Hướng dẫn soạn bài Lòng yêu nước - I-li-a Ê-ren-bua

LF

1, tìm ngọn nguồn của lòng yêu nước

SM
16 tháng 3 2017 lúc 17:47

1 ngọn nguồn của lòng yêu nước -nêu nhận định về lòng yêu nước,lòng yêu nước bắt nguồn từ lòng yêu những vật tầm thường nhất,thân quen gần gũi nhất -minh họa cụ thể qua hàng loạt các hình ảnh về vẻ đẹp riêng của mỗi vùng miền->Thấm đượm tình cảm yêu mến tự hào của mỗi người -khẳng định khái quát nâng cao thành một quy luật một chân lí *quy luật cái nhỏ->cái lớn("dòng suối...đi ra bể) -chân lí "lòng yêu nhà...trở nên lòng yêu Tổ quốc " =>trình tự lập luận chặt chẽ -kết hợp chính luận với biểu tình kết hợp miêu tả tinh tế chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu đã biểu hiện cảm xúc sôi nổi

Bình luận (0)
NA
16 tháng 3 2017 lúc 17:50

Lòng yêu nước là một tình cảm cao đẹp mà nhân dân ở bất kỳ quốc gia nào cũng có, là một hiện tượng phổ biến của toàn nhân loại. Tuy nhiên, do được hình thành trong một quá trình lâu dài gắn liền với những truyền thống lịch sử và văn hoá cụ thể nên ở mỗi nước, bên cạnh những điểm tương đồng, giống nhau giữa các quốc gia, còn có những đặc trưng riêng. Đối với nước ta, lòng yêu nước luôn là nguồn năng lượng vô tận và sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam.

Là tình yêu quê hương xứ sở

Khác với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam bước vào thời đại dựng nước khá sớm. Trên nền tảng phát triển kinh tế và phân hóa xã hội nhất định, nhà nước Văn Lang ra đời như một đáp ứng khách quan nhu cầu liên kết của các làng xã trong công cuộc đắp đê trị thuỷ và chống xâm lấn. Ngay từ buổi đầu, Làng vớiNước đã gắn chặt với nhau trong mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Cùng với những quan hệ cộng cư vốn có trong từng làng, đã hình thành sự liên kết giữa các làng và vì những lợi ích chung, mối quan hệ có tính bao trùm mà các nhà nghiên cứu gọi là “siêu làng”, cũng dần được xác lập. Khái niệm Nước của người Việt cổ đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Cũng chính vì lẽ đó mà nội dung lòng yêu nước của người Việt trước hết thể hiện khá đậm nét trong tình yêu đối với quê hương xứ sở, tình cảm gắn bó với Làng.

Trong tâm thức người Việt, bám đất bám làng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn là một chuẩn mực đạo lý. Trải qua những thăng trầm lịch sử, người Việt đã từng phải vượt qua những thử thách hết sức hiểm nghèo. Mất độc lập chủ quyền vào tay phong kiến phương Bắc từ năm 179 tr.CN, và trong suốt hơn một nghìn năm chịu sức ép của chính sách đô hộ tàn bạo, người Việt vẫn kiên cường bám trụ để cuối cùng giành lại được độc lập. Truyền thống đó được duy trì và không ngừng phát triển trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Đến thời hiện đại, khi cả dân tộc phải cầm súng đứng lên chống giặc ngoại xâm, khẩu hiệu “Một tấc không đi, một li không rời” xuất hiện như một thách đố hiên ngang chống lại chính sách dồn dân, lập ấp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, không phải là một hiện tượng mới mà thực ra chỉ là sự tiếp nối những nội dung đã có từ rất xưa của truyền thống yêu nước.

Quan hệ “siêu làng” vốn tự nó đã hàm nghĩa liên kết, đoàn kết. Sinh cơ lập nghiệp trên một địa bàn nắng lắm sinh hạn, mưa nhiều sinh lụt lội, lại ẩm thấp nên thường xuyên phải đối phó với dịch bệnh, côn trùng phá hoại mùa màng, liên kết để đắp đê, đoàn kết tương trợ để ứng phó với thiên tai trở thành nhu cầu thiết yếu. Hơn thế, do ở vào vị trí địa lý quan trọng lại kề cận với đế chế Trung Hoa thường xuyên gây chiến tranh xâm lược, sự cố kết để bảo vệ giống nòi trở thành lẽ sinh tồn. Với ý nghĩa đó, yêu nước của người Việt Nam luôn gắn liền vớithương nòi. Đoàn kết, thương yêu nhau, tương trợ giúp đỡ nhau, nhất là những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn đã vượt qua giới hạn của quan niệm nhân đạo thông thường, trở thành một quy phạm đạo đức.

