Văn bản ngữ văn 8

ML
Cho mình hỏi Em hãy làm sáng tỏ nhận định sau < đoạn trích trong lòng mẹ - Nguyên hồng đã ghi lại những cự điểm của 1 tâm hồn trẻ dại

'Trong lòng mẹ" để lại ám ảnh, day dứt trong người đọc về tình cảm mà chú bé Hồng dành cho người mẹ của mình. Đồng thời, "Đoạn trích Trong lòng mẹ đã ghi lại những rung động cực điểm của một tâm hồn trẻ dại'. Đoạn trích khiến người đọc xúc cảm trước một tâm hồn nhạy cảm , trong trắng, thơ ngây của một trái tim luôn tôn thờ người mẹ – bé Hồng. Mẹ của em là người thật đáng thương trước những hủ tục khắt khe của xã hội, những định kiến nghiệt ngã của người đời trói buộc, đọa đày người phụ nữ. Trước hết đó là cảm giác đau đớn xót xa đến tận cùng trước những lời miệt thi, xóc xỉa cay nghiệt của bà cô với những câu chuyện được thêu dệt nên “gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà bị cái tội goá chồng, nợ nần cùng túng quá phải bỏ con cái đi tha phương cầu thực”. Trước sự lăng nhục một cách trắng trợn của "người bà cô bên chồng", Hồng đã không kìm nén được nỗi đau đớn, sự uất ức: “Cổ họng nghẹn ứ lại ,khóc không ra tiếng”. Đây là đỉnh cao trong tâm trạng, sự phẫn nộ lên đến tột bậc để hiện ra nguyên vẹn là tình cảm chân thực dành cho mẹ không hề giấu giếm. Đó còn là sự căm ghét đến cao độ những cổ tục . Chú bé căm thù những hủ tuch, những thành kiến đến độ "Giá như những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ tôi quyết vồ ngay mà lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát". Để rồi trước những rắp tâm tanh bẩn của bà cô em một mực chối bỏ, những hủ tục em một mực căm ghét, chỉ còn tình yêu với mẹ mãi vẫn vẹn nguyên, niềm khao khát được gặp mẹ lên tới cực điểm. Thoáng thấy người ngồi trên chiếc xe kéo, em cất tiếng gọi như xé cả không gian "“Mợ ơi… mợ ơi… mợ ơi!”. Rồi em lại lo lắng hồi hộp khi sợ nhận nhầm người mà mình gọi là “mợ. Thật may mắn và xúc động, người ngồi trên chiecs xe kéo ấy chính là người mẹ thân thương của em trở về trong niềm vui, hân hoan và hạnh phúc của đứa con trai bé bỏng. Đến cuối cùng đó là nềm vui sướng, hạnh phúc lên tới cực điểm khi được ở trong lòng mẹ. Đó là những giọt nước mắt nưc nở khi xe chạy chầm chậm lại và đó người ngồi trên xe kéo chính là mẹ chủa chú bé. Hình ảnh mẹ " với gương mặt tươi sáng, đôi mắt trong, nước da mịn, má hồng và hơi thở thơm tho" mà chú hằng mong nhớ nay trở nên thật chân thật, gần gũi hơn bao giờ hết khi được gặp lại mẹ, được mẹ ôm ấp, vỗ về. Trong lòng cậu bé Hồng giờ đây chỉ còn niềm vui sướng tột độ vì cậu thấy rằng mẹ mình không phải như những gì bà cô nói, mẹ vẫn tươi đẹp. Phải như bé Hồng trong phút lăn vào lòng mẹ, "được bàn tay mẹ vuốt ve và gãi rôm ở sống lưng cho", mới cảm thấy hết một nỗi "êm dịu vô cùng" mà chỉ mẹ mới có thể cho ta. Trong lòng mẹ bé Hồng đã quên đi tất cả những cay đắng tủi cực, những lời xúc xiểm của bà cô. Bé Hồng được sống những giây phút thần tiên hạnh phúc hiếm hoi nhất, quả là giản dị và thiêng liêng, hiện thực mà lãng mạn, mơ mộng. Như vậy, Trong lòng mẹ chính là bài ca chân thành và cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Bình luận (0)
H24
3 tháng 2 2021 lúc 13:42

