Đề bài : Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
5 coin

Đề bài : Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân

Tình yêu quê h¬ương đất nước trong mỗi con người cụ thể mang một hình hài riêng. Có thể là sự hi sinh anh dũng của những chiến sĩ ngoài mặt trận, có thể là công sức khai hoang, vun trồng những thửa ruộng, có thể là cái mư¬ợt mà hay hùng tráng của một khúc ca ca ngợi tình ngư¬ời, tình đời, v.v... Và ở đây là tình yêu, sự gắn bó thuỷ chung với cái làng của mình, của một ngư¬ời nông dân phải rời làng đi tản cư¬ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp – ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân.

“Làng” được viết trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, đăng lần đầu trên báo Văn nghệ năm 1948. Kim Lân miêu tả thành công diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin đồn làng ông theo giặc. Qua đó, nhà văn muốn ca ngợi tình yêu nước của ông nói riêng và của nhân dân ta nói chung.

Phần đầu truyện, tác giả dành viết về tình làng, yêu nước rất đặc biệt, rất ông Hai. Có thể nói, quê hương, làng nước là máu thịt trong tâm hồn của người nông dân, dù có đi đâu, ở đâu thì họ cũng “Ghánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Nguyễn Khoa Điềm). Vì vậy, với vốn hiểu biết tận tường văn hóa nông thôn, Kim Lân đã mang đến cho người đọc một cái tình rất ông Hai.
Ông Hai quê ở làng Chợ Dầu. Cái tên “Chợ Dầu” ấy đã là một địa điểm định vị tình yêu của ông trong trái tim ông. Trái tim ấy luôn đập những nhịp tình yêu với cái làng quê ấy. Tình yêu làng của ông Hai được Kim Lân thể hiện qua nhiều trạng thái cung bậc cảm xúc. Trước hết tình yêu ấy của ông Hai là cái tính hay khoe làng. Ban đầu, ông khoe lăng mộ của tên Tổng đốc, về sau ông biết vì cái lăng mộ ấy mà bao nhiêu người phải khổ thì ông không khoe nữa. Đó là sự trưởng thành trong nhận thức của ông. Sau cách mạng, ông khoe làng mình là làng kháng chiến, ông nói về làng với tâm trạng “say mê, náo nức lạ thường”. Đi tản cư mà ông không muốn đi vì ông muốn ở lại giữ đất giữ làng. Nhưng được cán bộ động viên: đi tản cư cũng là đi kháng chiến, ông mới chịu ưng thuận. Ở nơi tản cư, ông luôn trong tâm trạng nhớ làng. Sau những giây phút làm việc mệt nhọc, nằm gác tay lên trán, ông lại nghĩ về làng. Ông muốn được về làng, muốn “cùng mọi người đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá”. Ông băn khoăn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc còn khướt lắm?”. Trời nắng gắt, ông vẫn “nghênh ngang”, “cái đầu cung cúc lao về phía trước”, ông mừng vì “Nắng này là bỏ mẹ chúng nó!”, “Tây ấy chứ còn chúng nó nào nữa. Ngồi trong vị trí giờ bằng ngồi tù”. Ông không biết chữ, nhưng ngày nào ông cũng đến phòng thông tin nghe đọc báo. “Ông cứ đứng vờ vờ xem tranh ảnh chờ người khác đọc rồi nghe lỏm”. Nghe tin kháng chiến “chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, cả súng ống cũng vậy, hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại, làm gì mà rồi thằng Tây không bước sớm”. Được nghe bao điều hay làm “ruột gan ông lão như múa cả lên, vui quá!”. Bước ra khỏi phòng thông tin, ngẫm nghĩ mà “bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc”. Tình yêu làng của ông Hai cũng là tình yêu của biết bao nhiêu con người Việt Nam trong kháng chiến. Chính tình yêu ấy là động lực thôi thúc họ giữ đất, giữ làng, giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Tình yêu làng của ông được bộc lộ một cách sâu sắc và cảm động hơn trong hoàn cảnh thử thách. Kim Lân đã đặt nhân vật vào tình huống gay gắt để bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật. Đó là tin làng Chợ Dầu lập tề theo giặc. Cụ thể ông vừa bước ra khỏi phòng thông tin tuyên truyền: “Bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu”. Ông nghe được bao nhiêu điều hay: “Một em nhỏ trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì lên Tháp Rùa… Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng một quả lựu đạn cuối cùng. Đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người đi mua hàng đã bắt sống một tên quan hai bốt Thao ngay giữa chợ”… Trong tâm trạng náo nức ấy, ông nghe được tin từ người đàn bà tản cư dưới xuôi lên: Cả làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây: “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi”. Ông lão “chết lặng đi tưởng như đến không thở được”. Niềm tự hào của ông Hai sụp đổ tan tành. Tình yêu làng quá lớn khiến sự sụp đổ một niềm tin cũng đến rất nhanh trong bản thân con người ông.
Tình huống ấy đã thể hiện sâu sắc tình yêu làng của ông Hai. Ban đầu mới nghe tin, ông đau đớn: “Cổ họng ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi”. Nhà văn đã miêu tả tâm trạng của ông Hai gián tiếp qua tả nét mặt và giọng nói. Giọng nói “lạc hẳn đi”, “da mặt tê rân rân”… là những từ ngữ miêu tả rất đậm nét cái tâm trạng gỡ ngàng, chua chát và “sụp đổ”của ông. Ông không tin vào điều người đàn bà tản cư nói. Ông lão giả vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Ông đánh trống lảng để về vì xấu hổ, đau đớn. Trên đường về, ông “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Như vậy, tình yêu làng bị sụp đổ, tình cảm của ông bị tổn thương. Và chỉ có tình yêu sâu nặng với quê hương của mình, con người ta mới thấy nỗi đau đớn ấy mà ông Hai là một ví dụ điển hình. Còn gì đớn đau hơn khi lòng tự tôn của mình lại bị một sự thật bẽ bàng làm cho sụp đổ. Còn gì đớn đau bằng cái nỗi đau về nơi mình luôn tự hào lại là nơi mình phải hổ thẹn?
Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường vừa tủi thân, vừa thấy nhục nhã: “Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”. Nghệ thuật độc thoại nội tâm diễn tả cụ thể những câu hỏi giằng xé trong đầu ông Hai. Nếu không yêu làng đến thế thì ông không đau đớn, tủi nhục đến vậy. Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng, ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Niềm tin, nỗi ngờ vực giằng xé trong ông. Ông kiểm điểm lại từng người trong óc, thấy họ đều có tinh thần cả “có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy”. Ông đau xót nghĩ đến cảnh “người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”.
Từ đau đớn, nhục nhã, tâm trạng ông Hai chuyển sang lo lắng, sợ hãi: “Đã ba bốn hôm nay, ông Hai không bước chân ra đến ngoài, cả đến bên bác Thứ ông cũng không dám sang. Suốt ngày ông chỉ quanh quẩn ở trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng … Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam – nhông… là ông lủi ra một góc nhà, nín thít.”. Nỗi ám ảnh, day dứt nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông. Ông cảm thấy như mình mang nỗi nhục của tên bán nước Việt gian theo Tây. Từ chỗ một con người sống cởi mở, niềm nở, ông trở thành người khép nép, lo lắng.
Tình thế của ông càng trở nên bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà có ý đuổi gia đình ông với lý do không chứa người của làng Việt gian. Ông đau khổ không phải vì bị đuổi đi mà đau khổ vì lí do bị đuổi. Trong lúc tưởng tuyệt đường sinh sống ấy, ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”, là cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây. Tình yêu làng lúc này đã lớn rộng thành tình yêu nước bởi dẫu tình yêu, niềm tin và tự hào về làng Dầu có bị lung lay nhưng niềm tin về Cụ Hồ và cuộc kháng chiến không hề phai nhạt. Đó là cả một nhận thức lớn trong tâm hồn của người nông dân. Ông Hai đã lựa chọn một cách đau đớn và dứt khoát: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Dù đã xác định thế nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm của mình đối với quê hương. Bởi thế mà ông càng xót xa, đau đớn. Người nông dân trong văn của Kim Lân là như thế, yêu ghét rõ ràng, rạch ròi.
Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết tìm niềm an ủi trong lời tâm sự với đứa con trai nhỏ. Nói với con mà thực ra là đang trút nỗi lòng mình. Ông hỏi con những điều đã biết trước câu trả lời: “Thế con ủng hộ ai?”… Lời đứa con vang lên trong ông thiêng liêng mà giản dị: “- Nhà ta ở làng Chợ Dầu”, “- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!”… Những điều ấy ông đã biết, vẫn muốn cùng con khắc cốt ghi tâm. Hình thức đối thoại nhưng mang tính chất độc thoại thể hiện lòng yêu sâu nặng của ông với làng, tấm lòng chung thủy của ông với cách mạng, với kháng chiến, với Cụ Hồ. Ông mong “anh em đồng chí biết cho bố con ông... Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Những suy nghĩ của ông như những lời nguyện thề son sắt. Ông xúc động, nước mắt “chảy ròng ròng trên hai má”. Tấm lòng của ông với làng, với nước thật sâu nặng, thiêng liêng.
Kim Lân quả thật rất tài tình khi miêu tả tâm trạng ông Hai. Nhà văn như lọt được vào trong mê cung tâm trạng ấy để mang lại những thước phim quay chậm rất chân thực và cảm động về tình yêu làng cháy bỏng của ông Hai. Đó là lúc ông nghe được tin “cải chính” làng Chợ Dầu không theo giặc. Ông Hai sung sướng như được sống lại. Và khi trở về “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Ông mua cho con bánh rán đường rồi vội vã, lật đật đi khoe với mọi người. Đến đâu cũng chỉ mấy câu: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính. Cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi Việt gian đi Tây ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả...”. Hành động thì “múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”. Ông khoe nhà mình bị đốt sạch, đốt nhẵn như là minh chứng khẳng định làng ông không theo giặc. Mất hết cả cơ nghiệp mà ông không hề buồn tiếc, thậm chí còn rất sung sướng, hạnh phúc. Bởi lẽ, trong sự cháy rụi ngôi nhà của riêng ông là sự hồi sinh về danh dự của làng Chợ Dầu anh dũng kháng chiến. Đó là một niềm vui kỳ lạ, thể hiện một cách đau xót và cảm động tình yêu làng, yêu nước, tinh thần hy sinh vì cách mạng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
Cách miêu tả chân thực, sinh động, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, tự nhiên như cuộc sống cùng với những mâu thuẫn căng thẳng, dồn đẩy, bức bối đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của câu chuyện, đồng thời còn thể hiện sự am hiểu và gắn bó sâu sắc của nhà văn với người nông dân và công cuộc kháng chiến của đất nước.
Tóm lại, Kim Lân đã đưa vào tác phẩm một nhân vật sống động mang vẻ đẹp riêng về người nông dân Việt Nam những năm đầu kháng chiến chống Pháp: yêu làng, yêu nước sâu sắc và quyết tâm đi theo kháng chiến, theo Cụ Hồ. Có lẽ vì thế mà tác phẩm “Làng” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.
--------
 

 


Danh sách các phiên bản khác của bài học này. Xem hướng dẫn
Trúc Giang đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (8 tháng 8 2021 lúc 20:27) 0 lượt thích

Khách