Là bảo tồn di sản văn hóa, ý thức tự tôn dân tộc

Trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ XIII với ba lần chiến thắng giặc Mông - Nguyên hung hãn có thể coi là một thời kỳ oanh liệt, thể hiện sáng chói ý thức tự tôn dân tộc và qua đó, lòng yêu nước của nhân dân lại phát triển lên một bước mới. Nhân vật tiêu biểu cho thời kỳ lịch sử này là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Là một tài năng quân sự kiệt xuất, đã từng viết binh thư và lập nhiều chiến công hiển hách, nhưng khi vua Trần hỏi về kế sách giữ nước, ông không một lời nói về binh pháp mà cắt nghĩa nguyên nhân thắng lợi đã qua là do “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, rồi khuyên vua Trần Anh Tông: “Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”1. Bài học thời Trần, lời nói tâm huyết của vị Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân là sự tổng kết sâu sắc sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Ở vào vị trí giao tiếp văn hóa, ngay từ buổi đầu dựng nước, cư dân của nước Việt đã là một cộng đồng bao gồm nhiều thành phần dân tộc. Cho đến nay, trên dải đất Việt Nam có tới 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Tuy ngôn ngữ, truyền thống văn hóa rất khác nhau nhưng các dân tộc thành viên đều có chung một tình cảm yêu Tổ quốc Việt Nam và vì vậy, lòng yêu nước Việt Nam còn hàm chứa tình yêu thương nhau của những người trong cùng một NƯỚC. Từ xa xưa, hầu như mỗi người dân Việt Nam đều thuộc lòng những câu ca dao:

- Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

- Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Chính truyền thống đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí, cả nước một lòng đã tạo nên sức mạnh vô địch của Việt Nam.

Biểu hiện thường xuyên của lòng yêu nước Việt Nam còn là ý thức trân trọng và quyết tâm bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc. Trước hết, phải kể đến hiện tượng giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc và hầu như trong suốt thời phong kiến, văn tự chính thức được dùng là chữ Hán. Đó là một hệ thống ngôn ngữ hoàn chỉnh và có khả năng biểu đạt cao, là sản phẩm của một nền văn minh rực rỡ. Chữ Hán đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tiếng Việt. Theo các nhà ngôn ngữ học, trong hệ thống từ vựng tiếng Việt hiện nay, có tới 70 - 80% từ có nguồn gốc tiếng Hán. Nhưng tiếng Việt vẫn không bị mất, vẫn là một hệ thống riêng, nhất là xét về mặt cấu trúc ngữ pháp. Để giữ gìn được tiếng mẹ đẻ, người Việt đã phải trải qua một cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ và quyết liệt. Trong thời kỳ phong kiến độc lập, những ông vua có tinh thần dân tộc luôn tìm cách phát triển ngôn ngữ Việt Nam. Đó là lý do ra đời của chữ Nôm. Nét độc đáo trong cuộc đấu tranh bền bỉ này là người Việt đã biết kết hợp ý chí quyết tâm bảo vệ bản sắc dân tộc với thái độ mềm dẻo trong quá trình tiếp biến những yếu tố ngoại lai. Quyết giữ cho được cái thần thái, cái cốt lõi, trong khi có thể vay mượn bất kỳ hình thức nào. Chính nhờ đặc tính này mà người Việt đã không ngần ngại tiếp nhận hệ thống chữ cái Latinh trong thời cận đại.

Do vị trí địa - văn hóa và địa - chính trị, Việt Nam liên tục chịu tác động từ những biến động của thế giới và khu vực, tiếp nhận không ít những ảnh hưởng của các luồng văn hóa ngoại lai, nhưng về cơ bản, người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng trong truyền thống văn hóa. Phép màu giúp người Việt làm được điều đó lại chính là lòng yêu nước.

