Văn bản ngữ văn 9

QS

Em hãy làm 1 bài văn nghị luận về 1 trong 3 chủ đề sau

Nếu làm cả 3 chủ đề => mình tick cho nha

Đề 1: Tính giản dị cuộc sống

Đề 2: Lòng tự tin

Đề 3: Tính tự giác

KL
3 tháng 10 2019 lúc 20:16

Đề 1: Tính giản dị cuộc sống

Mỗi con người trong cuộc đời đều tìm cho mình một lối sống khác nhau, mưu cầu hạnh phúc khác nhau. Có người thì tìm kiếm sự giàu sang, thể diện bản thân. Cũng có những người muốn sống một cuộc sống hưởng thụ tất cả. Chọn cho mình lối sống như thế nào là việc tự bản thân chúng ta quyết định. Nhưng lối sống giản dị trong xã hội hiện đại mới là một điều khó.

Lối sống giản dị là lối sống không mưu cầu danh lợi, địa vị, là lối sống chấp nhận với hoàn cảnh, chấp nhận với những gì mình đạt được, không đòi hỏi quá xa vời, phi thực tế. Người giản dị là người có cách ứng xử với người khác vô cùng hòa nhã, có một phong thái hòa đồng, rất dễ dàng nhận biết.

Giản dị trong cách ăn mặc hàng ngày, những bộ quần áo chẳng có gì là mốt thời thượng, nhưng không hề bẩn thỉu. Giản dị trong cách ăn uống, thức ăn cũng rất bình thường, không hề tiêu pha bừa bãi. Giản dị trong sinh hoạt vật chất, những chi tiêu của người có lối sống giản dị hết sức hài hòa, không hề vượt quá một phạm vi nào lớn. Giản dị còn thể hiện không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở cái bên trong của mỗi người. Cử chỉ, lời nói của người có lối sống giản dị cũng hết sức đơn giản, thấu tình, đạt lí. Không có quanh co, hay có những lời nào thiếu suy nghĩ cả.

Giản dị là một đức tính tốt, và cần có trong cuộc sống. Những người giản dị là những người tiếp kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Cuộc đời chỉ có một, họ biết sống sao cho đúng, làm sao cho đúng để không uổng phí cuộc sống của họ.

Một người, có thể xem là ví dụ tiêu biểu nhất của lối sống giản dị. Đó là chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Người giản dị từ lời ăn, tiếng nói tới hành động cử chỉ của mình. Kể cả khi đã làm chủ tịch của một nước, Người vẫn không hề sống một cuộc sống xa hoa. Người vẫn luôn giữ cho mình một đức tính giản dị. Người được rất nhiều người nể phục, tin tưởng, yêu thương. Sự giản dị của Người như là một chuẩn mực cho các thế hệ tiếp theo noi gương. Những đức tính giản dị của Người là một trong những di sản mà người để lại cho thế hệ sau này, một đức tính tuyệt vời từ một nhà lãnh đạo tối cao của dân tộc.

Nhiều người cho rằng, sống làm việc vất vả thì phải hưởng thụ. Đúng, chúng ta làm ra của cải vật chất để cho chúng ta có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Cũng chính vì vậy, nhiều người lệ thuộc vào đồng tiền, bán mạng vì đồng tiền, sống buông tha, vô trách nhiệm với cuộc đời. Họ khoác lên mình những trang phục sành điệu, đắt đỏ, rồi chụp hình khoe mẽ. Hay ăn những món ăn ở những khách sạn đắt tiền. Họ khoe với đời vì sự sa hoa của mình. Nhưng ẩn sâu bên trong lớp vỏ hào nhoáng ấy lại là rỗng tuếch. Nhiều người vì chạy theo thời đại mà đua đòi với người khác. Không có tiền nhưng cũng thích sĩ diện với bản thân. Để rồi hậu quả đi theo là vô cùng lớn.