1.MB: Trong cuộc sống có những thứ tình cảm vô cùng giản dị, mộc mạc nhưng cũng có những tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao đẹp. Và tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng luôn sẵn có trong tâm hồn mỗi người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời. Quả đúng như vậy, nó được thể hiện rất rõ qua đoạn trích " Trong lòng mẹ" trích tập " Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng. Nhưng thành công của văn bản lại chính là " ghi lại những rung động cực điểm của tâm hồn trẻ dại" thể hiện qua hình tượng nhân vật bé Hồng.

   2. TB

*Khái quát chung:

"Trong lòng mẹ" là chương IV " Những ngày thơ ấu" được viết năm 1938 khi tâc giả tròng 20 tuổi. Qua đoạn trích, Nguyên Hồng đã thể hiện nỗi đau buồn của bé Hồng khi phải chịu nhiều đau thương, thiệt thòi và niềm vui của cậu bé khi gặp lại mẹ. Và chắc chắn bé Hồng là nhân vật chính và cũng là nhân vật tự truyện được viết như một sự phát ngôn, một sự hóa thân của Nguyên Hồng. Điều này làm ta nhớ đến một tác giả cũng hóa thân vào nhân vật để thể hiện suy nghĩ, phát ngôn của mình đó là Nam Cao qua nhân vật ông giáo trong "Lão Hạc" đúng không nào? Trong đoạn trích, bé Hồng hiện lên với một chú bé có tuổi thơ cay đắng cùng tâm hồn yêu thương, khao khát được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ của chính nhà văn Nguyên Hồng.

* Phân tích

LĐ1: Những rung động cực điểm của cậu bé Hồng khi phải sống dưới sự cay nghiệt của nhà nội đặc biệt là bà cô.

- Khi bà cô nói xấu mẹ

- Khi bà cô mỉa mai về việc mẹ bé Hồng có em bé

- Khi bà cô kích động bé Hồng

LĐ2: những rung động cực điểm của bé Hồng khi được gặp lại mẹ sau những tháng ngày xa cách

- Nhận ra mẹ khi chỉ thấy bóng thoáng qua...

- Khi biết tin người ngồi trên xe không ai khác chính là mẹ mình

- Khi được ngồi trong vòng tay ấu yếm của mẹ, được úp mặt vào bầu sữa nóng...

* Bàn luận mở rộng

Nếu như không đọc kĩ câu chuyện, đặt mình vào vị trí của bé Hồng, thì có lẽ nhiều người sẽ chẳng thể nào hiểu được vì sao bé Hồng lại âm thầm chịu đựng sự cay nghiệt của bà cô suốt một thời gian dài như vậy mà không chút phản ứng gay gắt hơn. Tuy nhiên khi xét về tâm lí trẻ thơ thì đây là những tình tiết hoàn toàn hợp lí với tâm hồn của một đứa trẻ. Bởi còn nhỏ nên chẳng thể nào mà chống lại được những áp lực, nặng hơn là sự bạo hành ngôn ngữ của người lớn như bà cô. Suy nghĩ trong những đứa trẻ vô cùng non nớt bởi vậy không thể nào phản kháng lại những lời nói, hành động vô cùng độc ác đặc biệt trong hoàn cảnh thiếu thốn, không có ai ở bên bảo vệ như bé Hồng...

