Văn bản ngữ văn 10

AM

nghị luận về vấn đề của cá nhân trong tập thể

TP
28 tháng 9 2019 lúc 17:30

Xã hội loài người là một quần thể rộng lớn, ở đó mỗi cá nhân học tập làm việc và sinh hoạt bằng nhiều phương thức khác nhau, tạo ra các giá trị khác nhau và đều có bản sắc của riêng mình để phân biệt trong một tập thể rộng lớn. Cá nhân và tập thể là hai khái niệm luôn song hành với nhau nhưng lại có mục tiêu và phương hướng trái ngược nhau, thế nhưng giữa chúng luôn có mối quan hệ hỗ trợ, biện chứng tạo nên cho con người nhiều suy nghĩ, chiêm nghiệm trong lối sống và cách làm việc sao cho thỏa mãn cả hai vấn đề cá nhân và tập thể.

Cá nhân là một cá thể riêng biệt, có những suy nghĩ, quan điểm và hành động riêng, mà không có cá thể nào khác trong xã hội trùng lặp. Ở mỗi cá nhân, ta luôn thấy hiện lên cái "tôi", cái bản sắc cá nhân, đó bao gồm nhân cách, phẩm chất đạo đức, khả năng tri thức, tuổi, giới, tình trạng cuộc sống, công việc,... Mỗi cá nhân luôn hành động trước hết vì những mục tiêu riêng cho cuộc sống của bản thân, sau là vì các mối quan hệ liên quan trong xã hội. Ngược lại, tập thể là một cộng đồng, một nhóm người bao gồm nhiều cá nhân khác nhau tập hợp lại dưới nhiều hình thức ví dụ như tập thể lớp học, tập thể công ty, tập thể ký túc xá, các loại tổ chức, đội nhóm,... Hành động vì mục tiêu chung hoặc đơn giản chỉ là chung sống một cách hòa thuận với nhau, đôi lúc có hỗ trợ và có những mối quan hệ mật thiết với nhau vì tính chất công việc hoặc tình nghĩa. Từ những định nghĩa trên, chúng ta có thể nhận thức một cách rõ ràng cá nhân và tập thể là hai trường phái đối lập nhau nhưng lại hỗ trợ nhau phát triển, các cá nhân làm nên một tập thể phong phú, đa dạng nhiều màu sắc, ngược lại tập thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển và vươn lên.

Trong thực tế, không thể tồn tại một cá nhân nằm ngoài mối quan hệ với tập thể, bởi trong cuộc sống của con người, không thể tránh khỏi việc mình luôn là một phần trong một tập thể nào đó, ví như là một học sinh trong một trường học hay nhân viên trong một công ty chẳng hạn. Mỗi cá nhân không thể sống tách biệt, đặt cái "tôi" cá nhân của mình lên cao nhất, mà phải biết dung hòa với nhiều cá nhân khác, cùng đưa tập thể đi lên. Và riêng mỗi cá nhân cũng phải chú ý giữ gìn bản sắc riêng, tạo dấu ấn, phấn đấu và nỗ lực không ngừng, nhiều cá nhân cùng phấn đấu như vậy sẽ tạo nên một tập thể vững mạnh và xuất sắc. Có thể nói rằng, sự phát triển của tập thể là căn cứ để đánh giá sự nỗ lực, phát triển của cá nhân và ngược lại, ví dụ có câu "dân giàu, nước mạnh", một đất nước mà nhân dân làm ra được nhiều của cải, vật chất, cống hiến cho xã hội, tạo được nhiều thành tựu, sự chung tay ấy chính là động lực để đất nước phát triển vững mạnh, và đất nước vững mạnh thì nhân dân mới an cư lạc nghiệp, chăm chỉ làm ăn. Sự thành công, vươn lên của một cá nhân duy nhất thì khó có thể đưa đến những thành tựu lớn mà cần sự chung tay góp trí, góp sức của nhiều cá nhân. Ông bà ta từng có câu: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" là thế. Ví dụ, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chỉ có một vài người sẵn sàng đứng lên chiến đấu, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, thì liệu cuộc kháng chiến có thành công? Rõ ràng, cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta thành công là do sự đoàn kết, kiên trì không ngừng nghỉ của hàng triệu con người, ai cũng một lòng hướng về Tổ quốc, về nhân dân. Tóm lại, trong một tập thể thì các cá nhân phải đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, ngược lại tập thể phải tạo mọi điều kiện để cá nhân phát huy hết năng lực của bản thân. Hai khái niệm này đồng thời có sự nhân nhượng, bao dung và hy sinh cho nhau, điều đó thể hiện qua câu nói: "Một người vì mọi người, mọi người vì một người".

