Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi, đi quyền
Nói đến Bình Định, người ta cứ nghĩ đây là miền đất võ với câu ca dao gợi lên hình ảnh những cô gái mảnh mai nhưng giỏi võ nghệ, nghĩ đến quê hương của người Anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ "Non Tây áo vải cờ đào". Hiển nhiên là thế. Nhưng Bình Định không chỉ có võ mà còn là Bình Định văn hóa, văn chương thi ca với nhiều tên tuổi để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học sử.
Một Đào Duy Từ được tôn vinh là ông Tổ ngành tuồng kiêm nhà quân sự lỗi lạc và nhà thơ.
Một Đào Tấn, ông Hậu tổ của hát bội, một nhà thơ xuất sắc và nhà từ khúc lỗi lạc.
Rồi đất Vân Sơn với 5 cha con họ Nguyễn đều giỏi từ phú, thi ca.
Từ phong trào Thơ Mới đến nay, nhiều cây đại thụ trong làng thơ Việt Nam hiện đại đều được sinh ra, lớn lên hoặc trưởng thành ở chính mảnh đất này. Trước hết, đấy là "Tứ linh" của làng thơ Bình Định: Long - Hàn Mạc Tử; Lân - Yến Lan; Qui - Quách Tấn; Phụng - Chế Lan Viên.
Con "rồng" Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912, mất năm 1940. Ông là người ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông sống và học ở Quy Nhơn từ nhỏ. Hàn có vào Nam làm báo ít lâu rồi lại về Quy Nhơn, mắc bệnh phong và mất ở trại phong Qui Hòa vì bệnh kiết lỵ cấp tính. Mộ Hàn Mạc Tử hiện ở bên dốc Mộng Cầm trong khu du lịch Ghềnh Ráng trên đồi Thi nhân. Hàng ngày, khách thập phương đều đến đây viếng nhà thơ.
Hàn Mạc Tử đứng đầu "Trường thơ loạn" hay "thơ điên" trong phong trào Thơ Mới, thành viên của "Bàn Thành tứ hữu". Ông làm thơ lúc 16 tuổi có tập "Gái quê" xuất bản năm 1936. Sau bị bệnh có các tập "Thơ điên", "Xuân như ý", "Thượng thanh khí", "Cẩm châu duyên"… Về thơ Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên nhận xét: "… Mai sau, những cái tầm thường, mực thước sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mạc Tử".
"Con phượng hoàng" Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, người Cam Lộ, Quảng Trị. Ông sinh năm 1920, mất năm 1989. Từ nhỏ học ở Quy Nhơn. Năm 17 tuổi đã xuất bản tập thơ "Điêu tàn", "như một niềm kinh dị giữa làng thơ Việt Nam" (Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam), viết về dân tộc Chàm chứa đầy những dự cảm hãi hùng và quái dị.
Chế Lan Viên và Yến Lan thường lên "Lầu tư tưởng" ở góc thành Bình Định làm thơ than mây khóc gió. Ông tham gia cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quy Nhơn, cố gắng đổi mới và tìm tòi một con đường nghệ thuật cách mạng. Thơ Chế Lan Viên dần dần có chiều sâu tư tưởng, mang đậm tính chính luận, mạnh dạn thể nghiệm những cách thể hiện mới, nhất là mở rộng khuôn khổ câu thơ, bài thơ, tạo một phong cách độc đáo của thơ Việt Nam những năm đánh Mỹ. Ông đã để lại vài chục tập thơ, bút ký, tùy bút, bình luận văn học, kinh nghiệm sáng tác… có giá trị. Di cảo thơ Chế Lan Viên đã được người bạn đời của ông là nhà văn Vũ Thị Thường sưu tập và lần lượt ra mắt bạn đọc.
"Chú rùa" Quách Tấn người ở Bình Khê (nay là Tây Sơn, Bình Định), sinh năm 1910, mất năm 1993 ở Nha Trang. Hồi nhỏ Quách Tấn học tại Quy Nhơn. Ông làm thơ Đường luật là chủ yếu, không quan tâm đến sự ra đời và phát triển của phong trào Thơ Mới. Kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Quách Tấn làm ủy viên Ủy ban ủng hộ kháng chiến, thủ quỹ Mặt trận Liên Việt huyện Bình Khê. Năm 1954 ông ở lại Nha Trang làm công chức cho chế độ cũ rồi về hưu năm 1965. Quách Tấn có gần 20 tập thơ, phần lớn đều sử dụng các hình thức cổ điển. Nhiều tập khảo cứu, truyện danh nhân, dịch thơ chữ Hán…
"Con lân" Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, người chính gốc An Nhơn (thị trấn Bình Định). Ông sinh năm 1915, học tại các trường trong tỉnh. "Bến Mi Lăng" có lẽ là một trong những bài thơ ra đời sớm nhất trong đời thơ Yến Lan mà đến nay nhiều người còn nhớ. Thơ Yến Lan lúc đầu "mơ màng như đi trong mây mù". Sau theo kháng chiến rồi tập kết ra bắc, thơ Yến Lan thay đổi căn bản trong tư tưởng, đề tài và cảm xúc nghệ thuật, có cốt cách chắc khỏe, hình ảnh và ngôn ngữ sắc nét. Thơ tứ tuyệt Yến Lan có khoảng 400-500 bài "thật sự là tứ tuyệt" chứ không phải là thơ 4 câu. Nhà thơ Yến Lan mất ngày 5-10-1998 tại An Nhơn. "Tứ linh" Bình Định giờ chẳng còn một bóng dáng nào. Nhà thơ Yến Lan có người con trai thứ cũng là nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là Lâm Huy Nhuận, hiện làm biên tập viên văn học ở Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) sinh ở làng Tùng Giảng, huyện Tuy Phước, Bình Định. Cha là đồ nho người Hà Tĩnh. "Ông đồ Nghệ lấy cô hàng nước mắm" mà sinh ra một nhà thơ lớn. Ông học ở Quy Nhơn, làm nhân viên Nha Thương chính Mỹ Tho. Theo cách mạng tháng Tám năm 1945, hoạt động tích cực trong Hội văn nghệ Cứu quốc. Năm 1938, tập thơ đầu tay Thơ Thơ có tiếng vang lớn trong tầng lớp thanh niên, trí thức thành thị, đem đến cho thơ ca đương thời một tiếng nói mới. Cho đến bây giờ, không mấy thanh niên không thuộc câu "Yêu là chết ở trong lòng một ít" của Xuân Diệu. Đi theo cách mạng, sự nghiệp văn chương của Xuân Diệu càng rộ, càng chín, chuyển biến về quan điểm dân tộc và giai cấp rõ rệt. Thơ Xuân Diệu hướng mạnh vào thực tế đời sống và giàu tính thời sự.
Bên cạnh mấy chục tập thơ, văn xuôi cũng là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu. Ông viết bút ký, tùy bút, phê bình văn học, giới thiệu chân dung tác giả. Những công trình tiểu luận của ông rất có giá trị với lối viết sắc sảo, trình độ uyên thâm, lý luận chặt chẽ, tràn đầy nhiệt huyết và cảm xúc.
Sự nghiệp văn học đồ sộ ấy đã đưa ông trở thành Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm nghệ thuật quốc gia Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983. Khi ông mất, nhà nghiên cứu lý luận văn học, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Xuân Trường đã gọi ông là cây đại thụ trong làng văn và nói về vị trí của ông: "Cây đại thụ ngã xuống, cả khoảng trời trống vắng".
Nhà thơ Phạm Hổ quê ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Bình Định. Ông sinh năm 1926, học ở trường làng, say mê văn học từ nhỏ. Ngoài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học, ông thiên về viết thơ và truyện cho thiếu nhi, thành công đặc biệt ở những tác phẩm viết cho nhi đồng. Thơ thiếu nhi của Phạm Hổ đượm sắc thái đồng dao, vui tươi ngộ nghĩnh, dễ thuộc dễ nhớ, giàu tưởng tượng, có nhạc điệu, hợp với tâm lý trẻ thơ. Ông còn là một họa sĩ với những tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh rất có ấn tượng. Nhà thơ Phạm Hổ có con gái là nhà văn Phạm Sông Hồng chuyên viết truyện ngắn mini có sắc thái riêng, gây được chú ý của bạn đọc.
Đội ngũ các nhà thơ trẻ hơn, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ ở Bình Định có thể đếm trên đầu ngón tay. Đó là Lệ Thu, Từ Quốc Hoài, Hà Giao, Văn Trọng Hùng, Xuân Mai… Có thể kể thêm 2 cây bút cùng trang lứa này, tuy không sinh ra ở Bình Định, nhưng mấy chục năm gắn bó với mảnh đất này, sự nghiệp văn chương "chín dần" ở đây. Đó là Nguyễn Văn Chương, Lê Văn Ngăn. Và một cây bút nữ quê ở Huế, làm thơ, in thơ rất hăng - là Ninh Giang Thu Cúc. Tiếp nối là các cây bút trẻ hơn, bước đầu đã định hình, trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam như Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang và các cây bút khác: Khổng Vĩnh Nguyên, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Phổ Đồng, Trần Xuân Toàn, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyên Hiền, Triều La Vỹ, Đào Quí Thạnh, Võ Ngọc Thọ…
Khoảng trời thơ Bình Định trong suốt hành trình giành độc lập tự do của dân tộc, vẫn luôn luôn có những thế hệ tiếp nối. Và hôm nay, cùng với công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, thơ đang trăn trở tìm hướng đổi mới cho mình. Con người Bình Định, nước non Bình Định và truyền thống rực rỡ của thi ca Bình Định nhất định sẽ đóng góp một "khoảng trời riêng" trong bầu trời thơ ca Việt Nam đa dạng, đa phong cách, đã và đang chuyển động hôm nay.