KB: - Khẳng định lại vấn đề

      - Liên hệ mở rộng

Bình luận (0)
DV
3 tháng 2 2021 lúc 13:45

Tuổi thơ trong ký ức của mỗi con người bao giờ cũng chất chứa biết bao điều kỳ diệu: nhiều khi là cánh diều chao giữa tầng không với muôn ngàn sắc màu rực rỡ; lắm lúc lại là cánh cò trắng chập chờn bay vào những giấc mơ; và thỉnh thoảng là chị Hằng Nga sống trên cung trăng bên chú Cuội… Nhưng hình ảnh ta đều bắt gặp trong mọi ký ức tuổi thơ lại chính là Mẹ – quen thuộc và gần gũi nhất. Trong lòng mẹ trích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng là đoạn trích đã gây nhiều xúc động mạnh mẽ cho người đọc khi thể hiện gần như trọn vẹn những tình cảm sâu sắc của tình mẫu tử thiêng liêng chất chứa trong từng câu chữ. Đến với tác phẩm của Nguyên Hồng, người ta không phải là thưởng thức những câu chuyện được dựng xây bằng tưởng tượng mà Nguyên Hồng đã “lôi kéo” con người cùng sống chung với cuộc đời số phận của nhà văn – chứ không còn là nhân vật. Bởi lẽ Những ngày thơ ấu là một phần kỷ niệm được rứt ra trong tuổi thơ cay cực của chính nhà văn. Nó là những trang hồi ký chứa đầy nước mắt, thổn thức xót xa của một trái tim sớm phải nếm vị đắng cuộc đời, thiếu vắng tình thương và luôn khát khao tình yêu của mẹ. Niềm khát khao ấy cháy bỏng, mãnh liệt như muốn phá tung tất cả để tìm đến tình thương, tìm đến người mẹ. Và cũng chính từ tình cảm ấy, người đọc nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của tình mẫu tử. Đó là động lực để giúp những đứa trẻ vượt lên khó khăn, vượt lên hoàn cảnh bất hạnh để tìm đến một tương lai rạng ngời. Đó cũng là nguồn sức mạnh vô hình an ủi và chở che cho những trái tim run rẩy. Đoạn trích Trong lòng mẹ là câu chuyện chân thực và cảm động về một người mẹ đáng thương phải chạy trốn những hủ tục khắt khe của xã hội, những định kiến nghiệt ngã của người đời trói buộc, đọa đày người phụ nữ . Cũng như đó là một tâm hồn nhạy cảm , trong trắng, thơ ngây của một trái tim luôn tôn thờ người mẹ – bé Hồng. Hoà chung những giọt nước mắt nóng hổi của cậu bé là giọt nước mắt cảm thương trước những kỷ niệm sâu sắc tuổi thơ còn buốt nhói trong lòng người đọc để người đọc nhận ra : đó là một phần hình thành nên hồn văn nhân ái Nguyên Hồng. Sinh ra trong gia đình bất hạnh, bé Hồng là kết quả của cuộc hôn nhân không có tình yêu, lại càng gánh bất hạnh nhiều hơn nữa. Một ông bố nghiện ngập rồi chết mòn chết rục bên bàn đèn thuốc phiện để lại cho người mẹ tất cả những cùng túng của gia đình, cuối cùng phải ly hương kiếm sống. Thế là chỉ còn một mình bé Hồng phải sống với gia đình họ nội, hứng chịu tất cả sự hắt hủi ghẻ lạnh đến cay nghiệt, lắng nghe tất cả những gièm pha về người mẹ đi tha phương cầu thực. Trong những câu chuyện được thêu dệt bởi “bà cô bên chồng”, người mẹ luôn bị khinh khi, chửi mắng thậm tệ nhưng nào ai hiểu rằng nỗi khổ tâm lớn nhất là cảnh xa con? Chỉ mỗi bé Hồng hiểu mẹ và yêu mẹ hơn tất cả. Những dấu ấn thành kiến của xã hội cay nghiệt ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn non nớt của bé Hồng, tạo nên những suy nghĩ già trước tuổi nhưng không thể nào xoá được những tình cảm kính yêu tôn thờ người mẹ. Số phận trớ trêu đã diễn ra ngay trong những mối quan hệ gia đình là nỗi bất hạnh của đứa trẻ không được sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của mẹ. Bé Hồng đặt ngay giữa ranh giới của thành kiến và tình thương. Nếu bà cô là hiện thân của một xã hội đầy cổ tục để phê phán, đem đến những định kiến cho chị dâu goá bụa trẻ trung thì bé Hồng lại hiện lên với tất cả tình thương, sự bao dung tha thứ. Thiếu sự nhân ái, độ lượng đã đành, bà cô lại càng ích kỷ nhẫn tâm hơn khi cố tình làm tổn thương tâm hồn thơ trẻ của chính đứa cháu ruột của mình bằng cáh “gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà bị cái tội goá chồng, nợ nần cùng túng quá phải bỏ con cái đi tha phương cầu thực”. Với bé Hồng, trong ký ức hãi hùng kinh khiếp của tuổi thơ , ấn tượng của giọng nói và nụ cười rất kịch là hình ảnh không thể xoá mờ. Ta nhận ra, đàng sau lời nói nhẹ nhàng thản nhiên như không kia là cả một “tâm xà” mù quáng và thù hận. Nhưng dù hàng ngày phải đối mặt với con người độc địa ấy, chú bé Hồng vẫn không “đời nào lòng thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Chỉ một câu nói thôi nhưng chứa đựng một lời khẳng định chắc nịch cho một điều tưởng chừng thật giản dị, tình cảm mẹ con đã là một mối dây bền chặt mà không gì có thề chia cắt được. Mặc dù được sống trong một hoàn cảnh vật chất có phần sung sướng hơn những đứa trẻ lang thang không có mái nhà nhưng đối với bé Hồng có lẽ hoàn cảnh ấy lại càng đáng thương hơn. Vốn dĩ đã không nhận đuợc một chút tình thương từ họ hàng, ấy vậy mà tình thương dành cho mẹ lại đang bị người khác tước đoạt mất. Bé Hồng bị bao bọc bởi lòng ganh ghét đố kị, một cuộc sống căng thẳng vây lấy tâm hồn vì luôn phải chịu đựng áp lực từ chính người thân. Nỗi đau đó lại càng đau hơn gấp ngàn lần so với sự thiếu thốn về vật chất. Nhưng dù sống trong hoàn cảnh như vậy, tình cảm bé Hồng đối với mẹ vẫn không hề mai một. Tâm hồn trẻ thơ thánh thiện ấy đáng quí biết dường nào! Vẫn là một đứa trẻ vô tư, nhưng bé Hồng đã già trước tuổi khi biết căm tức thành kiến tàn ác, quyết tâm bảo vệ mẹ đến cùng, cố chống lại sự xạm nhập của những tư tưởng xấu xa. Nhưng trong những hành động ấy là cả một tâm hồn hiếu thảo có sự đứng đắn của người đàn ông thực thụ muốn che chở cho người mình yêu thương và cả sự dễ thương của tâm hồn thơ trẻ không muốn cho ai bắt nạt mẹ mình. Tuy vậy, dưới sự tra tấn về mặt tinh thần quá nặng nề, những lời nói độc ác vẫn tuôn ra không ngớt, sức chịu đựng của một đứa trẻ cũng chỉ có hạn mà thôi nên bà cô đã đạt được mục đích của mình khi xoáy sâu vào lòng đứa cháu trai những vết thương lòng. Giọt nước mắt tủi buồn “ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và cổ” là giọt nước mắt mang đầy mặc cả m thân phận của tâm hồn tinh tế, dễ tủi thân và giàu xúc động. Lời văn mô tả vào diễn biến tâm trạng bé Hồng một cách cụ thể từ một nụ cười tin tưởng thơ ngây cho đến cười dài trong tiếng khóc. Khoảnh khắc hứng chịu lời xỉa xói của bà cô thay cho mẹ đau đớn đến quặn lòng: “Tôi lại im lặng cúi đầu xuống đất, lòng tôi thắt lại, khoé mắt tôi đã cay cay”. Giọt nước mắt nóng hổi trên gương mặt kia đã đánh động lòng trắc ẩn trong tâm tư người đọc. Rồi tiếng cười dài bật ra trong tiếng khóc nức nở đã vỡ bung những xúc cảm đè nén bấy lâu để sau đó lại “nghẹn ứ khóc không ra tiếng”. Đây là đỉnh cao trong tâm trạng, sự phẫn nộ lên đến tột bậc để hiện ra nguyên vẹn là tình cảm chân thực dành cho mẹ không hề giấu giếm. “Mợ ơi… mợ ơi… mợ ơi!”, tiếng gọi thống thiết của bé Hồng đã khuấy động cả không gian. Tiếng kêu vội vã, kéo dài mà mơ hồ có một sự sợ hãi đã diễn giải đầy đủ những khát khao trong tâm hồn đứa trẻ thiếu thốn tình thương. Thật xúc động biết bao trước giây phút lo lắng hồi hộp khi sợ nhận nhầm người mà mình gọi là “mợ”. Điều đó lại càng khẳng định cho niềm mong mỏi được gặp mẹ của bé Hồng. Bởi không phải những xúc cảm mãnh liệt thôi thúc thì tiếng nói cất lên sẽ rất e dè ,thận trọng, thậm chí không dám cất lên khi chưa chắc chắn. Nhưng dẫu cho có sự mơ hồ, tình mẫu tử thiêng liêng, nỗi nhớ nhung khắc khoải trong bao năm xa cách, tiếng gọi đã vang lên đến độ đã níu kéo được chân người, xé toạc không gian. Nhưng sự “ngờ ngợ” ấy đã không còn mơ hồ nữa, khi người thiếu phụ dừng xe lại và bé Hồng nhận ra đích thị là mẹ. Người mẹ trở về trong niềm vui, hân hoan và hạnh phúc của đứa con trai bé bỏng. Lần nữa, bé Hồng lại cất tiếng khóc khi được đón nhận sự chở che, thương yêu, bảo bọc: “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi thì tôi oà lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Nếu những lần trước là tiếng khóc kìm nén, những giõt nước mắt rưng rưng không tràn ra được thì giờ đây lại là những tiếng nức nở làm vơi đi nỗi uất ức, tủi cực trong lòng. Tiếng khóc vang vọng hơn không còn chất chứa nỗi niềm xót xa mà tràn trề niềm hạnh phúc. Giọt nước mắt hôm nay hoà chung giữa hai con người, là sự oà vỡ của cả hai tâm hồn mẹ – con làm nên tình mẫu tử. Hình ảnh người mẹ được diễn tả bằng những nét tươi tắn sinh động trong đôi mắt nhìn của đứa con, mẹ vẫn đẹp một cách lạ lùng. Vẻ đẹp ấy không cần rực rỡ mà nó chỉ giản dị và vô cùng thân thương. Bởi trong cái nhìn của bé Hồng bằng tất cả sự xúc động và tình thương vô bờ bến thì mẹ bao giờ chẳng là người đẹp nhất! Từ đó, gợi đến niềm ước mơ mà bất kỳ đứa con nào cũng khát khao khi đứng trước mẹ “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy mẹ có một êm dịu vô cùng” Dường như ,đoạn văn đã ắp đầy những cảm xúc êm ái lan toả toàn bộ không gian và thời gian. Phút giây gặp gỡ ấy như ngưng đọng mãi niềm hạnh phúc trong trái tim nhân vật cũng như người đọc. Không giống như Mợ Du hay Huệ Chi trước lễ cưới kết thúc là một cái chết khiến người đọc đau đớn đến sửng sốt, mặc dù vẫn là những cảm xúc về mẹ nhưng ở đây lại là một kết cục có hậu như là sự bù đắp cho tâm hồn thánh thiện của người con hiếu thảo. Cảnh đời thực của những số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ vẫn còn bị ràng buộc bởi hủ tục phong kiến khắt khe đã được ghi lại đầy đủ đậm nét bằng những trang hồi ký nóng hổi niềm thương cảm của chính tác giả. Nhằm phản ánh một xã hội bất công, dồng thời lên tiếng bảo vệ cho con người bất hạnh, tác phẩm đã thể hiện một tinh thần nhân đạo cao cả. Gắn với tình cảm chân thành của nhà văn là sự chuyển tải nỗi xúc động trong từng câu chữ hình ảnh đã khắc hoạ sâu sắc giá trị tình cảm thiêng liêng trong gia đình: tình mẫu tử. Trong lòng mẹ cũng là tiêu biểu cho phong cách “văn nóng” của Nguyên Hồng. Có những tình cảm dễ dàng đổ vỡ trước chông gai nhưng tình mẫu tử thiêng liêng của bé Hồng đã không hề suy xuyển. Đó cũng là sự nhắc nhở cho mỗi con người phải biết thương yêu kính trọng mẹ với tất cả tình cảm của mình. Có những tác phẩm đã mau chóng bị lãng quên nhưng giá trị Trong lòng mẹ cũng như Những ngày thơ ấu sẽ mãi mãi trường tồn bởi nó không những chứa đựng một tình cảm nhân đạo sâu sắc mà còn là một triết lí về giá trị tình cảm gia đình, thấm đượm chất thơ giữa cuộc đời nhiều cay cực.