Sống giản dị không hề khó, nó chẳng phải là thứ gì cao siêu. Nhưng con người, sống trong một xã hội đầy dục vọng. Có mấy ai hiểu được giá trị cốt lõi của cuộc sống cơ chứ. Có ai hiểu được cách sống giản dị là như thế nào. Chỉ đơn giản là sống một cuộc đời bình dị, hài hòa, làm những việc mà chúng ta cho là đúng chuẩn mực. Sống một cách có văn hóa, có trách nhiệm với người khác.

Nhịp sống luôn đập không ngừng, con người vận động thì mới có thể tồn tại được. Nhưng không hẳn cứ phải chạy đua với thời đại, chạy theo cái mới mới là tồn tại. Bình dị, nhẹ nhàng bước chúng ta vẫn có thể bước kịp thời đại và hòa nhập với con người. Hơn nữa, chúng ta con giữ cho mình một lối sống làm cho người khác phải tôn trọng không tốt hay sao. Lối sống bình dị, là điều cốt lõi mà truyền thống văn hóa của chúng ta bao đời vẫn nói. Sống sao cho có trách nhiệm với cuộc đời, để cuộc đời mãi ngày càng đẹp tươi.

Bình luận (3)
KL
3 tháng 10 2019 lúc 20:17

Đề 2: Lòng tự tin

Sự thành công của mỗi người được cấu thành nên từ rất nhiều yếu tố, đức tính. Một trong những phẩm chất quan trọng góp phần tạo nên thành công ấy là cần có sự tự tin. Vậy tự tin là gì? Vì sao nó lại quan trọng trong đời sống của mỗi người.

Tự tin là tin tưởng vào chính bản thân mình, không quản ngại khó khăn, thất bại, mọi quyết định ta làm, định hướng ta đặt ra thì đều cần phải có tự tin rằng mình sẽ đúng, sẽ thành công. Trong cuộc sống, chẳng ai có thể tránh được những thất bại, rủi ro, nhưng khi họ nghĩ rằng vượt qua mọi cửa ải khó khăn ấy, con đường thành công sẽ chẳng còn cách bao xa thì đó là do sự tự tin mang lại.

Tự tin được biểu hiện bằng rất nhiều cách trong cuộc sống đời thường. Khi bạn có đủ dũng khí hát hay phát biểu giữa một đám đông lớn, đó cũng là do tự tin mang đến cho bạn cơ hội để phô diễn tài năng, tính cách của mình. Khi bạn dám nói lên chính kiến, thẳng thắn chỉ trích một ai đó khi họ làm sai, đó cũng là sự tự tin về cách sống ngay thẳng, dám nghĩ dám làm của bạn. Khi bạn muốn thành công trong cuộc sống, bạn cần tự tin đánh đổi thời gian, tiền bạc, công sức và rất nhiều điều nữa. Bạn tin rằng, ngày hôm nay bạn bỏ ra những điều ấy, đến những năm tháng về sau, bạn sẽ thu lại được rất rất nhiều những lợi ích thì đó là động lực rất lớn cho bạn tiến bước. Nếu một người đi làm chỉ biết giữ im lặng, nhút nhát không dám đấu tranh vì quyền lợi của mình, thì họ chỉ trở thành những cỗ máy im lặng. Nếu một học sinh đi học không dám tự tin hỏi những điều mình chưa hiểu, sợ bị chê cười, giấu dốt thì họ cũng mãi chỉ là một học sinh yếu kém.

