khi tụi thầy không còn ồn ào nữa, điểm Văn cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Năm đấy, tất cả mọi người đều đỗ tốt nghiệp, không ai bị bỏ lại, hay hơn là điểm Văn đều đạt trên năm điểm.

Những cơn gió cuối ngày mang theo những phiền muộn đi xa, khi mọi người trong lớp đều có hướng đi cho mình, đứa đi học Đại Học, đứa đi làm. Mỗi người một hướng.

Bẵng đi một năm, nguyên lớp cuối cùng cũng đã chọn được một ngày để cùng nhau đi thăm mộ thầy. Mọi người ngày hôm nay đều mặc đồng phục đi học, hệt như quãng thời gian cấp ba tươi đẹp chưa bao giờ dừng lại. Con My, con Ngọc và thầy đều đậu vào ngành Sư Phạm Văn, nối tiếp những chuyến đò vẫn còn dang dở năm ấy của thầy Dũng. Còn thằng Minh và Hữu thì học nghề sửa xe máy, sau này sẽ trở thành một thợ sửa xe chuyên nghiệp.

Trên tay con My cầm một bó hoa cúc, mọi người cùng nhau đi về nơi mà mình từng lớn lên. Mộ thầy Dũng qua một năm không ai chăm sóc, nay đã mọc đầy cỏ dại, cả đám đều mang theo dụng cụ để dọn. Khi tới nơi đã không khỏi bất ngờ, mọi thứ đã được dọn sạch sẽ bởi một người thanh niên, người đó lại chính là Khoa. Lúc này nhìn nó đã chính chắn hơn hẳn, không còn dáng vẻ lưu manh của ngày trước nữa.

Khi mọi thứ xong xuôi, cả đám kéo nhau mua đồ ăn ra tán cây đa lớn gần đó ăn uống. Lúc này mới biết rằng, năm đó vì ba nó chuyển công tác nên thằng Khoa mới phải chuyển trường đi, ôm theo sự ân hận vì lỗi lầm của mình mà nó quyết định học Văn, học thứ mà nó ghét nhất, nhờ vậy mà đậu được vào ngành Báo Chí, sau này đi khắp nơi mang tin tức đến cho mọi người.

“Năm đó, khi bị đình chỉ học ở nhà, cả đám tụi tao khi nằm xuống ngủ, xung quanh tai đều nghe giọng của thầy Dũng. Thầy ấy cứ như đang còn sống vậy, từng câu nói đều rất rõ ràng bên tai, khi mở mắt ra thì giọng nói đó liền biến mất.”

Thằng Khoa, thằng Hữu và ngay cả thầy đều khẳng định rằng chuyện đó có thật, chuyện đó cứ lặp lại như thế cả một tuần. Cho đến trước ngày cuối cùng bị đình chỉ, cả đám không thể chịu nổi nữa, quyết định ban đêm liền lén đi vào trường để xin lỗi thầy.

Trường học ban đêm rất tối, lại không có bật đèn, cả đám cầm cây đèn pin nhỏ xíu soi đường, chui cái lỗ chỗ hàng rào sau trường mà vào trong. Cả đám hùng tiền lại mua được một hộp phấn, chút bánh men và nhang. Cơn gió đêm thổi qua các tán lá xào xạc, những cây dầu cao tạo nên những cái bóng to lớn trên bầu trời kết hợp cùng tiếng chim cú mèo và khung cảnh âm u. Tất cả mọi thứ đều có thể làm một người trưởng thành phải sợ hãi. Đi từ bên ngoài nhìn vào các lớp học, ánh trăng soi sáng từ bên ngoài vào các dãy bàn ghế trống trơn không người ngồi, cảm giác rợn cả tóc gáy.

Tiếng kót két phát ra từ những khung cửa sổ cũ bị gió thổi vào, cả đám sợ hãi đi sát vào nhau.

“Thôi sợ quá mày ơi, hay mình đi về đi.”

“Về cái gì mà về, bộ mày không muốn thầy Dũng tha lỗi cho mày hay sao.” Thằng Khoa cầm đèn pin đi trước, đám tụi thầy bám sát theo lưng nó. Cuối cùng thì cũng đến được phòng học của lớp 12A6. Tháo dây ra đi vào bên trong, phòng học ngày xưa không có đèn, thằng Khoa đặt lon gạo lên bàn giáo viên, đổ bánh men ra bàn, mấy đứa còn lại thì bẻ nhỏ mấy viên phấn ra đem rải xung quanh lớp.

Sau khi đốt nhang, cả đám cùng nhắm mắt lại, thành tâm mà xin lỗi thầy ấy. Mở mắt ra, thằng Khoa cắm mấy cây nhang lên lon gạo. Đúng lúc đó, bên ngoài cửa sổ thổi vào một cơn gió mạnh, lạnh toát, mấy con chim trên cây vỗ cánh bay đi, cây nhang bị gió thổi cho tắt queo. Tụi thầy bị điều đó hù cho sợ đến sắp vãi ra quần, cùng lúc này, từ phía bên phải truyền đến âm thanh “cộp cộp”, đó là tiếng viết bảng, âm thanh đó không lớn, nhưng trong khoảng không thinh lặng, nó lại rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Như các em đã thấy, khổ thơ cuối này thể hiện lên sự ra đi mãi mãi không quay trở lại của người lính…

Giọng nói của thầy Dũng vang lên giữa không gian im lặng, vang vọng xung quanh, thầy đang giảng khổ thơ cuối của bài Tây Tiến, chính là khổ thơ mà thầy chưa kịp giảng khi hồi còn sống, thậm chí ngay cả viết cũng đã không thể nào viết hết.

Cả đám bọn thầy lúc này sợ tới mức không nói được câu nào, âm thanh viết bảng vẫn còn diễn ra, thằng Khoa nó run run cầm đèn pin soi lên phía bảng. Trên đó không có ai, chỉ có một viên phấn trắng, lơ lửng giữa không trung, viết chậm rãi từng chữ lên bảng, khi bị ánh đèn chiếu vào, viên phấn rơi xuống đất.

“Aaaaaaaaa.”

Tiếng la thất thanh phát ra từ phía phòng học, bốn thằng ba chân bốn cẳng mà chạy ra khỏi đó, vừa chạy vừa khóc. Thằng Hữu khi đó còn tè ra cả quần.

Hôm sau đó là ngày cuối cùng đình chỉ học, cả đám ăn một bữa để tạm biệt thằng Khoa.

“Chuyện tối qua, không biết thầy đã tha lỗi cho tụi mình hay chưa.”

“Tao không biết, nhưng tao sợ quá mày ơi.” Thằng Hữu nhớ lại chuyện tối qua, trên mặt nó vẫn còn hiện rõ vẻ sợ sệt.

“Tối qua, tao không còn nghe giọng nói của thầy nữa. Tao nghĩ thầy đã tha lỗi cho tụi mình rồi đấy.” Tối đó bọn thầy về nhà ngủ, thì không còn nghe giọng của thầy Dũng, lúc đó thầy nghĩ có lẽ thầy ấy đã tha thứ cho tụi thầy rồi.

“Sau này, chúng mày định làm gì? Tao nghĩ tao sẽ nghĩ tới việc học Văn. Sau này khi tao đậu Đại Học rồi, tao sẽ quay lại tìm tụi mày.” Thằng Khoa nãy giờ đều im lặng, tự dưng lên tiếng.

“Tao cũng vậy, tao nghĩ tụi mình nên hối lỗi với thầy bằng cách nghiêm túc hơn với môn Văn xem sao, chúng mình đã làm thầy buồn nhiều rồi.”

Bốn đứa từ đó quyết tâm học Văn nhiều hơn, nhận ra Văn Học cũng có rất nhiều cái thú vị của riêng nó, nếu thật sự học tập sẽ cảm thấy nó không hề nhàm chán như các em vẫn nghĩ.”

Renggggg... Tiếng chuông kết thúc tiết năm vang lên, thầy Khang đứng lên cất dọn tài liệu trên bàn giáo viên của mình. Thầy bước ra giữa bục giảng, cả lớp đứng nghiêm chỉnh chào thầy.

“Thầy hy vọng sau này, các em có thể học được cách tôn trọng giáo viên của mình, nếu các em không thích môn thầy dạy, hay bất kì môn học nào khác thì cũng đừng tỏ thái độ với người giáo viên ấy. Tất cả giáo viên đều rất tận tâm với công việc của mình, nếu em tôn trọng họ, em cũng sẽ tôn trọng được sự thiêng liên của việc học tập. Say này, không chỉ riêng môn Văn của thầy, mà thầy hy vọng những môn khác cũng thế, nếu không muốn học, các em có thể chọn cách im lặng thay vì ồn ào để thể hiện sự tôn trọng tối thiểu dành cho người đang ngày ngày cật lực đưa các em đến bến bờ của thành công.”

Nói xong, thầy liền quay người đi ra khỏi lớp. Những tiết học sau đó của thầy, những bạn nam ngày thường ồn ào quậy phá cũng trở nên im lặng hơn, chăm chú nghe bài giảng của thầy.

H24
14 tháng 11 2020 lúc 23:20

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
DT
15 tháng 11 2020 lúc 20:06

Viết ổn đấy chỉ có đoạn tình huống không tự nhiên lắm

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
TL
15 tháng 11 2020 lúc 20:41

Bài dự thi ý nghĩa thật sự. Tuy nhiên nhiều nhân vật tham gia vào bài quá nên hơi lộn xộn ạ.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
ST
17 tháng 11 2020 lúc 14:07

'' tiếng viết bảng, âm thanh đó không lớn, nhưng trong khoảng không thinh lặng, nó lại rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Như các em đã thấy, khổ thơ cuối này thể hiện lên sự ra đi mãi mãi không quay trở lại của người lính…

Giọng nói của thầy Dũng vang lên giữa không gian im lặng, vang vọng xung quanh, thầy đang giảng khổ thơ cuối của bài Tây Tiến, chính là khổ thơ mà thầy chưa kịp giảng khi hồi còn sống, thậm chí ngay cả viết cũng đã không thể nào viết hết.

Cả đám bọn thầy lúc này sợ tới mức không nói được câu nào, âm thanh viết bảng vẫn còn diễn ra, thằng Khoa nó run run cầm đèn pin soi lên phía bảng. Trên đó không có ai, chỉ có một viên phấn trắng, lơ lửng giữa không trung, viết chậm rãi từng chữ lên bảng, khi bị ánh đèn chiếu vào, viên phấn rơi xuống đất.''

Đây là câu truyện vừa cảm động vừa ''kinh dị'' hay nhất mà toi từng đọc :)

Cơ mà kết bài hơi hẹp và không có nhiều liên hệ cho lắm :(

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa