Hướng dẫn soạn bài Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê

PN

phân tích vẻ đẹp của phương định qua trận mưa đá trong tác phẩm những ngôi sao xa xôi

H24
3 tháng 5 2019 lúc 20:54

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, không chỉ các chàng trai mà các cô gái thanh niên cũng xung phong ra chiến trường, tham gia vào cuộc chiến tranh để dành lại độc lập cho dân tộc. Đó cũng chính là đề tài gợi nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ. Với khả năng sáng tạo và xây dựng hình tượng sống động cùng với những ngày tháng lăn lộn nơi chiến trường, Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn với những vẻ đẹp kì diệu của tâm hồn, lòng dũng cảm và tình đồng đội thân thương qua truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi". Tiêu biểu là nhân vật Phương Định - nhân vật chính của truyện.

Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn. Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, ngòi bút của bà trong chiến tranh luôn hướng về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của bà viết về đề tài này. Tác phẩm được bà sáng tác vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc diễn ra hết sức ác liệt. Bài thơ là một bức tranh sinh động về cuộc kháng chiến với những ngôi sao mà ánh sáng của nó chiếu rọi trong lòng ta - ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là những cô trinh sát mặt đường giữa bụi mù Trường Sơn.

Truyện xoay quanh nhân vật chính là Phương Định - một cô gái thanh niên xung phong sống cùng đồng đội, Thao, Nho, trên cao điểm, giữa một vùng trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn. Công việc của họ tuy vất vả và nguy hiểm nhưng các cô vẫn có những giây phút hồn nhiên, thơ mộng của tuổi trẻ. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và Thao đã chăm sóc rất tận tình. Cũng là lúc có một trận mưa đá ào xuống, Phương Định được sống lại với niềm vui trẻ thơ và cô lại nhớ về thành phố và gia đình.

Phương Định có hoàn cảnh sống và chiến đấu rất khó khăn, gian khổ. Họ sống trên một cao điểm, trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn giữa mênh mông khói bụi và bom đạn hủy diệt của kẻ thù. Công việc của họ là "đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom". Các cô phải đối diện với thần chết từng phút, từng giờ, "thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhip điệu chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ.Trong "lúc đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn và làm việc có khi suốt đêm" thì các cô, tổ trinh sát mặt đường, phải chạy trên cao điểm cả ban ngày, dưới cái nóng trên 30 độ. Từ cao điểm trở về, mặt các cô ai cũng "hai con mắt lấp lánh", "cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc". Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, thể hiện phần nào hiện thực cuộc chiến đầy khắc nghiệt. Và cũng từ đó, ta thấy sáng ngời lên tinh thần yêu nước, đầy quả cảm của các cô gái thanh niên xung phong.

Phương Định là một cô gái Hà Nội vào chiến trường. Ấn tượng đầu tiên về cô là vẻ bề ngoài đáng yêu, trẻ trung, xinh xắn và đầy sức sống. Cô có "hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa lòa kèn". Đặc biệt, cô có đôi mắt với ánh cái nhìn sao mà xa xăm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm cô, hay "viết những thư dài gửi đường dây", "mặc dù có thể chào nhau hằng ngày". Phương Định cảm nhận được điều đó, cô cảm thấy vui và tự hào nhưng chưa dành tình cảm cho một ai. Cô chỉ thích ngắm mình trong gương và làm điệu hoặc có vẻ kiêu kì một cách đáng yêu khi thấy các đồng đội của mình tiếp xúc với một anh bộ đội nói giỏi nào đó.

Phương Định vừa bước qua tuổi học trò hồn nhiên, vô tư lự. Cô mang theo vào chiến trường Trường Sơn đầy ác liệt cả những nét đáng yêu của một cô gái tuổi mới lớn, mang theo cả một tâm hồn mơ mộng, rất hồn nhiên, yêu đời. Cô mê hát. Sống trong hoàn cảnh ác liệt của bom đạn trên chiến trường Trường Sơn, lúc nào cũng cận kề với cái chết, cô vẫn không bỏ đi sở thích của mình. "Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng phải ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình "Tuy vậy, chị Thao vẫn say mê chép những lời bài hát mà Định bịa ra. Cô thích rất nhiều bài, "thích Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.."Đó là dân ca Ý trữ tình giàu có". Cô hát trong những khoảnh khắc "im lặng" khi máy bay trinh sát rè rè trên đầu, khi cơn bão lửa sắp chụp xuống cao điểm. Cô hát để động viên đồng đội và cũng là để động viên chính bản thân mình, để gửi vào trong tiếng hát nỗi khát khao của tuổi trẻ, của người chiến sĩ, mong được trở về quê hương yêu dấu, được gặp lại người yêu sau bao nhiêu nhớ nhung, chờ đợi.