Bình luận (0)
DV
3 tháng 2 2021 lúc 13:46

Các ý cần viết :

a. Đau đớn xót xa đến tột cùng: Lúc đầu khi nghe bà cô nhắc đến mẹ, Hồng chỉ cố nuốt niềm thương, nỗi đau trong lòng. Nhưng khi bà cô cố ý muốn lăng nhục mẹ một cách tàn nhẫn, trắng trợn...Hồng đã không kìm nén được nỗi đau đớn, sự uất ức : “Cổ họng nghẹn ứ lại , khóc không ra tiếng ”. Từ chỗ chôn chặt kìm nén nỗi đau đớn, uất ức trong lòng càng bừng lên dữ dội.

b. Căm ghét đến cao độ những cổ tục . Cuộc đời nghiệt ngã, bất côngđã tước đoạt của mẹ tất cả tuổi xuân, niềm vui, hạnh phúc...Càng yêu thương mẹ bao nhiêu, thi nỗi căm thù xã hội càng sâu sắc quyết liệt báy nhiêu: “Giá những cổ tục kia là một vật như ......... mới thôi”.

c. Niềm khao khát được gặp mẹ lên tới cực điểm Những ngày tháng xa mẹ, Hồng phải sống trong đau khổthiếu thốn cả vật chất, tinh thần . Có những đêm Nô-en, em đi lang thang trên phố trong sự cô đơn và đau khổ vì nhớ thương mẹ. Có những ngày chờ mẹ bên bến tầu, để rồi trở về trong nỗi buồn bực.....nên nỗi khao khát được gặp mẹ trong lòng em lên tới cực điểm ...

d. Niềm vui sướng, hạnh phúc lên tới cực điểm khi được ở trong lòng mẹ. Niềm sung sướng lên tới cức điểm khi bên tai Hồng câu nói của bà cô đã chìm đi, chỉ còn cảm giác ấm áp, hạnh phúc của đứa con khi sống trong lòng mẹ.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
DN
Xem chi tiết
HN
Xem chi tiết
MH
Xem chi tiết
PT
Xem chi tiết
LT
Xem chi tiết
DS
Xem chi tiết
VH
Xem chi tiết
BB
Xem chi tiết
BB
Xem chi tiết