Văn bản ngữ văn 9

DK

con trau o lang que viet nam

NT
12 tháng 9 2018 lúc 19:23

Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.”

Hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên trong tâm khảm người Việt là những rặng tre óng ả, những cánh đồng bát ngát cánh cò, những ngôi nhà tranh lặng lẽ núp sau bụi đa,…và cả những đàn trâu ung dung gặm cỏ. Trâu đã trở thành một loài vật quen thuộc trong cuộc sống, một người bạn gắn bó với nhà nông.

Trâu Việt Nam trước đây có nguồn gốc là trâu rừng đầm lầy, được thuần hóa trở thành vật nuôi. Trâu là động vật thuộc lớp thú, lông trâu có màu xám hoặc xám đen và khá cứng. Để thích nghi với hoạt động cày kéo hàng ngày, trâu có một số đặc điểm nổi bật để thích ứng với công việc. Thân trâu vạm vỡ, thấp, ngắn; bụng trâu to, mông dốc, đuôi trâu dài,…Và điểm nổi bật nhất của con trâu chính là đôi sừng hình lưỡi liềm mà ít có loài vật nào trùng lặp.

Trâu là loài động vật chăm chỉ bậc nhất trong những loài vật, bởi đặc thù của nghề nông là cần cù và chịu khó. Từ sáng sớm tinh mơ đến lúc mịt tối, trâu quấn quýt bên người nông dân, cần mẫn kéo cày hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Bất kể nắng mưa, mặc kệ sáng tối,…chỉ cần người ra đồng, trâu cũng đi theo mà dốc sức làm việc. Lực kéo trung bình của trâu trên đồng ruộng là 70 đến 75kg, tương đương với 0,1 đến 0,36 mã lực. Ngoài việc cày bừa đồng áng, trâu đôi khi còn được dùng để kéo xe, kéo hàng hóa,…Tải trọng tối đa mà trâu có thể kéo được lên đến 500kg. Khỏe như vậy nhưng thức ăn của trâu rất đơn giản, chỉ là những bó cỏ hay bó rơm, bó rạ,…đủ phần nào phản ánh cuộc sống bình dị của trâu tại làng quê Việt Nam

Trâu là tài sản quý giá của nhà nông về mặt vật chất. Ngoài việc cày bừa, thồ kéo, trâu còn là nguồn cung cấp nguyên vật liệu trong cuộc sống. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, hàm lượng chất béo thấp. Sữa trâu có tính năng cao trong cung cấp chất đạm và chất béo. Ngoài ra, da trâu cũng rất được yêu thích trong việc làm mặt trống hay giày da, túi da,…Sản phẩm mĩ nghệ trang trí thì không thể nào thiếu được sừng trâu, hay làm tù và, làm lược, cán dao,…cũng vậy.

Đó là về mặt vật chất, còn về mặt tinh thần thì sao? Trâu là người bạn quen thuộc của người nông dân nói chung và trẻ em nông thôn Việt Nam nói riêng. Hình ảnh những đàn trâu thung thăng gặm cỏ với đứa trẻ mục đồng nằm trên lưng trâu mà thơ thẩn thả diều hay đọc sách,…đã dặm tô một nét mực đẹp vào bức tranh làng quê yên ả “Ai bảo chăn trâu là khổ?/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”.

Trâu đã trở thành nét đẹp riêng, là biểu tượng của người nông dân chăm chỉ, chịu thương chịu khó, dãi nắng dầm mưa vẫn cần cù làm lụng việc đồng áng. Ngoài ra, không thể không nhắc đến một lễ hội cũng đậm đà bản sắc Việt: lễ hội chọi trâu, nổi tiếng nhất là ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Những chú trâu được chăm sóc, luyện tập chu đáo. Chú nào chú nấy vạm vỡ, khỏe mạnh với đôi sừng nhọn hoắc, da bóng loáng và khí thế hừng hực nghênh chiến với đối thủ. Lễ hội náo nhiệt không chỉ bởi những trận so tài kịch liệt giữa những “thí sinh” mà còn bởi tiếng hò reo cổ vũ của bà con xung quanh. Ngoài ra, lễ hội đâm trâu cũng khá nổi tiếng ở Tây Nguyên khi người dân tổ chức để mừng một mùa vụ bội thu.

Biết bao thế kỉ đã trôi qua, biết bao mùa vụ đã thu hoạch,…Nhưng hình ảnh chú trâu vẫn ở đó, trong tâm khảm của người nông dân nói riêng và trong kí ức của người dân Việt Nam nói chung. Trâu đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu. Một vẻ đẹp giản dị mà rất đỗi thiêng liêng đối với những ai từng có tuổi thơ tại vùng đất đậm đà nền văn minh lúa nước này.

“Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ăn cho béo, trâu cày cho sâu.

Ở đời khôn khéo chi đâu,

Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.”

Bình luận (1)