Phương Định sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư giữa gia đình và thành phố Hà Nội thân yêu. Gặp một trận mưa đá, ở cô lập tức toát lên một niềm vui con trẻ, niềm vui ấy nở tung ra, say sưa, tràn đầy. Cô nhặt những hạt mưa đá để rồi bâng khuâng ngơ ngác khi thấy nó tan biến bất ngờ, cũng nhanh như khi nó ập đến. "Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nỗi...Tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố" Tất cả mọi kỉ niệm đẹp nhất ở thành phố Hà Nội, về mẹ, về tuổi thiếu nữ trong sáng, vô tư như ùa về, xoáy mạnh trong lòng cô gái. Chính những kỉ niệm đó đã làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.

Bình luận (0)
TV
4 tháng 5 2019 lúc 22:56

Văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã xây dựng nên những bức tượng đài bất tử về các chiến sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu cho hoà bình, độc lập của đất nước. Trong số đó, có những nét vẽ khoẻ khoắn về những “cô gái mở đường” dũng cảm trong Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ ; những cô thanh niên xung phong hồn nhiên, tinh nghịch trong thơ Phạm Tiến Duật Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây ; Gửi em cô thanh niên xung phong) là người “em gái tiền phương”, “vai áo bạc quàng súng trường” trong Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi… Lê Minh Khuê cũng đã góp thêm vào đó một chân dung đẹp đẽ, chân thực và sinh động với nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi.

Hoà chung nhịp đập của thời đại cách mạng, người con gái bé nhỏ đã hi sinh tuổi xuân, chấp nhận cuộc sống gian khổ nơi chiến trường như bao đồng đội khác. Cuộc sống chiến đấu hiểm nguy và đầy gian khổ không làm mờ đi tâm hồn trong sáng, tính cách dũng cảm, hồn nhiên cùng tinh thần lạc quan của người nữ thanh niên xung phong ấy. Nó khiến ta xúc động, cảm phục trước một người con gái bé nhỏ mà kiên cường – một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Phương Định là một cô gái Hà Nội. Như bao thiếu nữ Hà thành khác, cô từng có một tuổi thơ êm đềm, hồn nhiên. Đó là những tháng năm học trò vô tư sống cùng người mẹ thân yêu trong một căn phòng nhỏ trên một con phố yên tĩnh. Trong những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, giữa khói lửa chiến trường, những kỉ niệm mát lành ấy thường ùa về, làm dịu tâm hồn cô.

Phương Định đẹp một vẻ đẹp thanh xuân. Hãy lắng nghe những lời tự khẳng định bản thân của cô : “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo : cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Đó là những lời tự đánh giá chân thật, vừa có cái tự hào ngầm của một cô gái tự tin, vừa thể hiện sự thẳng thắn của một người chiến sĩ, một nữ thanh niên xung phong. Giữa cái khốc liệt của chiến trường, vẻ đẹp của Phương Định như một “ngôi sao” lấp lánh, làm dịu đi vùng đất “chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”. Vẻ đẹp ấy của cồ đã khiến bao anh lính ngẩn ngơ. Điều ấy làm cô thấy vui – niềm vui hồn nhiên của một thiếu nữ khi vẻ đẹp của mình được khẳng định. Nhưng cô chưa dành tình cảm đặc biệt cho bất cứ ai. Cô cũng không thích “săn đón vồn vã”. Trong khi những người con gái khác “xúm lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đó” thì cô lại thường “đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt”. Nếu chỉ đọc đến đây, ta sẽ dễ lầm tưởng Phương Định là một cô gái kiêu kì. Hoàn toàn không phải vậy. Cô chỉ là người con gái kín đáo, không hay biểu lộ tình cảm của mình và như cô nói : “chẳng qua tôi điệu thế thôi”. Chỉ một suy nghĩ : “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ” cũng đủ cho ta thấy tâm hồn trong sáng của cô. Cô là một thiếu nữ, và trên hết, một nữ thanh niên xung phong mang vẻ đẹp và trái tim của một người lính.

Vào chiến trường đã ba năm, sống giữa nơi trọng điểm ác liệt, Phương Định vẫn giữ được sự hồn nhiên, mơ mộng của một cô gái mới lớn. Chính tâm hồn lãng mạn ấy đã giúp cô có thể cảm nhận sâu sắc mọi thứ diễn ra xung quanh, từ khung cảnh khô khốc, xác xơ nơi chiến trườnẹ, cái im lặng của những buổi trưa đến cả ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết. Điều đó chỉ có được ở một tâm hồn có những sợi dây rung cảm tế vi, dễ va đập vào hiện thực để bật lên xúc cảm. Tâm hồn ấy giúp cô có thể vững vàng trước cuộc chiến. Cô vẫn có thể cất vang tiếng hát, dựa vào thành đá mà hát. Ta chợt nhớ tới khẩu hiệu : “tiếng hát át tiếng bom”. “Tiêng hát” không chỉ là tiếng hát mà nó còn là tiếng lòng, là tinh thần lạc quan, là niềm vui sống. Đó là sức mạnh át đi bom đạn, khói lửa chiến tranh. Tinh thần ấy còn được thể hiện trong những niềm vui bình dị, nhỏ bé, hiếm hoi trong những giờ nghỉ giải lao giữa hai lần phá bom : “nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ” ; là niềm “vui thích” như trẻ nhỏ khi bắt gặp một trận mưa đá bất chợt “cuống cuồng” giơ tay hứng mưa. Tất cả, tất cả những điều đó không chỉ cho ta thấy sự hiện diện của một tâm hồn lãng mạn mà còn là minh chứng về sức sống, sức trẻ của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