Sự tự tin giúp cho con người phát triển, học hỏi được nhiều điều mới. Tự tin theo đuổi đam mê, với kiến thức, con đường ta đã chọn là chìa khóa của thành công, giúp bạn tiến gần với những ước mơ của mình. Những người chỉ biết lo lắng vì bị người khác nói này nói nọ, quẩn quanh bên bờ vực an toàn của mình thì chẳng thể nào bứt phá lên được trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người lại bị tự tin thái quá. Có nghĩa rằng, tuy năng lực của họ không thực sự giỏi nhưng họ lại luôn nghĩ mình thật sự giỏi giang, là đứng đầu, coi thường người khác thì lại gây ra những sự nguy hại cá nhân. Bạn bè xa lánh, đầu óc bị ảo tưởng về khả năng dẫn đến tính bảo thù. Thông thường, những người bị tự tin thái quá lại thường rất ít thành công, vì khả năng trau dồi, ý chí tiến thủ của họ bị ngăn lại.

Tự tin không phải ai cũng có. Có rất nhiều người e dè, nhút nhát, đến thuyết trình một bài ngắn trước một nhóm người nhỏ cũng rất hồi hộp, lo lắng. Vì thế, có rất nhiều cách để rèn luyện sự tự tin. Chẳng phải bỗng nhiên những người bình thường trở thành ca sỹ, luật sư, nhà đàm phán. Họ cần phải có một thời gian dài, luyện tập trước gương, trước đám đông để vượt qua những sự xấu hổ. Việc thường xuyên tổ chức các buổi seminar lại các lớp học, tham gia vào các hoạt động tập thể cũng là một cách hiệu quả để gia tăng sự tự tin cho mọi người.

Tự tin sẽ là hành trang quan trọng giúp mọi người vững vàng trên con đường của bản thân. Dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với khó khăn, thách thức là nhờ có sự tự tin mang lại. Hãy luôn cố gắng vượt qua sự vướng mắc, ngại ngùng của bản thân, thu thập thêm kiến thức, kĩ năng để luôn có được sự tự tin trên đường đời.

Bình luận (1)
KL
3 tháng 10 2019 lúc 20:19

Đề 3: Tính tự giác

Học tập là một nhiệm vụ gian nan và dài lâu. Nếu không tự giác học tập, không có ý chí vững vàng, chúng ta sẽ bỏ dở giữa chừng. Bởi thế, nếu lười biếng trong học tập nhất định chúng ta sẽ thất bại, trở thành người tầm thường trong cuộc sống.

Tự giác có nghĩa là tự mình nhận thức về trách nhiệm, tự mình làm những công việc cần làm mà không cần ai nhắc nhở. Tự giác trong học tập là tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập một cách tốt nhất, tự mình xây dựng kế hoạch học tập, tự mình xác dịnh mục đích học tập đựa trên sự hướng dẫn của cha mẹ và thầy cô giáo.

Học sinh có ý thức tự giác trong học tập lúc nào cũng chủ động trong nhiệm vụ học tập. Họ luôn đúng giờ, luôn hoàn thành kịp thời và tốt nhất công việc học tập như: học thuộc bài, làm đủ bài tập, thực hiện trách nhiệm đối với trường lớp, giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ,… Người tự giác trong học tập luôn là người năng động, sáng tạo, tích cực trong công việc của tập thể.

Kiến thức được học ở trường lớp chỉ là một phần rất nhỏ của kho tàng tri thức nhân loại. Đó là những kiến thức căn bản, cần thiết cho sự tồn tại của con người, giúp con người có thể hòa hợp với cuộc sống và tìm kiếm thành cong ở một mức độ nhất định. Quá trình học tập của con người ở trường lớp cũng chỉ diễn ra một giai đoạn trong đời người. Nghĩa là, con người cần phải tự mình nỗ lực để tiếp nhận và chiếm lĩnh nhiều hơn nữa tri thức, kéo dài lâu hơn nữa quá trình học tập, làm tăng lên cơ hội thành công trong cuộc sống. Và không có cái gì khác có thể giúp con người thực hiện được điều đó tốt nhất ngoài ý thức tự giác học tập.