Bất kể dân tộc nào cũng yêu quý và trân trọng những giá trị văn hóa của mình. Nhưng đối với người Việt Nam, điều đó không còn dừng lại ở tình cảm tự nhiên. Trải qua những hoàn cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, để giữ gìn được bản sắc văn hóa, bảo vệ lối sống riêng của mình, người Việt Nam đã phải trả giá bằng xương máu. Từ đầu Công nguyên, khi chính quyền đô hộ nhà Hán bắt đầu tăng cường chính sách đồng hóa, bắt người Việt phải theo phong tục Hán, nhân dân đã vùng lên dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Tiếp đó, các cuộc nổi dậy không ngớt nổ ra bất chấp sự đàn áp vô cùng tàn khốc của kẻ địch, cũng không ngoài mục đích muốn khẳng định quyền được có lối sống riêng, bảo vệ những di sản văn hoá do cha ông truyền lại.

Đến thế kỷ XVIII, khi tiến công ra Bắc đại phá quân xâm lược Mãn Thanh, trong tuyên ngôn của mình, vua Quang Trung cũng đã nói: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen”. Tóc dài, răng đen ở đây chính là hình tượng văn hóa dân tộc. Mục đích cao cả của sự nghiệp kháng chiến chống Thanh đâu phải chỉ nhằm gìn giữ những phong tục tập quán cụ thể mà là để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền quốc gia, là “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nhưng văn hóa chính là thần thái, là căn cước nhận diện ra một dân tộc. Hơn thế, văn hóa Việt Nam còn là sức mạnh nội tại, là nguồn sinh lực giúp dân tộc đứng vững và vượt qua thử thách để đi lên. Trong khi đó, kẻ thù ngoại bang luôn luôn tìm cách bẻ gẫy, đánh gục Việt Nam bằng các thủ đoạn đồng hóa, xóa bỏ truyền thống văn hóa. Trong hoàn cảnh đó, yêu quý, trân trọng và sẵn sàng xả thân để bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, đối với người Việt Nam chính là một biểu hiện của lòng yêu nước.

Nói tới đất nước phải nói tới lãnh thổ quốc gia. Ở bất cứ đâu, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng là một nội dung quan trọng của lòng yêu nước. Nhưng thật hiếm có nơi nào trên thế giới, mỗi tấc di sản lãnh thổ lại đẫm mồ hôi và máu như ở Việt Nam. Người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác đã phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để khai phá đất đai, không quản hiểm nguy vượt biển khơi để làm chủ các hải đảo xa xôi và bao phen phải hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất, thước sông. Lãnh thổ và chủ quyền quốc gia đối với người Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng, không thể đo đếm được bằng các giá trị vật chất. Thái độ đối với chủ quyền lãnh thổ, hành động bảo vệ hay làm tổn hại đến đất đai của Tổ quốc luôn được coi là một tiêu chí đánh giá lòng yêu nước và trên thực tế cũng đúng như vậy.

Dưới thời Lý, sau khi thất bại trong âm mưu xâm lược Đại Việt, phải rút về nước vào năm 1077, quân Tống định dây dưa chiếm giữ Quảng Nguyên - một châu giáp Trung Quốc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng). Với tinh thần quyết tâm giành lại một phần lãnh thổ của đất nước, nhà Lý đã dùng mọi biện pháp buộc nhà Tống trả lại Quảng Nguyên. Xét về mặt diện tích, Quảng Nguyên không lớn, vị trí cũng không có gì thật đặc biệt, nhưng hành động của nhà Lý đã được sử sách đời đời nhắc đến như một trong những mẫu mực của tinh thần yêu nước.

Thế kỷ XV, trong lịch sử Việt Nam, được coi là thời đại hoàng kim của thời phong kiến. Ngoài Lê Lợi - vị thủ lĩnh tối cao của khởi nghĩa Lam Sơn đã đem lại độc lập cho Tổ quốc - Lê Thánh Tông được coi là một vị minh quân giàu lòng yêu nước và là người sớm có ý thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ. Ông là vị hoàng đế đầu tiên cho vẽ địa đồ toàn quốc và tuyên bố: Một thước núi, một tấc sông của ta không thể vứt bỏ [...]. Ai dám đem một thước núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.