Trong cuộc sống hiện nay, mối quan hệ cá nhân và tập thể đôi lúc còn nhiều bất cập, tình trạng chia bè kéo cánh, chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng, luôn lấy cái tôi cá nhân làm đầu, cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ còn rất phổ biến. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của cả riêng cá nhân đó và tập thể nói chung. Đó là lối sống ích kỷ, thiển cận, xa rời tổ chức, người sống như vậy sẽ rất khó phát triển và thành công. Bởi trước hết họ đã tự cô lập mình khỏi cộng đồng, không nhận thấy được yếu điểm của bản thân để sửa chữa do không có sự nhắc nhở, nhận xét từ các cá nhân có tầm nhìn khác. Thêm vào đó, họ sẽ không gây dựng cho mình được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, bị xa lánh, cuối cùng họ cô độc trong chính cuộc đời của mình, tựa như một con hươu lạc bầy thì dễ dàng bị sư tử tấn công hơn cả.

Ý thức được mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cá nhân và tập thể, mỗi chúng ta phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để trau dồi rèn luyện đạo đức, tri thức, lao động một cách tích cực tạo ra thành quả, nhanh chóng vươn tới ước mơ. Đồng thời phải luôn đặt lợi ích cá nhân đi cùng lợi ích của tập thể, cố gắng cân bằng giữa hai thứ đó, nếu khó khăn quá thì buộc chúng ta phải hy sinh lợi ích của mình vì mục tiêu chung là thúc đẩy tập thể phát triển. Nhưng nhớ, chúng ta sống trong tập thể nhưng vẫn phải giữ và duy trì được những bản sắc cá nhân, tự đánh dấu mình trong muôn vàn các cá nhân khác, trong một tập thể không có nghĩa là bạn phải hạn chế năng lực của mình, mà phải vươn lên để làm động lực cho nhiều cá nhân khác vươn lên. Trong cuộc sống, chúng ta cũng phải biết san sẻ và giúp đỡ những người có cảnh ngộ khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của một dân tộc, giúp đỡ những cá nhân kém may mắn hơn có một cuộc sống đỡ vất vả khó khăn hơn.


Một tập thể vững mạnh cần nhất đó là tinh thần đoàn kết, hướng về mục tiêu chung của mỗi cá nhân. Cá nhân và tập thể là mối quan hệ biện chứng, song hành không thể tách rời, nếu bỏ qua mối quan hệ này thì cho dù là bất kỳ tập thể hay cá nhân nào dù xuất sắc đến đây cũng khó có thể phát triển vững bền được.

Bình luận (0)
HV
28 tháng 9 2019 lúc 19:14

Đã ai từng một lần đọc những lời thơ đấy giục giã của nhà thơ Nazim Hikmet "Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng!". Bóng tối sẽ tan đi và ánh sáng sẽ ngập tràn nếu anh hành động, tôi hành động và chúng ta cùng hành động.

Trong cái ánh sáng rạng ngời xua tan bóng tối ấy có ánh sáng của tôi, của anh và của tất cả chúng ta. Và hôm nay, nhà thơ Tố Hữu đã mượn tiếng ru dịu êm của mẹ qua bài thơ "Tiếng ru" của mình, một lần nữa gợi cho chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội, giữa một con người với mọi người. Một ngôi sao không làm nên bầu trời đêm rực sáng. Một bông lúa chín chẳng làm nên mùa vàng bội thu. Một con người nhỏ bé đáng kể gì trong cõi nhân gian rộng lớn. Đất thấp thế nhưng nhờ có đất mà núi mới cao. Sông nhỏ thế thôi nhưng nhờ sông mà biển mới mênh mông đến vậy.