Học hành là nhiệm vụ gian khó. Việc tiếp thu kiến thức và nắm vững kiến thức không phải là dễ dàng. Học tập còn là một hoạt động tự nguyện. Quá trình học tập có mang lại thành quả gì hay không là chính do sự nỗ lực ở mỗi con người. Không phải tri thức nào cũng cần thiết và hữu ích cho tất cả mọi người. Hãy luôn sống có mục đích, có lý tưởng, hoài bão lớn lao. Bằng việc học, hãy bồi đắp và biến ước mơ thành hiện thực. Bởi thế, không có lí do gì để ta phải dựa dẫm hay phụ thuộc vào những gì mà ta không cần. Điều quan trọng là phải luôn biết tự giác học tập, tự lựa chọn tri thức nâng cao cần thiết và phù hợp với bản thân.

Không ai chịu trách nhiệm về cuộc đời của bạn ngoài chính bạn. bạn sẽ thành công hay thất bại ở tương lai là chính do cách bạn chuẩn bị ở ngày hôm nay. Hãy biết rằng “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh” (Lenin). Tri thức chỉ phát huy sức mạnh chỉ khi bạn kết nối chúng với nhau ở mức độ đủ lớn để thực hiện sức mạnh của nó. Tự giác trong học tập giúp bạn chủ động, sáng tạo hơn và không ngừng tiến bộ trên con đường học thức.

Cha mẹ, thầy cô và những người có trách nhiệm với bạn ngoài việc giáo dục bạn còn phải lo bao nhiêu công việc khác. Không ai có thể ở bên cạnh để nhắc nhở bạn học tập mọi lúc mọi nơi. Tự mình học tập, tự mình làm việc là một quá trình tất yếu nếu bạn khát vọng làm được những những điều lớn lao trong cuộc sống này.

Tự giác trong học tập còn thể hiện tính tự lập, tự chủ, ý chí kiên cường, bền bỉ và những phẩm chất tốt đẹp khác của con người. Có thể thấy rằng kiến thức sẽ làm đẹp con người. Từ sự tự giác của bản thân làm nảy nở và kiện toàn hầu hết các phẩm chất cao quý khác có ở con người. Càng học tập bạn càng nhận rõ đúng sai, phải trái, càng nhận rõ trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội và đất nước. Từ đó, không ngại ngần đem sức mình xây dựng sự nghiệp, đóng góp phát triển cuộc sống chung của con người.

Tự giác trong học tập, bạn sẽ được mọi người tin tưởng, yêu mến và giúp đỡ. Bởi chính ý thức tự giác của bạn sẽ trở thành động lực để người khác noi theo. Người khác sẽ luôn đặt niềm tin tưởng vào bạn, xem bạn là chỗ dựa vững chắc, là cơ sở của thành công.

Trước hết, học sinh phải có ý thức rõ ràng và đúng đắn về vai trò của việc học đối với cuộc sống con người. Không được đi học là thiệt thòi lớn của con người. Nhưng có cơ hội để học tập mà không chịu học tập đến nơi đến chốn là phụ lòng biết bao nhiêu người. Đi học mà than khó than khổ là chưa biết quý trọng tri thức, chưa có tinh thần tự giác. Phải biết rằng nỗi khổ nhọc trong việc học chỉ là tạm thời, nỗi khổ đau vì không chịu học sẽ là mãi mãi.

Tiếp đến là thực hiện việc học một cách nghiêm túc và hiệu quả. Luôn đi học đúng giờ, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. Luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập mà không cần ai nhắc nhở. Không những thế, phải năng động, sáng tạo, khám phá không ngừng để làm tăng lên vốn hiểu biết của mình.

Hãy xây dựng cho bạn một kế hoạch học tập phù hợp và tham khảo ý kiến người lớn về kế hoạch ấy. Bởi học tập mà không có một kế hoạch cụ thể giống như việc bạn đi vào khu rừng mà không có la bàn chỉ hướng. Bạn sẽ mau chóng lạc vào khu rừng tri thức, không biết nên học cái gì và học như thế nào. Việc mất mục tiêu định hướng trong học tập còn nguy hại hơn là không học tập. Nó sẽ khiến ta mất nhiều sức lực mà chẳng thu về lợi ích nào.