Nội dung nổi trội nhất của lòng yêu nước Việt Nam là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập dân tộc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong thế kỷ XX có thể coi là thử thách lớn nhất của nhân dân Việt Nam trong lịch sử. Người Mỹ đã thừa nhận rằng vũ khí kỹ thuật hiện đại và sức mạnh vật chất khổng lồ của họ đã không thắng được lòng yêu nước Việt Nam. Thậm chí có những chuyên gia còn cho rằng người Mỹ đã chủ quan khi đánh giá sức mạnh tinh thần của người Việt Nam và nếu biết trước được lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc của họ cao đến như vậy thì chưa chắc người Mỹ đã tiến hành chiến tranh. Khẩu hiệu nổi tiếng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đã phát huy đến mức cao nhất lòng yêu nước của người Việt Nam là: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Được nói đến nhiều vào giữa thế kỷ XX nhưng tinh thần của khẩu hiệu này đã xuất hiện từ trước đó hàng nghìn năm.

Vào thế kỷ XI, trong không khí sục sôi quyết chiến và quyết thắng giặc Tống xâm lược, xuất hiện bài thơ bất hủNam quốc Sơn hà (Sông núi nước Nam) tương truyền của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bài thơ được gắn với truyền thuyết thần linh bởi nội dung của nó nói lên tình cảm thiêng liêng nhất của người Việt Nam. Người đời sau coi đó như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, là phương châm hành xử của toàn dân mỗi khi chủ quyền và nền độc lập của đất nước bị xâm phạm.

Đến thế kỷ XV, trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã không quên nhắc lại nguyên tắc này:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc, Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên

xưng đế một phương,

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Vì đã từng nhiều phen phải sống trong cảnh tủi nhục của thân phận nô lệ khi đất nước mất quyền độc lập, người Việt Nam thấu hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, tự do. Tinh thần bất khuất trước kẻ thù, quyết tâm bảo vệ chủ quyền độc lập của Tổ quốc chính là đỉnh cao của lòng yêu nước Việt Nam.

Là phát huy phong tục, tập quán ngàn đời

Lòng yêu nước là nguồn năng lượng vô tận có trong máu của mỗi người dân Việt Nam. Biểu hiện của nó không phải lúc nào cũng là những hành động dũng cảm phi thường, mà được dung dưỡng hằng ngày trong tình cảm với gia đình, với quê hương làng mạc. Nhà - làng - nước là ba cấp độ cộng đồng truyền thống chi phối tâm lý, tình cảm người Việt. Thông thường, lợi ích của ba cấp cộng đồng này không phải dễ dàng thống nhất. Nhà/ gia đình là cộng đồng gắn chặt với quyền lợi trực tiếp, hằng ngày của mỗi người. Tình cảm gia đình của người Việt Nam không đơn thuần chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa những người thân thích nhất, không chỉ vì lợi ích cục bộ, hạn hẹp trong một mái ấm cỏn con. Bởi vì, là người Việt, ai cũng hiểu rằng nước mất thì nhà tan và không thể có hạnh phúc cá nhân, gia đình khi chủ quyền dân tộc bị chà đạp.

Ngay từ thuở ấu thơ, mỗi người Việt đều đã được dạy về lòng yêu nước qua lời ru của mẹ, những câu chuyện kể của bà. Những câu ca dao ca ngợi tình yêu quê hương, thấm đượm tình yêu xóm làng, nghĩa tình đồng bào đã đi vào lòng trẻ nhỏ từ những mái ấm gia đình, để rồi khi giặc đến thì “em thơ cũng hóa anh hùng”.

Quan hệ cộng đồng làng xóm cũng vậy. Đối với người dân quê, lòng yêu nước đâu có phải là điều gì cao xa mà rất cụ thể. Nó bắt nguồn từ sự gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, từ tình cảm dung dị nhưng thiết tha với quê hương bản quán: Làng tôi có luỹ tre xanh/ Có sông uốn khúc chảy quanh xóm làng/ Bên bờ vải nhãn hai hàng/ Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng (Ca dao). Khi người trai làng ra mặt trận, nguồn động viên, khích lệ họ xả thân vì nước nhiều khi chỉ là những tình cảm đơn sơ: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương (Ca dao). Nhưng chính những tình cảm đơn sơ, mộc mạc ấy là những tố chất bền vững nhất tạo nên lòng yêu nước của người Việt Nam.

Hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt đã khiến người Việt Nam sớm nhận ra rằng việc làng không thể tách rời việc nước, muốn bảo vệ được làng phải giữ được nước mà lợi khí tạo nên sức mạnh vô biên của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ làng - nước là khối đoàn kết toàn dân. Cho nên, duy trì, củng cố và phát huy truyền thống đoàn kết, đùm bọc, thương yêu nhau được coi là một chuẩn mực đạo lý, là thể hiện lòng yêu nước. Bên cạnh tình làng xóm là nghĩa đồng bào.

Tục thờ cúng tổ tiên vốn là một tín ngưỡng phổ biến, nhưng hiếm có nơi đâu phong tục này có sức sống mạnh mẽ và có ảnh hưởng rộng lớn như ở Việt Nam. Không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo hay vị thế xã hội, hầu như nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên. Điều đặc biệt là tín ngưỡng này không chỉ dừng lại ở cấp độ gia đình, họ tộc mà có xu hướng phát triển thành một quốc đạo, toàn dân lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Thực tế đó trong đời sống tâm linh người Việt không thể chỉ giải thích giản đơn bằng các lý do tín ngưỡng. Nhớ về cội nguồn, sùng kính tổ tiên là một nghi thức duy trì khối cộng đồng, nhất là trong hoàn cảnh sự tồn vong của cộng đồng luôn bị đe dọa.

Cùng với thờ cúng tổ tiên, tục thờ cúng anh hùng cũng là biểu hiện của lòng yêu nước Việt Nam. Trong suy nghĩ của người Việt, bất luận thế nào, nếu là người có công đánh giặc, cứu nước đều có thể trở thành thần linh, được nhân dân thờ cúng “sinh vi danh tướng, tử vi thần”. Các vị nhân - thần này xuất hiện ngay từ buổi đầu dựng nước. Đó là đức Phù Đổng Thiên Vương có công dẹp giặc Ân. Tiếp đó là Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng,... những người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Từ đó về sau, cùng với những trang sử chống ngoại xâm của dân tộc mỗi ngày một dày, danh sách các vị anh hùng được thờ phụng cũng nối dài thêm. Ghi công và nhớ ơn những anh hùng xả thân cứu nước là nét đẹp văn hóa của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Biểu hiện rực rỡ nhất của lòng yêu nước Việt Nam là tinh thần xả thân vì nước. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy là một lần lòng yêu nước được phát huy đến cao độ. Trong lịch sử Việt Nam, không ít những tấm gương tuổi nhỏ chí lớn như Trần Quốc Toản, “tuổi cao chí càng cao” như các bô lão trong cuộc họp tại điện Diên Hồng, những bậc nữ nhi chân yếu tay mềm nhưng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” như Hai Bà Trưng, Bà Triệu,... Nghĩa là bất kỳ một ai, hễ là người Việt Nam đều tiềm ẩn một khí phách anh hùng, bởi vì tinh thần yêu nước luôn thường trực trong huyết quản của họ.

Từ trước tới nay, khi nói tới biểu hiện của lòng yêu nước, chúng ta thường đề cao các tấm gương anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Điều đó hoàn toàn đúng vì đó là những anh hùng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước Việt Nam. Nhưng biểu hiện của lòng yêu nước, của ý thức tự tôn dân tộc không phải chỉ có vậy.

Trong một lần tiếp xúc với một số chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam, có ngườiđưa ra một chi tiết nhỏ nhưng rất đáng lưu ý2. Ông cho biết khi nghiên cứu các sử liệu Nhật Bản thời trung đại nói về các nước Đông Nam Á, điều khiến ông ngạc nhiên là khi nhắc đến người Việt, các sách này không khi nào ghép chữ man vào đằng trước như thường gặp với người các nước khác ở Đông Nam Á3. Từ thường gặp khi nói tới người Việt làdị quốc nhân, chẳng hạn, An Nam dị quốc nhân. Dị quốc nghĩa là nước lạ. Theo cách giải thích của các chuyên gia Nhật Bản, đó là từ hàm nghĩa tôn trọng. Sau này, với những người từ châu Âu đến, Nhật Bản cũng dùng dị quốc để chỉ. Vì sao người Nhật lại có thái độ như vậy đối với người Việt (phân biệt với người của các nước khác thuộc Đông Nam Á)? Trong thời trung đại, cũng theo lời giải thích của các học giả Nhật Bản, nước Nhật chẳng có hiểu biết bao nhiêu về Việt Nam, nhưng các sứ thần của họ thường gặp các sứ thần Việt Nam ở Trung Quốc. Rất có thể sự uyên bác và ý thức tự tôn dân tộc của các vị sứ thần này đã khiến các vị sứ thần Nhật Bản phải xem xét lại quan niệm Nam man mà người Trung Quốc gán cho người Việt? Nếu quả đúng như vậy thì các vị sứ thần của ta xứng đáng là những người yêu nước chân chính.

Một nhân vật lịch sử nổi tiếng và trong thời kỳ đổi mới được nhắc tới nhiều là Nguyễn Trường Tộ. Ông được đề cao như một nhà cải cách, hay chính xác hơn là một trí thức có những đề xuất cải cách tiến bộ. Đã có không ít công trình nghiên cứu về thân thế sự nghiệp và di cảo để lại của ông. Trân trọng, đánh giá cao những tư tưởng cải cách của ông là cần thiết và đúng đắn, nhưng thực ra, cái cao hơn mà thế hệ sau cần phải học ở ông là lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc lại chưa được nói đúng mức. Ông là người không gặp thời, lại bị thiệt thòi vì thái độ kỳ thị lý lịch và kỳ thị tôn giáo của triều đình nhà Nguyễn. Nhưng xót xa vì cảnh đất nước đắm chìm trong vòng bảo thủ lạc hậu, ông đã bỏ qua tất cả danh lợi cá nhân, dồn hết tâm huyết vào các điều trần những mong đất nước được canh tân. Nhưng kết cục đời ông thật bi thương. Trong những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, ông vẫn kiên trì viết điều trần: “Nên mở cửa chứ không nên khép kín”, nhưng chưa viết xong thì ông đã chết trong đói nghèo và bệnh tật. Là người có tài và nếu muốn, có thể tìm cho mình một cuộc sống nhàn hạ, nhưng ông lại là người mà “những sự cầu danh, lấn lướt, giành công, tham lợi đều coi như nước chảy, mây bay”. Mặc dù bị triều đình bạc đãi, đã có lúc ông phải bôn ba ra nước ngoài, nhưng “trước mặt những người quyền quý, lời nói và việc làm đều giữ thể diện cho đất nước. Nếu ai làm nhục đến các bậc công khanh nước nhà thì đều biện bác ngay không chút sợ sệt [...] tán dương rất mực những điều sở trường của nước mình và che đỡ những điều sở đoản”4. Trong hoàn cảnh éo le như vậy mà hành xử như Nguyễn Trường Tộ, không thể có cách giải thích nào khác rằng ông là người có lòng yêu nước cháy bỏng.

Một vài hạn chế

Trên thực tế, biểu hiện của lòng yêu nước cần phải được nhìn nhận toàn diện từ nhiều góc độ. Quá trình hình thành và phát triển của lòng yêu nước Việt Nam gắn liền với những thử thách hiểm nghèo, những lúc đất nước đứng trước nguy cơ tồn vong nên thường biểu hiện rực rỡ trong những thời khắc lịch sử quyết liệt, nhất là khi đất nước có giặc ngoại xâm. Trong thời bình, sức mạnh đó dường như bị lắng dịu, khiến cho những mặt tiêu cực của chính những yếu tố cấu thành lòng yêu nước dễ bề bộc lộ.