Một cá nhân bé nhỏ sẽ không là gì cả so với một cộng đồng to lớn. Nhưng ngược lại, những gì lớn lao, vĩ đại lại được tạo nên từ những điều hết sức nhỏ bé mà thôi. Sống trên đời, ai cũng mong muốn mình được thể hiện và khẳng định bản thân, phần cá nhân của mình. Đó là mong ước tự nhiên và chính đáng. Phần riêng ấy được thể hiện ở những khát khao, hoài bão của bản thân là niềm mong mỏi mình phải có vị trí nào đó trong mắt mọi người. Phần cá nhân bé nhỏ của mỗi người ấy cần được thể hiện, được khẳng định, được tôn trọng và ghi nhận.

Chính "cái tôi" ấy tạo nên giá trị và bản sắc của mỗi cá nhân trong cộng đồng, làm cá nhân đó không bị hòa tan, không lẫn vào người khác. Tôi yêu những vạt nắng trải dài trên cánh đồng bát ngát, yêu những triền đê xanh thơm mùi cỏ non. Còn bạn, bạn yêu những ánh đèn màu rực rỡ của thành phố hoa lệ về đêm, yêu những tòa nhà chọc trời nguy nga, tráng lệ.

Tôi và bạn có những tình yêu khác nhau, quan điểm sống khác nhau, và chính sự khác nhau ấy đã làm nên "cái tôi" riêng của mỗi cá nhân chúng ta. Phần tôi ấy được thể hiện bằng nhiều cách: bằng sự yêu thương, bằng những nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động hay chỉ đơn giản là những sở thích riêng của chúng ta mà thôi.

Ở mỗi thời kì, ta đều thấy sự xuất hiện của những cá nhân vĩ đại, xuất sắc. Bằng tài năng của mình, họ đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, xã hội. Họ có thể là những nhà khoa học, bằng những phát minh của minh đem lại sự phát triển cho đời sống của nhân loại như Đác-uvn, Marie Curie… Họ có thể là những nhà cách mạng, bằng sự nghiệp chính trị của mình mà đem lại hòa bình cho cả một dân tộc, một đất nước như Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta.

Nhưng dù cá nhân có hoàn thiện, có lớn lao vĩ đại đến đâu đi chăng nữa nhưng cũng sẽ không là gì so với sức mạnh của cả một dân tộc. Cá nhân ấy khác nào một hạt cát với một sa mạc một giọt nước với một đại dương rộng lớn, một thân cây giữa bạt ngàn rừng xanh… Mất đi một hạt cát sa mạc vẫn cứ mênh mông; mất đi một giọt nước thì đại dương vẫn cứ bao la, mất đi một bông hoa thì mùa xuân vẫn cứ muôn phần rực rỡ…

Một vĩ nhân, một anh hùng làm sao làm nên sự nghiệp lớn nếu không có sự kề vai góp sức của mọi người. Một cá nhân bé nhỏ làm sao tạo được sự nghiệp lớn lao khi chỉ làm một mình mình. Ta phải biết rằng cùng với ta, bên cạnh ta còn có sự chung tay góp sức cùng ta làm nên việc lớn.

Nhìn lại lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc, ta thấy rằng sở dĩ ta có thể dệt nên những trang sử vẻ vang, ta có thể anh dũng chiến đấu giành thắng lợi, đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc được vì sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân. Chính những cá nhân nhỏ bé, riêng lẻ đã tạo nên một sức mạnh tập thể vô cùng lớn lao, có thể quét sạch quân thù. Hay hình tượng người anh hùng Thánh Gióng, nhờ có cơm áo của bà con làng xóm mà Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, xông pha trận mạc đánh tan giặcngoại xâm. Hình tượng ấy đã được truyền thuyết hóa, thực chất đó chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân đồng lòng chống giặc.

Qua đó, ta thấy sự khiêm tốn nhìn nhận, đánh giá vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng quan trọng biết bao. Biết là thế nhưng chúng ta cũng đừng vì mỗi cá nhân vô cùng nhỏ bé mà quên đi sự đóng góp của bản thân để tạo nên cộng đồng, chúng ta đừng chỉ biết hưởng thụ những đóng góp của người khác mà làm mờ nhạt đi vai trò của mình, làm mình trở thành gánh nặng cho người khác, cho cộng đồng, xã hội. Bởi lẽ tất cả mọi thứ lớn lao đều được hình thành từ những gì bé nhỏ nhất.

Một hạt cát bé nhỏ thật nhưng nếu không có những hạt cát kia thì làm gì sa mạc mênh mông đến vậy. Một giọt nước không là gì nhưng biển làm sao bao la khi không còn những giọt nước ấy. Vì vậy, ta có thể thấy cá nhân là một nhân tố quan trọng, là cơ sở để hình thành nên cộng đồng tập thể. Để những cá nhân có thể đóng góp sức mình vào phần chung to lớn, chúng ta không được quyền quên đi những đóng góp của họ. Vì biết đâu nỗi buồn bị lãng quên sẽ làm giảm đi nhiệt huyết trao tặng của họ, dù cho những đóng góp kia cho đi không phải mục đích là được nhận về.

Như những người lính tuổi còn rất trẻ đã cho đi tuổi xuân, cho đi xương máu của mình vì một cái chung to lớn. Hay những người mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp từng củ khoai, bát gạo cho các chiến sĩ, đóng góp cả những đứa con ưu tú của mình để rồi âm thầm khóc nghẹn trong lặng lẽ khi hay tin các anh hi sinh, các anh không về. Các mẹ đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì cộng đồng, vì tập thể to lớn kia. Những con người ấy họ đã cho đi mà có nề hà chi. Họ hi sinh cái phần cá nhân bé nhỏ của mình đâu phải vì huy chương, vì chiến công. Họ ra đi mà không cần đền đáp lại.

Nhưng tấm lòng biết đồng cảm, những niềm cảm thông chia sẻ của chúng ta sẽ làm họ vui hơn rất nhiều, sẽ giúp họ cảm thấy ấm áp mà nhiệt tình hơn trong trao tặng. Chúng ta cũng không nên đóng góp sức mình mà lại đòi hỏi một sự công nhận thật tương xứng với công lao mà mình bỏ ra. Vì đó thực chất chỉ là một cuộc trao đổi chứ không phải cho đi vì cộng đồng. Vì vậy, chúng ta phải có quan niệm: mình vì mọi người, mọi người mình. Chúng ta cho đi thì ta sẽ được nhận về. Dù có lớn hay không thì sự nhận về ấy vẫn luôn có ý nghĩa.

Nhà thơ Thanh Hải cũng đã từng suy nghĩ về triết lí này trong cuộc đời sáng tác văn chương của ông:

"Ta là con chim hót

Ta là một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến…”.

Ông muốn làm một chú chim để dâng cho đời tiếng hót, muốn làm một bông hoa điểm tô thêm sắc hương cho cuộc sống, một nốt nhạc trầm để lại cho người nghe những dư âm xao xuyến.

Và ông gọi đó là "Mùa xuân nho nhỏ" của mình. Khát khao của ông, ước muốn được cống hiến hết sức mình của ông cho cộng đồng mặc dù nhỏ bé nhưng nó đáng quý biết bao. Ông chỉ muốn được là góc nhỏ của mùa xuân vì ông biết rằng mùa xuân lớn kia, mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước. Từ mùa xuân bé nhỏ ấy, ta mới thấy ước muốn đóng góp lúc nào nó cũng đáng quý, dù đóng góp nhỏ bé hay lớn lao thì nó cũng có ý nghĩa vô cùng. Ta và tôi, cá nhân và cộng đồng… tất cả đã tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa những điều bé nhỏ và những thứ lớn lao trong cuộc sống.

Đó chính là triết lí sống vô cùng đúng đắn mà con người đúc kết được từ những thực tế cuộc sống. Tiếng ru giản dị, mượt mà, êm đềm nhưng ẩn chứa trong nó là bài học lớn lao. Và tiếng ru đấy vẫn luôn đồng hành trong hành trang cuộc đời của chúng , từ thuở bé cho đến khi trưởng thành, giúp ta nhận thức được mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong cuộc sống, dạy ta biết đóng góp, biết cho đi tạo nên những bông hoa, những bài ca, những mùa xuân rực rỡ cho đời, người và cho cả chính chúng ta.



Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
HN
Xem chi tiết
LN
Xem chi tiết
LA
Xem chi tiết
BP
Xem chi tiết
LB
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
LA
Xem chi tiết
RT
Xem chi tiết
DT
Xem chi tiết