Luôn rèn luyện và bồi dưỡng ước mơ, khát vọng, sống có lý tưởng, hoài bão lớn lao, gắn mình với gia đình, xã hội và đất nước. Bạn nên nhớ rằng việc học không chỉ cho tương lai của chính bạn mà còn học vì gia đình bạn, đất nước bạn. Khát vọng như con tàu đưa bạn đến mọi nơi trên trái đất này.

Biết vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo – những người đã chăm lo và đồng hành cùng ta học tập biết bao ngày tháng. Lắng nghe những lời dạy bảo quý báu để trưởng thành, làm người tốt đẹp, hữu ích trong cuộc sống. Chỉ khi trở thành người hữu ích, trở thành người thành công, bạn mới thực sự cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc đời này, cảm thấy những nỗ lực của bạn trong học tập là không hề uổng phí.

Luôn thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình đối với trường học, lớp học. Hãy giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ bởi bạn bè là người cùng bạn đi hết quãng đời học sinh và tiếp tục gặp gỡ trong cuộc sống. Bạn cũng có thể học tập từ bạn bè những điều hay mà bản thân bạn có thể chưa biết.

Đã có rất nhiều người biết tự giác trong học tập và thành công trong cuộc sống. Họ trở thành tấm gương sáng ngời để mọi người tự hào, học tập và noi theo.

Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không có ý thức tự giác trong học tập. Họ đến lớp chỉ vì bị gia đình ép buộc. Họ học đối phó, chán nản, không chịu tiếp nhận bài học và không thực hiện các yêu cầu luyện tập của thầy cô. Ở nhà, họ chỉ biết vui chơi, ít khi quan tâm đến sách vở, không lắng nghe lời khuyên bảo của người lớn. họ xem thường việc học, xem thường tri thức, sống ích kỉ, không có ước mơ, khát vọng. Bởi thế mà, kết quả học tập thường yếu kém. Những người như thế thật đáng chê trách.

Người xưa từng khuyên: “Nhỏ mà không lo học tập, lớn lên chẳng làm được điều gì lớn lao”. Không những không làm được gì lớn lao mà cả bản thân cũng chẳng lo được. Bởi thế, ngay từ hôm nay, mỗi học sinh phải biết tự giác học tập, nỗ lực không ngừng để trưởng thành hơn.

Bình luận (0)
DH
4 tháng 10 2019 lúc 0:13

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của đức tính giản dị trong cuộc sống.

2. Thân bài:

- Giải thích: Giản dị là sự đơn giản, không cầu kì, phô trương.

- Biểu hiện của đức tính giản dị:

+ Không quá đề cao vẻ bề ngoài hào nhoáng, sang trọng.

+ Sống thanh cao, bình dị với nhịp chậm dãi và êm đềm.

+ Không ăn mặc quá kiểu cách, tỏ ra phô trương và khoe khoang.

- Dẫn chứng: Bác Hồ,...

- Người giản dị là người ưa sự tĩnh tại, hiền hòa, cân đối.

- Tâm hồn dường như trở nên thanh cao, thanh thản và điềm đạm hơn.

- Cuộc sống không quá cầu kì, không gây áp lực, tạo cảm giác thỏa mái.

- Phản biện:

+ Giản dị không có nghĩa là sơ thoáng, hà tiện và xuyền xoàng dễ dại.

+ Đó là sự chắt lọc về chất một cách tinh hoa và bình đạm nhất.

3. Kết bài:

- Nêu cảm nhận và khẳng định lại vai trò của tính giản dị trong cuộc sống.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
TG
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết
TN
Xem chi tiết
PH
Xem chi tiết
HC
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
DT
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
TP
Xem chi tiết