Chị em Thúy Kiều- Nguyễn Du

NN

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của Thúy Kiều, Thúy Vân trong đoạn trích " Chị em Thúy Khiều" (chỉ cần triển khai ý là đc)

NC
1 tháng 9 2021 lúc 19:58

Tk :

Kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du hơn 200 năm nay làm say đắm lòng người không chỉ bởi giá trị xã hội sâu sắc, tư tưởng, quan niệm tiến bộ mà còn làm say đắm lòng người bởi những đoạn thơ miêu tả chân dung đạt đến độ uyên bác. Một trong số đó là đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” với bức chân dung tuyệt đẹp của Thúy Kiều.

Trong bức chân dung Thúy Vân, Nguyễn Du miêu tả chi tiết chân dung nàng với vẻ đẹp đài cát, cao sang, quý phái hơn người. Vẻ đẹp của Thúy Vân đạt chuẩn thước đo thẩm mĩ của chế độ phong kiến. Cô em đã đẹp như thế nhưng cô chị còn đẹp hơn. Vẻ đẹp của Thúy Kiều vượt lên trên khuôn mẫu, ràng buộc trước đó. Cái đẹp đó là cái đẹp của vẻ “sắc sảo” và “mặn mà”:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”

Nhà thơ đã cố tình nhấn mạnh các từ “càng”, “phần hơn”. Cô chị không chỉ đẹp hơn em mà còn tài giỏi hơn em. Nhắc đến vẻ đẹp của mỹ nhân xưa, người ta thường nghĩ đến vẻ đẹp liễu yếu đào tơ. Bởi vậy sự sắc sảo, mặn mà của Kiều hẳn là điều đặc biệt.

Khi dựng lên bức chân dung Thúy Vân, Nguyễn Du thể hiện nghệ thuật miêu tả toàn diện còn với Thúy Kiều, Nguyễn Du lại thiên về tả khái quát với những nét vẽ nhẹ nhàng, thanh thoát. Ngòi bút chấm phá cùng bút pháp ước lệ cổ điển, Nguyễn Du khiến người đọc chìm đắm vào vẻ đẹp của đôi mắt Kiều:

 

“Làn thu thủy nét xuân sơn”

Hội họa cổ điển phương Đông có những bút pháp khá độc đáo: lấy điểm tả diện, họa vân hiển nguyệt. Nguyễn Du cũng sử dụng bút pháp này, chỉ gợi tả “làn”, “nét” mà đã dựng lên bức chân dung của một mỹ nữ tuyệt sắc. Đó là đôi mắt trong sáng, long lanh, thăm thẳm, tình tứ và ăm ắp như hồ nước mùa thu ẩn dưới đôi lông mày thanh tú, kiều diễm như dáng núi mùa xuân. Vẻ đẹp của đôi mắt Kiều kết tinh tinh hoa của trời đất, của núi thẳm, sông dài; của những êm ả, dịu dàng của mùa thu và những trong sáng của mùa xuân. Chọn tả đôi mắt Kiều là một dụng ý của Nguyễn Du bởi đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Đôi mắt biết nói ấy phản ánh một tâm hồn đa cảm, một trí tuệ tinh anh. Nguyễn Gia Thiều đã lấy cảm hứng từ vẻ đẹp đôi mắt người cung nữ:

“Khóe thu ba gợn sóng kinh thành”

Đôi mắt người cung nữ ở đây được miêu tả rất đẹp, gợi ra vẻ sắc sảo, dữ dội chứ không ấm áp như đôi mắt Kiều.

Vẻ đẹp nhan sắc của Kiều được đặt trong mối quan hệ với thiên nhiên:

“Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

Các từ “hờn”, “ghen” được sử dụng với nghệ thuật nhân hóa để nói lên thái độ ghen ghét, đố kỵ của thiên nhiên trước vẻ đẹp vượt ngưỡng của Kiều. Vẻ đẹp đó còn được đặt trong mối quan hệ với con người. Đại thi hào đã dùng điển tích “nghiêng nước nghiêng thành” để khẳng định vẻ đẹp sắc nước hương trời của Kiều có thể sáng với vẻ đẹp của những mỹ nhân mà lịch sử đã ca tụng.

Xinh đẹp là vậy nhưng sinh ra nàng lại có sẵn trí tuệ thông minh trời phú do đó mà đa tài: đàn, ca, họa, làm thơ, soạn nhạc. Đặc biệt tài đàn của Kiều đã trở thành năng khiếu, sở trường. Kiều giỏi đàn đến mức soạn riêng cho mình một bản đàn bạc mệnh, chính là tiếng lòng, là trái tim đa cảm của Kiều. Tuy nhiên người xưa đã từng nói:

“Một vừa hai phải ai ơi
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”
hay “Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Điều đó báo trước cho một số phận cay đắng, trầm luân, bất hạnh, gợi ra một nàng Kiều đa sầu, đa cảm, đa đoan.

Qua bức chân dung tuyệt sắc giai nhân, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ cổ điển, từ ngữ trau chuốt, gợi tả, gợi cảm cùng các thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, điển cố đẹp hòa cùng với ngòi bút miêu tả chấm phá tài ba để xây dựng vẻ đẹp khuynh thành đảo quốc của Kiều.

 

Dựng lại bức chân dung mang tính cách số phận của Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện tấm lòng trân trọng, mến mộ của mình đối với người con gái bạc mệnh.

Bình luận (1)
MN
1 tháng 9 2021 lúc 20:01

Em tham khảo nhé:

 “Truyện Kiểu” được coi là kiệt tác số một của đại thi hào Nguyễn Du, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, mà một tác phẩm kết tinh những gì đặc sắc nhất về cả nội dung và nghệ thuật. Mỗi đoạn trích trong “Truyện Kiều” đều được nhà thơ chăm chút, mỗi nhân vật đều hiện lên một cách hết sức sinh động. “Chị em Thúy Kiều” cũng là một đoạn trích như thế. Mở đầu đoạn trích là phần giới thiệu cả hai chị em Vân – Kiều: “Đầu lòng hai ả tố nga, Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân Mai cốt cách, tuyết tinh thần, Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” Hai người con gái đẹp ấy, có cốt cách thanh cao như mai, tâm hồn trong trắng như tuyết. Mỗi người có một vẻ đẹp riêng, nhưng đều là vẻ đẹp “mười phân vẹn mười”, vô cùng hoàn hảo, đẹp đẽ. Thúy Vân được xuất hiện trước với vẻ đẹp phúc hậu, cao sang, quý phái: “Vân xem trang trọng khác vời Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang Hoa cười, ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.” Thúy Vân hiện lên với vẻ đẹp trang trọng tuyệt vời, với khuôn mặt đầy đặn như ánh trăng rằm, tiếng nói tiếng cười như hoa như ngọc, tóc mượt như mây, da trắng hơn tuyết. Vẻ đẹp của nàng khiến cho thiên nhiên phải e thẹn cúi mình, phải “thua”, phải “nhường” một cách tình nguyện. Nàng được tạo hóa ban cho một vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu, báo hiệu một cuộc sống yên ổn, bình an, không song gió về sau. Tại sao cô em lại được xuất hiện trước cả chị? Có lẽ đó là dụng ý của Nguyễn Du, cô em đã đẹp đẽ như thế, thì cô chị – nhân vật chính của truyện còn có thể đẹp hơn nữa không? Ngay từ khi bắt đầu nói về Kiều, đại thi hào đã nói: “Kiều càng sắc sảo mặn mà So bề tài sắc lại là phần hơn” Thúy Vân đã đẹp đến hoa nhường nguyệt thẹn, vậy mà Thúy Kiều lại còn đẹp hơn, cả về tài lẫn sắc. Không chỉ thế, đó còn là một vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà chứ không đoan trang, phúc hậu như Thúy Vân. Đặc biệt, ở Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ đặc tả đôi mắt – cửa sổ tâm hồn của người con gái ấy: “Làn thu thủy nét xuân sơn Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” Đôi mắt nàng trong như làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân. Trong làn song mắt ấy, là cả một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Kiều có một vẻ đẹp khiến cho hoa “ghen”, liễu “hờn”, Tạo hóa đã cho nàng vẻ đẹp, nhưng cũng mang đến cho nàng cả sự ghen ghét của người đời. Cuộc đời của nàng, sẽ là một đoạn đời không yên ổn. Ở Thúy Vân, người ta chỉ có từ nhan sắc mà suy đoán về tài năng, bởi Nguyễn Du không hề nhắc đến. Nhưng ông lại nói rất kĩ về tài hồ cầm của Thúy Kiều: “Một hai nghiêng nước nghiêng thành Sắc đành đòi một, tài đành họa hai Thông minh vốn sẵn tính trời Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm Cung thương làu bậc ngũ ầm Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương Khúc nhà tay lựa nên chương Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân” Không chỉ là một người con gái đẹp, Kiều còn là một người thông minh, đa tài. Có thể nói, đến Thúy Kiều, người đọc mới thấm thía được vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” của nàng. Tuy nhiên, ẩn trong vẻ đẹp hoàn mỹ ấy, là một tâm hồn đa sầu đa cảm. Có lẽ nàng đã cảm nhận được số phận long đong của mình rồi, nên đã sáng tác cung đàn “Bạc mệnh” khiến ai nghe cũng phải thương cảm. Và đúng như nàng dự đoán, cuộc đời bình an của nàng không kéo dài được bao lâu nữa, bởi “Chữ tài liền với chữ tai” một vần, người con gái ấy sẽ phải sống một cuộc đời gian truân trắc trở. Ở cuối đoạn trích, Nguyễn Du khái quát lại về hai chị em nhà Vân – Kiều và hoàn cảnh sống của họ: “Phong lưu rất mực hồng quần Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê Êm đềm trướng rủ màn che, Tường đông ong bướm đi về mặc ai” Bốn câu thơ đã nói lên hoàn cảnh sống của hai cô gái ấy. Họ được dạy dỗ vô cùng chu đáo, là những cô gái con nhà gia giáo, với phẩm hạnh trong trắng, cao quý. Chỉ với hai mươi bốn câu thơ và bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã làm hiện lên trước mắt người đọc vẻ đẹp mỹ miều của hai chị em Thúy Vân – Thúy Kiều và ẩn trong đó là những tình cảm, những dự đoán của ông về cuộc đời, số phận của hai cô gái ấy. Hãy cũng dõi theo những bước chân của hai người ấy trên nẻo đường còn nhiều chông gai.
Bình luận (1)
H24
1 tháng 9 2021 lúc 22:45

Các ý em cần trọng tâm đến :

+ Nét đẹp chung của hai chị em Thúy Kiều.

+ Đi sâu vào nét đẹp riêng của Thúy Vân về vẻ ngoài.

+ Thúy Vân làm đòn bẩy để nâng Thúy Kiều nên một vẻ đẹp mới. Một vẻ đẹp vừa hình thức, vừa là phẩm chất, vừa là tài hoa.

+ Qua đây thì cái đẹp đó đã gợi phần nào cho ta về cuộc sống của hai chị em Thúy Kiều. ( Thúy Kiều thì bị thiên nhiên ganh, hờn, nên cuộc đời sẽ có nhiều sóng gió; Thúy Vân sẽ có cuộc sống yên ổn hơn bởi vẻ đẹp dịu hiền hòa )

Bình luận (0)