Phương Định đã cùng đồng đội của mình trải qua những gian khó của trận chiến. Những cô gái phải sống ở một nơi “không có lá cây xanh”, “chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”. Âm thanh quen thuộc hàng ngày họ được nghe là tiếng “máy bay rít, bom nổ”. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc của Phương Định và đồng đội “chẳng hề đơn giản” mà khó khăn, nguy hiểm vô cùng. Công việc của cô là sau mỗi trận bom, lao ra trọng điểm, do và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Họ “bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh”. Những cô gái thuộc “tổ trinh sát mặt đường” ấy luôn bị cái chết đe doạ. Trong lời tự thuật của Phương Định, giữa những ấn tượng về sự hiểm nguy của công việc, ta thấy lấp lánh ánh sáng của tinh thần lạc quan, lòng dũng cảm. Cô nói về cái chết nhẹ nhàng như kể một câu chuyện đời thường, xen vào đó những câu bông đùa. Ta nhận ra trong đó lòng quả cảm, sự kiên cường của những người chiến sĩ đã được tôi luyện qua lò lửa chiến tranh của người chiến sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Là một nữ thanh niên xung phong kiên trung, Phương Định vẫn là một cô gái – một cô gái bé nhỏ lắm trước sự “mênh mông” của chiến trường, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Cô cũng có những giây phút hoang mang trong những lần phá bom : “không gì cô đơn và khiếp sợ hơn khi bom gào thét chung quanh mà không nghe một tiếng trả lời”. Lúc đó, con người cần lắm một âm thanh gần gũi, “dù chỉ một tiếng súng trường thôi, cũng đủ giúp con người thấy mênh mông bên mình sự che chở đồng tình, để có thể có một khả năng tự vệ rất vững…”. Tâm lí đó của Phương Định rất chân thật, cũng là tâm trạng của biết bao người cầm súng trên chiến trường. Giữa những thời khắc khốc liệt, con người rất cần có những điểm tựa để biết mình có đồng đội, để biết mình không đơn độc, để có thể đứng vững. Vì vậy mà cô thanh niên xung phong Phương Định đã “muốn la toáng lên vì thích thú” khi phát hiện ra “xung quanh cao điểm vắng vẻ này có bao nhiêu là người”. Đó là niềm vui của tình đồng đội, đồng chí. Nó mang đến cho Phương Định sức mạnh vì “cô cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình” và cô “không còn sợ nữa”. Những trải nghiệm của Phương Định giúp ta hiểu đâu là cội nguồn sức mạnh tinh thần, ý chí kiên cường của những người chiến sĩ nơi chiến trường. Chính tình yêu, lòng tin tưởng giữa những người đồng đội đã giúp họ chiến thắng mọi gian khổ, vượt qua mọi sợ hãi để vững vàng tay súng, chiến đấu với quân thù.

Không chỉ dũng cảm, lạc quan, hồn nhiên, Phương Định còn là một cô gái sống rất tình cảm và sâu sắc. Sự sâu sắc giúp cô hiểu rõ tính cách từng người, biết phân tích mọi chuyện. Tình cảm cho cô những hành động ấm áp. Cô đã gắn bó với Nho và chị Thao ba năm. Ba con người, ba tính cách khác nhau, giữa chốn khói lửa mịt mùng, đã nương níu vào nhau để cùng sống và chiến đấu. Tình cảm giữa họ không chỉ là tình đồng đội mà còn là tình ruột thịt. Khi Nho bị thương, Phương Định cũng đau đớn, xót xa như chính mình bị chảy máu. Cô chăm sóc cho cô em gái nhỏ tận tình, chu đáo. Có thể nói, “cái hang dưới chân cao điểm” ấy không chỉ là cao điểm của những trận bom mà còn là địa hạt của tình yêu, của những tấm lòng.

Những ngôi sao xa xôi là khúc ca vể những con người dũng cảm, hồn nhiên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước nhiều hi sinh, gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang. Phương Định là một trong số những ngôi sao đó. Cô tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam một thời, tiêu biểu cho những nữ thanh niên xung phong, dù trải qua bao khó khăn, nhưng vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan và trái tim ấm áp. Sẽ còn mãi trong lòng độc giả Việt Nam hình ảnh cô gái Phương Định – một “ngôi sao xa xôi” sáng lấp lánh trong trái tim nhiều thế hệ bạn đọc.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
NA
Xem chi tiết
TT
Xem chi tiết
PM
Xem chi tiết
NA
Xem chi tiết
DC
Xem chi tiết
SK
Xem chi tiết
NA
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
NP
Xem chi tiết