Khi mối lo toan về nguy cơ ngoại xâm vơi giảm thì ý thức đối với cộng đồng lớn - nước - dần nhường chỗ cho những toan tính quyền lợi cục bộ của các cộng đồng nhỏ hẹp như địa phương, làng xóm, gia đình. Đó là mặt hạn chế cố hữu của những cư dân nông nghiệp mang nặng tập tính tự cấp, tự túc. Lịch sử còn để lại cho chúng ta một bài học đắt giá về thời kỳ 12 sứ quân hồi thế kỷ thứ X. Lúc cần phải khẳng định nền độc lập còn non trẻ, toàn dân đã đoàn kết, thống nhất một lòng dưới ngọn cờ của Ngô Quyền, đánh tan giặc Nam Hán làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt vào năm 938. Nhưng khi chủ quyền đã được khẳng định, lẽ ra đất nước có thể bước vào thời kỳ phát triển thanh bình thì các sứ quân lại nổi lên.

Thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, khi độc lập dân tộc không bị đe dọa thì những cuộc chiến tranh phe phái diễn ra triền miên cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau được xây dựng trên tinh thần hòa đồng cũng có mặt trái của nó. Đó là chủ nghĩa bình quân, cào bằng và tệ hại hơn là tâm lí đố kị, ghen ghét sự trội vượt. Những mặt hạn chế này đã cản trở sự phát triển.

Tình yêu quê hương xứ sở và ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa trong những hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt khó tránh khỏi khuynh hướng tuyệt đối hóa cực đoan, cho rằng “cái gì của ta cũng nhất”, thích được khen và rất dễ tự ái khi có người nói đến khiếm khuyết, nhược tật hay hạn chế. Khuynh hướng này thường bộc lộ rõ sau mỗi lần đất nước vượt qua thử thách hoặc lập được một kỳ tích nào đó.

Ý thức tự tôn dân tộc vừa là nội dung cơ bản, vừa là biểu hiện tập trung của lòng yêu nước Việt Nam, là sức mạnh tiềm tàng giúp nhân dân Việt Nam đánh thắng nhiều kẻ thù hung bạo. Nhưng mặt khác, nếu không được điều tiết thì yếu tố này dễ chuyển hóa thành phức cảm tự tôn (superiority complex), một trạng thái tâm lý quá tự tin cho rằng mình tài giỏi hơn người khác. Một khi phức cảm tự tôn xuất hiện và chi phối đời sống tinh thần thì đó chính là lúc khả năng tiếp thu những cái mới của nhân loại bị hạn chế và sức đề kháng của dân tộc cũng bị suy giảm. Còn đó với chúng ta bài học lịch sử của các thời Hậu Trần, Hậu Lê và nhất là giai đoạn cuối của triều Nguyễn.

*

Lòng yêu nước Việt Nam được hình thành và phát triển trong suốt quá trình lịch sử lâu dài đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là báu vật trong di sản truyền thống của dân tộc. Người Việt Nam đã biết phát huy đến cao độ sức mạnh của lòng yêu nước để vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Từ thân phận một nước thuộc địa, Việt Nam được thế giới biết đến như một dân tộc anh hùng chính là vì “nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dũng cảm đứng lên đánh bại những “đế quốc to” tự giải phóng mình và làm gương cho các dân tộc thuộc địa khác.

Năm 2014 khép lại với hai sự kiện nổi bật gắn với lòng yêu nước Việt nam. Đó là giỗ đầu Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Sự kiện thứ nhất gợi cho chúng ta nhớ lại lễ tang của Đại tướng mà thực chất là một cuộc biểu dương lực lượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - một tình cảm thiêng liêng nhưng tưởng đâu đã dịu lắng vì chiến tranh đã lùi xa. Tình cảm toàn dân, nhất là giới trẻ dành cho Đại tướng cho thấy những giá trị truyền thống của lòng yêu nước Việt Nam vẫn còn nguyên đó. Còn sự kiện thứ hai lại là minh chứng hùng hồn về lòng yêu nước Việt Nam giống như nguồn năng lượng vô tận, mỗi khi được khơi dậy lập tức trở thành một sức mạnh phi thường.

Sức mạnh của lòng yêu nước Việt Nam còn rất tiềm tàng và cần được khơi dậy trong những điều kiện và hoàn cảnh mới có thể là động lực đưa đất nước vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Muốn vậy cần phải hiểu toàn diện hơn, sâu sắc hơn những gì mình có để có thể biến tất cả những gì mình có thành sức mạnh hiện thực.

Bình luận (1)

Các câu hỏi tương tự
H24
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
TN
Xem chi tiết
BH
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
SK
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết