Trong kho tàng văn học dân tộc Việt Nam, bên cạnh Truyện Kiều đỉnh cao của thể loại chữ Nôm thì truyện thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu là một trong sáng tác có giá trị và ý nghĩa to lớn. Đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng Nam Bộ.
Trong đó nhân vật Lục Vân Tiên được miêu tả qua hành động, cử chỉ, lời nói, tác giả ít miêu tả bề ngoài của nhân vật mà còn ít đi sâu vào nội tâm. Cách khắc họa như vậy in đậm dấu ấn của văn học dân gian.
Tác giả miêu tả nhân vật Lục Vân Tiên qua những hành động, lời nói khi đánh cướp và cứu Kiều Nguyệt Nga. Khi thấy nhân dân khốn khổ, lầm than họ đem nhau chạy vào rừng, vì thế Lục Vân Tiên rẽ lại hỏi thăm và được biết rằng ở vùng đất ấy có nhóm cướp Phong Lai cực kỳ hung hãn, hoành hành làm nhân dân điêu đứng, mọi người còn khuyên chàng hãy nhanh trốn đi đừng vào đấy mà trút lấy nguy hiểm. Nhưng khi nghe được tin ấy thì Lục Vân Tiên đã nổi giận lôi đình và đánh cướp.
Kiểu nhân vật như Lục Vân Tiên được khắc họa theo một cái mô típ quen thuộc trong truyện Nôm truyền thống, đó là một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái xinh đẹp tránh khỏi một tình huống xấu và rồi trả ân nghĩa, tìm đến tình yêu. Nó giống như mô tip của câu chuyện Thạch Sanh trong văn học dân gian. Với mô típ này thì tác giả và nhân dân mong ước rằng: trong thời buổi loạn lạc người ta mong mỏi có một anh hùng tài đức vẹn toàn có thể cứu giúp dân chúng.
Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiều khắc họa như một nhân vật lý tưởng của tác phẩm, thể hiện lý tưởng hợp lý của nhà văn về con người trong cuộc sống đương thời, đây là một chàng trai còn bỡ ngỡ bước vào đời, vừa mới ra trường, lòng đầy hăm hở muốn lập công danh, Lục Vân Tiên cũng mong thi thố tài năng để giúp đời cứu người. Vì vậy gặp tình huống bất bình, cũng được xem là thử thách hành động đầu tiên để chàng chứng tỏ năng lực của bản thân mình.
Có thể nói thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thể hiện phẩm chất nghĩa hiệp của một người trẻ trong thử thách đầu tiên của cuộc đời được thể hiện qua hai hành động đó là đánh cướp Phong Lai:
“Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.
Phong Lai mặt đỏphừng phừng:
Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mầy,
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
Lục Vân Tiên bẻ cây ở bên đường làm gậy xông vào đánh bọn cướp Phong Lai, bọn giặc dù bủa vây chàng tứ phía dưới sự chỉ đạo của Phong Lai nhưng cuối cùng đều tan rã, còn tên đầu sỏ bị Lục Vân tiên đánh cho một gậy tử vong. Qua hành động đó cho thấy tính cách của chàng là anh hùng nghĩa hiệp và còn thể hiện tài năng, tấm lòng vì nghĩa.
Bọn giặc thì gươm, giáo đủ đầy, còn chàng thì tay không đánh giặc, sau đó bẻ vội cây bên đường để làm gậy, tác giả đã miêu tả Lục Vân Tiên khi đánh giặc thật đẹp, đó là vẻ đẹp của một dũng tướng:
Tác giả không tả một cách tỉ mỉ trận chiến, bằng mấy dòng thơ ngắn gọn mà đặc sắc cùng nghệ thuật so sánh, Nguyễn Đình Chiểu đã làm nổi bật một dũng tướng đánh nhanh, kín võ, sánh ngang Triệu Tử Long thời Tam Quốctrong trận phá vòng vây quân Tào bảo vệ ấu chúa. Sức mạnh của chàng là kết tinhsức mạnh của nhân dân , của điều thiện nên nó vô địch:
“Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.”
Với lời thơ chân thật, gần gũi , mộc mạc nhưng hồn thơ thì chan chứa dạt dào. Nó nêu bật một chân lý: kẻ bất nhân độc ác thì thảm bại, người anh hùng làm việc nghĩa tất yếu sẽ chiến thắng. Vân Tiên đã chiến thắng bởi sức mạnh của nhân nghĩa, của lẽ phải, sức mạnh của tình yêu thương và lòng dũng cảm kiên cường. Chàng chính là hiện thân của người anh hùng thượng võ, sẵn sàng cứu khốn phò nguy, dám bênhvực kẻ yếu, tiêu diệt mọi thế lực bạo tàn.
Khi gặp Kiều Nguyệt Nga và cứu nàng thì thể hiện tư cách hào hiệp, nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài, một con người từ nghĩa, nhân hậu. Chàng đáp lại bằng những câu nói chân thành nhằm trấn an hai cô gái đang ngồi trong xe đỡ hoảng sợ, chàng ân cần đi lại hỏi han. Khi mà được Kim Liên và Kiều Nguyệt Ngà muốn được lạy tạ thì chàng vội khua tay và từ chối:
“Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.”
Lục Vân Tiên là người có học hành vì thế mà khi được hai cô gái ngỏ ý muốn “bái lạy” thì chàng đành từ chối, vì trước đây, thời phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân” thể hiện sự khiêm nể, đức tính khiêm nhường của Lục Vân Tiên là “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”.”, sau đó chàng tiếp tục từ chối lời mời về thăm nhà của Kiều Nguyệt Nga để cha nàng để đền đáp. Ở đoạn sau, chàng còn từ chối nhận chiếc trâm vàng của nàng, chỉ cùng nhau xướng họa một bài thơ rồi thanh thản ra đi, không hề vấn vương. Đối với chàng Lục Vân Tiên, làm việc nghĩa như là bổn phận, là lẽ tự nhiên. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Giữa cuộc đời lắm nhiễu nhương, cái ác, cái xấu hoành hành, những con người như thế thật cần thiết và đáng quý biết bao.
Qua những hành động, cử chỉ của Lục Vân Tiên ta thấy đây là một chàng trai 16 hết sức chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, từ tâm, nhân hậu, không tham phú quý danh hoa, xem cứu người là bổn phận chứ không mong được đền đáp, là cách cư xử trên tinh thần nghĩa hiệp cao cả của một anh hùng hảo hán xưa nay.
Tham khảo:
Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm có sức sống mạnh mẽ lâu bền trong lòng nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước. Tác phẩm là bài ca về đạo đức chính nghĩa và tấm lòng nhân nghĩa của con người. Lục Vân Tiên là hình tượng cao đẹp về người anh hùng lý tưởng mang khí phách hào hiệp trọng nghĩa khinh tài. Đoạn trích " Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" kể lại hành động đánh cướp cứu người giàu lòng quả cảm vị nghĩa của Lục Vân Tiên.
Trên đường về kinh đô dự thi Lục Vân Tiên bất ngờ gặp nhân dân khốn khổ chạy trốn bọn cướp Phong Lai. Chàng ân cần hỏi thăm và quyết ra tay đánh cướp để cứu dân lành thoát khỏi cảnh đau thương. Hình ảnh Lục Vân Tiên được khắc họa với mô tuýp quen thuộc ở truyện Nôm truyền thống.Chàng là nhân vật lý tưởng, mới 16 tuổi dời trường học bước vào đời lòng đầy hăm hở muốn lập công danh,mong thi thố tài năng để giúp đời. Gặp một tình huống " bất bằng" đây là một thử thách đầu tiên nhưng cũng là một cơ hội cho chàng hành động.
Giữa đám cướp đông đảo gươm giáo sáng ngờ, tướng Phong Lai thì đằm đằm sát khí:
"Phong Lai mặt đỏ phừng phừng :
"Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây"
Còn Lục Vân Tiên thì một mình tay không. Chàng bình tĩnh bẻ cây làm gậy:
" Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy tìm đàng chạy vô"
Dùng cây làm gậy,Vân Tiên " tả đột hữu xông", tung hoành giữa bọn cướp khiến chúng tan rã tơi bời:
" Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng đương đang
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay .
Phong Lai trở chẳng lập tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong"
Hình ảnh Vân Tiên được nhà thơ so sánh với Triệu Tử Long là một hổ tướng ở Trung Quốc. Đó là vẻ đẹp của một dũng tướng có tài của bậc anh hùng, có tâm của người vị nghĩa sẵn sàng bênh vực kẻ yếu chiến thắng cái ác. Giọng thơ hùng tráng vang lên diễn tả một trận đánh cướp đầy kịch tính.
Đánh tan lũ cướp sơn đà chàng đã giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Cuộc kì ngộ giữa người đẹp và anh hùng diễn ra thấm đẫm tình người,chàng là con người chính trực hào hiệp nhưng cũng rất từ tâm nhân hậu. Thấy hai cô gái chưa hết hãi hùng,chàng tìm cách an ủi ân cần hỏi thăm:
" Hỏi : ai than khóc ở trong xe này"
(...)Vân Tiên nghe nói động lòng,
Đáp rằng :"Ta đã trừ dòng lâu la .
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai .
Tiểu thơ con gái nhà ai .
Đi đâu đến nổi mang tai bất kỳ.
Chẳng hay tên họ là chi ?
Khuê môn phận gái việc gì đến đây ?
Trước sau chưa hãn dạ này,
Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra ?"
Khi Kiều Nguyệt Nga muốn lạy tạ, chàng đã khước từ. Vân Tiên chỉ cùng Nguyệt Nga sướng họa một bài thơ rồi thanh thản ra đi. Dường như với Vân Tiên đó là một bổn phận một lẽ tự nhiên của con người, trọng nghĩa khinh tài chứ không coi đó là công trạng:
" Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng"
Quan điểm về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu trong cái xã hội phong kiến loạn lạc thật giản dị: đó là những con người mang tinh thần hiệp nghĩa, anh hùng hảo hán mang dáng dấp trượng phu.
Từ cử chỉ hành động ngôn ngữ cách ứng xử của Vân Tiên mang phong thái của một tráng sĩ ngày xưa. Chàng là một hình ảnh đẹp lí tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.
Tóm lại, bằng bút pháp kể và tả thực mang phong cách Nam Bộ, nhưng hơn thế nữa là bằng tấm lòng nhân đạo cao cả Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lại một trận đánh cướp oai hùng của tráng sĩ Lục Vân Tiên. Chàng là người tiêu biểu cho cái thiện mang vẻ đẹp hào hiệp trong cái xã hội đầy bất công tàn ác. Nhân vật Vân Tiên mãi là hình ảnh đẹp mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin khát vọng về truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.