Bài 26-27. Cảm ứng ở động vật

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Khái niệm cảm ứng ở động vật

Cảm ứng là khả năng tiếp nhận kích thích và phản ứng lại các kích thích từ môi trường sống đảm bảo sinh vật tồn tại và phát triển.

  • Tốc độ phản ứng lại các kích thích từ môi trường của động vật nhanh hơn của thực vật.
  • Ở động vật có tổ chức thần kinh, phản xạ được coi là một dạng điển hình của cảm ứng. Phản xạ thực hiện được là nhờ cung phản xạ. Cung phản xạ bao gồm:
    • Bộ phận tiếp nhận kích thích (thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm).
    • Đường dẫn truyền vào (đường cảm giác).
    • Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin để quyết định hình thức và mức độ phản ứng (thần kinh Trung ương).
    • Bộ phận thực hiện phản ứng (cơ, tuyến,...).
    • Đường dẫn truyền ra (đường vận động).
  • Hình thức, mức độ và tính chính xác của cảm ứng ở các loài động vật khác nhau phụ thuộc vào mức độ tổ chức thần kinh của chúng.
  • Không phải tất cả các phản ứng đều là phản xạ. Ví dụ: phản ứng co của một bắp cơ tách rời khi bị kích thích không coi là phản xạ.

II. Cảm ứng ở động vật chưa có tổ chức thần kinh

  • Động vật đơn bào chưa có tổ chức thần kinh, chúng phản ứng lại các kích thích bằng chuyển động cả cơ thể hoặc co rút chất nguyên sinh.
  • Ví dụ: trùng giày bơi tới chỗ có nhiều ôxi, trùng biến hình thu chân giả để tránh ánh sáng chói.

III. Cảm ứng ở động vật có tổ chức thần kinh

1. Cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh dạng lưới

  • Ngành Ruột khoang có hệ thần kinh dạng lưới.
  • Các tế bào thần kinh nằm rải rác trong cơ thể và liên hệ với nhau qua các sợi thần kinh, tạo thành mạng lưới tế bào thần kinh.
  • Các tế bào thần kinh có các sợi thần kinh liên hệ với tế bào cảm giác và liên hệ với tế bào biểu mô cơ (có chức năng co rút cơ). Khi tế bào cảm giác bị kích thích, thông tin sẽ được truyền về mạng lưới thần kinh và sau đó đến các tế bào biểu mô cơ, động vật co mình lại để tránh kích thích.

Hệ thần kinh dạng lưới ở thủy tức

2. Cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch

  • Hệ thần kinh dạng chuỗi hạch có ở động vật có cơ thể đối xứng hai bên thuộc ngành Giun dẹp, Giun tròn, Chân khớp.
  • Các tế bào thần kinh tập trung lại thành hạch thần kinh. Các hạch thần kinh được nối với nhau bởi các dây thần kinh và tạo thành chuỗi hạch thần kinh nằm dọc theo chiều dài cơ thể.
  • Động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch phản ứng lại kích thích theo nguyên tắc phản xạ. Hầu hết các phản xạ của chúng là phản xạ không điều kiện.

@793903@

3. Cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh dạng ống

a. Cấu trúc của hệ thần kinh dạng ống

  • Hệ thần kinh dạng ống gặp ở động vật có xương sống như cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú.
  • Hệ thần kinh dạng ống được cấu tạo từ hai phần rõ rệt: thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.
    • Hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống.
    • Hệ thần kinh ngoại biên gồm dây thần kinh và các hạch thần kinh.
  • Các bộ phận của hệ thần kinh dạng ống có chức năng khác nhau. Đặc biệt, não bộ phát triển mạnh và là bộ phận cao cấp nhất tiếp nhận và xử lý hầu hết thông tin đưa từ bên ngoài vào, quyết định mức độ và cách phản ứng.

b. Hoạt động của hệ thần kinh dạng ống

  • Hệ thần kinh dạng ống hoạt động theo nguyên tắc phản xạ.
  • Các phản xạ đơn giản thường là phản xạ không điều kiện và do một số tế bào thần kinh nhất định tham gia.
    • Gồm các bộ phận: bộ phận tiếp nhận kích thích, đường dẫn truyền vào, bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin để quyết định hình thức và mức độ phản ứng, bộ phận thực hiện phản ứng.
    • Ví dụ: ngón tay co lại khi bị kim đâm vào.

Sơ đồ cung phản xạ tự vệ ở người

  • Các phản xạ phức tạp thường là phản xạ có điều kiện và do một số lượng lớn tế bào thần kinh tham gia, đặc biệt là sự tham gia của tế bào thần kinh vỏ não.
    • Số lượng phản xạ có điều kiện ngày càng tăng, nhờ đó động vật thích nghi tốt hơn với môi trường sống.
    • Ví dụ: khi tham gia giao thông gặp đèn đỏ thì phải dừng lại.